Đằng sau các công bố về Nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam
Tôi vốn không tin mọi con số thống kê của Chính phủ Việt Nam (CPVN), nhất là các con số tài chính, vì tôi biết chúng được "hình thành qua chế biến" như thế nào, qua những trường hợp cụ thể nơi tôi đã làm việc nhiều chục năm (cả ở cấp công ty – vi mô, đến cấp tập đoàn, tổng cục… - hơi… vĩ mô). Nhưng nhiều khi, nhìn vào các con số thống kê của CPVN hiện nay chúng ta có thể thấy và chỉ ra một vài sự thật hay sự giả dối thô thiển đằng sau các con số đó. Và đó là giá trị của chúng – các con số thống kê của CPVN - đối với tôi…
Sau đây là Bảng các số liệu về tình trạng nợ công và nợ nước ngoài 10 năm cuối cùng, từ 2003 đến 2012 (Nguồn: Bộ Tài chính VN và EIU) và ước tính cho năm 2013 (đăng trên Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 13/9/2014):
(Ghi chú: * Cột (3), (4) và (6) gồm số liệu gốc của Bộ TC công bố; ** Cột (2), (5) là các số liệu được tính ra từ các số liệu công bố nhóm * của Bộ TC và EIU để phân tích; *** Số liệu dự đoán của tác giả cho 2014;)
Theo logic tự nhiên và nội dung số liệu thì cột (2) cộng cột (3) thành cột (4), nên cột (2) và (3) phải là số liệu thống kê gốc, còn cột (4) chỉ là số liệu hệ quả thứ cấp, được tính toán ra. Thế nhưng Bộ Tài chính VN chỉ công bố số liệu (3) và (4), là số liệu mà CPVN muốn khống chế được, nên tôi/ta phải tự tính “ngược” ra số liệu cột (2), để phân tích. Tương tự với cột (5) tính ra từ cột (6) trừ cột (4)… Từ đó chúng ta dễ dàng nhận ra sự vô lý của số liệu trong cột (2)-Nợ công trong nước và cột (5)-Nợ tư nước ngoài, đó là…
Nợ công trong nước – cột (2) suốt hơn chục năm nay không thay đổi, giữ ở mức khoảng 30%GDP ư?! Chúng ta biết mấy chục năm nay toàn bộ nguồn vốn trong nước được CPVN ưu tiên dành cho chính mình và các đơn vị kinh tế nhà nước để chúng “làm chủ đạo”, tạo nên nợ công khủng trong nước, rồi từ đó tạo nên nợ xấu quốc gia trong nước… Con số nợ xấu quốc gia được theo dõi cho thấy nó liên tục tăng, từ dưới 1% đến 3%, rồi 6% tổng dư nợ (nhiều quan điểm độc lập cho rằng số đó là 9-12% dư nợ)… Thế mà Nợ công trong nước suốt thời gian đó “dậm chân tại chỗ” ở mức ngất ngưởng và nguy hiểm là 30%GDP như CP công bố ư? Theo tôi, nó cũng phải tỷ lệ thuận với tổng tín dụng trong nước trong thời gian đó, và con số đó thì đã tăng gấp hàng chục lần trong 10 năm qua, nên nợ công trong nước hiện nay ít nhất phải khoảng 65%GDP (tăng hơn 2 lần) mới hợp lý…
Nợ tư nước ngoài – cột (5) từ hơn chục năm nay liên tục giảm từ 31%GDP năm 2003 xuống đến 14%GDP năm 2013? Thật là một sự thần kỳ… quá vô lý! Kinh tế tư nhân đóng góp năm 2003 chỉ khoảng 20%GDP mà vay nợ nước ngoài đã đến 31%GDP, và đến 2013 tạo ra 35%GDP thì chỉ vay nợ nước ngoài có 14%GDP? Lẽ ra, hai con số đó phải tỷ lệ thuận chứ không phải tỷ lệ nghịch với nhau… Vì thế, con số hợp lý ở đây, theo dự đoán của tôi, là khoảng trên 45%GDP.
Từ đó, chúng ta có bức tranh thật hơn một cút về nợ công nước ngoài của VN năm 2014 là 72%GDP và nợ công của VN là 92%GDP… Những con số trên còn “rất dè dặt”, thấp xa với nhiều ước tính của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, cho rằng chúng phải ở khoảng 125%GDP và 165%GDP…
Không muốn bạn đọc sa đà vào các con số thống kê luôn được ngụy tạo của CPVN, điều tôi muốn nói ở đây qua phần trên là, các con số công bố của Bộ tài chính VN về tình hình nợ công nước ngoài đều là được CP vẽ ra cho “đẹp” (để “giữ cho” nợ công nước ngoài VN “an toàn” dưới 45%GDP và nợ công VN dưới 65%GDP), nên tình trạng thực về nợ công nước ngoài đằng sau chúng phải là rất “xấu” mà chúng ta nên nhìn ra, và đó mới là lý do thực buộc CPVN hiện nay lại phải có kế hoạch tái cơ cấu nợ công nước ngoài gấp…
Kế hoạch vay thêm 1 tỷ đôla của CPVN - con nợ đến kỳ đi vay
Chúng ta biết, sau khi cả khối XHCN gồm LX và Đông Âu sụp đổ năm 1990 VN không chỉ rơi vào khủng hoảng chính trị và đã quay ngoắt 180 độ từ đánh Tàu sang thần phục Tàu cộng ở Thành Đô, mà cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế. Đó là do các món nợ quốc tế sau chiến tranh mà VN không có khả năng trả khi chúng đến hạn (chưa nói đến các món nợ kinh tế khủng để CSVN tiến hành chiến tranh, do LX và Tàu cộng cho vay…). Thế là kế hoạch vay nợ mới để đảo nợ cũ chưa thể trả phải được đưa ra với tên Kế hoạch tái cơ cấu nợ quốc tế (nợ công) của VN năm 1990…
Món nợ mới của VN từ tái cơ cấu nợ công năm 1990 đó là trái phiếu Brady qua các cartels tài chính gọi là CLB Paris và CLB London, trị giá “chỉ” 585,3 triệu đôla Mỹ thời hạn 18 năm và 30 năm (CPVN không công bố chi tiết mỗi loại trái phiếu trên trị giá bao nhiêu…) đến nay CPVN vẫn chưa trả xong...
10 năm sau, năm 2000, khi hai loại trái phiếu Brady kia đều còn kỳ hạn, CPVN đã tái cơ cấu lại nợ đó lần nữa, và mua lại một phần trái phiếu của mình, vay thêm nợ quốc tế mới. Lý do là CPVN cố gắng chỉnh đốn hệ thống và tình trạng tài chính của VN là để xin gia nhập WTO, nhưng chi tiết cụ thể cũng không được công bố… Đó là lần tái cơ cấu nợ công thứ hai, sau 10 năm.
Gần 20 năm sau, năm 2010, CPVN lại phải tái cơ cấu nợ quốc tế của mình lần thứ ba, khi các khoản nợ cũ từ năm 1990 và 2000, và các khoản nợ mới sau 2000 (nhất là trái phiếu chính phủ 750 triệu đôla năm 2005 huy động từ thị trường Mỹ mà CPVN dành hoàn toàn cho VNS) đến hạn và VN lại không có khả năng trả nợ (đến hạn) đó… Thế là CPVN phải phát hành trái phiếu mới qua thị trường Singapore trị giá 1 tỷ đôla, để tái cơ cấu nợ quốc tế của quốc gia, đồng thời cấp vốn cho các tập đoàn KTNN khác VNS là PVN, EVN và VNL (mà CPVN công bố đó là mục đích duy nhất). Thực ra, mục đích chính vay nợ 1 tỷ đôla từ Sing là để tái cơ cấu các món nợ từ 2005 bắt đầu đến hạn của VNS (750 triệu từ Mỹ và 600 triệu từ London) và các tập đoàn khác, vì chúng vẫn đều là nợ chính phủ… Đó là lần thứ ba, sau 10 năm nữa.
Nay, CPVN đang lại dự kiến vay thêm (vào đầu năm 2015?) 1 tỷ đôla nữa để tái cơ cấu nợ công. Lần này, CP đưa ra lý do rất “ngon”: để giảm lãi suất của các món nợ cũ, qua đó giảm áp lực trả nợ lên CP hiện nay mà không làm tăng nợ quốc gia. Đây sẽ là đợt vay nợ để tái có cấu nợ công của CPVN lần thứ tư, kể từ khi nó có định hướng kỳ lạ là chuyên “đi vay để giảm nợ”? Và, cứ xung quanh mỗi lần “đi vay có chu kỳ” đó là một lần kinh tế VN mấp mé khủng hoảng? 1990, 2000, 2005, 2010 và … 2015?
Thấy gì qua kế hoạch vay thêm 1 tỷ đô lần này, năm 2015?
Thứ nhất, lý do cần vay thêm 1 tỷ đôla chắc chắn không phải là để khai thác tỷ giá/lãi suất vay nợ thấp trên thị trường quốc tế hiện nay. Điều đó nhiều người đã chỉ ra rõ ràng trên cả báo lề dân và lề đảng, rằng nếu vì thế thì có thể lợi bất cập hại, và đó chỉ là cách nói dối trơ trẽn để che dấu các lý do thực như mất khả năng trả nợ đến hạn, nợ công đã vượt mức nguy hiểm từ lâu…
Thứ hai, chúng ta thấy ngay là chu kỳ phải “đi vay để giảm nợ” của CPVN hay nền kinh tế VN đã rút ngắn, từ khoảng 10 năm trước đó xuống còn 5 năm. Điều đó nói lên tính ổn định tài chính của nền kinh tế này đã đi xuống rất nhanh, quá nhanh? Hay là, tốc độ “bốc hơi vốn” của kinh tế VN đã gia tăng cùng tốc độ đi vay quốc tế?
Thứ ba, đây là vấn đề nghiêm trọng – tái cơ cấu nợ công nước ngoài - mà mọi nền kinh tế đều phải có Quỹ tích lũy dự phòng cho nó hay/và Quỹ dự trữ ngoại tệ để cho các tình huống thiếu ngoại tệ đó. CPVN không công bố gì về Quĩ tích lũy dự phòng cho nợ công quốc tế (có hay không và tình trạng thế nào?), nhưng CPVN liên tục công bố (qua Thống đốc NHNN) về quĩ dự trữ ngoại tệ của VN, theo đó những năm gần đây quĩ này liên tục tăng trưởng mạnh và đã đạt con số đến trên 20 tỷ đô là rồi xấp xỉ 30 tỷ đô la. Vậy tại sao CPVN không dùng chỉ dưới 5% của cái quĩ dự phòng ngoại tệ quốc gia xấp xỉ 30 tỷ đôla đó cho việc tái cơ cấu giảm áp lực trả nợ công quốc tế của quốc gia? Còn lý do nào để sử dụng quĩ dự trữ ngoại tệ quốc gia hợp lý hơn? Thật không hiểu được?! Anh đang rêu rao mình có 20-30 tỷ đôla dự trữ mà chính anh cần gấp chỉ 1 tỷ thôi lại không thể chi ra và phải đi vay thêm? Điều đó chỉ có thể giải thích rằng, cái quĩ dự trữ ngoại tệ quốc gia đó của Thống đốc NHNN, và tất nhiên là của CPVN với thủ tướng của nó, là rỗng tuếch, chỉ là cái bánh vẽ nên không ai “cắn” được… dù “ai” đó đang rất cần cắn một miếng nhỏ tí 1/20 hay 1/30 cứu thể diện vỡ nợ quốc gia, và dù “ai” đó là chính chủ của nó - CPVN?
Thứ tư, nếu mục đích thực của kế hoạch vay thêm 1 tỷ đô sắp tới của CPVN không phải là đảo nợ để có lãi suất thấp hơn, thì đó là gì? Theo tôi, có hai mục đích chính hiện nay đứng sau khoản vay 1 tỷ sắp tới, đó là: 1) đắp nợ: đầy lùi xa hơn kỳ hạn trả nợ của các khoản nợ sắp hết hạn (như trái phiếu Brady 30 năm từ 1990) hay tới hạn (như các khoản 750 tr., 600 tr., 1 tỷ đô… và nhiều khoản khác tạo nên tổng nợ công quốc tế của quốc gia hiện nay), dù tổng nợ sẽ lại tăng lên…; và: 2)có tiền chi trả tiếp cho các dự án đầu tư công tràn lan mà CP đang giao cho các TĐNN triển khai dở dang…, nếu không thì chẳng những các công trình đó không đưa vào khai thác được (sic, chuyện nhỏ!) mà chúng cũng không thể được quyết toán, khóa sổ, tức là cả hệ thống tài chính quốc gia sẽ bị bung ra be bét hết!..., hoặc nếu không nữa thì các TĐNN sẽ chết hết đồng loạt đợt 2, sau đợt 1 là Vinashin và Vínalines đã chết thảm không được chôn rồi… và, nếu không thì số tiền đã bỏ vào các dự án công dở dang đó cũng sẽ thành… bùn - cùng với các công trình đó.
Thứ năm, ngoài ra, kế hoạch vay thêm 1 tỷ đôla của CPVN làm lộ ra và khẳng định những sự thật bi đát và bất ổn khác của kinh tế ”định hướng XHCN” của VN hiện nay, đó là: 1) mặc dù kinh tế đang “phát triển dương” trên 5% nhiều năm nay như CPVN công bố, nó vẫn không có nguồn thu ngân sách để trả nợ cho sự phát triển ngoạn mục đó! Vậy có điều gì không ổn ở đây? Hay đó là sự phát triển thực âm?; 2) Các Tập đoàn KTNN lớn của VN không chỉ không có khả năng trả nợ cũ đã vay mà không có chút uy tín nào để đi vay thêm nữa (như họ đã từng có khoảng giữa 2000-2010, và CP từng đẩy họ đi “tự vay tao trả” tràn lan…), ngay cả khi thị trường vốn thế giới nay đang dư thừa (nên lãi suất thấp), và dù Moody rồi S&P liên tục tăng rating của VN lên B+ hay B1 thời gian qua. Vậy có điều gì không ổn ở đây? Vẫn là: Các số liệu đều sai bét?!
Thứ sáu, CPVN đã không thể khống chế nợ công quốc gia (NCQG) để nó không quá ngưỡng nguy hiểm 65%GDP và mức nợ công nước ngoài (NCNN) dưới mức “nhạy cảm – dễ chết” 45%GDP, bằng cách hy sinh hay thao túng đồng tiền trong nước, hay để nợ công trong nước (NCTN) mức cao mãi, bởi vì NCTN cộng NCNN vẫn phải bằng NCQG, hay ngưỡng nguy hiểm của NCTN chỉ là 20%GDP thôi… Trong khi đó, CPVN lại chỉ biết công bố và thực hiện mục tiêu khống chế NCQG và NCNN bằng cách… gia tăng NCTN!
Như chúng ta đã thư phân tích ngay phần đầu, từ khoảng năm 2000 đến nay, theo con số của chính Bộ Tài Chính của CPVN, NCTN của VN đã đạt ngưỡng 30%GDP và luôn ở đó suốt hơn thập kỷ qua, đến nay, 2013 vẫn là 30%GDP, dự kiến 2014 là 31-32%... Tại sao có chuyện như vậy – nợ công trong nước luôn ở mức 30% GDP trong hơn chục năm qua trong khi nợ công nước ngoài tăng gấp gần ba lần, từ 11%GDP lên đến 27%GDP? Tại vì CPVN liên tục tự xóa nợ công trong nước của chính mình mà không cần tuyên bố phá sản hay phá giá đồng tiền nội tệ (để nó tự phá giá dần)… việc mà chỉ có các chính phủ “thiên tài” cộng sản làm được.
Con số NCTN bị CPVN cố tình bỏ qua mấy chục năm nay, dù “nó” đã chìm sâu trong ngưỡng nguy hiểm của nó từ lâu đến 50%, nói lên điều gì? Nó nói rằng, CPVN chỉ biết in tiền ra vô tội vạ để “điều tiết” nền kinh tế suốt hơn 20 năm qua, và tiền đó (nội… quá tệ, hay tệ in tiền… quá tội… lỗi) mà CPVN in rất giỏi đó không cứu nền kinh tế, vì không thể mang tội tệ in tràn lan đi mua ngoại tệ được (dù vẫn luôn cướp được giá trị mới tạo ra của thành phần kinh tế chủ chốt trong nước là KT tư nhân (chiếm đến 35%GDP) và của… kiều hối (trên 10 tỷ đôla hay 5%GDP)… Nay thì thành phần KT Tư nhân của VN cũng đã bị “định hướng” bóp nghẹt chết hàng loạt – phần nửa thì chết hẳn và phần nửa đang ngắc ngoải rồi, nên chẳng thể cõng KTNN và CPVN được nữa, và vì thế CPVN chỉ còn cách đi vay thêm ngoại tệ cho mình và các con cưng là KTNN đang khát sữa ngoại mà thôi. Giá mà CPVN có thể trả nợ quốc tế bằng các… “gói hỗ trợ kinh tế” nhỉ, thì 1 tỷ đô đó chỉ là hơn 20 ngàn tỷ vnđ chỉ là con muỗi! CPVN có thể phù phép ra cả đàn muỗi trăm con như thế, như đã sinh ra những con “hộ trợ doanh nghiệp”, “cứu bất động sản”, “hỗ trợ cải cách ngân hàng”, “đồng tàu cá vỏ sắt”… con nào con đó đều trên tỷ đô, đã và đang ra sức làm… tê liệt nền kinh tế VN!
Chúng ta nên nhớ, “con muỗi” Brady chỉ có nửa tỷ đôla từ 24 năm nay vẫn sống nhăn răng góp phần làm CPVN “đau đầu”, còn kinh tế VN thì mộng mị, thì hàng vài chục “con muỗi bự hơn” mà CPVN đã tạo ra đã làm kinh tế VN chết/sắp chết lâm sàng là điều tất yếu!
Kế hoạch để chết theo định hướng?
Trong kinh tế hay lĩnh vực nào cũng có khái niệm “những kế hoạch chết”, là những kế hoạch không được thực hiện hay thực hiện không thành, bị chết. Nhưng “kế hoạch để chết” thì có lẽ chưa có, vì đó là... di chúc kinh tế rồi, mà “di chúc” thì nền kinh tế “định hướng” này chỉ thực hiện một thứ thôi, đó là di chúc của Hồ, phần kinh tế (nếu có hay hiểu được), cụ thể hóa của nó có phải là “kế hoạch đi vay để giảm nợ” của CPVN hiện nay hay không thì chỉ đảng CSVN diễn giải được… và không phải đề tài của bài này.
Nhưng tôi thấy, dường như CPVN luôn đưa ra và cố gắng thực hiện những “kế hoạch để chết” hay “di chúc kinh tế” như thế một cách vô thức… Và những kế hoạch đi vay để tái cấu trúc nợ nước ngoài như thế này là một loại “di chúc kinh tế” như thế. Di chúc, là vì nó để lại “di sản” kinh tế cho đời sau, chưa phải ngay bây giờ hay cho “thế hệ nhiệm kỳ” này. Để chết, là vì di sản đó thực sự là tai họa kinh tế, sẽ góp phần tích cực dẫn đến cái chết của cả nền kinh tế VN…
Kế hoạch “Đi vay để giảm nợ” như thế của CPVN, thực chất là như người nghèo phải đi bán máu trả nợ, nhưng với CPVN thì đó không phải bán máu mình mà là bán máu con cháu mình, bán máu các thế hệ tương lai chưa lớn hay chưa được sinh ra của đại đa số dân Việt! Có ai có thể để lại di sản hay “di chúc kinh tế” cho đời sau tàn độc hơn di sản bán trước máu con cháu mình để trả nợ hay che giấu cho tội lỗi sai lầm của mình đã cố tình mắc phải trong quá khứ và hiện tại như CPVN không?!
Trong cơn cùng cực, người nghèo có thể phải đi bán máu mình để nuôi con, nhưng chưa từng có ai đê tiện đến mức bán máu con cháu để nuôi mình như CSVN đã và đang làm!
Có dân tộc nào mà thế hệ sau chưa kịp sinh ra đã bị “di chúc kinh tế” của cha ông chúng ấn đầu chúng xuống kiếp bùn đen “nô lệ đã gán nợ” như đảng CSVN đang làm với tương lai dân tộc Việt thế này không?!
Tôi biết, dù có cảnh báo thế nào thì với CPVN là vô ích, và tôi không nói với họ. Họ nhất định sẽ đi vay 1 tỷ đôla đầu năm 2015 tới, tức trong vài tháng tới nữa thôi, bởi vì đó là cách duy nhất để họ vượt qua khủng hoảng mất khả năng trả nợ đến hạn – tức nguy cơ phá sản chính phủ, thể chế. Duy nhất, là bởi vì có một cách khác để họ vay nợ không phải trả ngay (tức là giảm áp lực trả nợ đến hạn ngay) là… vay Tàu cộng, thì CPVN cũng không thể đi vay được, mà phải là đảng CSVN vay cơ… Mà đảng CSVN thì đã vay Tàu cộng quá nhiều (nghe đâu đang nợ 870 tỷ đôla từ các món nợ chiến tranh), đã thế chấp cả chủ quyền quốc gia và đã cắt cả đất biên giới, biển, đảo… cho Tàu cộng nhiều đợt rồi mà vẫn không yên vì Tàu cộng vẫn đang đòi cắt tiếp… Với lại, vay Tàu cộng thì phải giấu dân im lặng mà làm như từ đầu đến nay họ vẫn làm chứ, sao mà lên kế hoạch vay nợ được…
Cho nên, không chỉ 1 tỷ đô la sẽ vay đầu năm 2015 mà, theo tôi, CSVN sẽ vay nhiều tỷ đôla tiếp nữa đến 2020, vay đến khi chế độ này chết sập hẳn không ai cho vay nữa thì mới thôi, vì đó là những “Kế hoạch vay để chết” mà. Kẻ vay – các lãnh đạo đảng CSVN tất nhiên hy vọng “vay để chết chậm hơn”, còn họ sẽ không chết, nhưng dân tộc và đất nước VN sẽ chắc chết – một cái chết kinh tế thảm khốc nhưng chẳng bất ngờ gì. Dân Việt đã và sẽ còn phải ngụp lặn trong cái di sản kinh tế tan hoang như hố bùn đáy của nhân loại mà CSVN sẽ để lại đó. Chả lẽ cả dân tộc ta cứ chịu ngụp lặn mãi thế rồi kéo nhau cùng xuống hố đó hết hay sao?!
Đó là tôi nói với chính mình, với bạn – những con dân Việt chưa bao giờ lên kế hoạch vay nợ ai mà vẫn đang mang nợ cả thế giới, đầm đìa…và còn đầm đìa nữa… Dân nước càng nợ đầm đìa, các quan cộng sản và họ hàng con cháu chúng càng sống phè phỡn xa hoa… và “xuất khẩu”…
Huhuhu… hay là: Không! Quá lắm rồi! Không thể chịu được nữa!!!?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét