LTCGVN (02.09.2014)
Trong cuộc
sống, không ai lại không nhận ân huệ của của người khác, vì thế mà ai cũng mắc
ơn người khác, nghĩa là phải biết ơn, nhớ ơn, hoặc tri ân. Thật vậy, tri ân là động
thái sâu sắc của cuộc sống , là “viên ngọc quý”, đừng để vuột mất!
Thế nhưng, với kinh nghiệm
từng trải, danh nhân Benjamin Franklin (1706-1790) nhận định: “Đa số người ta
đáp lại những ân huệ nhỏ, thừa nhận ân huệ trung bình và trả ân huệ lớn – bằng
sự vô ơn” (Most people return small favors, acknowledge medium ones and repay
greater ones – with ingratitude). Một thực tế buồn! Đôi lúc, trong cuộc sống
tất bật, bạn quên mất hoặc không nhận thức hết ý nghĩa của một cử chỉ biết ơn.
Này, bạn có biết mình đang vô tình đánh mất những giá trị vô giá do lòng biết
ơn mang lại?
Tri
ân là tự trọng và
có giáo dưỡng
Từ khi lọt
lòng, bạn đã phải nhờ đến bàn tay chăm sóc của cha mẹ... Lớn lên, bạn không thể
sống một mình một cõi, chỉ riêng "ta với ta" mà không cần nhờ ai việc
gì. Nhớ lại xem, bạn đã hỏi đường, hỏi giờ... người khác bao nhiêu lần? Tất cả
đều bình thường, nhưng bạn đừng xem đó là tầm thường.
Người có giáo
dưỡng luôn trân trọng và biết ơn những hành động giúp nhau ấy.
Để tạo uy tín
với người khác, bạn nhất thiết phải là người có lòng tự trọng. Người tự trọng
luôn biết tiếp thu và đánh giá đúng ý kiến người khác, ngược hẳn với người cố
chấp, không biết phục thiện.
Không biết phục
thiện nghĩa là vô ơn, bởi người chỉ ra khuyết điểm cũng chính là người thi ân
cho bạn.
Tri
ân là tôn trọng người
khác
Mỗi người đều
có một nhân vị, nhân phẩm. Chính vì vậy, tôn trọng người khác còn là bổn phận
của con người với nhau. Có tôn trọng người khác đủ mức, bạn mới có thể có lòng
biết ơn.
A.D. de Tebelan
có một "bí quyết" khá đơn giản để giúp bạn tôn trọng người khác. Ông
nói: "Đừng khinh rẻ ai. Hãy coi
người trên như cha mẹ, người đồng trang lứa như anh em và người dưới như con
cháu".
Khi xem những
người xung quanh như ruột thịt, bạn sẽ biết cách tôn trọng họ.
Tri
ân là khiêm tốn
Pascal khẳng
định: “Cái tôi là cái đáng ghét”. Biết kiềm chế để tự chiến
thắng mình, đó là người vĩ đại nhất. Vĩ nhân là người sống
theo ý tưởng cao thượng, càng hiểu biết nhiều, càng không dám kiêu ngạo.
Khiêm nhường là
đức tính nền tảng để sản sinh ra các đức tính khác. Người khiêm nhường sẽ không
bao giờ vô ơn. Đó là hệ lụy tất yếu.
Tri
ân là trọng chữ tín
Trước khi hứa,
bạn cần xem xét những khả năng có thể thay đổi. Đừng hứa suông hoặc chiếu lệ.
Nếu cảm thấy không giữ được, bạn đừng hứa, khi đã hứa thì phải hoàn tất. Trọng
chữ tín chính là một phương diện khác của lòng biết ơn.
Lòng
biết ơn là động thái quý giá, quan trọng, đầy tính nhân bản, cần thiết cho con
người và xã hội, mọi thời và mọi nơi, chắc hẳn người có lòng biết ơn là người
có lòng yêu thương. Trong tập “Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc”, Tịnh Không Pháp
Sư viết:
– Hãy biết ơn những
người khiển trách ta, vì họ giúp ta tăng trưởng định tuệ.
– Hãy biết ơn những
người làm ta vấp ngã, vì họ khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn.
– Hãy biết ơn những
người bỏ rơi ta, vì họ đã dạy cho ta biết tự lập.
– Hãy biết ơn những
người đánh đập ta, vì họ đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta.
– Hãy biết ơn những
người lường gạt ta, vì họ tăng tiến kiến thức cho ta.
– Hãy biết ơn những
người làm hại ta, vì họ đã tôi luyện tâm trí của ta.
–
Hãy biết ơn tất cả những người khiến ta được kiên định và thành tựu.
Biết
ơn là làm đẹp lòng Chúa
Lòng
biết ơn quan trọng không riêng gì đối với con người bình thường, mà còn đối với
Thiên Chúa. Kinh thánh cũng đề cao lòng biết ơn:
–
Tỏ
lòng biết ơn là dâng bột tinh hảo, làm việc bố thí là dâng lễ ngợi khen (Hc
35:2).
–
Ở
đâu và lúc nào chúng ta cũng phải đón nhận những ân huệ với tất cả lòng biết ơn
(Cv 24:3).
–
Để
tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài
thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng (Cl 3:16).
–
Bởi
vì chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển, chúng ta
phải biết ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ
Thiên Chúa cho đẹp lòng Người (Dt 12:28).
Người
đời còn biết ơn nhau, huống chi Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Phaolô nói: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi
dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để
tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả
tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do
Thần Khí linh hứng” (Cl 3:16). Ngài nói thêm: “Vì chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững
bền không lay chuyển, chúng ta phải biết
ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên
Chúa cho đẹp lòng Người.” (Dt 12:28).
Ơn
nhãn tiền và hiển nhiên nhất nhưng hầu như không ai lưu ý. Đó là… không khí.
Chỉ trong tích tắc, nếu thiếu không khí, chúng ta “chết chắc”. Nhưng có bao giờ
chúng ta tạ ơn Chúa vì có không khí để thở chưa? Có lẽ… CHƯA. Có oan không?
Chắc không oan đâu!
Chắc
hẳn chúng ta còn nhớ chuyện 10 người phong hủi. Cả 10 người đều được sạch,
nhưng chỉ có một người trở lại cảm ơn Chúa Giêsu. Buồn hay vui khi người trở
lại nói lời cảm ơn lại là người Samari, người ngoại giáo? Chúa Giêsu chỉ đặt
vấn đề: “Không phải cả mười người đều
được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh
Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17:17).
Bạn
có cảm thấy xấu hổ và đau lòng không? Thiết nghĩ Chúa Giêsu mới là người đau
khổ nhất!
TRẦM THIÊN THU
0 nhận xét:
Đăng nhận xét