LTCGVN (30.04.2014) – Washington DC, USA - Ở Việt Nam, báo chí do Nhà nước quản lý. Sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà nước đối với báo chí đã cho ra nhiều sản phẩm thiếu trung thực, làm thui chột tài năng của các phóng viên.
Tuy nhiên, sự ra đời và phát triển kỳ diệu của Internet đã sinh ra một hình thức báo chí mới là báo mạng (ở đây không bao gồm những trang điện tử tuyên truyền cho Nhà nước). Mạng lưới blogger đã đưa tới người đọc những thông tin đa chiều, những vấn đề lý luận về tự do, dân chủ, nhân quyền. Do sự lợi hại của Internet, nhiều blogger đã phải trả giá, kể cả đi tù với mức án nặng nề. Nhưng những biện pháp trừng phạt, cấm đoán của nhà cầm quyền đã không hạn chế được sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng.
Báo mạng tồn tại dưới các hình thức website, blog, các trang Facebook, có những ưu điểm vượt trội như thông tin kịp thời, nhạy bén, độ tin cậy cao, luôn bám sát những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống.
Khi độc giả đang nhàm chán với thông tin một chiều của báo chí Nhà nước thì báo mạng ra đời đã đáp ứng nhu cầu của họ. Báo mạng trở thành đối trọng và là sự thách thức đối với báo chí Nhà nước, thúc đẩy việc phải đổi mới lối viết, cách đưa tin của báo chí Nhà nước.
Trước vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng, Nhà nước cần nới lỏng kiểm duyệt đối với báo chí. Cần cho phép báo chí tư nhân, đài phát thanh tư nhân hoạt động và được tự do xuất bản. Tuy nhiên về lâu dài, cần phải có một thể chế đa nguyên với tam quyền phân lập mới có thể đảm bảo tự do thực sự cho báo chí cũng như các quyền khác của con người.
Blogger Nguyễn Tường Thụy
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét