Sau khi các Linh mục Hạt Nhân Hoà, Giáo phận Vinh có thư phản đối sự vi phạm pháp luật đang diễn ra công khai nơi các UBND xã thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nếu không muốn nói là có sự “bật đèn xanh” của UBND huyện Nghi Lộc, đó là “phạt hành chính sinh con thứ ba trở lên” và “không cho trẻ em khai sinh”, thì ngày 30/8/2014 UBND huyện Nghi Lộc đã có thư phúc đáp sau đây:
Nghi vấn đặt ra là: một vấn đề vi phạm pháp luật rõ ràng như vậy mà mãi đến giờ này UBND huyện Nghi Lộc mới phúc đáp rằng: “đang tập trung chỉ đạo kiểm tra, kết luận và xử lý…”?
Có hay không chủ trương của UBND huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An chỉ đạo cho UBND các xã “phạt hành chính sinh con thứ ba trở lên” và “không cho trẻ em khai sinh”? Sự vi phạm kéo dài như thế mà huyện Nghi Lộc không hay biết?
Bài phỏng vấn dưới đây của VRNs sẽ cho thấy rõ sự vi phạm pháp luật của nhà cầm quyền huyện Nghi Lộc như thế nào.
PV Huyền Trang: Vừa qua, các Linh Mục Công Giáo thuộc hạt Nhân Hòa, Giáo phận Vinh đã có văn bản phản đối nhà cầm quyền các xã, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An về việc “phạt hành chính sinh con thứ ba trở lên” và “không cho trẻ em khai sinh” đối với các trường hợp người dân sinh con thứ ba trở lên. Đọc nội dung văn bản ngày 25/8/2014 của các Cha, thấy rõ địa phương xã, huyện này đang trắng trợn vi phạm quyền con người, xem thường pháp luật…VRNs có buổi thưa chuyện với Linh Mục Đinh Hữu Thoại- Trưởng Phòng Công lý& Hòa Bình DCCT Sài Gòn- về sự kiện này. Thưa Cha, Cha có biết vụ việc và Cha có ý kiến như thế nào về cách hành xử xâm phạm quyền con người, công khai vi phạm pháp luật này ạ?
LM. Đinh Hữu Thoại: Vâng, tôi có được thông tin vụ việc trên trang VRNs qua bài viết và chương trình Cà Phê Tối của phóng viên Huyền Trang. Đúng là những tay cán bộ ở các xã này “coi trời bằng vung” khi có những hành xử ngang ngược, trái pháp luật như vậy. Và chắc chắn, họ cũng thi hành lệnh cấp trên, hay cũng phải được “bật đèn xanh” từ cấp cao hơn, ít là cấp huyện…thì phải thấy, những cái đầu “đầy tớ nhân dân” ở cái huyện Nghi Lộc này đang có vấn đề. Điều đó cho thấy tình hình chung của các “cán bộ” địa phương là dốt nát, ỷ quyền, ỷ thế, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tự cho mình quyền “đứng trên pháp luật”, hành xử bất chấp các qui định pháp luật. Cũng cho thấy “phép nước không nghiêm”, tình trạng cát cứ, “phép vua thua lệ làng”.
PV.: Thế thưa Cha có qui định nào cho phép nhà cầm quyền được xử phạt người dân với lý do “sinh con thứ ba” không ạ?
LM. Đinh Hữu Thoại: Để hiểu vấn đề này, ngoài nội dung các Cha hạt Nhân Hòa nêu trong văn bản ngày 25/8/2014, chúng ta cần từng bước tìm hiểu các qui định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; Cụ thể :
- Trước hết, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính qui định: 1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạmvà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. 2. Xử phạt vi phạm hành chínhlà việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, có thể hiểu, người dân chỉ có thể bị xử phạt khi có lỗi, mà lỗi ấy được qui định trong luật là phải bị xử phạt. Hai là việc áp dụng hình thức, biện pháp…xử phạt cũng phải theo qui định pháp luật.
- Trong trường hợp cụ thể này, trường hợp sinh con thứ ba, không có văn bản pháp luật nào qui định bị xử phạt. Trước đây, Điều 2 Nghị định số 114/2006/NĐ-CP qui định về đối tượng áp dụng, chỉ nói đến : “2.Đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ. Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú”. Thế nhưng từ ngày 31/12/2013, Nghị định này hết hiệu lực, và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP có hiệu lực thay thế đã không còn đề cập đến nội dung xử lý “sinh con thứ ba” này nữa. Việc này đựơc trang Web của Hội Luật Gia lý giải rằng: “Đây là một chính sách mở để đối phó với tình trạng già đi của dân số của Việt Nam trong tương lai. Do đó những quy định xử lý việc sinh con thứ 3 cũng sẽ phải thay đổi đảm bảo tính thống nhất của pháp luật”. (http://trogiupphaply.com.vn/detail.aspx?lang=1&id_tin=242&id_m=11#.VAUJemPQDIU).
- Cũng tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP này qui định các hành vi vi phạm bị xử lý như là: “ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyên truyền, phổ biến thông tin không đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số” (khoản 2 Điều 80). “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải sử dụng biện pháp tránh thai…. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lựcđể ép buộc người khác phải sử dụng biện pháp tránh thai… Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện kỹ thuật triệt sản mà không có sự đồng ý của người bị triệt sản” (khoản 2, 4, 6 Điều 85). Như vậy, chính hành vi của những cán bộ này mới đáng bị xử phạt theo các qui định pháp luật viện dẫn trên.
PV.: Thưa Cha, rõ là những người nhân danh quyền lực ở địa phương các xã, huyện Nghi Lộc này đã vi phạm, thế ngoài việc có văn thư phản đối như các Cha hạt Nhân Hòa đã làm, mà theo con là các Ngài đã thực hiện “quyền giám sát của công dân đối với hoạt động của nhà cầm quyền”, được qui định rõ tại Điều 19 Luật Xử lý vi phạm hành chính là: “…mọi công dân giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; khi phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thì có quyền yêu cầu, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.Cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải xem xét, giải quyết và trả lời yêu cầu, kiến nghị đó theo quy định của pháp luật”, thì đối với người dân, đặc biệt là các người đã bị xử phạt, họ có thể thực hiện việc gì để bảo vệ mình ạ?
LM. Đinh Hữu Thoại: Việc các Cha có văn thư phản đối là cần thiết, và thực hiện đúng quyền giám sát của công dân như Huyền Trang đã nêu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần căn cứ vào chính các qui định do nhà cầm quyền này ban hành để thực hiện các quyền tự bảo vệ mình. Cụ thể, trong trường hợp này, Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính qui định những hành vi bị nghiêm cấm là: “…2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. 3. Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính….5. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này. 6. Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính….9. Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước….11. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính…”. Và Điều 13 Luật này qui định : “ 1. Người vi phạm hành chính nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. 2. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Vì vậy, căn cứ vào qui định tại Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. 2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật” để thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo, đòi bồi thường thiệt hại …đối với các hành vi trái pháp luật của các cán bộ xã, huyện Nghi Lộc.
PV.: Thưa Cha, đối với hành vi “không cấp giấy khai sinh cho con thứ ba” thì ngoài các qui định tại Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà Quí Cha trưng dẫn tại Văn thư ngày 25/8/2014, việc làm này của nhà cầm quyền các xã huyện Nghi Lộc đã xâm phạm quyền con người, được quốc tế và chính Hiến pháp của Việt Nam cam kết, qui định. Cụ thể, Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người tuyên bố: “Ðiều 1: Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái. Ðiều 2: Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác. Hơn nữa, cũng không được có sự phân biệt nào đối với con người sống trên một quốc gia hay trên một lãnh thổ, căn cứ trên cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó. Cho dù quốc gia hay lãnh thổ này độc lập hay dưới sự bảo hộ, không được tự trị hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền. Ðiều 3: Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Và Điều 16 Hiến pháp 2013 của Việt Nam cũng khẳng định: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.Như vậy, hành vi xâm phạm “ Quyền được khai sinh” qui định tại Điều 29 Bộ luật Dân sự là “cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh”. Đây là quyền nhân thân… “quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác….” (Điều 24 BLDS), phải được đánh giá như thế nào, thưa Cha?
LM. Đinh Hữu Thoại: Như chúng tôi đã khẳng định, việc sinh con thứ ba, pháp luật hiện hành không qui định bất cứ chế tài nào đối với người dân. Vì vậy, hành vi “xử phạt tiền” hoặc “không cấp giấy khai sinh” của những người lợi dụng có chức, có quyền thực hiện đều là trái pháp luật,vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Chính họ đang khẳng định cho thế giới thấy bộ mặt “vì nhân dân”, xây dựng “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” là như thế nào…Chúng ta cần biết, Điều 27 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động quản lý hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp có xử phạt “1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định”. Để tự bảo vệ mình, chúng ta cần khiếu nại, khởi kiện, tố cáo, đòi bồi thường… đối với hành vi vi phạm của những người này theo các qui định đã nêu ở trên.
PV. Chúng con xin cảm ơn Cha và mong được Cha tiếp tục có những buổi hướng dẫn các qui định pháp luật như thế này để người dân chúng con biết, tự bảo vệ mình. Chúng con chào Cha.
Huyền Trang, VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét