Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Tìm một ánh sao


Tìm một ánh sao
Hàng năm, khi Phụng vụ vừa bước vào Mùa Vọng, thì lời nguyện của dân riêng được chọn xưa ghi lại trong Sách Isaia đoạn 45, câu 8 lại vang lên trong các Thánh lễ. “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương; mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ; đồng thời chính trực sẽ vươn lên”.
Nỗi thao thức của dân riêng Chúa chọn thuở xa xưa đó đã trở thành sự mong đợi, niềm hy vọng triền miên của cả nhân loại; một nhân loại gần như càng ngày càng bị vùi dập trong mọi nỗi khốn khổ cả hồn lẫn xác. Và giờ đây, cách riêng, lại cũng còn là lời tâm can thê thiết  của dân Chúa Việt Nam, của khối chín mươi triệu cháu con nhà Hồng Lạc.

Có người khi đọc lời ngôn sứ  Isaia này thì thắc mắc là thời đó, dân Do thái vừa bị lưu đầy lại vừa sống giữa cảnh nô lệ nhưng sao không thấy ngôn sứ xin thêm cho anh em mình có được công lý và hoà bình, có tự do dân chủ mà chỉ gói ghém hoài vọng trong giấc mộng dài về một đấng cứu độ. Sự thực phải hiểu là theo mong đợi của dân Do thái, đấng cứu độ ấy chỉ là một ai đó hạn hẹp trong vóc dáng đại anh hùng, một nhà chính trị tài ba đến với họ bằng binh hùng tướng mạnh, giúp họ đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi đất nước, đưa họ thoát khỏi cuộc sống tôi mọi trong kiếp nô lệ. Tóm lại, họ mong một  đấng cứu độ đến  giải phóng cho họ bằng một thứ quyền lực  hoàn toàn thuộc lãnh vực trần thế.  Đó là mô thức giải phóng kiểu chính trị của thế gian. Đó cũng giống với não trạng của nhiều người trong chúng ta hiện nay, lúc nào cũng chỉ ngừng lại ở những tham vọng về vinh danh và quyền lực cùng lợi nhuận. Tình hoài hương được giản lược vào việc nhớ củ hành củ tỏi. Niềm thao thức mong đợi một trời mới đất mới được lý giải bằng một cánh chung luận  là một xã hội cộng sản hoàn hảo trong đó không còn cảnh người bóc lột người, mà mỗi một người trong anh chị em và tôi, chỉ cần làm việc theo khả năng còn nhu cầu có bao nhiêu là cứ việc xài…Giấy phép xây cất các cơ sở đồ sộ – không cần biết để phục vụ với mục đích như thế nào – sẽ là những chứng minh cho sự vươn lên, sự phát triển của Giáo hội. Là niềm tự hào “xem quả biết cây”. Là thành tích nuôi được một đàn cừu im lặng đứng sau lưng các chủ chỉ thích dắt mà không chăn. Là một hạt giống  đối thoại được gieo xuống trong mơ suốt ba muơi mấy năm để ngày 13 11 2012 vừa qua nẩy ra thêm một Nghị định 92/2012/NĐ CP hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực 01/01/2013
Chính vì thế, khi Đấng Cứu thế  thực sự đến với dân Do thái  bằng hai tay không trong một cảnh đời nghèo dưới mức trung bình thì  họ phủ nhận và tìm cách loại bỏ ra khỏi tâm tình dân tộc. Họ không cần giáo dục tâm linh hay tinh thần và chân lý. Giáo hội Việt Nam không phải là hậu duệ của giống dân Chúa chọn kia mà xem ra lại cũng chung niềm tâm sự truyền tử lưu tôn này. Luân lý Ki tô giáo đòi hỏi những ai một khi đã tin theo Đức Ki tô thì cần thiết phải sống theo một số điều đạo đức căn bản của con người về lẽ đạo yêu thương, về công bình, bác ái và tự đặt mình trong những giới răn của Chúa, của Hội Thánh. Thế nhưng đã có được bao nhiêu mục tử nhiệt tình cùng nhau đưa đàn chiên đến với suối nguồn trong sáng này, hay ngược lại càng ngày càng thấy nhiều ngang trái, nhiều sự chẳng nên kết thành “chuyện dài” trong Giáo hội.
Người cộng sản tuyên truyền rằng tôn giáo là một loại ma tuý để ru ngủ lòng người. Với nhận xét nguyên thủy như vậy, người cộng sản đã xem tôn giáo là một loại độc dược không nên có để gây nguy hại cho chủ nghĩa CS. Đó là lẽ sinh tử tất yếu giữa tôn giáo và chủ nghĩa CS. Nhưng hiện nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại thâm độc hơn bằng cách dùng chất ma tuý này để dĩ độc trị độc bằng những phản ứng phụ. Một linh mục bên Hoa kỳ chua chát nói trong thời gian cách đây chưa lâu, giáo dân đã hoa mắt với các bóng áo tím từ Việt Nam  sang tung bay trên đất Mỹ. Có những nhà thờ trong một ngày, cả hai lễ sáng và chiều đã được hai giám mục đến dâng .
Đức Khổng Tử nói rằng Đạo vốn ở nơi người chứ chẳng xa. Nhưng nếu người ta làm cho đạo tách xa mình thì chẳng phải là đạo nữa rồi. (Tử viết: Đạo bất viễn nhân. Nhân chi vi đạo vi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo. Trung Dung). Làm cho đạo tách xa mình hay tự mình tách xa đạo bằng cách phủ nhận những nguyên tắc căn bản trong tinh thần hay trong luật lệ thì cũng là chung một ý nghĩa, một cơ hội  đem đến  lợi bất cập hại mà thôi.
Cho đến nay, mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể vẫn  minh nhiên là một mầu nhiệm ân sủng, song ý nghĩa của cảnh giáng sinh nghèo nàn nơi hang đá Bê lem lại chỉ còn được ca ngợi trên lý thuyết, nơi tòa giảng hay là một hoạt cảnh không thể thiếu trong mùa Giáng sinh tại các nhà thờ, tại những nơi nào người có đạo tụ họp lại. Còn Thiên Chúa thì vẫn nghèo, vẫn lạnh, vẫn bị lãng quên và khinh rẻ trong kiếp nghèo của những người anh em mình. Vẫn bị đàn áp như ở Cồn Dầu, ở Con Cuông và rải rác nhiều nơi khác nữa. Vẫn bị đối xử bất công và phi lý nơi Việt Khang, nơi Trần Vũ Anh Bình… chẳng hạn mà không được một mục tử nào biểu hiện chút từ tâm, thì còn nói gì đến những chữ chia sẻ, bảo vệ hay ủi an theo trách nhiệm của một người  sẽ phải thưa với Chúa về con cái mình. Các buớc chân đẹp thay của người đi loan báo Tin Mừng còn bận rộn bôn ba xứ người để tìm nguồn tài chính.
Chưa bao giờ Giáo hội lại mang vẻ “phát triển” như từ sau ngày 30/4/1975 với nhiều cơ sở đồ sộ xây lên để không thấy tiếc nuối gì về biết bao cơ sở đã bị lấy mất. Mà cũng chưa bao giờ Giáo hội Việt Nam lại nghèo đến độ cả thế giới đều thấy hầu như gần hết các mục tử phải chống gậy đi xin.
Còn về phía giáo dân thì sao? Người ta có thể bỏ rất nhiều tiền để trang trí một cảnh hang đá Giáng sinh cho thật đẹp mắt nhưng lại rất khó nhìn một người anh em nghèo với tia nhìn thân hữu và mở tay ra chia sẻ chút vật chất trong tâm tình cảm thông, huynh đệ hoặc nếu có thì lại là thái độ của kẻ làm ơn, làm phúc, giầu lòng từ thiện để bố thí.
Dư âm tiếng hát thiên thần Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm trong đêm Giáng sinh có thể thực sự thấm thía để làm rung động được bao nhiêu tâm hồn, hay chỉ còn là một  khẩu hiệu, một biểu ngữ như những biểu ngữ treo dẫy đầy khắp phố phường?
Cổ nhân có nói “con cọp giết người, đêm về vẫn ngủ ngon; nhưng con người giết người thì đêm về không ngủ được” và đấy chính là sự khác biệt độc đáo của con người giữa những thụ tạo khác. Cây cỏ, súc vật  thì vô tri, vô giác trong khi chỉ có con người  không những là có đủ cả phần tri và giác mà còn có thức nữa. Đấy là cái  tâm thức sai biệt có được sau khi ông bà nguyên tổ bị đuổi ra khỏi chốn lạc viên vì đã ăn trái cây biết lành biết dữ, biết sự tội và sự phúc. Song có biết cách mấy mà không làm, mà vô cảm thì  ích gì? Những lời giảng dạy của Đức Ki tô, những huấn giáo của Hội thánh mà chỉ để dành bỏ vào những thư chung, thư mục vụ thì biết để làm gì, nếu không muốn nói thẳng ra là để càng gây phản cảm, làm mất niềm tin nơi lòng ngay ý lành của khối người tin với bản chất xưa nay vốn đơn sơ như con trẻ nhìn vào cha mẹ. Cái tội này chính Chúa đã có lời khẳng định rõ rồi. “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác – sấm ngôn của Đức Chúa Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít ra en, phán như  sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta : chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng…
Trong bầu khí rộn ràng của Mùa Giáng sinh với vẻ phú túc bên ngoài  của đèn mầu nhấp nháy như đêm hội hoa đăng; của những chốn ăn chơi nhân vì sự ấy mà  tưng bừng theo; của những tiệc tùng nửa đêm đầy lời chúc tụng tại các toà này toà khác với tam bôi hồng tửu lê dân huyết… có làm vinh danh được Thiên Chúa trên trời không? Tiếng nhạc, tiếng reo liệu có át đi được tiếng khóc ức oan của những gia đình có thân nhân mới vừa bị xử những bản án nghiệt oan; có che lấp được hết sự khốn khó của những dân oan bị chiếm đất và sự nghèo đói của đa số dân lành hay không?
Chắc chắn bài giảng nào trong đêm Giáng sinh cũng là ca tụng sự đơn sơ và khó nghèo qua hình ảnh của Chúa Hài nhi nằm trong máng cỏ. Và cũng chắc chắn  là  Đức Ki tô chỉ muốn nghe tiếng lòng thực sự của cả người giảng lẫn người nghe.
Lời hát của Việt Khang, của Trần Vũ Anh Bình, của Trúc Hồ không còn là những âm giai trên dòng nhạc nữa, mà là những tiếng  thổn thức thoát ra từ những tấm lòng thấu cảm được hết nỗi đau chung của cả Giáo hội và dân tộc đang chìm trong bóng tối của sự dữ, của bất công, đàn áp và sự đe doạ mất nước vào tay ngoại bang.
Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam
hãy biết đau nổi đau người dân
Ải Nam Quan, Hoàng   Trường Sa
Một ngàn năm giặc phương Bắc
Quê Hương mình rồi sẽ ra sao ?
Những con người nhỏ nhoi như thế thôi thì lòng họ lại mở ra được tới cả tương lai của dân tộc, lại nhậy cảm với từng nỗi đau của anh em  mà sao các  môn đệ của Đấng Yêu Thương lại mang chứng vô cảm bất trị quá nặng.
Lạy Chúa, trong tâm tình mừng vui của những ngày sống mầu nhiệm nhập thể này, xin Chúa cho chúng con vẫn giữ được chút thiện tâm để  tiếp tục tin yêu và hy vọng. Để chúng con vẫn kiên trì trên  đường lữ thứ  trần gian, cho dù có là  con đường chông gai với nhiều quanh co, khúc khuỷu khó bước. Xin cho chúng con luôn nương theo ánh sao của Chúa để thắp sáng cho nhau những ánh sao yêu thương để cùng soi đời, soi mình mà buớc đi theo ánh sao Chúa đã soi cho ba nhà học sĩ phương Đông. Để  nhờ đó chúng con không thể biết nản hay lùi khi cảm nghiệm được rằng chính Chúa cũng đã qua con đường đó để đến với chúng con.
Phạm Minh Tâm
Nguồn: NVCL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét