LTCGVN (25.04.2014) – Sài Gòn - Hãng tin CNA nhận định, vai trò quan trọng của Chân phước Gioan Phaolô II trong sự sụp đổ của Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw có thể quy cho tầm nhìn của ngài về con người, được ảnh hưởng bởi nhân vị và Đức tin Công Giáo .
Những nền tảng cho vai trò của Đức Gioan Phaolô II như là Đại Diện của Chúa Kitô, trong sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô đã được đặt trước đó bởi các đấng tiền nhiệm của ngài, đặc biệt là Đức Chân phước Gioan XXIII; cả hai sẽ được tuyên thánh vào ngày 27 tháng 4 tới đây.
Trao đổi đầu tiên giữa Vatican và Moscow kể từ thời điểm năm 1917, đã được thực hiện nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Đức Thánh Cha Giaon XXIII. Điều này cũng mở ra một kênh thông tin liên lạc cho phép Đức Phaolô VI theo đuổi chính sách Ostpolitik (chính sách bình thường hóa quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô vào những năm 1970), đối thoại với các quan chức phía sau Bức Màn Sắt để cải thiện điều kiện cho các Kitô hữu ở đó.
Nhân tố quan trọng trong chính sách của Gioan Phaolô II đối với khối Hiệp ước Warsaw là Đức Hồng Y Agostino Casaroli, Quốc vụ khanh Tòa thánh từ năm 1979 đến năm 1990. Đức Hồng Y Casaroli đã đại diện cho Tòa Thánh trong các cuộc đàm phán với chính phủ cộng sản Hungary, Nam Tư và Tiệp Khắc.
Chân phước Gioan Phaolô II được thụ phong làm linh mục của Tổng Giáo phận Krakow vào năm 1946, ngay sau khi chính phủ được cộng sản Liên Xô hậu thuẫn lên nắm quyền ở Ba Lan. Cha Wojtyla đã không đối đầu, nhưng đã thúc đẩy sự tự do tôn giáo và đặc biệt là Kitô giáo.
Trong vai trò là Tổng Giám Mục của Krakow, ngài tham dự Công đồng Vatican II và dẫn đầu các giám mục Ba Lan, trong vai trò sửa đổi một cách hiệu quả những gì đã trở thành tuyên ngôn của Công đồng về tự do tôn giáo, Dignitatis Humanae – một vấn đề lớn và đáng quan tâm đối với những mục tử sống dưới các chính phủ cộng sản.
Cha Andrzej Dobrzynski, giám đốc Trung tâm Tài liệu và nghiên cứu triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, đã viết trong một bài báo của ấn bản Communio năm 2013 rằng, “hơn cả một vấn đề” tuyên ngôn Dignitatis Humanae “đã cung cấp cho Giáo hội, phía sau ‘Bức Màn Sắt’, một nguồn lực mạnh mẽ để hành xử trong một tình hình chính trị phức tạp – và Karol Wojtyla đã tận dụng đầy đủ lợi thế của nó.”
Ngài đã tránh được phần lớn những lời chỉ trích trực tiếp từ chính phủ cộng sản Ba Lan, và đã làm việc để thiết lập những giáo xứ mới trong tổng giáo phận của ngài.
Vào năm 1977, sau 20 năm nỗ lực, ngài đã có thể cung hiến một giáo xứ mới tại Nowa Huta, một vùng ngoại ô Krakow với tên gọi có nghĩa là ‘thiên đường của người lao động.’
Theo bản dịch của cha Dobrzynski, trong bài giảng hôm thánh hiến nhà thờ, ngài đã nói: “Khi Nowa Huta được xây dựng với ý định rằng, đây sẽ là một thành phố không có Thiên Chúa, không có nhà thờ, nhưng rồi Đức Kitô cũng đã đến đây cùng với người dân và thông qua môi miệng của họ, ngài đã nói sự thật nền tảng về con người. Con người và lịch sử của nó không thể được tính toán theo các nguyên tắc kinh tế, thậm chí là theo các quy tắc chính xác nhất của sản xuất và tiêu dùng. Con người cao cả hơn thế. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa.”
Một thời gian ngắn sau khi được bầu làm Giám Mục thành Rôma, Chân Phước Gioan Phaolô II đã trở lại Ba Lan trong một chuyến đi tám ngày vào tháng Sáu năm 1979. George Weigel, người viết tiểu sử của ĐTC cho đây là bước ‘bắt đầu tháo dỡ’ Liên Xô.
ĐTC đã phát biểu khi đến Warsaw hôm 2 tháng 6 rằng: “Tôi tha thiết hy vọng rằng sự hiện diện của tôi trong chuyến thăm Ba Lan, có thể phục vụ cho sự nghiệp lớn lao nhằm tái lập lại mối quan hệ và hợp tác giữa các quốc gia. Đồng thời, nó có thể hữu ích cho sự hiểu biết lẫn nhau, hòa giải, và cho hòa bình trong thế giới đương đại. Mong muốn cuối cùng của tôi là xin cho kết quả của chuyến viếng thăm này, có thể là sự đoàn kết nội bộ giữa các đồng hương của tôi và cũng là sự phát triển thuận lợi hơn nữa, trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo Hội trên quê hương yêu dấu của tôi.”
Ngài tiếp tục nhắc nhở các nhà chức trách dân sự của quốc gia rằng: “hòa bình và việc kéo các dân tộc lại với nhau chỉ có thể đạt được dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền khách quan của quốc gia, chẳng hạn như: quyền tồn tại, quyền tự do, quyền là một chủ thể xã hội và chính trị, cũng như quyền được hình thành nền văn hóa và văn minh riêng.”
Dâng hiến quê hương cho Đức Mẹ tại đền thánh Czestochowa hôm 4 tháng Sáu, ngài đã giao phó cho Mẹ “mọi vấn đề khó khăn của xã hội, của hệ thống và nhà nước – những vấn đề không thể được giải quyết bằng hận thù, chiến tranh và sự tự hủy diệt nhưng chỉ với hòa bình, công lý và tôn trọng các quyền của người dân và của quốc gia.”
Lúc rời khỏi Ba Lan vào ngày 10 tháng Sáu, ngài đã nói, “thời đại của chúng ta rất cần những hành động chứng nhân công khai, bày tỏ mong muốn mang các quốc gia và chế độ lại gần nhau hơn, như một điều kiện không thể thiếu cho hòa bình trên thế giới. Thời đại yêu cầu chúng ta không nên tự khóa mình vào những ranh giới cứng nhắc của hệ thống, nhưng tìm kiếm tất cả những gì là cần thiết cho lợi ích của con người, những người luôn phải tìm kiếm ở mọi nơi sự nhận thức và tính chắc chắn về quyền công dân đích thực. Tôi muốn nói về sự nhận thức và chắc chắn trong tính ưu việt của con người ở bất cứ hệ thống quan hệ hay quyền lực nào.”
“Cảm ơn các bạn vì chuyến thăm này và tôi hy vọng rằng, nó sẽ minh chứng sự hữu ích và rằng trong tương lai, nó sẽ phục vụ cho các mục tiêu và các giá trị mà nó đã có ý định hòan thành.”
Chứng tá của Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã truyền cảm hứng cho Lech Walesa, một thợ điện và là người sáng lập tổ chức Công đoàn Đoàn kết một năm sau đó. Công đoàn Đoàn kết là một phong trào xã hội bài Liên Xô, được ĐTC hỗ trợ và bảo vệ.
Chính phủ Ba Lan được Liên Xô hậu thuẫn cuối cùng đã buộc phải đàm phán với Công đoàn Đoàn kết, và Ba Lan đã tổ chức một cuộc bầu cử bán tự do vào năm 1989, dẫn tới một chính phủ liên minh.
Cũng trong năm đó, một loạt các cuộc cách mạng dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, sự phá hủy Bức tường Berlin, và sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991.
Mikhail Gorbachev, người đứng đầu nhà nước Liên Xô, đã đến thăm Đức Gioan Phaolô II tại Vatican ngày 1 tháng Mười Hai năm 1989, đây cũng được coi là chiến thắng của Kitô giáo trên cộng sản Xô Viết.
Đức Thiện,VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét