Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/12/2012 - 03/01/2013 Hướng đến 10 sự kiện năm 2013


Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây






1. Ngày cầu cho hòa bình thế giới



Hôm mùng một Tháng Giêng, ngày đầu Năm mới, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cử hành thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Tham dự trong thánh lễ có các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và các vị trong giáo triều Rôma, các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và hơn 10,000 anh chị em tín hữu.



Chủ đề Đức Thánh Cha nêu ra trong bài giảng của ngài, cũng như trong diễn từ trước khi đọc kinh Truyền Tin là: Năm mới sẽ tốt lành, nếu chúng ta tiếp nhận và sống tình yêu của Thiên Chúa.



Đức Thánh Cha nói:



Mặc dù rất tiếc là thế giới còn bị ghi dấu bởi các ngọn lửa căng thẳng và chống đối, gây ra bởi các bất bình đẳng càng ngày càng gia tăng giữa người giầu và người ghèo, bởi sự thắng thế của một não trạng ích kỷ và duy chủ nghĩa cá nhân, được diễn tả ra bởi một chủ thuyết tư bản tài chánh không luật lệ. Bên cạnh đó, còn có các hình thái khủng bố phá hoại và tội phạm, nhưng tôi xác tín rằng nhiều công tác hòa bình, mà thế giới có được một cách phong phú, chứng minh cho ơn gọi hòa bình bẩm sinh của nhận loại. Nơi mỗi một người ước mong hòa bình là khát vọng nền tảng, và trong một cách thế nào đó, nó trùng hợp với ước mong có một cuộc sống tràn đầy, hạnh phúc.



Trong lời Chúc Mừng Năm Mới, Đức Thánh Cha nói:



Anh chị em thân mến, xin chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người. Trong ngày đầu năm 2013 này tôi muốn chuyển đến từng người nam nữ trên thế giới muôn ơn lành của Thiên Chúa. Tôi làm điều này với những lời truyền thống này trong Sách Thánh: “Xin Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em. Xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và ban cho anh chị em dư đầy ơn phúc. Xin Chúa đoái nhìn và ban cho anh chị em được bình an.” 



2. Buổi triều yết chung thứ Tư 2 tháng Giêng



Trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô hôm mùng 2 tháng Giêng, tức là buổi triều yết chung đầu tiên trong năm 2013, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đặt ra cùng một câu hỏi mà quan tổng trấn Phongxiô Philatô đã hỏi Chúa Giêsu: “Ông là ai?”



Đức Thánh Cha nói:



Anh chị em thân mến,



Trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta vui mừng trong ánh sáng bao quanh mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa Kitô là điều mang lại cho chúng ta một niềm hy vọng có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta trong thế giới này. Mỗi năm lễ kỷ niệm này dẫn chúng ta đến việc suy tư một lần nữa căn tính của Chúa Giêsu là Con duy nhất bởi Thiên Chúa, là Đấng vì ơn cứu rỗi chúng ta đã xuống thế làm người.



Chúa Giêsu thực sự là Emmanuel: "Thiên Chúa ờ cùng chúng ta", được sinh ra bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Khi chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể trong Kinh Tin Kính, chúng ta cúi đầu tôn kính. Chúng ta nhìn nhận rằng nhập thể là kỳ công của Ba Ngôi Thiên Chúa, với sự hợp tác tự nguyện của Đức Maria. Nhập thể là khởi đầu của sáng thế mới. Được hoài thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô là Adam mới, Đấng đem đến cho nhân loại ơn tái sinh trong nước rửa tội, nhờ đó chúng ta trở thành con cái của Cha trên trời. Trong mùa thánh thiện này, chúng ta hãy chào đón Đấng Cứu Thế vào lòng chúng ta, để quyền năng của Thiên Chúa tăng cường và biến đổi các nhược điểm của chúng ta, và hân hoan vui tươi làm chứng cho buổi rạng đông của sự sáng tạo mới.



Tôi hân hoan chào đón tất cả các du khách nói tiếng Anh hiện diện nơi đây, bao gồm cả những người hành hương từ Na Uy, Nhật Bản, Việt Nam và Hoa Kỳ. Xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên anh chị em và toàn gia quyến, và ban cho anh chị em niềm vui hòa bình và thịnh vượng cho năm mới vừa bắt đầu. Happy New Year! "



3. 12 nhà thừa sai truyền giáo bị giết trong năm 2012



Trong suốt 12 tháng của năm 2012, 12 vị thừa sai đã thiệt mạng trên những bước đường truyền giáo. Thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa cho biết như trên trong tổng kết cuối năm 2012.



10 vị trong tổng số 12 nhà thừa sai truyền giáo bị giết trong năm 2012 là các linh mục. Hai vị còn lại là một nữ tu và một giáo dân.



Trong 4 năm liên tiếp, Mỹ Châu là vùng đất nơi máu các nhà truyền giáo đổ ra nhiều nhất. Trong năm qua đã có 6 linh mục bị giết tại đây. Tại Phi Châu, 3 linh mục và một nữ tu bị giết. Tại Á Châu, một linh mục và một giáo dân bị giết. 



Thống kê này không kể đến số các nhà truyền giáo trong đó có cả các Giám Mục bị đánh đập đến mang thương tích, bị giam cầm, khủng bố, hăm dọa, mạ lỵ công khai tại Trung quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và các quốc gia Ả Rập.



4. Đại hội đại kết Rôma 



Hàng ngàn thanh niên từ khắp châu Âu và Bắc Mỹ đã bắt đầu đến Rôma vào sáng sớm ngày thứ Sáu 28 tháng 12. Trong gần một tuần lễ, khoảng 40,000 thanh niên nam nữ sẽ tham gia Đại hội Taizé châu Âu, được mô tả như là một trong các cuộc họp đại kết lớn nhất trên thế giới.



Khoảng một nửa những người tham gia năm nay là người Công Giáo, và nửa còn lại là thanh niên Chính Thống Giáo hay Tin Lành.



Tu huynh Gioan (Cộng đoàn Taizé) nói



"Đại hội cho thấy rằng với tư cách là Kitô hữu, các bạn trẻ đã có một sự thống nhất nào đó. Chúng ta đều có cùng một phép rửa, chúng ta có cùng một Kinh Thánh, và rất nhiều niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô là như nhau. Có các sự khác biệt, nhưng ít nhất chúng ta có thể cử hành sự thống nhất của chúng ta, và điều này có thể mang lại cho chúng ta sự thúc đẩy mạnh, để làm việc cho sự hiệp nhất tiến nhanh hơn nữa".



Ban Tổ chức đã dành ba tháng qua để chuẩn bị cho sự tham gia của các bạn trẻ. Đại hội kéo dài một tuần lễ sẽ diễn ra tại hơn 200 giáo xứ trong khu vực Rôma.



Đại hội hàng năm cho phép người tham gia suy tư về đức tin của họ, trong cuộc tĩnh tâm một tuần lễ để cầu nguyện, hội thảo và tham dự các hoạt động tôn giáo khác.



Tu huynh Gioan nói tiếp:



"Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một dấu chỉ thực sự của niềm hy vọng. Như các bạn đã biết, ngày nay con người sống rất hy vọng. Có rất nhiều vấn đề, vấn đề kinh tế, và đủ thứ vấn đề. Các bạn trẻ thường không có khả năng có việc làm trong tương lai. Và tôi nghĩ rằng khi người ta đến với nhau trong một địa điểm như thế này, họ nói về những gì thực sự xảy ra, và cầu nguyện cho một niềm hy vọng mới có thể phát sinh".



Ngày thứ Bẩy 29 tháng 12, lúc 5:50 chiều các bạn trẻ đã có cơ hội để cùng cầu nguyện với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tại Quảng trường Thánh Phêrô.



Trong chương trình đại hội, các bạn trẻ nam nữ cũng đã đến thăm một số trung tâm tôn giáo khác ở Rôma, trong một nỗ lực để thúc đẩy sự đoàn kết lớn hơn giữa các Kitô hữu.



5. Hướng đến 10 sự kiện lớn trong năm 2013



10 sự kiện lớn sau đây chắc chắn sẽ là đầu đề của nhiều bài báo ở Rôma và trên thế giới trong năm mới 2013.



Trước hết là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Brazil, nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 tại Rio de Janeiro. Sự kiện này dự kiến sẽ thu hút gần 2 triệu thanh niên nam nữ.



Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 sẽ đến đây vào ngày Thứ Hai, 22 tháng 7, sau khi rời Rôma hô, Chúa Nhật một ngày trước đó. Tòa Thánh cũng đang phân tích chuyến thăm đến các nước khác ở châu Mỹ Latinh, trong đó Colombia và Panama được xếp hàng đầu trong danh sách.



Năm 2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 cũng sẽ công bố một thông điệp mới về đức tin. Đây là thông điệp thứ tư trong triều đại giáo hoàng của Ngài, và có khả năng sẽ được công bố vào tháng Giêng.



Đức Thánh Cha dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy Năm Đức Tin, với một số cuộc gặp gỡ để đánh dấu năm này. Ví dụ, vào ngày 15 tháng 6, Ngài sẽ tổ chức tại Vatican một hội nghị thế giới về quyền sống, vốn được mô tả như là việc bảo vệ phẩm giá con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.



Ngày 18 tháng 5, Đức Thánh Cha sẽ chào đón đại diện và các thành viên thuộc mọi phong trào Công giáo tại Quảng trường Thánh Phêrô. Họ là các tổ chức và các nhóm, đề xuất ý tưởng và phương pháp để sống đức tin và có hàng triệu người tham gia. Trong số các nhóm có đông đảo thành viên là Phong trào Focolare, Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, và Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng.



Ngày 2 tháng 6, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 sẽ tham gia một buổi chầu Thánh Thể, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử buổi lễ này sẽ được truyền hình trực tiếp khắp thế giới.



Vào ngày 26 và 27 tháng 10, Ngài cũng kêu mời các gia đình trên toàn cầu đến Rôma, để suy tư về cách thức đức tin giúp họ vượt qua các thử thách cam go hàng ngày.



Trong tháng Sáu, một trong các sự kiện lớn nhất sẽ là cuộc gặp lần đầu tiên của Ngài với tất cả các Sứ thần Tòa Thánh. Các vị dự kiến sẽ thảo luận về cách thức đại diện cho Đức Thánh Cha, như là một nhà lãnh đạo cả về phương diện chính trị lẫn tôn giáo.



Tháng Mười là tháng Đức Thánh Cha thường tôn phong các vị thánh mới. Năm 2013, Ngài sẽ phá kỷ lục khi phong thánh cho 802 vị trong cùng một buổi lễ. Các ngài gồm có 800 vị tử đạo ở Otranto (Italy), bị giết chết vì thù ghét đức tin của các ngài năm 1480; một vị thánh đầu tiên của Colombia, Mẹ Laura; và nữ tu Chân Phước Mẹ Maria Guadalupe người Mexico.



Đức Thánh Cha dự kiến sẽ tham gia đầy đủ lịch trình của năm 2013, mặc dù Ngài sẽ mừng sinh nhật lần thứ 86 vào tháng 4 tới. Việc này làm cho Ngài trở thành vị Giáo hoàng cao tuổi thứ tư trong lịch sử của Giáo Hội.



Năm 2013, 10 vị Hồng Y sẽ quá tuổi 80 tuổi, và do đó mất quyền bỏ phiếu của mình trong Mật nghị Giáo hoàng lần tới. Xét như hiện nay, sẽ còn 109 cử tri Giáo hoàng vào ngày 25 tháng 12 năm 2013. Đó có lẽ là lý do mà Đức Thánh Cha sẽ tấn phong thêm các Hồng y mới cho Giáo hội vào cuối tháng 11, nhân lễ bế mạc Năm Đức Tin.



6. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 trong tháng Giêng 



Ý cầu nguyện chung của Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 cho tháng Giêng là: "Xin cho trong Năm Đức tin, các Kitô hữu biết đào sâu sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, và hân hoan làm chứng vể niềm tin của mình”.



Ý truyền giáo của Ngài là: "Xin cho các cộng đoàn Kitô hữu ở Trung Đông được Chúa Thánh Thần ban cho sức mạnh, giúp họ trung tín và kiên trì, đặc biệt khi họ bị phân biệt đối xử”.



Tổ chức Release International (trả tự do quốc tế), một cơ quan phục vụ các Kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới, nói rằng sự biến động liên tục trong thế giới Hồi giáo sẽ đặt ra mối đe dọa lớn nhất cho Kitô hữu trong năm 2013. Ông Andrew Boyd là Quan chức báo chí của tổ chức Release International, và ông đã phát biểu đại ý như trên với Susy Hodges của Đài phát thanh Vatican, về dự báo của tổ chức này trong năm 2013.



Ông Boyd nói rằng ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng Giêng "là rất thích hợp", khi tổ chức của ông tin rằng các Kitô hữu phải đối mặt với một nguy cơ gia tăng về bách hại trong năm 2013, do các biến động liên tục trong thế giới Hồi giáo. Về tình hình ở Ai Cập, ông nói rằng theo các nguồn tin địa phương "khoảng 100,000 Kitô hữu đã rời bỏ đất nước" kể từ cuộc bầu cử quốc hội năm 2011, trong đó tổ chức Huynh đệ Hồi giáo nổi lên như một đảng lãnh đạo. Ông nói rằng có rất nhiều dấu hỏi về tương lai của Kitô hữu ở Ai Cập và "Mối lo lắng sẽ tiếp tục gia tăng".



Một khu vực khác của thế giới, nơi có một "trong các mối đe dọa trực tiếp lớn nhất" cho Kitô hữu là tình hình ở miền Bắc Nigeria. Ông Boyd nói rằng "có một kế hoạch rõ ràng để xua đuổi Kitô hữu khỏi miền bắc" bởi các nhóm Hồi giáo cực đoan, và mô tả việc này như là "một sự thanh trừng tôn giáo".



Về Pakistan, ông Boyd nói rằng việc bách hại các Kitô hữu "đang gia tăng nhảy vọt", và nêu ra các luật chống báng bổ Mohammed đang gây tranh cãi tại quốc gia này. Ông nói: "Một khi bạn đã bị buộc tội báng bổ ở Pakistan, đó là như một án tử hình, cho dù bạn có tội hay không".



Tình hình ở Bắc Triều Tiên và Eritrea cũng là một nguyên nhân gây ra lo ngại sâu sắc, với cuộc bách hại "nghiêm trọng và ngày càng tồi tệ" đối với các Kitô Giáo. Được hỏi liệu có bất kỳ điểm sáng nào trong bức tranh ảm đạm này hay không, ông Boyd nói rằng mặc dù có các mối đe dọa gây ra bởi sự biến động trong thế giới Hồi giáo, cũng có niềm hy vọng trộn lẫn trong những nỗi sợ hãi ấy. Ông nêu ra "một sự thống nhất gia tăng" giữa các giáo phái Kitô khác nhau tại các quốc gia này, và cho biết thêm: "trong đó, có một niềm hy vọng lớn cho năm 2013"



7. Mùa Giáng Sinh tại Nigeria



Mùa Giáng Sinh năm nay được đánh dấu bởi bạo lực kinh hoàng nhắm vào các Kitô hữu tại Nigeria. Trong đêm Giáng Sinh, nhóm khủng bố Hồi Giáo Bobo Haram đã xả súng tấn công vào một nhà thờ tại bang Borno lúc đang cử hành Đêm Giáng Sinh và nổi lửa thiêu hủy nhà thờ. Tại bang Yobe, nhóm này đã bắn chết 6 Kitô hữu khác cũng trong Đêm Giáng Sinh. Trước đó, hôm mùng 1 tháng 12, 10 Kitô hữu đã bị nhóm này cắt đứt cuống họng chết tại làng Kupwal trong tỉnh Chibok.



Tại khu vực Trung Mỹ, tình trạng bạo lực trong xã hội được xem là tồi tệ nhất trong ký ức của con người đương đại về các mùa Giáng Sinh gần đây. Chỉ trong Đêm Giáng Sinh và Ngày Giáng Sinh đã có ít nhất 88 người chết và 241 người bị thương.



Tại các miền khác trên thế giới, Hội Thánh Chúa được ghi nhận là tương đối bình yên mặc dù vẫn không thiếu những căng thẳng, kỳ thị và áp bức.



8. Tại Bethlehem



Sau hiệp định ngưng bắn tại Gaza ngày 21 tháng 11, số tín hữu đến Bethlehem để mừng lễ Giáng Sinh đã gia tăng, mặc dù gần tới lễ Giáng Sinh các vụ vi phạm ngưng bắn có khuynh hướng trầm trọng hơn. Bộ du lịch Israel hy vọng có khoảng 75.000 tín hữu viếng thăm Bethlehem. Cộng đoàn Kitô địa phương cần sự hiện diện của các Kitô hữu và du khách hành hương để có thể sống còn.



Tại Bethlehem tín hữu Kitô đã chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh với tuần cửu nhật và chuông nhà thờ rộn rã đổ hồi mỗi ngày. Từ ngày 15 tháng 12 chính quyền thành Bethlehem đã cho trồng một cây thông giáng sinh rất lớn tại quảng trường Máng Cỏ và trang hoàng các đường chung quanh đền thờ Giáng Sinh với hoa đèn nhiều màu sắc.



Các lễ nghi do Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal chủ sự theo một chương trình đã có từ nhiều thập niên qua. Chiều 24 tháng 12 Đức Thượng Phụ được các hướng đạo sinh và dân chúng tiếp đón khi đến Bethlehem, và ngài chủ sự buổi hát Kinh Chiều Thứ Nhất trọng thể trong đền thờ Giáng Sinh. Sau đó Đức thượng Phụ chủ sự buổi rước kiệu xuống Hang Đá, xông hương nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, và bàn thờ Ba Vua, rồi đi ngang qua các hang dưới lòng đất có các bàn thờ kính Thánh Giuse, các Thánh Anh Hài, rồi lên nhà thờ thánh nữ Catarina ở bên cạnh.



Sau đó có giờ Kinh Phụng Vụ các bài đọc và Thánh Lễ nửa đêm. Tham dự thánh lễ do Đức Thượng Phụ cử hành, có tổng thống Abu Mazen, bà thị trưởng Bethlehem Vera Baboun và các vị lãnh đạo chính trị xã hội, cùng với các vị lãnh sự các nước Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ và hơn 1.500 tín hữu. Sau thánh lễ tượng Chúa Hài Đồng được rước xuống Hang Đá Giáng Sinh và được đặt ở đây cho tới ngày mùng 6 tháng Giêng, rồi sau đó được rước trở lại nhà thờ thánh nữ Catarina.



9. Trung Đông 



Trong toàn vùng Trung Đông, Kitô hữu không được an bình mừng lễ Giáng Sinh vì tình hình chính trị kinh tế xã hội đã trở nên tồi tệ hơn.



Tại Syria, niềm vui Giáng Sinh bị lu mờ vì cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài từ 20 tháng qua đã khiến cho hơn 44,000 người thiệt mạng, trong đó có 4,000 trẻ em và hơn 2 triệu người phải tị nạn, trong đó có gần 300 ngàn tại Giordania và 150 ngàn bên Libăng. Giáo Hội Latinh Giêrusalem đang hết sức cộng tác vào việc cứu trợ các anh chị em Syria tị nạn bên Giordania. Trong mấy ngày vừa qua các cuộc dội bom và pháo kích vào các lò làm bánh mì đã khiến cho thêm hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương khi đứng xếp hàng đợi mua bánh.



Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari Sứ Thần Tòa Thánh tại Syria cho biết mặc dù có chiến tranh, nhưng các tín hữu Kitô vẫn cố gắng làm những gì có thể để các giáo xứ có bầu khí Giáng Sinh trong các giáo xứ trong thủ đô Damascus cũng như nhiều nơi khác. Đức Tổng Giám Mục Zenari đã đi thăm nhiều giáo xứ vùng ngoại ô và nhiều dòng tu nam nữ. Các linh mục tu sĩ vẫn hàng ngày tiếp tế lương thực cho dân nghèo. Có một trung tâm bác ái tại Damascus mỗi ngày phân phát 6,500 phần ăn nóng cho dân không phân biệt tôn giáo. Và các bạn trẻ Kitô và Hồi Giáo sát cánh với nhau trong công tác bác ái này. Những nghĩa cử tình yêu đó là cách thức cử hành lễ Giáng Sinh một cách ý nghĩa nhất trong bầu khí chiến tranh chết chóc và đổ nát tại Syria hiện nay.



10. Tại Iraq



Kitô hữu Iraq mừng lễ Giáng Sinh trong âu lo vì các căng thẳng, các cuộc khủng bố bằng bom và tấn kích vẫn tiếp tục. Đức Cha Shlemon Warduni, Giám Mục Phụ tá Baghdad, cầu mong lễ Giáng Sinh đem lại một chút hòa bình và ổn định cho Kitô hữu và nhân dân Iraq đã phải sống trong các thử thách khó khăn và khủng bố kể từ năm 2003 tới nay. Vì tình hình thiếu an ninh nên các thánh lễ Giáng Sinh được cử hành lúc 7 giờ chiều thay vì nửa đêm.



Trong các nhà thờ tại thủ đô đều có trang hoàng hang đá và cây thông Giáng Sinh. Đức Cha Warduni cho biết các chia rẽ vẫn tồn tại trong ba vùng bắc trung nam Iraq. Kitô hữu Iraq cũng chờ đợi có vị Thượng Phụ mới sẽ được các Giám Mục Giáo Hội Công Giáo Chanđê bầu trong phiên họp vào cuối tháng giêng năm 2013, thay thế Đức Hồng Y Emmanuel Delly nghỉ hưu. Giáo Hội Công Giáo Chanđê là Giáo Hội có đông tín hữu nhất Iraq, tuy trong các năm qua đã có hàng trăm ngàn người tìm di cư ra nước ngoài sinh sống. Đức Cha Louis Sako, Tổng Giám Mục Kirkuk, cho biết thật là quan trọng việc lựa chọn một vị tân thượng phụ có khả năng hiệp nhất các Kitô hữu, có các chương trình cải tổ mục vụ, phụng vụ và cơ cấu các giáo phận cũng như việc đào tạo các chủng sinh và giáo dân và tổ chức các cơ cấu của Tòa thượng phụ. Trên bình diện quốc gia người phải nắm giữ vai trò hòa giải nữa.



11. Tại Nepal



Năm nay Kitô hữu có thể cử hành lễ Giáng Sinh mà không sợ các nhóm Ấn Giáo cuồng tín khủng bố. Từ ngày chấm dứt chế độ quân chủ hồi năm 2006 tới nay chính quyền Nepal đã công nhận Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ trên toàn nước để lôi cuốn các khách du lịch. Sự kiện này đã giúp Kitô giáo công khai trưng bầy các ảnh tượng và các trang hoàng hoa đèn trong các hàng quán, trong các nhà thờ và tại tư gia. Hiện nay số tín hữu Công Giáo Nepal được khoảng 10,000, tức gia tăng 4,000 so với năm 2006, khi Nepal tuyên bố trở thành quốc gia thế tục. Tự do tôn giáo đã cho phép các Kitô hữu công khai biểu lộ đức tin. Các nhà thờ đều loan báo chương trình lễ, dựng cây thông, làm hang đá, và treo đèn trang hoàng. Hàng trăm tín hữu, kể cả tín hữu Ấn giáo và Phật giáo chờ tham dự thánh lễ đêm Giáng Sinh trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời trong thủ đô Katmandu.



Trong các năm qua tại Nepal đã xảy ra các vụ khủng bố chống các Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số do các nhóm Ấn giáo cuồng tín chủ mưu. Trầm trọng nhất là vụ đặt bom nhà thờ chính tòa Katmandu khiến cho 2 ngừơi chết và 13 người bị thương hồi năm 2009.



12. Tại Pakistan



Năm nay Kitô hữu Pakistan vui mừng tiếp đón tượng “Chúa Giêsu Hài Đồng Praha”. Do sáng kiến của linh mục Emmnauel Parvez, cha sở giáo xứ thánh Phaolô tông đồ tại Pansara giáo phận Faisalabad, bang Punjab, cha Anastasio Roggero, dòng Cát Minh, giám đốc đền thánh Chúa Giêsu Hài Đồng Praha đã gửi một bức tượng sang Faisalabad. Tượng được đặt trong nhà nguyện “Chúa Giêsu Hài Đồng Praha” của một làng quê, nơi có một số gia đình Kitô sinh sống về nghề nông và thợ thuyền.



Đức Cha Joseph Coutts, Tổng Giám Mục Karachi kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pakistan ước mong phổ biến lòng tôn sùng Chúa Giêsu Hài Đồng đặc biệt trong các trường học Công Giáo. Vì thế ngài đã mời các cha dòng Cát Minh đến Pakistan để giúp phát động phong trào tôn sùng này qua các buổi dậy giáo lý Chúa Nhật.



Lòng tôn sùng Chúa Giêsu Hài Đồng đã lan sang nhiều nước Á châu như: Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Mông Cổ. Và tại các nước này đều đã có các nhà thờ và nhà nguyện dâng kính Chúa Giêsu Hài Đồng Praha. Cha Roggero đi khắp nơi trên thế giới để phổ biến lòng tôn sùng này. Cách đây mấy tuần cha đã sang Ấn Độ và chủ sự thánh lễ tại Đền Thánh Chúa Giêsu Hài Đồng Bangalore với sự tham dự của 5,000 tín hữu.



Lòng tôn sùng Chúa Giêsu Hài Đồng trong tu viện Cát Minh Praha bên Tiệp đã bắt nguồn từ cha Giovanni Ludovico của Đức Mẹ hồn xác lên trời, Tu viện trưởng, hồi năm 1628. Tượng Chúa Giêsu Hài Đồng mặc áo choàng đỏ, đầu đội triều thiên vàng, tay phải chúc lành tay trái cầm qủa địa cầu nhỏ.



13. Tại Sri Lanka



Kitô hữu Sri Lanka tại các vùng bị lụt đã không thể mừng lễ Giáng Sinh như thường lệ, vì đã có trên 6,300 người gồm gần 1,800 gia đình bị di tản. Đó là dân chúng sống trong các quận: Galle, Matale, Mkandy, Nuwara Eliya, Polonnaruwa, Badulla, Baticaloa, Hambantota, Moneragala và Kurunegala. Hiện nay số người nói trên phải sống trong 29 trung tâm tiếp cư, đa số là các trường học, và các cộng đoàn. Cho tới nay mưa lũ đã gây khó khăn cho 20,000 người sống trong 6 trên tổng số 9 tỉnh của Sri Lanka, khiến cho 600 nhà bị phá hủy hay hư hại nặng. Nơi có đng người chết nhất là Matale miền trung Sri Lanka, là vùng vị lụt nặng nhất nước.



14. Tại Phi Luật Tân



Tình trạng bão lụt tại đảo Mindanao cũng khiến cho bầu khí Giáng Sinh năm nay bớt vui, vì có hơn 700 người chết, hàng chục người mất tích và hàng ngàn người không nhà không cửa. Đây là vùng có đa số dân theo Hồi giáo, nhưng cũng có một số nhỏ là Kitô hữu. Dân chúng đã bắt tay vào việc tái thiết ngay, nhưng dấu vết tàn phá của bão lụt còn ghi dấu trên nhà cửa và ruộng đồng. Cùng với nhà cửa người dân trong vùng đã mất hết mùa màng.



Sang đến Malaysia thiểu số Kitô hữu có thể hài lòng mừng lễ Giáng Sinh, vì chính quyền đã hủy bỏ các hạn chế số người hành hương Thánh Địa, sau tranh luận dài giữa chính quyền và thiểu số Kitô hữu.



15. Tại Malaysia



Malaysia là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo. Trước đây chính quyền cho phép các tín hữu Kitô, Hồi Giáo và Do Thái tự do hành hương Thánh Địa. Sau đó chỉ cho phép mỗi năm 700 người đi hành hương, tức mỗi cộng đoàn tôn giáo chỉ có thể gửi một nhóm 40 người. Nhưng nay sự hạn chế này không còn nữa và giấy phép hành hương được kéo dài đến 21 ngày.



Trong các vụ tranh cãi liên quan tới việc tín hữu Kitô cũng có quyền dùng từ Allah để gọi Thiên Chúa, các Kitô hữu đã thắng kiện. Tuy nhiên, hậu quả là thiểu số Kitô hữu Malaysia đã gặp các khó khăn, căng thẳng, bạo lực, kể cả các vụ tấn kích các nhà thờ và dinh thự Kitô. 



16. Tại Indonesia



Quân đội và cảnh sát vẫn phải rà xem có bom đặt trong nhà thờ hay không trước thánh lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, nhìn chung Hội Thánh Chúa được bình an.



Để mừng lễ Giáng Sinh, giới nhà giáo, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh cũng như giới trẻ Kitô đã tham gia chiến dịch chống tham nhũng do Hội Đồng Giám Mục phát động. Nạn tham nhũng là một trong những thách đố cam go và cổ xưa nhất mà Giáo Hội và xã hội nước này phải đương đầu ngay từ thời hậu thực dân. Nạn tham nhũng lan tràn trong các cơ quan nhà nước và công quyền gây ra nhiều hậu qủa tai hại cho sự tiến triển xã hội và đất nước. 



Hiện nay có một nhóm thiện nguyện do linh mục Edy Purwanto và Linh Mục Royani Lim phát động trước lễ Giáng Sinh. Tham dự chiến dịch có cả các bác sĩ như bác sĩ Prastowo, các thương gia như ông Wisnu Rosariastoko và giáo sư như bà Wiwiek Widiarti.



Cha Adisusanto dòng Tên chuyên viên truyền thông cho biết cha ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng này ngay lập tức vì nó thăng tiến công ích. Cách đây không lâu các Giám Mục, Linh Mục và tín hữu Indonesia cũng đã phát động chiến dịch chống cai trị yếu kém và các dịch vụ buôn bán vô luân.



17. Tại Nam Hàn



Sau cùng bên Nam Hàn bà tân tổng thống Park Geun Hye đã cho tái lập thói quen dựng cây thông Giáng Sinh trong vùng biên giới giữa hai miền Nam và Bắc Hàn, như dấu chỉ của tinh thần hòa giải, hòa bình và yêu thương giữa người dân hai bên. Thói quen này đã bị ngưng từ năm 2003. Ông Kim Min-Seok phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết cây thông Giáng Sinh khổng lồ được trang hoàng nhiều đèn sáng đã có mặt tại vùng biên giới từ ngày 22 tháng 12 cho tới ngày mùng 2 tháng Giêng năm 2013.

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét