Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Bạo động Bắc Phong Sinh: Vấn nạn của người Duy Ngô Nhĩ và vấn đề chủ quyền quốc gia của Việt Nam


Cuộc bạo động tại Cửa Khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh, dẫn đến cái chết của 5 người đàn ông Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) và 11 người Ngô Duy Nhĩ còn lại (gồm 5 đàn ông, 4 phụ nữ và 2 trẻ em) bị nhà cầm quyền CSVN tức thời giao trả lại cho nhà nước Trung Quốc đã làm nổi bật lên 2 vấn đề quan trọng: đó là vấn nạn của người Duy Ngô Nhĩ và vấn đề nhà nước CSVN tự động đánh mất quyền tài phán của mình tức là đánh mất chủ quyền quốc gia.
 
Theo tin tức được loan tải thì 16 người Duy Ngô Nhĩ nói trên đã vượt cửa khẩu bất hợp pháp, bị biên phòng Việt Nam bắt giữ nhưng sau đó họ cướp súng AK47 và bắn trả khiến 2 bộ đội biên phòng tử thương. Sau đó thì 5 người đàn ông trong số đó đã nhẩy từ trên lầu xuống tự tử chết thay vì đầu hàng.
 
Nhà nước CSVN liền đó trao trả 11 người còn lại và thi thể của 5 người chết cho nhà nước Trung Quốc.
Những người Duy Ngô Nhĩ kể trên gốc ở Khu tự Trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (Xinjiang Uyghur
Autonomous Region), với diện tích là 1,6 triệu cây số vuông, là nơi diễn ra nhiều vụ bạo lực sắc tộc đổ máu. Trong thời gian qua người Duy Ngô Nhĩ đã tố cáo việc nhà nước Trung Quốc và những người gốc Hán đàn áp họ tại Tân Cương. Tình trạng bị đàn áp đó đã dẫn đến một số vụ bạo động như vụ đánh bom tự sát bằng xe tại quảng trường Thiên An Môn và vụ đâm dao loạn đả tại Côn Minh (Kunming) khiến 29 người chết và gần 150 người khác bị thương. Nhiều nhóm người Duy Ngô Nhĩ đã vượt biên trốn qua những quốc gia lân cận như Việt Nam, Thái Lan. Một lần Thái Lan đã bắt được một nhóm 400 người Duy Ngô Nhĩ định vượt biên giới Thái.
 

Việc nhà nước CSVN nhanh chóng trao trả những người Duy Ngô Nhĩ cho Trung Quốc đã bị phản ứng mạnh mẽ từ  nhiều nguồn.
 

Luật sư Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội nói: "Trao trả một cách gấp gáp như thế, tôi nghĩ cũng là một vấn đề phải suy nghĩ, bởi vì phải coi những người đó lý do tại sao họ sang Việt Nam, lý do là gì, bởi vì trong Hiến pháp của Việt Nam cũng nói rằng những người tị nạn chính trị vì lý do này khác, đôi khi cũng có thể xem xét chứ không phải là tất cả những người nước ngoài chạy vào Việt Nam thì mình (Việt Nam) bắt và mình trao trả liền. Nếu có một hiệp định trao trả về tội phạm thì khác, còn không biết ở đây có phải là tội phạm không, mà tôi thấy là trao trả một cách vội vàng".
 
Theo luật sư Trần Quốc Thuận, việc làm này cho thấy chính quyền Việt Nam đã làm sai về trình tự tư pháp, luật pháp, ông nói: "Câu chuyện đó làm không đúng quy trình, không đúng thủ tục về hoạt động tư pháp, khi đã gây án thì phải có kết luận của cơ quan điều tra cơ bản, chứ không thể chuyển giao một cách vội vàng. Chuyển giao vội vàng có hai khả năng, khả năng thứ nhất là chuyển giao để cho bên kia người ta sẽ trừng trị, người ta có thể dùng biện pháp rất là ác độc, còn có thể có khả năng thứ hai là họ tha bổng, họ bao che. Thì đâu phải vào một đất nước khác, gây án, rồi họ lãnh về, rồi cuối cùng không có xử gì hết, đâu có được.Cho nên pháp luật hình sự Việt Nam điều chỉnh tất cả hành vi phạm tội trên đất nước này, đều phải xử, xét theo Bộ luật Hình sự, thì đó là quy định của Bộ luật Hình sự rồi, cho nên ở Việt Nam, nếu mà làm như vậy, thì đó là một việc làm không phù hợp với quy định của pháp luật của Việt Nam và cũng là thông lệ quốc tế."
 
Theo luật sư Thuận, việc trao trả còn đặt nhà cầm quyền Việt Nam vào một nguy cơ khác tùy thuộc vào việc sau khi bị bàn giao cho Trung Quốc, nhóm người từ Trung Quốc, trong đó có 4 phụ nữ và hai thiếu nhi nhỏ tuổi, có bị chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền hay không. Nếu ở Trung Quốc họ đối xử với những người đó như thế nào mà vi phạm nhân quyền, thì Việt Nam có thể cũng là đồng lõa, cái đó là đương nhiên rồi, chứ còn không thể chối cãi chuyện đó được. Cái đó nhìn thấy rõ rồi, và phải coi xem phía Trung Quốc họ đối xử thế nào. Việc trao trả nhóm nghi phạm cho Trung Quốc cũng làm dư luận đặt ra câu hỏi về việc liệu chính quyền Việt Nam có tự tôn trọng 'độc lập, chủ quyền' của mình hay không, khi những nghi phạm tấn công, giết người Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam không bị điều tra, xét xử ở Việt Nam, mà được quyền rời thẳng khỏi quốc gia này.
 
Trên trang Facebook cá nhân của mình, blogger Osin, tức nhà báo Huy Đức, nêu quan điểm cho rằng vụ bạo lực gây chết người hôm thứ Sáu lẽ ra có thể đã được ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả nếu được xử lý khác đi. Ông Huy Đức viết: "Sẽ không có 7 người chết (trong đó có 2 bộ đội biên phòng Việt Nam) và nhiều người khác bị thương nếu những người (có thể là) Duy Ngô Nhĩ "vượt biên trái phép" đó được giữ lại điều tra và trước khi trao trả, chính quyền hai bên đàm phán các điều kiện đảm bảo an toàn cho họ. Đành rằng, vẫn biết Hà Nội và Bắc Kinh là hai nhà nước có thể "chia sẻ" với nhau cách đối xử với những người bất đồng với chính quyền. Đành rằng, tiêu diệt một nhóm người có vũ trang thì không ai trách cứ được mình. Nhưng, nếu 16 người vượt biên (có 4 phụ nữ và 2 trẻ em) này không bị đối xử quá lạnh lùng thì người Việt đã không phải đổ máu và bàn tay người Việt đã không phải dính máu người Duy Ngô Nhĩ."
 

Luật sư Hà Huy Sơn nhận định: “Người nào ra lệnh bàn giao 11 người đến từ Trung Quốc, trong đó có 4 phụ nữ, 2 trẻ em, cùng 5 thi thể, ngay sau vụ bạo lực ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, làm 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 sỹ quan biên phòng Việt Nam ngày 18/04/2014, mà không thông qua điều tra, xét xử, nếu không thuộc trường hợp khoản 2 Điều 5 của Bộ luật hình sự ở trên là vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam. Đánh mất quyền tài phán là làm nguy hại cho chủ quyền quốc gia. “
 

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/04/140419_border_shooting_questions.shtml
http://www.uyghurcongress.org/en/?p=22345%20Murder%20on%20Vietnam-China%20border%20highlights%20Uighur%20plight

0 nhận xét:

Đăng nhận xét