Phúc Âm Chúa Nhật II Phục Sinh cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Phục
Sinh đã hiện ra với các Tông Đồ khi các ông đang tụ họp trong phòng đóng kín. Khi
đó vắng mặt một người, và người này được thấy Chúa Giêsu phục sinh. Người đó là
tông đồ Tôma.
Một số người cần Chúa Giêsu mà lại không
cần Giáo hội. Không thể như vậy. Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội, những người quy
tụ lại với nhau. Chắc chắn có niềm vui trong mối quan hệ mật thiết với Chúa
Giêsu, nhưng Chúa cũng thông báo sự hiện diện đặc biệt của Ngài ở nơi nào có
hai, ba người cùng cầu nguyện nhân danh Ngài (Mt 18:20). Chúng ta cần khám phá cách
tham dự Thánh Lễ là việc quan trọng đối với chúng ta nếu chúng ta muốn trải
nghiệm ơn chữa lành và phúc lành của Chúa. Phúc Âm nói nhiều về nhu cầu quy tụ
nhau để đón nhận phép lành của Chúa, Lời Chúa và các Bí tích qua Giáo hội. Chúng
ta hãy nhìn vào Phúc Âm qua 5 bước...
1. KHIẾP SỢ.
Hãy lưu ý cách mô tả của bản văn về việc quy tụ của các tông đồ: “Vào
chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng
kín, vì các ông sợ người Do-thái” (Ga 20:19). Họ sợ lắm, nhưng họ đang ở nơi an
toàn. Đó là ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần, và họ quy tụ nhau. Bản
văn không cho biết họ làm gì khác ngoài việc tụ họp nhau. Theo nghĩa nào đó, đây
là những gì chúng ta cần biết, vì điều này sẽ tạo giai đoạn nhận phúc lành và thấy
Chúa Phục Sinh.
Họ là những người cần được chúc
lành. Các cửa khóa chặt chứng tỏ họ rất sợ chính quyền Do-thái. Người ta cũng
có thể cho rằng họ nhát đảm, thiếu hy vọng, thậm chí là bực tức. Chính họ đã
trải nghiệm cuộc rung chuyển trời đất khi Thầy Giêsu của họ bị đóng đinh trên
Thập Giá. Thực sự là một số phụ nữ đã nói là thấy Ngài phục sinh. Nhưng lúc đó
là ban đêm, họ chẳng thấy được những điều mà họ nghe kể lại.
Nhưng nhờ ơn Chúa, họ đã quy tụ
nhau lại. Đó là chuyện bình thường đối với những người có bản chất sống
khép kín, không thích đám đông. Dĩ nhiên điều này có thể là điều tệ hại. Hình
như tông đồ Tôma ở dạng này, mặc dù không biết lý do vắng mặt hôm đó. Việc quy
tụ là phần chính để giải quyết mọi xung đột. Việc quy tụ này giúp họ có niềm hy
vọng mới, tâm hồn mới và cách nghĩ mới.
Đối với chúng ta cũng bị ảnh hưởng
bằng nhiều cách, thi thoảng gặp rắc rối, có khi thấy vui vẻ, gặp nhau mỗi Chúa
nhật là điều rất quan trọng, ngày đầu mỗi tuần. Đối với chúng ta là tham
dự Thánh Lễ, nơi Chúa sẽ chúc lành cho chúng ta. Cùng nhau dâng lễ là điều hạnh
phúc, nhất là ngày Chúa Nhật, vì đó là nguồn phúc lành. Thiên Chúa cho chúng ta
biết Lời Ngài, nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình Máu Ngài. Chúng ta cần có sự nâng
đỡ của cộng đoàn dân Chúa qua lời cầu nguyện, động viên và làm chứng nhân.
Thư gởi người Do-thái nói rõ mục
đích và phúc lành của việc quy tụ cử hành Phụng vụ: “Chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một
đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm,
còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền. Chúng ta hãy tiếp tục
tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng
trung tín. Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia
sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như
vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy
Ngày Chúa đến đã gần” (Dt 10:22-25).
Việc tụ họp nhau là động viên lẫn
nhau. Chúng ta cũng được chúc lành như các tông đồ. Nhưng phép lành chỉ có khi
chúng ta cùng quy tụ. Tông đồ Tôma vắng mặt hôm đó nên không được chúc lành. Phép
lành này dành cho những người hiện diện. Phép lành cũng đang chờ chúng ta, nếu
chúng ta hiện diện bên nhau và cùng dâng lễ. Đừng ngăn cản ơn lành của Chúa!
2. HÀNH ĐỘNG.
Chúa Giêsu nói: “Ở đâu có hai ba người
họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Chúa
Giêsu đến đứng giữa họ và nói với họ: “Bình
an cho anh em” (Ga 20:19). Khi Ngài nói vậy, Ngài cho họ xem tay và cạnh
sườn của Ngài. Các tông đồ vui mừng khi thấy Chúa phục sinh. Chúa Giêsu lại nói
với họ: “Bình an cho anh em” (Ga 20:21).
Bất ngờ có một thực tế hoàn toàn
mới, niềm hy vọng với, cách nhìn mới. Cũng có một quang cảnh mới, lời chào bình
an: “Shalom” (câu chào tiếng Do-thái
khi gặp nhau hoặc tạm biệt). Họ không chỉ trải nghiệm một thực tế hoàn toàn mới,
mà họ còn được sự bình an trong lòng. Điều này chỉ xảy ra với người hiện diện.
Ở đây là mục đích cơ bản của việc
quy tụ mà chúng ta gọi là “phụng vụ thánh”. Chúng ta được mời gọi gặp gỡ Thiên
Chúa Hằng Sống, Đấng ban ơn bình an cho chúng ta. Qua Lời Ngài, chúng ta có thể
nhìn mọi thứ bằng tầm nhìn hoàn toàn mới, với niềm hy vọng mới, sáng sủa và tự
tin. Cuộc đời của chúng ta được tái lập trật tự. Trong nội tâm cũng vậy, sự
bình an đến với chúng ta càng nhiều hơn vì cách nhìn mới đã biến đổi chúng ta, cho
chúng ta cách nghĩ mới và tâm hồn mới. Nhìn lên bàn thờ, chúng ta đón nhận niềm
tin mà Chúa chuẩn bị cho chúng ta ngay trước mặt quân thù với ly rượu đầy tràn (Tv
23:5-6). Thánh Thể là dấu hiệu của sự chiến thắng, vì khi chúng ta lãnh nhận
Mình Máu Chúa, chúng ta càng ngày càng nên giống Đức Kitô hơn.
Thánh Lễ là một thực tế biến đổi
chứ không là một nghi thức tẻ nhạt. Tham dự Thánh Lễ sẽ giúp chúng ta biến đổi
thành con người mới trong Đức Kitô. Đừng ngăn cản ơn Chúa!
3. THA THỨ.
Tiếp theo, có điều khác thường nhấn mạnh sự cần thiết của việc quy tụ vì đức
tin. Chúa Giêsu nói: “Bình an cho anh em!
Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21). Rồi Ngài
thổi hơi vào các tông đồ và nói: “Anh em
hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em
cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23).
Khoảnh khắc quan trọng này, Chúa
Giêsu trao cho các tông đồ quyền tha tội. Tất nhiên ngoại trừ những người
cố chấp, không tin vào Đức Kitô. Có những người không tin Kinh Thánh, nhưng cũng
có những người thành tâm:
a.
Trong
số các tín hữu, có nhiều người đến thú nhận và kể ra những phù phép của mình.
Khá đông người làm nghề phù thủy đem gom sách vở mà đốt trước mặt mọi người;
tổng cộng số sách ấy trị giá tới năm mươi ngàn đồng bạc (Cv 19:18).
b.
Ai
trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ
cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng
tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội
thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để
được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực (Gc
5:14-16).
Tại Ê-phê-sô, tông đồ Phaolô đến
thú tội. Xưng thú tội lỗi là điều cần thiết để được Thiên Chúa tha thứ.
4. DAO ĐỘNG.
Tông đồ Tôma, được gọi là Đi-đy-mô, đã ngăn cản ơn Chúa bằng cách không hiện
diện với các tông đồ khác khi Chúa Giêsu hiện ra. Ông được các tông đồ khác
nói: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Nhưng
ông bảo: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở
tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh
sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20:25).
Tông đồ Tôma tỏ ra dao động bằng
hai cách: Thứ nhất, ông không hiện diện với các tông đồ khác vào chiều tối phục
sinh. Như vậy ông bỏ lỡ phúc lành được thấy Chúa Giêsu và cảm nghiệm sự phục
sinh của Ngài. Thứ nhì, ông tỏ ra dao động bằng cách không tin chứng nhân của
Giáo hội về Chúa Giêsu phục sinh.
Một trong các vấn đề “gay go” nhất
về đức tin của nhiều người là không hiểu rằng Giáo hội là đối tượng của đức tin. Trong
Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng vào mỗi Chúa Nhật, chúng ta tuyên xưng niềm tin
vào Chúa Cha, tin vào Đức Kitô là Ngôi Con cứu độ, và tin vào Chúa Thánh Thần
là Đấng ban sự sống. Nhưng chúng ta chưa thực sự tin. Chúng ta cũng tuyên xưng Giáo
hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Chúng ta biết và tin những
gì chúng ta làm vì Chúa Giêsu dựa trên giáo huấn của Giáo hội kế thừa các tông
đồ. Có người nói: “Tôi chỉ tin những gì
Kinh Thánh nói”. Nhưng Kinh Thánh là sách thánh của Giáo hội. Thiên Chúa đã
trao Kinh Thánh cho chúng ta qua Giáo hội. Không có Giáo hội thì làm gì có Kinh
Thánh?
Khi khước từ chứng cớ của Giáo hội,
tông đồ Tôma đã phá vỡ tình bạn và không tin vào những gì Giáo hội phán quyết nhân
danh Đức Kitô (x. Lc 24:48; Lc 10:16; Mt 18:17; Ga 14:26; 1 Tm 3:15). Như vậy, chúng
ta dao động khi thông hiệp với Giáo hội nếu chúng ta không tin chứng cớ của
Giáo hội về vấn đề tín lý và luân lý. Ở đây cũng là sự tư hữu hóa về đức tin, sự
từ khước tình bạn, không quy tụ với Giáo hội và không chấp nhận những điều Giáo
hội phán quyết qua Kinh Thánh, Tông Truyền, và Giáo Lý của Giáo Hội.
Chú ý rằng khi vắng mặt là tông đồ
Tôma đã ngăn cản phúc lành của Chúa. Ông phải trở lại quy tụ với các tông đồ khác
để chiến thắng chính mình về đức tin.
5. VỮNG TIN. Khi
tông đồ Tôma không hiện diện với các tông đồ khác, chúng ta không biết lý do
ông vắng mặt, cũng không được giải thích về lần trở lại sau. Một số người muốn bỏ
qua sự vắng mặt của ông, đơn giản cho là ông bận, sức khỏe không tốt, hoặc vì
lý do nào đó. Thánh Gioan ít khi cho biết chi tiết về các lý do chung chung. Tuy
nhiên, tông đồ Tôma thực sự đã KHÔNG TIN chứng cớ của người khác.
Nhưng thật may là lần sau ông đã có
mặt. Và phúc lành đã đến với ông. Khi ông hiện diện với các tông đồ khác, Chúa
Giêsu hiện ra, bảo ông sờ vào các vết thương của Ngài. Mắt đức tin của ông đã
mở ra to hơn mắt thường. Ông chỉ còn biết cúi đầu và thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Như vậy, để
được phúc lành, chúng ta phải quy tụ trong Giáo hội.
Cuối cùng, một số người cần Đức
Kitô nhưng lại không cần Giáo hội. Không thể như vậy. Chúa Giêsu hiện diện giữa
cộng đồng Giáo hội. Theo tiếng Hy-lạp, Giáo hội là ekklesia, nghĩa là “cuộc họp” của những người được mời gọi. Giáo
hội là Nhiệm Thể Đức Kitô, là Hiền Thê của Ngài. Sự hiện diện của Ngài được “cảm
nghiệm” ở trên đỉnh núi cũng có thể so sánh với lời của Thánh Gioan: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Và đó cũng là
lời mời gọi của linh mục trong mỗi Thánh Lễ.
Tông đồ Tôma chỉ thấy Chúa Giêsu
khi ông hiện diện với các tông đồ khác. Chính Đức Kitô muốn liên kết chúng ta
nên MỘT (Ga 17:21): Congregavit nos
in unum Christi amor – Tình yêu của Đức Kitô quy tụ chúng ta nên MỘT.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Archdiocese
of Washington)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét