Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Rộng lượng


LTCGVN (20.09.2014)


Rộng lượng được hiểu là hành động tốt, cần khuyến khích, học hỏi. Rộng lượng phát xuất từ tấm lòng từ tâm, cho đi mà không mong nhận lại. Cho đi, không phải của dư thừa hay không thích, mà cho đi những gì mình có thể cho bằng cách san sẻ cho nhau để giảm bớt mối lo của người khác. Rộng lượng phát xuất tự tâm là điều trọn hảo bởi nó thể hiện lòng xót thương giữa con người với con người. Từ xa xưa nhóm quí tộc hiểu lầm họ tự nhận chỉ những ai sanh ra trong dòng dõi quí tộc mới rộng lượng. Họ còn hiểu lầm hơn nữa khi cho rằng bất cứ ai sanh ra trong dòng dõi quí tộc đều rộng lượng. Tư tưởng này về sau được nâng cao hơn khi nói đến rộng lượng người ta nói đến tinh thần rộng lượng bằng cách nhấn mạnh đến các đức tính như can đảm, sức mạnh, bác ái và hiền lành. Các đức tính này được vật chất hoá khi nói đến vật chất người ta dùng các từ như đất đai phì nhiêu, thực phẩm chất lượng hay thanh thoát của mầu sắc. Rộng lượng ở thế kỉ 19 nhấn mạnh nhiều đến việc san sẻ tiền bạc và của cải cho người khác hơn là tinh thần rộng lượng và rồi rộng lượng biến đổi thêm một lần nữa và nhấn mạnh đến cách thức và tinh thần của người rộng lượng.

Thực ra rộng lượng không phải là bản tính tự nhiên của con người. Không phải khi sanh ra ai cũng là người rộng lượng. Rộng lượng là đức tính tốt. Tất cả các đức tính tốt đều phải được huấn luyện, giáo dục mới có. Để trở thành người rộng lượng, có lòng từ tâm, lòng thương xót người đồng loại thì cần phải học và thực hành sống rộng lượng với chính mình và với tha nhân. Sống thực hành rộng lượng sẽ giúp tâm đạo người đó phát triển đồng thời từ từ huỷ diệt, trừ thói hư, tật xấu. Rộng lượng ngày nay được hiểu rộng rãi hơn xưa rất nhiều. Nó vượt quá khỏi nhu cầu vật chất tiến đến nhu cầu tâm lí, như cầu cảm xúc và nhu cầu tâm linh. Rộng lượng không phải chi giới hạn trong việc phân phát, bố thí của cải vật chất. Rộng lượng trong rất nhiều trường hợp, nhất là trong giới trung lưu, họ không thiếu thốn của cải vật chất nhưng đói khát tinh thần. Họ cần rộng lượng vể các phương diện tâm lí cảm xúc và cả tâm linh nữa. Cuộc sống con người ngày nay đòi hỏi con người đối xử với nhau trong tình nhân loại, tình người. Người giầu chia sẻ cho người nghèo là điều cần thiết và ưu tiên các nhu cầu khác cũng rất quan trọng như tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo. Người ta cần rộng lượng trong việc phê bình, chỉ trích. Cần rộng lượng trong lời ăn, tiếng nói mong tránh làm tổn thương, xúc phạm đến phẩm giá con người, hay tạo nên những câu nói cay cú gây chấn động đến tình cảm, gây xáo trộn, bất thường cho tâm lí người khác. Người ta cần rộng lượng trong việc dùng thời gian cho việc thờ phượng. Đừng tính toán quá kĩ từng giây phút với Đấng dựng nên ta. Hãy hảo tâm thời gian cầu nguyện, thờ phượng vì Chúa là Đấng hảo tâm.

Kitô hữu có nhiệm vụ rộng lượng trong việc thực thi bác ái với tha nhân. Thực thi đức ái là một sứ mạng, sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho mọi người qua hành động cụ thể bởi vì mọi người. Ngoài tình người, tình liên đới mọi người dù tin hay không tin Đức Kitô đều là con cái Thiên Chúa, anh chị em trong Đức Kitô, mặc dù họ không thừa nhận Đức Kitô nhưng chúng ta không có quyền loại họ ra ngoài vì quyền thuộc về Chúa hay bị loại ra không nằm trong thẩm quyền của ta mà do Chúa quyết định. Chính Đức Kitô, không phân biệt, Ngài nói,

Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy Mat 25,40

Nhiệm vụ truyền giáo chính của Giáo Hội là ban phát bình an cho mọi người. Mang an bình bằng cách chia sẻ gánh nặng của họ, chia sẻ bằng tình thương, bằng thông cảm, bằng ủi an bằng kêu gọi cổ động các Kitô hữu san sẻ những gì có thể được cho anh em cần đến sự giúp đỡ của họ. Chính các tông đồ thời Giáo Hội sơ khai đã làm điều này khi các Ngài nhắc lại điều Đức Kitô phán dậy: Cho thì có phúc hơn là nhận Cv 20, 35

Thánh Phaolô trong 1Cr 12,31tt khi dậy về bác ái và yêu thương. Ngài viết bác ái mà thiếu yêu thương là tìm vinh quang cho chính mình. Bác ái đi kèm với yêu thương là tìm vinh quang cho Thiên Chúa và vì thế ơn Chúa sẽ biến đổi đời ta. 

Lm Vũđình Tường

0 nhận xét:

Đăng nhận xét