Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

BỐN KHÔNG (40) HAY KHÔNG BỐN (04) ???





LTCGVN (28.09.2014)



Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam chính thức góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến Pháp, và không ngần ngại nêu ý kiến phải bãi bỏ độc quyền cai trị của đảng Cộng sản, phải thiết lập một thể chế trong đó ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp phải được bảo đảm minh bạch bằng luật lệ.
Tuy các vị giám mục thường không can dự vào những việc chính trị đảng phái, nhưng bản “Nhận định và Góp ý” của họ rõ ràng nói ngược lại với lời tuyên bố gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng sản. Trong chủ trương “4 không” của ông Trọng, ông nhấn mạnh là không thể chấp nhận bỏ độc quyền lãnh đạo ghi điều 4 Hiến Pháp; không chấp nhận đa đảng; cương quyết bác bỏ khái niệm tam quyền phân lập; và chống đề nghị đặt quân đội ra ngoài bàn tay kiểm soát của đảng Cộng sản. 

Dân Hà Nội bàn nhau rằng “Tuyên ngôn Bốn Không” của ông Trọng là phản ứng bất đắc dĩ, vì những tay đầu đảng đang lo sợ trước “Phong trào Không Bốn,” của những người dân đòi xóa bỏ điều 4 trong Hiến Pháp.

Cuộc đấu tranh giữa Bốn Không (viết tắt 40) và Không Bốn (viết tắt 04) đã bắt đầu. Dân Việt bây giờ có thể kín đáo bày tỏ thái độ bằng dấu hiệu: Tôi 04, anh 40 hay sao? Không, Tôi cũng 04! Những chiếc áo sơ mi với dấu hiệu 04 sẽ từ từ xuất hiện.

Ông Nguyễn Phú Trọng đánh phủ đầu những người chống chủ trương 4 không, kết tội họ là “suy thoái” về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên đã phản ứng ngay lập tức, nói thẳng rằng ông Trọng không có quyền nhân danh tất cả mọi người dân Việt Nam để kết luật tình trạng chung là suy thoái trên ba mặt đó. Nếu có suy thoái, thì chỉ có các đảng viên cộng sản của ông Trọng suy thoái thôi!
Dấu hiệu suy thoái nặng nề nhất về tư tưởng, chính trị và đạo đức đã hiện ra trong chủ trương 40 (bốn không) của ông Nguyễn Phú Trọng; khi ông dám nói rằng những người đòi tam quyền phân lập là suy thoái. Lời tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với các bằng chứng lịch sử. Loài người, từ khi quy tục thành quốc gia, ngay lúc còn “ăn lông, ở lỗ,” thực ra người ta đã sống trong tình trạng tập trung quyền hành hàng mấy chục ngàn năm. Vì họ không biết cách sống nào khác. Lúc mới sinh ra đã thấy mọi quyền quyết định trong xã hội, trong quốc gia đều nằm trong tay một người hay một gia đình. Dù họ gọi chế độ của họ Ðế quốc hay là Cộng Hòa, quyền bính vẫn tập trung tay một nhóm người được ưu đãi.
Chỉ trong vài ngàn năm gần đây mới có những định chế nằm bên cạnh, có khả năng tranh giành ảnh hưởng với các nhóm độc quyền chính trị. Thí dụ, có những tổ chức tôn giáo tự coi mình độc lập với các ông hoàng, bà chúa. Hoặc khi các nhà quý tộc dám họp nhau lại đòi quyền hành của ông vua phải có giới hạn, như bản Magna Carta, Ðại Hiến Chương ở nước Anh vào năm 1215. Tiến xa một bước nữa, từ thế kỷ 18 loài người đã biết chính thức thiếp lập các định chế độc lập và có thể kiểm soát lẫn nhau. Ba định chế thi hành ba thứ quyền: hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Từ đó tới nay, các dân tộc đều cố gắng tiến tới thực hiện việc phân chia ba thứ quyền hành như vậy. Những nước thực hiện “tam quyền phân lập” sớm nhất cũng là những nước tiến bộ nhất về kinh tế, mà người dân nước họ thường sống tự do và hạnh phúc hơn những nước độc tài chuyên chế.
Cho nên, chủ trương Bốn Không bác bỏ “tam quyền phân lập” là một ý kiến thực sự thoái hóa, hoàn toàn đi ngược với lịch sử tiến hóa của nhân loại. Giống như chủ trương đưa cả nước trở lại sống như vào thời Trung Cổ. Như vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng lại bảo họ là suy thoái thì lạ thật!
Người Việt Nam không ai cũng đến nỗi lú như vậy. Nước ta đã sống dưới chế độ chuyên chế trong vài ngàn năm, nhưng ngay từ khi được biết có những tiến bộ của loài người thì dân Việt đã thấy muốn quốc gia tiến bộ cần phải có “tam quyền phân lập.”
Trong thế kỷ trước, Phan Bội Châu đã chủ trương phân biệt ba quyền. Trong một di cảo có lẽ viết trong năm 1940, năm chót trong cuộc đời hơn 73 tuổi, Phan Bội Châu cho thấy truyền thống văn hóa Á Ðông đã có truyền thống đó, đặc biệt là quyền tư pháp phải độc lập với quyền hành pháp. Ngay trong Nho Giáo đã chấp nhận điều này. Cụ Phan kể lại một cuộc đối thoại giữa Mạnh Tử với học trò.

Người học trò Ðào Ứng đem chuyện Vua Thuấn ra để hỏi ý thầy. Ông vua huyền thoại này được coi là mẫu mực của các ông vua tốt; còn cha vua là Cổ Tẩu thì mang tiếng xấu. Ðào Ứng hỏi rằng: Nếu trong lúc Thuấn làm vua, Cao Dao làm sĩ sư (vị quan tư pháp cao nhất), mà Cổ Tẩu vô cớ giết người; thì Cao Dao phải xử trí ra sao? Mạnh Tử trả lời rằng: “Bắt ngay chứ còn gì nữa?” (Chấp chi nhi dĩ hĩ). Ðào Ứng hỏi: “Thế Thuấn không ngăn cản hay sao?” Mạnh Tử: “Thuấn lấy cớ gì mà cấm được?”
Ðào Ứng vẫn thắc mắc: Vậy thì Thuấn phải làm gì? Mạnh Tử cho là vua Thuấn nên bỏ ngôi vua, cõng cha đi trốn, nếu muốn giữ đạo hiếu.
Kể lại các câu đối thoại đó, Phan Bội Châu nhận xét: “Thuấn không dám ỷ quyền thiên tử mà xâm phạm đến quyền tòa án… Mà trong mắt Cao Dao cũng vậy,… theo luật pháp giết người phải bắt, cha thiên tử giết người cũng phải bắt.” Phan Bội Châu kết luận: “Thầy Mạnh chủ trương tam quyền phân lập.”

Bây giờ chúng ta đều hiểu tam quyền phân lập nghĩa là gì. Thời 1940, Phan Bội Châu phải giải thích với đồng bào: “Tam quyền là những gì? Tức là lập pháp (lập ra pháp luật); tư pháp (nghiêm giữ pháp luật); hành pháp (thi hành những việc quốc dân giao cho làm. Ba quyền đó không được xâm phạm lẫn nhau… Ðọc câu ‘Thuấn-đắc nhi cấm chi?’ (Thuấn lấy cớ gì mà cấm được) chẳng phải tinh thần của ‘tam quyền phân lập’ đó ru? Còn như quyền lập pháp là thuộc về quốc dân, lại cao hơn hành chánh.” (Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 4, xuất bản tại Huế, năm 1990, trang 388-391).
Nếu Phan Bội Châu sống vào thế kỷ 21, vào năm 2013, ở nước Việt Nam bị đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản thì chắc cụ đã bị ông tổng bí thư chê là “suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức.” Nhưng nếu phải phê phán thì giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Phú Trọng, thì chắc mọi người Việt Nam ai cũng biết người nào mới lú.
Nếu sống vào thế kỷ 21, chắc chắn Phan Bội Châu sẽ lên tiếng phản đối ngay chủ trương Bốn Không của đảng Cộng sản. Bởi vì cụ yêu thương người Việt Nam, suốt đời tranh đấu đòi quyền tự do, độc lập cho dân tộc. Không những đề cao tam quyền phân lập, chắc chắn Phan Bội Châu còn đòi phải bãi bỏ độc quyền cai trị cho bất cứ một đảng phái nào. Phan Bội Châu không bao giờ coi đảng của mình có quyền đứng trên đầu người dân. Sau vụ Phạm Hồng Thái ném bom ở Sa Diện năm 1924, dù dư luận cả nước hoan hô, Phan Bội Châu vẫn viết ngay một bài trần tình để giải thích tại sao Việt Nam Quốc Dân Ðảng, mà cụ sáng lập ở hải ngoại, lại chủ trương vụ ném bom này. Chống chế độ độc quyền độc đảng, chắc chắn Phan Bội Châu cũng phản đối đặt quân đội dưới sự kiểm soát của bất cứ đảng phái chính trị nào. Có thể đoán, cụ Phan sẽ phản ứng trước chủ trương Bốn Không của Nguyễn Phú Trọng giống hệt như phản ứng của Nguyễn Ðắc Kiên.

Người Việt Nam tranh đấu đòi tự do dân chủ có thể tin mình đang nối tiếp sự nghiệp tranh đấu của Phan Bội Châu.

Ngô Nhân Dụng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét