Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

ĐÈN CÙ (Chương 5 - kỳ 2 : Cải cách ruộng đất)





Chương 5
kỳ 2 : Cải cách ruộng đất

Sau Nguyễn Thị Năm một tháng đến lượt xử Cử Cáp. Phát khai hoả thứ hai. Lần này tôi đến dự buổi thi hành án: bắn. Mít tinh tuyên án vào buổi tối. Bãi đất thuộc xã Phú Xuân, vùng chè Tân Cương. Vài trăm con người ngồi vây kín lấy một khoảnh đất trống. Khai mạc rất thình lình. Cũng thình lình chánh án Lê Giản xuất hiện. Lại cũng rất thình lình mấy người lính giải hai đối tượng đi ra. Cử Cáp, hơn bảy mươi tuổi, nguyên huấn đạo, ủy viên Mặt trận Liên Việt, cũng địa chủ kháng chiến, thân sĩ như Nguyễn Thị Năm, tức là thuộc diện bị chính sách cải cách ruộng đất chiếu cố.

Ấn tượng mạnh nhất ở ông già là chỏm râu bạc trắng. Cạnh cụ, bí thư chi bộ nhưng nay đã thành “Quốc dân đảng” thông đồng với Cử Cáp phá hoại kháng chiến. Thấp nhỏ, chạc bốn chục tuổi, anh có cái dáng quen thuộc của cán bộ xã ta thường hay lui tới nhà cùng cơm nước, ngủ đêm... Không như Cử Cáp nom lớ ngớ - diễn viên chưa quen vai - anh có bộ dạng phức tạp: vừa sợ vừa khấp khởi. Đến phút cuối cùng thế nào đảng cũng hiểu bụng dạ trung thành của anh mà tha anh. Hai bị cói lép kẹp dưới nách, hai bị cáo đứng rúm ró. Duy một vật sống động, phiêu diêu tự tại: chòm râu cụ Cử Cáp. Nó cứ thanh nhàn vờn múa trong cái không gian và không khí rùng rợn, căng thẳng như đông cứng lại này. Tôi thấy nó như đang muốn thị phạm một cách giao tiếp dễ nghe, dễ hiểu, dễ tin cậy, không phải cái lời lẽ từ nay khó lọt tai nhau. 
Chánh án Lê Giản tuyên bố Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá. Lim, lệt sệt đôi ủng ra hô: Giải chúng đi! Vọt ra năm sáu người lính đẩy hai người tù quay lui. Tôi thấy thô bạo quá. Nhưng kìa, họ vừa mới quay người, tốp lính đã Quỳ rộp một cái xuống, đưa tiểu liên lên bóp cò. Lửa nhằng nhằng. Hai cái thân đổ vật. Chị cốt cán trẻ đứng bên tôi ôm chặt lấy tôi líu lưỡi lại: “Anh có dầu... dầu Con Hổ, cho em...?” Đúng là phải dạy và nạp căm thù vào. Không thì khó có thể tự nhiên đùng đùng bạo lực. 

Hai xác người nằm thẳng mềm mại. Bộ quần áo Cử Cáp xòa trắng tôn thêm mầu ánh bạc của chòm râu lên - cái vùng trắng duy nhất tinh khiết ở đây. Lịch phịch đôi ủng nặng, Lim đến bên từng nguời bắn vào thái dương phát súng “ân huệ.” Thương, sợ và cả bất bình lẫn lộn trong tôi. Một sức mạnh nào đó không biết đã kéo tôi là đứa vốn nhát máu đến đứng trước cụ Cử Cáp. Vô thức muốn nói với cụ một lời phân vua: “Thưa cụ, tôi không muốn thế này cho cụ...” Hay đúng hơn, chính chòm râu ông nội chợt hiện lên gọi tôi đến với nó? Cái bị cói vẫn trung thành lép kẹp dưới nách gầy. Cạnh nó, một quả chuông to tướng, đỏ sậm, mầu ấm Mạnh Thần, quả tim bật ra như một chồi thịt nhầy nhụa, thon thót trên ngực người chết: cái chồi thịt, cái nụ sống ấy đang lén leo ra tìm gấp một nẻo trú ẩn riêng, xa khuất hẳn cái nơi đáng sợ này. Sáng sau, cùng một cán bộ đội - nhất đội nhì trời -, tôi vào nhà Cử Cáp. Một dãy nhà trình cổ, sơ sài trên một thềm đá ong quá cao, ngang eo tôi, nứt toác, sứt sẹo. Một mảnh sân đất đỏ quá rộng tưởng đi mãi không hết. Một bà già ngồi xổm trên thềm hai tay quàng ôm một đứa bé. Nhác thấy chúng tôi, bà cụ vội buông hai tay đứng lên để chắp lại vái. Con mắt cháu bé lập tức trợn lên kinh hoàng. Nó kêu “E!” Một tiếng rồi chạy. Rồi ngã ịch một cái từ trên thềm cao xuống sân. Hai chúng tôi liền trở ra. Như đứa bé muốn chạy trốn khỏi đó. 
Tôi đi mà vẫn thấy như nguyên hai con mắt cháu bé trợn lên khiếp đảm nhìn chúng tôi rồi gieo mình từ trên thềm cao xuống mà tôi thấy rõ ở đó một hành vi quyên sinh, một cử chỉ cự tuyệt nhìn mặt bầy dã thú! Tôi đã muốn đi đến bế cháu. Nhưng bài học lập trường giai cấp, bài học căm thù và trên hết tất cả là sự sợ đã xui tôi bỏ trốn. 

Tôi nhận ra từ nay có một viên tư lệnh chỉ đạo toàn bộ ứng xử của tôi: nó là cái sợ. Trước hết sợ mất lập trường là sai với đảng. Ôi, sai với đảng là sai tất cả! Lại ký một cái tên nhăng nhít... Lạ! Vinh dự thế mà sao không lấy tên thật? Điều này lúc đó quả là khó hiểu nhưng đến nay tôi đã có thể giải thích: trong mỗi chúng ta đều có mầm tử tế chống lại cái xấu. Vấn đề là ta nuôi nó, nghe nó hay là giết nó đi thôi. Cần nói thêm một điều: hơn mười năm sau, Lim treo cổ tự sát tại chính nhà mình. 

Tôi đôi lần đọc lại danh sách người bị tuyên án tử hình do các đoàn ủy thí điểm giảm tô trong Thanh - Nghệ gửi lên Cụ Hồ để duyệt ân xá. Mỗi bản gồm tên bảy tám con người khốn khổ. Bên lề, phần lớn Cụ viết “có đáng là cường hào gian ác hay không?” (hay có đúng hay không tôi không chắc vì chữ a của Cụ cũng mở gần như chữ u). Các dấu hỏi ở cuối câu đều đánh rất to còn chữ viết thì run rẩy và bé. Như một giằng co, một phân vân. Cái dấu hỏi nổi bật hẳn lên như một tín hiệu phủ nhận dễ biểu thị đa nghĩa hơn ngôn ngữ. 

Tiêu diệt giai cấp, bạo lực đồng thời hủy diệt cốt lõi nhân văn ở trong lòng những người đem chia con người ra làm ta, bạn và thù... Xấu hổ về phản ứng tồi tàn của mình, tôi kính nể những bạn bè đã vượt được cái sợ trong cải cách ruộng đất. 

Trước hết là Trần Châu. Mẹ vợ anh bị bao vây ở một túp lều chân đồi trong đồn điền chè Mỏ Bạch. Châu về thăm. Hôm trước, cô em vợ học ở Tàu về, thấy cái lều thì ghé hỏi: - Bà Lan ở đây nay ở đâu ạ? Mẹ đáp: “Dạ, không có bà Lan ạ, chỉ có con địa chủ Lan thôi.” Cô con gái ù té chạy ra đường lên xe ngồi khóc một mình. 

Rồi Đinh Văn Đảng. Hay tin mẹ nguy khốn, như con ăn mày la liếm ở chợ, Đảng bèn về cứu mẹ, nhờ người đưa mẹ ra chỗ hẹn rồi đạp xe chở mẹ lên Vinh, sáng sau đáp xe hàng ra Hà Nội. Anh nói suốt chuyến về cứu mẹ, lúc nào tim anh cũng thình thình đập, có lúc ngỡ vỡ ra đến nơi. Sau này Đảng bị xuất huyết não, tôi cứ nghĩ cái gốc sâu xa là phải tính từ ngày anh về cứu “con mẹ ăn mày” từng thăm nuôi đứa con tù vì họat động cách mạng. Đảng kể xem phim đấu địa chủ, người xem ném ầm ầm các thứ lên màn ảnh. Thấy dép bị giật, anh cúi xuống. Bạn đồng sự ngồi cạnh anh đang hét căm thù và túm lấy dép anh để ném, dép ở chân hắn còn nguyên! “các cái vờ vịt này các ông ấy thấy cả nhưng không mắng mỏ,” Đảng nói, vì biết có cái bột giả ấy mới gột nên chất hồ a dua mà ta hay mỹ tự là phong trào và khí thế cách mạng. Thì ra chúng ta chuyên sính dùng hàng dỏm. 

Trần Lưu Hậu, họa sĩ, có một kinh lịch ghê sợ. Đi vẽ, nhân thể làm “công tác quần chúng,” anh cùng Lưu Công Nhân,cũng họa sĩ, đến nhà một thân sĩ do Mặt trận huyện giới thiệu. Hai họa sĩ được chiêu đãi quá chu đáo, đến mức Hậu áy náy, khó ngủ. Hậu hay Nhân đã vẽ vị thân sĩ. Éo le, nửa năm sau, tham gia cải cách ruộng đất, Hậu lại đến xã này và vị thân sĩ kia đã trở thành đầu sỏ bị đấu tố. Ông bị bắn. Hậu phải giấu bao chuyện, nhất là các thắc mắc của mình quanh vị thân sĩ mà theo Hậu là rất tốt, rất yêu nước… Buồn, ân hận, phân vân, Hậu rời trường đấu và bắn về đội một mình… Thì gặp một tốp năm sáu người vội vã, lén lút như phi pháp đi ngược lại: người nhà vị thân sĩ lên lấy xác ông. Hậu bảo mình vội cúi đầu, không dám nhìn họ! Họ còn nhớ quá đi chứ! Mới hôm nào, bố họ, ông họ, vị thân sĩ mà nay là địa chủ ác ôn nằm chết gục kia từng cơm rượu thịnh soạn tiếp hai vị họa sĩ.” Thú thật lúc ấy mình mang rõ tâm trạng một kẻ lừa gạt… Thỉnh thoảng lại chợt giơ tay lên sờ sờ mặt, ngầm xem liệu đã có nảy ra một bộ mặt khác với cái bộ mặt năm ngoái từng tay bắt mặt mừng với chính vị thân sĩ kia không.” .. 

Trần Đĩnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét