LTCGVN (29.04.2014)- Sài Gòn - Theo Đài phát thanh Vatican cho biết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho hai vị Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II trước đám đông hàng trăm ngàn người,,vào Chúa nhật thứ hai Phục Sinh ngày 27/4, hay còn được gọi là Chúa nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Thánh lễ tuyên thánh lúc 10 giờ sáng Rôma (2g30 chiều Việt Nam) của hai vị giáo hoàng còn có sự hiện diện của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, người đã tuyên Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II vào ngày 1/5/2011.
Đài phát thanh Vatican gọi đây là ngày “của bốn đấng kế vị thánh Phêrô”, trong khi giới báo chí gọi đây là “ngày của bốn giáo hoàng.”
Hai vị thánh đã sống trong những thảm trạng của thế kỷ
ĐGH Phanxicô đã cho biết trong thánh lễ rằng, hai vị thánh mới nhất của Giáo hội Công giáo là những “giáo hoàng của thế kỷ XX”, họ đã “không e ngại nhìn lên những vết thương của Đức Kitô.”
“Các ngài đã sống kinh qua những sự kiện bi thảm của thế kỷ đó, nhưng các ngài không bị lung lạc bởi chúng. Đối với các ngài, Thiên Chúa đã mạnh hơn. Đức tin đã mạnh hơn, đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người và Chúa của lịch sử. Lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện trên năm vết thương đã mạnh hơn và mạnh hơn nữa là sự gần gũi với Đức Maria là Mẹ chúng ta.”
ĐGH Phanxicô còn mô tả thánh Gioan XXIII là “vị giáo hoàng của sự cởi mở với Chúa Thánh Thần” và thánh Gioan Phaolô II là “vị giáo hoàng của gia đình.” Đức Phanxicô cũng xác nhận việc Đức Gioan Phaolô II muốn mình được gọi như là “vị giáo hoàng của gia đình.”
ĐGH cũng nhấn mạnh đến niềm tin sâu sắc của hai vị tiền nhiệm: “Đây là hai con người đầy can đảm, đầy Thần Khí, và các ngài đã làm chứng cho Giáo Hội và thế giới về lòng thương xót của Thiên Chúa.”
Xin hai vị tân hiển thánh “dạy chúng ta đừng đau buồn bởi những thương tích của Chúa Kitô nhưng đi sâu hơn vào mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa để luôn luôn hy vọng và tha thứ,” ngài kết luận.
Trước đó, ĐGH Phanxicô đã công bố trước đám đông tín hữu rằng: “Chúng Tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Gioan XXIII và Gioan Phaolô II là Hiển Thánh, và chúng tôi ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh.”
Sau lời tuyên bố trên, thánh tích của hai vị tân hiển thánh – một ống đựng máu của Đức Gioan Phaolô và một mảnh da của Đức Gioan – được rước lên cho ĐGH hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.
Số lượng người và đoàn đại biểu tham dự
CNN dẫn nguồn thông tin từ Đài phát thanh Vatican cho biết, đám đông hiện diện tại khu vực Phêrô (St. Peter’s area) vào khoảng 800.000 người, bao gồm cả khu vực quảng trường và các đường giao thông, cũng như các khu vườn xung quanh. Bên cạnh đó là 500.000 người theo dõi các nghi thức trên các màn hình khổng lồ được thiết lập xung quanh Rôma, theo ước lượng qua các tấm ảnh của cảnh sát trên không.
Thông tin mới nhất từ Đài phát thanh Vatican tiếng Việt cho biết, đã có 150 Hồng Y, 700 Giám Mục, và trên 600 linh mục cùng 210 phó tế hiện diện trong thánh lễ tuyên thánh. Bên cạnh đó là sự hiện diện của 120 phái đoàn chính thức các nước và nhiều cơ quan quốc tế, trong đó có các vị Quốc trưởng, thủ tướng, tổng thống, các quan chức và đại sứ, các đại diện tôn giáo, Chính Thống, Anh giáo, và cả Hồi giáo.
Vua và hoàng hậu của Bỉ và Tây Ban Nha, cũng như hoàng gia từ Andorra, Anh và Luxemburg được kỳ vọng sẽ tham dự trong buổi lễ. Ba Lan đã gửi một trong những đoàn đại biểu lớn nhất với tổng thống đương nhiệm và hai cựu tổng thống, trong đó có cựu tổng thống Lech Walesa, người sáng lập phong trào Công đoàn Đoàn kết nhằm lật đổ chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan, phong trào này cũng nhận được sự hỗ trợ của Đức Gioan Phaolô II, AP cho biết thêm.
Khoảng 20 lãnh đạo Do Thái từ Hoa Kỳ, Israel, Ý, Ba Lan và từ quê hương Argentina của Đức Phanxicô cũng tham gia. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự đánh giá cao của họ đối với những bước tiến lớn trong mối quan hệ giữa Công Giáo và Do Thái giáo dưới thời của Đức Gioan, Đức Gioan Phaolô và những vị kế nhiệm.
Reuters cho biết thêm, khoảng 10.000 cảnh sát, nhân viên an ninh và các đội y tế đặc biệt đã được triển khai. Các khu vực lớn ở Roma cũng được chặn dòng lưu thông để phục vụ cho ngày lễ.
Thánh lễ kết thúc lúc 10g20. ĐGH đặc biệt chào thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 trước khi chào các vị trưởng phái đoàn của các nước. Sau đó, ngài lên chiếc popemobile và tiến ra tận Đại lộ Hòa Giải. Đây là một cơ hội để ngài bày tỏ sự gần gũi với rất nhiều tín hữu đã đổ xô đến Rôma trong dịp này.
Đám đông vui vẻ vẫy tay và hét lớn khi ngài đi ngang qua giữa họ trong chiếc xe. Đức Phanxicô cũng vẫy tay và mỉm cười với họ.
Sau thánh lễ, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô sẽ mở cho đến tối để các khách hành hương có thể viếng thăm ngôi mộ của hai vị tân hiển thánh, Đài phát thanh Vatican cho biết trước đó.
Nhận định từ báo giới
Theo phóng viên BBC David Willey ở Rome nhận định, việc phong thánh này cũng có ý nghĩa chính trị. Với việc phong thánh cả Đức Gioan XXIII – vị giáo hoàng đã khởi động phong trào cải cách Giáo hội – và Đức Gioan Phaolô II – vị giáo hoàng đã ngưng lại cuộc cải cách này, Giáo hoàng Francis đã khéo léo tránh những chỉ trích rằng Ngài đứng về một phía, phóng viên BBC David Willey ở Rome nhận định.
CNN cũng dẫn nhận định của giới quan sát Vatican cho rằng, quyết định tuyên thánh cho cả hai giáo hoàng là một nước cờ nhằm kêu mời sự hợp nhất trong Giáo hội Công giáo La Mã, vì sự kiện trên đã đem một người bảo thủ và một nhà cải cách lại với nhau.
Ngày tuyên thánh được chọn là ngày Chúa nhật đầu tiên sau Phục Sinh, ngày Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa theo lịch Giáo hội. Thương xót là một chủ đề quan trọng đối với cả hai vị giáo hoàng trên – và của cả Đức Phanxicô.
Tờ Newyork Times thì dẫn lời các nhà phân tích cho biết, bằng cách tuyên thánh cho hai vị giáo hoàng, Đức Phanxicô đang tìm cách giảm nhẹ sự khác biệt giữa họ, với mục đích hòa giải các chia rẽ trong Giáo hội và tìm kiếm sự đồng thuận, đang khi tiến tới Thượng hội đồng Giám mục về chủ đề của gia đình.
Reuters cũng góp lời, các cuộc tranh luận còn dài và phức tạp, nhưng có một khái niệm phổ biến cho rằng Đức Gioan XXIII là một nhà tự do vô địch trong khi Đức Gioan Phaolô II là một nhà bảo thủ kiên quyết.
Theo Ashley McGuire của Hiệp hội Công giáo, Với việc tuyên thánh cho cả hai, ĐGH Phanxicô mong muốn sử dụng biểu trưng cho sự thống nhất này để thúc giục người Công giáo vượt lên trên những chia rẽ để cùng nhau theo sát Tin Mừng.
Trong khi đó, linh mục Thomas Reese, một nhà phân tích dòng Tên ở Hoa Kỳ: “việc tuyên thánh các vị giáo hoàng có thể gây chia rẽ chính trị trong Giáo Hội, khi đó là một nỗ lực của một phe nhằm áp đặt mô hình lên triều giáo hoàng tương lai, bằng cách ủng hộ di sản của Đức Giáo Hoàng mà phe ấy yêu thích.”
Đức Thiện, VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét