LTCGVN (27.09.2014)
Sài Gòn – Mấy ngày vừa qua, Tiểu thương chợ Tân Bình thuộc Quận Tân Bình, Sài Gòn biểu tình yêu cầu UBND Quận Tân Bình không triển khai dự án chuyển chợ truyền thống thành Trung tâm thương mại.
Các tiểu thương chợ Tân Bình phản đối dự án này là vì, họ đã buôn bán từ trước đến giờ đã quen khách, quen chỗ và người mua hàng cũng biết kiốt của họ, nên bây giờ xáo trộn lại nơi buôn bán là điều họ không mong muốn.
Về mặt bồi thường nhà cầm quyền hứa sẽ bố trí nơi buôn bán cho các tiểu thương chỗ này chỗ kia cho thích hợp, nhưng với kinh nghiệm của các Tiểu thương chợ Long Khánh và chợ Tam Hiệp cho thấy, phần lớn nhà nước bố trí các kiốt cho các tiểu thương chỉ nhằm thuận lợi cho nhà Dự án, nhà Đầu tư mà không nhắm đến lợi ích của các tiểu thương, chính vì thế các tiểu thương cảm thấy quyền lợi của họ đang bị xâm phạm. Chưa kể khi chợ trở thành khu thương mại thì sẽ ưu tiên cho các Công ty và Doanh nghiệp buôn bán nơi đây, nên các tiểu thương lo lắng cho công việc buôn bán của họ, vì thế họ không tin vào các lời hứa của nhà cầm quyền.
Bà Duyên, một tiểu thương chợ Tân Bình cho biết, bà con đã gầy dựng thương hiệu chợ Tân Bình trong suốt hơn 30 năm qua:
“Những năm 80 đây là khu đất sình lầy, khi đó các tiểu thương và quản lý chợ đóng góp tiền xây dựng, để có một chỗ ở ổn định [làm ăn], sau đó tạo dựng thương hiệu chợ Tân Bình ngày hôm nay. Nơi kinh doanh của các tiểu thương là mấy chục năm rồi, có người ít nhất là mười mấy năm, còn lại là hai mươi năm và ba mươi năm. Ở đây, họ làm ăn nuôi gia đình và [thuê] hàng ngàn nhân công. Bây giờ, lấy chợ này xây dựng thành trung tâm thương mại thì sự bình yên của chợ bị xáo trộn, khiến cho các tiểu thương mất ăn mất ngủ, lo lắng và khát khao giữ lại nét truyền thống của chợ, vì họ không muốn mất đi cái nơi buôn bán đã bao nhiêu năm dầy công vun xén.”
Bà Loan nhận xét, nhiều trung tâm thương mại trong cả nước đang hoạt động đã không khả thi, sau khi Nhà nước triển khai Dự án này thay thế cho chợ truyền thống, cũng như những bất hợp lý trong Dự án:
“Ở Hà Nội đã từng có nhiều dự án chuyển chợ truyền thống sang trung tâm thương mại nhưng hiện tại các trung tâm này không buôn bán được, cho nên Hà Nội đã bỏ dự án này mà chỉ xây chợ thôi. Tại sao Tp. HCM còn làm? Các trung tâm thương mại ở Tp.HCM như là Parkson, Vincom… người bán nhiều hơn người mua, không có người đi mua… Vậy chợ Tân Bình xây dựng thành trung tâm thương mại thì làm sao mà bán được?…
[Nhà nước] nói rằng, cái chợ này xuống cấp, nhưng Ban quản lý không cho sửa, nếu cho các tiểu thương sửa chữa thì họ sẽ sửa.
Thực tế, chúng tôi xây dựng 1m2 chỉ mất 8 triệu đồng, 3 m2 thì mất 24 triệu đồng, trong dự án này chúng tôi muốn có một sạp mới phải đóng 432 triệu/ 1 sạp (khoảng 3m2), mà phải tiền trước khi xây chợ, trong khi đó tôi chưa nhìn thấy vị trí của tôi thuê trong cái trung tâm này là như thế nào. Nếu tiểu thương nào không mua sạp mới [đi nơi khác làm ăn] sẽ được đền bù 30 triệu đồng. Đây là một điều bất hợp lý. [Tiếp đến], trung tâm thương mại, khách hàng có thể đi từ lầu này qua lầu khác mua một cái áo…, nhưng chợ bán sỉ lẻ như chợ Tân Bình thì họ không thể vác cái bao [chứa nhiều hàng] đi từ lầu này qua lầu khác được. Ở chợ Tân Bình có xây lầu hai nhưng không ai bán… chợ Văn Thánh xây xong tầng trệt mà cũng không buôn bán được huống chi xây lầu.”
Bà Cúc e ngại các tiểu thương phải gánh thêm nhiều chi phí sau khi xây dựng khu trung tâm thương mại: “Hiện nay, chúng tôi chưa biết Dự án xây chợ này là như thế nào, sau đó Ban quản lý mới cho chúng tôi biết. Khi chúng tôi vô chợ mới, chúng tôi đã mất sạp cũ, phải mua sạp mới với giá 432 triệu đồng/ 1 sạp, hàng tháng phải đóng thêm 400 ngàn đồng/ m2. Chúng tôi đang có nhà, tự nhiên chúng tôi mất nhà, phải đi ở mướn…Thế nhưng, hiện nay, ở chợ Tân Bình, giá bán trung bình cho một sạp là 1 tỷ/ 1 m2, mà Nhà nước chỉ đền bù cho những tiểu thương có sạp cũ mà không mua sạp mới, đi nơi khác làm ăn, là 30 triệu đồng/ 1 sạp. Như thế là bất hợp lý.”
Nhiều người dân phẫn nộ khi chi phí bồi thường cho họ 30 triệu đồng/ 1 sạp, trong khi đó một tiểu thương bán lại một kiốt với giá trung bình là 1 tỷ/ 1m2: “Chúng tôi phản ánh mức bồi thường này là không hợp lý. Nhưng ông Lê Sơn trả lời rằng, các tiểu tương tự san sập với nhau 1 tỷ, 2 tỷ, hoặc 3 tỷ là các anh chị tự bán cho nhau chứ Quận không biết điều này. Còn tiền đền bù cho các tiểu thương 30 triệu đồng/ sạp là thỏa đáng. Tôi xin thưa, giá trị thực của chúng tôi là thương hiệu chợ Tân Bình do bố mẹ chúng tôi để lại, tới thời chúng tôi đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt vào chợ này với phương châm là “Uy tín và Chất lượng” nên từ khắp các nơi, thậm chí cả nước ngoài đã đến mua hàng của chúng tôi.”
Tiếp đến, bà Thanh lo lắng, các tiểu thương và công nhân của họ sẽ thất nghiệp hàng loạt sau khi xây dựng trung tâm dịch vụ đa năng: “Sau khi xây xong mà không buôn bán được thì nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái, kéo theo mức kinh doanh giảm và tụt dốc. Sau khi không buôn bán được, cuộc sống của tiểu thương sẽ lao đao, kéo theo nhiều nhân công mất việc, bởi vì tiểu thương không có tiền thì sao mà mướn nhân công được, lúc đó họ phải tự bỏ công sức ra làm. Khi đó, nhiều tiểu thương và nhân công thất nghiệp, kéo theo cuộc sống gia đình họ khó khăn.”
Ngoài ra, bà Thanh cho biết, trong suốt 4 năm qua, các tiểu thương khổ sở vì chợ tự phát: “Ở đây đã bộc phát chợ tự phát từ 4 – 5 năm nay làm cho tiểu thương khổ sở lắm rồi, bởi vì họ đi mua vòng ngoài không phải gửi xe, tiện… Như thế, tầng trệt đã không bán được, xây mấy tầng lầu thì ai lên trên đó mà mua. Nếu xây mới chợ nhiều tầng lầu thì tiểu thương cầm trước trong tay bản án tử.”
Tiếp lời bà Thanh một tiểu thương khác nói: “Chúng tôi yêu cầu dẹp các chợ tự phát. Từ nhiều năm nay, chúng tôi bị chợ tự phát đè ép không thở nổi, thêm dự án này nữa thì chúng tôi sắp tắt thở rồi đó.”
Bà Thanh đề nghị không xây dựng chợ mới mà chỉ sửa chữa cho khang trang hơn: “Chúng tôi chỉ đồng ý cải tạo chợ cho cao ráo sạch đẹp hơn, cải tạo các đường cống thoát nước… Vị trí của chúng tôi ở chỗ nào thì giữ nguyên vị trí của chúng tôi ở chỗ đó. Nghĩa là chợ vẫn là tầng trệt. Chợ này chưa đến nỗi không thể nào bán hàng được, giá trị sử dụng của chợ này vẫn còn đến mười năm. Cải tạo chợ thì được, xây mới thì không.”
Bà Quý yêu cầu không xây chợ để các tiểu thương yên tâm làm ăn: “Tôi xin đại diện cho hơn 3.000 tiểu thương ở đây, xin yêu cầu các cấp lãnh đạo xem xét lại dự án. Trong những ngày qua, chúng tôi vô cùng bức xúc và buồn, mối lái mất bớt vì người ta cảm thấy chợ không còn an toàn nữa nên người ta không đến mua. Chúng tôi chỉ nói ngắn ngọn một câu, không xây chợ để nguyên cho chúng tôi, để chúng tôi yên tâm làm ăn, nuôi con và phải có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước nữa.”
Ông Cư cho ý kiến: “Đi vào cái nghề buôn bán phải có Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa, mà điều kiện của chợ đã có rồi lại xây thêm cái trung tâm thương mại thì nó thừa. Hiện nay, mối mua hàng của các tiểu thương đã có sẵn, bây giờ chuyển đi nơi khác thì mối lái sẽ mất đi. Những yếu tố này mà mất đi sẽ không thuận tiện cho tiểu thương buôn bán. Tôi đề nghị, thứ nhất không xây trung tâm thương mại mà giữ nguyên chợ truyền thống, thứ hai khi các tiểu thương không đồng tình thì UBND Quận không có quyền xây chợ. Chúng tôi chỉ nhất trí sửa sang lại chợ, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, và bảo đảm an toàn sức khỏe cho các tiểu thương.”
Được biết, cứ vào năm giờ chiều mỗi ngày, bà con tiểu thương cùng nhau biểu tình phản đối việc xây dựng trung tâm thương mại. Nhận thấy, họ giơ các biểu ngữ như “chính phủ ơi hãy cứu lấy tiểu thương của chợ Tân Bình”, “Đảng CSVN Quang vinh, Chủ tịch HCM muôn năm”…
Facebooker Hoàng Bùi quan sát và bình luận: “Khi họ bắt những người bất đồng chính kiến, tôi im lặng, vì tôi đâu phải người bất đồng chính kiến. Khi họ bắt những người đòi đa nguyên, tôi im lặng, vì tôi chẳng đòi đa nguyên. Khi họ bắt những người phản đối Trung Cộng, tôi im lặng bởi tôi không quan tâm chính trị. Khi họ bắt những dân oan bị cướp đất, tôi im lặng, bởi đó chả phải đất của tôi. Khi họ đuổi tôi ra khỏi cơ nghiệp của mình… Tôi kêu chính phủ ơi cứu tôi…, đảng ơi cứu tôi… Sao không ai lên tiếng cho tôi hết vậy?”.
Đảng, bác và cả chính phủ đều chính là những người đang chỉ đạo thực hiện “Dự án” mời tiểu thương ra khỏi chợ để làm trung tâm thương mại thì làm sao mà cứu được? Hãy chờ chính phủ cứu vào “hộp” vì cái tội “gây rối trật tự công cộng”, hoặc tội “chống người thi hành công vụ”… Thiết nghĩ, bà con tiểu thương chợ Tân Bình hãy tự cứu lấy mình, trước khi cầu cứu chính phủ!
Huyền Trang, VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét