Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

HỌ ĐÃ LÀM TUYÊN TRUYỀN NHƯ THẾ NÀO ?

LTCGVN (17.09.2014)


HỌ ĐÃ LÀM TUYÊN TRUYỀN NHƯ THẾ NÀO ?

(Hay câu chuyện về những tấm hình)



Hình 1 là tấm hình được "chế biến" và hình gốc.

Năm 2007 một bài báo ở Việt Nam đưa ra một tấm hình rất ngộ nghĩnh với tựa đề "Thắng, Hiền trong một buổi quyên góp". Tôi cười tủm tỉm và không để ý đến nữa. Rồi tấm hình này thỉnh thoảng sau đó được lưu truyền trên một số diễn đàn, nhất là sau vụ Thỉnh Nguyện Thư năm 2012, và mới đây lại xuất hiện. 

Nhưng rồi sự ngộ nghĩnh dần dà được thay thế bởi một nỗi buồn, buồn cho thân phận con người Việt Nam và cho gia tài của Mẹ Việt Nam. 

Về một tấm hình 

Tấm hình này được dùng đi dùng lại trên các tờ báo của chính quyền và đảng cộng sản Việt Nam. Nó cho thấy hai người, đứng ở chốn công cộng, một người có khuôn mặt là tôi và người kia có khuôn mặt của Bà Ngô Thị Hiền. Người có khuôn mặt là tôi thì đeo "càvạt" và mặc áo vét. (Xemhttp://antg.cand.com.vn/vi-VN/sukien/2010/11/73922.cand?SearchTerm=%22Nguyễn+Đình+Thắng%22)

Trong bài báo đầu tiên với tấm hình(1) này, tác giả ghi chú rằng 2 người này đang đứng quyên góp tiền của đồng bào ở Quận Cam. Tôi thấy nó ngộ nghĩnh khi so nó với tấm hình gốc. Hình gốc là của 2 vị cao niên tình nguyện tại văn phòng của BPSOS ở Houston. Quang cảnh là khu chợ Hồng Kông, nơi trước đây đặt văn phòng của BPSOS. Hai vị cao niên này đang giúp cho hàng nghìn đồng bào từ New Orleans chạy lánh bão về Houston. 

Có lẽ một anh công an nào đó, còn tương đối trẻ, đã được giao công tác "cắt đầu" của Bà Hiền và tôi để gắn vào tấm hình. Để người khác khó truy được hình gốc, cậu ta lật tấm hình lại và cắt xén đi chữ “Hong Kong”. Cậu ta lại còn chỉnh cái ve áo của tôi, vẽ thêm chiếc vét và cài "cà vạt" vào cho oai. Cái quần mầu trắng thì để nguyên mầu trắng, không hợp "gu" chút nào. Cậu ta rõ ràng làm vội nên có nhiều nét lem nhem, vụng về. Có lẽ cậu ta chỉ muốn làm cho xong, còn về nhà với gia đình hay đi nhậu nhẹt với bạn bè. 

Thân phận con người 

Càng nghĩ tôi càng thấy tội cho cậu ta. Khi phải làm điều không ra gì, chắc chắn là ở sâu thẳm đâu đó trong tâm hồn đã chớm một vết đen. Mỗi lần làm thêm điều trái lương tâm thì vết đen lại lan ra, cho đến khi cả tâm hồn trở thành u ám, tối tăm. Đó là thân phận của những con người ở trong nước. 

Người mình có câu giấy rách giữ lấy lề. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta vẫn phải giữ lấy những giá trị đạo đức căn bản làm kim chỉ nam cho mọi hành vi, mọi cư xử trong cuộc sống. Những giá trị đạo đức ấy là tấm lưới chắn, bảo vệ cho lực sĩ nhào lộn khi xẩy tay, rớt xuống nhưng bật lại ngay lên không trung. Mất lưới chắn, rớt xuống là lao xuống vực thẳm hun hút của đạo đức và nhân cách, không trở lại được nữa. Cậu công an kia đang lao xuống vực thẳm ấy; người chỉ thị cho cậu ta và những người dùng tấm hình sản phẩm của cậu ta cũng vậy. 

Tôi không biết cậu ta là ai, nhưng bất kỳ là ai thì vẫn là đáng tội, tội cho một kiếp người phải sinh tồn trong một xã hội không ra gì. 

Gia tài của Mẹ 

Dù tốt dù xấu, cậu ta vẫn là con của Mẹ Việt Nam, vẫn là thành viên của dân tộc Việt Nam, vẫn góp phần, cộng hay trừ, vào quỹ vốn đạo đức chung của xã hội Việt Nam. Quỹ ấy đang khánh kiệt đến tận cùng. 

Tấm hình nguỵ tạo chính là dấu tích của một xã hội băng hoại. Một mai chế độ ra đi, thì quỹ vốn của Mẹ Việt Nam để lại cho chúng ta vẫn cạn tận đáy. Di hại của chế độ triền miên nhiều thế hệ, và nỗi buồn Việt Nam có thể kéo dài suốt cả thế kỷ này. Đó mới là mối nguy trầm kha và là nỗi lo lâu dài của chúng ta, qua một tấm hình. 

Trách nhiệm của chúng ta 

May mà có 4 triệu người Việt ở hải ngoại. Chúng ta có cơ hội hít thở không khí trong lành, được hấp thụ nền văn minh nhân bản của những xứ sở tự do, dân chủ. Kèm với cơ may ấy là nghĩa vụ. Nghĩa vụ góp vốn cho nền đạo đức chung của dân tộc, để mai này khi thời thế xoay vần, dân tộc Việt không phải khởi đi từ con số không. 

Chúng ta đừng bao giờ để mình thành như cậu công an kia. Ở các xã hội nhân bản không ai có thể bắt chúng ta phải bán rẻ đạo đức và hạ thấp nhân cách để sinh tồn. Chúng ta phải luôn giữ gìn và thăng tiến nhân cách cho chính mình và cho nhau. Chúng ta phải cài cho thật chặt tấm lưới chắn để khi xẩy tay thì không lao xuống vực thẳm đạo đức. 

Đó là lý do tôi chủ trương nói, viết những điều hướng thượng để thăng hoa nhân phẩm và cuộc sống. Đó là nghĩa vụ đối với con người, xã hội và đất nước.

Ts Nguyễn Đình Thắng.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét