Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

PHONG CÁCH PHANXICÔ - BÀI 8. PHANXICÔ LÀ MỘT PHẢN CHIẾU TRUNG THỰC NHẤT MẶT TRỜI KITÔ CHO MỌI THỜI ĐẠI

LTCGVN (04.04.2014)

Truyền thuyết Trung Hoa tin rằng sở dĩ có nhật thực là vì trên trời có một con chó thần nuốt mặt trời vào bụng nó: Thiên Cẩu Thôn Nhật 天狗吞日. Trong truyện Cô Gái Đồ Long ( hay là Ỷ Thiên Đồ Long ký) của tác giả Kim Dung 金庸 ( Jin Yong ), vào năm 2006 ông được độc giả bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất ở Trung Quốc, kịch tính được đẩy lên đỉnh cao khi khi Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, người bị mù cả hai mắt, đang phải quyết đấu một mất một còn với kẻ cựu thù Thành Khôn, người sáng cả hai mắt, phần thắng đang nghiêng về Thành Khôn. Để cho cuộc tử chiến được công bằng, Kim Dung đã chọn thời gian có hiện tượng nhật thực, khiến cho Thành Khôn có mắt cũng như mù.
 ( Trích) Lúc ấy trên trời bỗng u ám, hình như có đám mây đen che phủ mặt trời, đột nhiên có người la lớn: "Thiên cẩu nuốt mặt trời !" Lúc ấy Thành Khôn có mắt cũng như mù, thoạt đầu y còn hơi trông thấy hình bóng của Tạ Tốn càng tấn công càng nhanh, trong bóng tối chỉ thấy Thành Khôn rú lên những tiếng rất thảm khốc. Thì ra ngực của y bị Thất thương quyền của Tạ Tốn đánh trúng. ( hết trích ).
Trước 1975 mỗi khi có chuyến bay từ Hongkong đến là có người túc trực tại sân bay Tân Sơn Nhất nhận tờ Hông Kông Minh Báo để mang về ngay cho ông Bùi Xuân Trang ( 1909 – 1979 ) có bút danh Hàn Giang Nhạn ( nghĩa là con chim nhạn phương Bắc thiên di về miền Nam, vì ông là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1953 ), dịch ngay sang tiếng Việt để đăng kịp trong các tờ nhật báo tại Miền Nam xuất bản vào buổi chiều. Ông thông thạo cả Pháp Ngữ lẫn Hoa Ngữ, còn có bút danh khác là Thứ Lang ( dùng cho văn chương và khảo cứu ) và Vô Danh Khách ( dùng cho truyện hài hước ). Ngày nay các nhà xuất bản cứ tha hồ mang các bản dịch này ra xào nấu lại nhưng với tên các người dịch khác. Lão tiền bối Hàn Giang Nhạn tiên sinh đã ra người thiên cổ, đâu còn tranh cãi được nữa, khỏi cần phải mất công tìm con cháu trả tiền bản quyền.
Kim Dung cũng có biệt tài như nhà văn Anh Charles Dickens ( 1812 – 1870 ) là viết rất hay và khỏe mà không cần phải hoàn chỉnh một tác phẩm mới đem ra xuất bản. Mỗi ngày cả hai ông chỉ cần viết ra một phần truyện đủ để đăng báo nhưng không bao giờ có ý trùng lắp cũng như lẫn lộn các nhân vật trong truyện.
 Hiện nay nhiều bạn trẻ đang say mê thể loại Võng Du 网游 nói nôm na là truyện online. Ở đây ta lại thấy cách dịch nghĩa rất máy móc chữ online, một từ mới xuất hiện trong những năm gần đây. Người Hoa không dùng mẫu tự Latin, nên đành phải viết là “Võng Du”. Tại sao cứ phải theo Tầu mà gọi ngô nghê như thế trong khi tiếng Việt có thể viết ra chữ online mà ai cũng hiểu ngay. Hồi xưa, tổ tiên ta vì chưa thông thạo Quốc Ngữ đã phải dịch Papa là Giáo Hoàng. Tại sao ngay đến thế kỷ 21 mà ta cứ phải duy trì từ Giáo Hoàng mà không dám dùng chữ Papa mà mọi người trên thế giới đều thường sử dụng ?
Tân Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc của Tổng Giáo Phận Sàigòn trong các năm 1964 – 1970 học tại  Đại Học Truyền Giáo Urbaniana, Roma. Trong thời gian đó, cũng như mọi người Ý khác, ngài phải gọi vị Đại Diện Đức Kitô là Papa Paulus VI. Bây giờ, nếu có sang Roma gặp vị thủ lãnh Nhà Thờ hiện nay thì ngài cũng phải gọi là Papa Francisco thôi. Tại sao khi dùng tiếng Việt, ngài lại không thể nói như thế được ?
Bây giờ thiếu mất ngòi bút sắc sảo của Hàn Giang Nhạn, đọc các bản dịch truyện Tầu dựa trên công cụ Google Translate của đám hậu sinh khả úy thì dễ bị tẩu hỏa nhập ma, giống như lỡ nuốt phải bánh bao thiu. ( Trích minh hoạ Võng du chi Thiên Cẩu Thôn Nhật, Chương 864: Hỗn độn tiên sinh. Cho nên Jehovah ngay từ đầu liền thi triển sát thủ, kim sắc bàn tay to tràn ngập hủy thiên diệt mà lực lượng, cho dù là chuẩn thánh điên phong Minh Hà cũng vô pháp ngăn cản. Minh Hà trong mắt lộ ra tuyệt vọng thần sắc, vốn là đa nghi hắn nhìn đến phương Tây Thần Vương cường giả động thủ Vân Tiêu nhưng không có xuất hiện, nhịn không được mắng to nói: “Chết tiệt dị nhân chó điên, ta còn là thượng ngươi đương” ( hết trích ).

Từng chữ trong Kinh Thánh đều có tầm quan trọng đến độ đã có lời cảnh báo nghiêm khắc: Ai mà thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai ương mô tả trong sách này ! Ai mà bớt điều gì trong các lời của sách sấm ngôn này, thì Thiên Chúa sẽ bớt phần người ấy được hưởng nơi cây Sự Sống và Thành Thánh, là cây và thành mô tả trong sách này !” ( Kh 22, 18 – 19 ). Trong Kinh Thánh từ “mặt trời” đã được dùng đến 160 lần.
Sách Malachi, bộ sách cuối cùng của Cựu Ước đã nói về lời hứa cứu chuộc của Đức Chúa sẽ được thể hiện như là sự xuất hiện của mặt trời: Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng ( Ml 3, 20 ).
Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, bộ sách đầu tiên của Tân Ước, ghi lại Đức Kitô xuất hiện như một ánh sáng huy hoàng. "Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại ! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi" ( Mt 4, 12 – 16 ).
Nói về diện mạo đích thực của Đức Kitô, Thánh Mátthêu không ngần ngại dùng ngay chữ “mặt trời”. "Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng" ( Mt 17, 1 – 2 ).
Thưở tôi còn bé, mỗi khi có nhật thực là đám trẻ trong xóm chúng tôi đi lấy ngay một chậu nước mang ra ngoài sân để quan sát nhật thực. Đúng hơn là tham gia một trò chơi con nít vì có biết gì đâu mà quan sát. Thời đó làm gì có các loại kính râm đặc biệt mang ký hiệu UV, tức là có thể ngăn chặn được tia cực tím ( ultraviolet ), giúp ta nhìn thẳng vào mặt trời mà không bị lóa mắt. Dĩ nhiên, mặt trời mà ta thấy được trong chậu nước đâu có phải là mặt trời thật, nhưng ít nhất chậu nước cũng là một phản chiếu hình ảnh của mặt trời.
 Loạt bài Phong Cách Phanxicô muốn nhấn mạnh đến sự phản chiếu rất trung thực, rất nhiều tác giả nhận định là trung thực nhất trong mọi thời đại, chân dung Đức Kitô, nơi con người Phanxicô. Cả cuộc đời anh chỉ thực hiện một một hoài bão duy nhất như anh đã nghe Chúa nói mình: “Hãy sửa lại ngôi nhà đang đổ nát của ta.” Thoạt tiên anh chỉ hiểu đó là một ngôi nhà thờ ( viết thường ), về sau anh mới nhận ra Nhà Thờ này phải được viết hoa (có nghĩa là toàn thể cơ cấu Hội Thánh tức là Nhà Thờ Đức Kitô ), sau cùng anh mới nhìn ra, đòi hỏi lớn nhất của Chúa chính là sự sống của Đức Kitô nơi mỗi Kitô Hữu.
Không có mặt trời, một chậu nước chỉ là một chậu nước, nhưng khi có mặt trời, vì ta không thể nhìn thẳng vào nó mà không bị lóa mắt, nhìn vào chậu nước ta sẽ thấy được mặt trời. Giờ đây nó trở nên dịu dàng trìu mến và thích hợp với sự lĩnh hội rất nhỏ nhoi và giới hạn của ta. Ta vẫn có thể hiểu được mặt trời là như thế đó.
Papa Phanxicô hiện nay muốn đem phong cách Phanxicô ra để lãnh đạo Dân Thiên Chúa trong hành trình Lòng Tin. Đây là sự phản chiếu rất tuyệt vời chân dung đích thực Đức Kitô cho toàn thế giới.
Theo bước Đức Kitô, ta sẽ được Người đưa ta đến nơi Người muốn, đó là nơi ở của Người và của Cha Người. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành ( Ga 17, 14 ).
Lạ lùng thay, chính Đức Kitô nói ra rằng ta cũng sẽ trở nên những mặt trời. "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ" ( Mt 13, 43 ).

NGUYỄN TRUNG, 3.2014
Theo EPHATA số 604

0 nhận xét:

Đăng nhận xét