Sài Gòn – “Điểm thứ hai, tòa tiếp tục tiếp diễn đến phần xét hỏi thì bà Thêu đã thể hiện sự bức xúc. Và, khi Luật sư trực tiếp hỏi các nhân chứng là công an viên – đã trực tiếp đưa bà Thêu từ chòi canh xuống [dưới đất] – công an viên này nói bà Thêu đã cào xước cổ [ông ta], bà Thêu giật đứt cúc áo cổ [ông ta]. Tôi cho rằng, nhân chứng này đã đưa ra những chứng cớ không đúng sự thật, bởi vì công an viên này nói đã còng tay trái của bà Thêu vào tay phải của vị này, sau đó bế bà Thêu xuống, thế nhưng khi tôi đưa ra tấm ảnh cho thấy tay trái của vị nhân chứng này đang kéo bà Thêu từ chòi canh ra và tay phải đang bám vào chỗ khác, [để chứng minh] những lời nói của vị này không đúng. Ngoài ra, Luật sư hỏi về các vấn đề giám định tư pháp những vết thương [cào xước ở cổ] có đúng do bà Thêu gây ra cho vị công an này hay không… nhưng sự việc cứ vòng vo tam quốc không đưa ra được những chứng cứ xác thực, mà tôi nhận thấy những chứng cứ này mang tính chất bịa đặt nhằm mục đích cản trở.” Luật sư Trần Thu Nam, một trong những Luật sư bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu nhận định.
Sau đây xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa Pv. VRNs với Ls Trần Thu Nam
Huyền Trang, VRNs: Thưa Luật sư Trần Thu Nam, hôm 19.09.2014 là ngày Tòa án đưa ba bị cáo Dân oan Dương Nội ra xét xử là Dân oan Cấn Thị Thêu, ông Trịnh Bá Khiêm và ông Lê Văn Thanh, mà Luật sư là người tham gia bào chữa cho bà Thêu, vậy xin Luật sư có thể tóm tắt lại vụ án này cho mọi người được biết ạ?
Ls Trần Thu Nam: Đây là vụ án xét xử ba người Dân oan Dương Nội theo Điều 257 BLHS “chống người thi hành công vụ”. Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng Sự đã cử tôi là Luật sư Trần Thu Nam và Luật sư Nguyễn Thị Huệ là hai Luật sư bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu trong phiên tòa ngày 19.09.2014.
Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát (VKS), bà Thêu bị truy tố và bị đưa ra xét xử bởi vì bà Thêu có những hành vi đứng trên cái chòi canh ở khu vực giải phóng mặt bằng để quay phim, chụp ảnh buổi cưỡng chế, bà la hét chửi bới mọi người. Khi mọi người [công an?] lên chòi canh đưa bà Thêu xuống, thì bà đã chống đối lại [bằng cách] giật áo của một người công an khiến cho áo bị đứt cúc áo cổ và bị xước da cổ, nên bà đã bị giam giữ và bị truy tố với tội danh chống người thi hành công vụ.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Luật sư, theo thông tin phiên tòa này xử công khai và vụ án này cũng được xem là “nhạy cảm” như một số vụ án khác, nên Tòa án đã không cho người dân vào dự khán, nhưng Luật sư được vào tham dự phiên tòa, vậy Luật sư có thể cho mọi người biết diễn biến của phiên tòa sáng nay là như thế nào ạ?
Ls Trần Thu Nam: Phiên tòa này có nhiều vấn đề mà chúng tôi thấy không bình thường như các phiên tòa khác:
Điểm thứ nhất, toàn bộ nhân chứng và những người có quyền nghĩa vụ liên quan chính là những người tham gia cưỡng chế [đất] như công an viên, những người thuộc công ty Gleximco để lấy đất của dân Dương Nội xây dựng. Ngay từ ban đầu mở phiên tòa, tôi thấy không khách quan rồi. Sau khi Hội đồng Xét xử (HĐXX) gọi tên những người trong danh sách được triệu tập, tôi nhận thấy có những nhân chứng như ông Trần Văn Tuyên – nhân chứng trực tiếp chứng kiến vụ việc của bà Thêu – bà con dân oan Dương Nội không có trong danh sách được triệu tập. Tôi hỏi HĐXX, tại sao không có những người này, thì HĐXX nói rằng, đây là lỗi đánh máy của thư ký đã không đưa [họ] vào danh sách [được triệu tập]. Sau đó, tôi đề xuất phải có những nhân chứng khách quan, phiên tòa mới được khách quan, nhưng HĐXX đã không chấp nhận. Bình thường theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự trong một phiên tòa là sau khi kiểm tra những người có mặt và vắng mặt, HĐXX sẽ hỏi ý kiến của VKS, hỏi ý kiến của Luật sư, hỏi ý kiến các bị can bị cáo rằng phiên tòa này vắng mặt [các nhân chứng] như thế thì mọi người có ý kiến gì không, có tiếp tục diễn ra phiên tòa hay không?… Nhưng lần này, HĐXX kiểm tra qua loa, rồi tiếp tục xét xử mà không hỏi ý kiến Luật sư về sự vắng mặt của rất nhiều nhân chứng. Tôi thấy phiên tòa không ổn nên tôi đã đề nghị thay đổi vị thẩm phán phiên tòa. Sau khi HĐXX hội ý, họ đã không chấp nhận sự đề nghị thay đổi thẩm phán của Luật sư.
Điểm thứ hai, tòa tiếp tục tiếp diễn đến phần xét hỏi thì bà Thêu đã thể hiện sự bức xúc. Và, khi Luật sư trực tiếp hỏi các nhân chứng là công an viên – đã trực tiếp đưa bà Thêu từ chòi canh xuống [dưới đất] – công an viên này nói bà Thêu đã cào xước cổ [ông ta], bà Thêu giật đứt cúc áo cổ [ông ta]. Tôi cho rằng, nhân chứng này đã đưa ra những chứng cớ không đúng sự thật, bởi vì công an viên này nói đã còng tay trái của bà Thêu vào tay phải của vị này, sau đó bế bà Thêu xuống, thế nhưng khi tôi đưa ra tấm ảnh cho thấy tay trái của vị nhân chứng này đang kéo bà Thêu từ chòi canh ra và tay phải đang bám vào chỗ khác, [để chứng minh] những lời nói của vị này không đúng. Ngoài ra, Luật sư hỏi về các vấn đề giám định tư pháp những vết thương [cào xước ở cổ] có đúng do bà Thêu gây ra cho vị công an này hay không… nhưng sự việc cứ vòng vo tam quốc không đưa ra được những chứng cứ xác thực, mà tôi nhận thấy những chứng cứ này mang tính chất bịa đặt nhằm mục đích cản trở.
Điểm thứ ba, trong việc này, gia đình bà Thêu và những người dân Dương Nội khác bị thu hồi đất, họ đã đi khiếu kiện rất nhiều nơi nhưng việc khiếu kiện của họ không được giải quyết, nên họ không nhận tiền đền bù, cho nên bà Thêu muốn phản đối lại việc thu hồi đất của [nhà cầm quyền]. Do vậy tôi nhận thấy việc xét xử bà Thêu có vấn đề. Liệu đây có phải là ngăn chặn những tiếng nói phản đối việc thu hồi đất hay không? Đây là một vấn đề chúng ta cần nghiên cứu và xem xét rõ.
Sau khi chúng tôi đưa ra những quan điểm bảo vệ thì gần như bị Chủ tọa ngắt lời, không cho chúng tôi nói về các vấn đề liên quan đến đất cát, không cho chúng tôi đề cập đến những văn bản của các [nhà cầm quyền] cơ sở ủng hộ người dân trong việc đề nghị không thu hồi đất nữa. Chủ tọa liên tục cắt lời, không cho chúng tôi bào chữa, nên chúng tôi phải ra về. Ra về mà không thể thực hiện được việc bào chữa.
Huyền Trang, VRNs: Vâng thưa Luật sư Trần Thu Nam, chưa kết thúc phiên tòa thì Luật sư đã rời khỏi phiên tòa, vậy Luật sư có được trình bày phần bào chữa của Luật sư hay không ạ? Và, nếu như thế thì làm sao Luật sư có thể trình bày được phần bào chữa của Luật sư cho bị cáo ạ?
Ls Trần Thu Nam: Chúng tôi đang trình bày dở dang, chưa trình bày được hết vì quá trình trình bày của chúng tôi bị gián đoạn, bị chính Chủ tọa phiên tòa cản trở nên chúng tôi không thể thực hiện được. Nếu tiếp tục phiên tòa như một cái chợ tranh cãi giữa Luật sư và Chủ tọa phiên tòa về việc bào chữa thì nó sẽ không mang lại kết quả gì. Tôi nghĩ, việc tham gia của Luật sư trong các phiên tòa như thế này không mang lại được nhiều giá trị, không mang lại kết quả nhiều cho các bị cáo, [bởi vì] đã có sự sắp xếp trước rồi thì việc bào chữa trả cần thiết nữa, nó chỉ mang tính chất hình thức. Cho nên chúng tôi đã đề nghị ra về.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Luật sư, Tòa án tuyên Dân oan Cấn Thị Thêu 15 tháng tù giam, ông Trịnh Bá Khiêm 18 tháng tù giam và ông Lê Văn Thanh 12 tháng tù giam thì với tư cách là Luật sư bào chữa cho bị cáo Cấn Thị Thêu, Luật sư bình luận như thế nào về bản án này?
Ls Trần Thu Nam: Sau khi kết thúc phiên tòa, Tòa án sẽ gửi bản án cho chúng tôi và chúng tôi sẽ có phản ứng về việc này.
Huyền Trang, VRNs: Thưa luật sư, hiện nay, rất nhiều bà con dân oan bị nhà cầm quyền quy kết vào điều 257 BLHS “chống người thi hành công vụ” khi những người dân oan này kiên quyết bảo vệ đất của họ cho đến cùng rồi họ bị quy kết những bản án oan sai, ông bình luận như thế nào về điều này và ông có lời khuyên gì dành cho những người dân oan đi khiếu khiện?
Ls Trần Thu Nam: Đây là một điều rất là khó. Một người nào đó bị mất đất mà việc khiếu nại khiếu kiện của họ đến các cơ quan có thẩm quyền thường không đạt được các kết quả như mong muốn, việc giải quyết các khiếu nại không được thỏa đáng. Khi đó, [người dân] vừa bị mất đất sản xuất mà không được [nhà cầm quyền] giải quyết các khiếu nại thỏa đáng thì họ rơi vào tình trạng bức xúc và phản ứng lại một cách thái quá trước việc cưỡng chế thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền địa phương. [Người dân] vừa bị mất đất, vừa bị truy tố về tội danh theo Điều 257 BLHS “chống người thi hành công vụ” thường xuyên xảy ra ở VN, ở nhiều địa phương với sự bức bối cho người dân, vì thế tôi thấy rằng, đây là một việc hết sức cẩn thận trong việc phản ứng của người dân.
Huyền Trang, VRNs: Xin chân thành cám ơn Luật sư và kính chúc sức khỏe ông.
Huyền Trang, VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét