Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Sống và sống lại (Chúa nhật V mùa Chay, năm A)


LTCGVN (06.04.2014)

Thế gian có nhiều loại “cuộc”, nhưng có lẽ đặc biệt nhất là cuộc đời, với đủ thứ nhiêu khê.

Cuộc đời là cuộc sống, là sự sống, không là Nguồn Sống. Mỗi người có hai sự sống: Sự sống thể lý và sự sống tâm linh. Sự sống tâm linh quan trọng vì đó là sự sống của linh hồn, mà chính linh hồn mới làm cho thân xác sống, nhưng Thiên Chúa mới là Nguồn Sống. Chúa Giêsu đã nói: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14:6). Đúng như tác giả Thánh Vịnh đã xác định: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy Sinh Khí lại, chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh Khí của Ngài, Ngài gửi tới, chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30).

Thật vậy, “chính Ngài ban Sự Sống cho muôn vật, muôn loài” (Nkm 9:6), nguyên tổ A-đam là người đầu tiên được đón nhận sự sống: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi Sinh Khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7). Được sinh ra làm người là hồng ân rồi, dù chúng ta như thế nào – thậm chí có người sống đời thực vật, chứ chúng ta không có quyền đòi hỏi hoặc chọn lựa: “Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2:6).

Sự sống rất cần, vì thế mà mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ sự sống. Sự sống liên quan không khí. Không khí là dưỡng khí, là ô-xy để chúng ta hít thở. Thiếu không khí vài phút là mọi vật chết hết. Chính không khí là đại hồng ân Thiên Chúa trao ban cho mọi loài, chúng ta sử dụng liên tục mà vẫn coi thường, vô ơn bạc nghĩa. Làm ô nhiễm môi trường là hủy hoại môi sinh, tiêu diệt sự sống, tự giết chính mình!

Thuở xưa, Thiên Chúa nói với ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng rằng Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta!” (Ed 37:12-13). Được ra khỏi huyệt mộ là hết phải chết, là được sống. Phúc lớn lắm!

Thiên Chúa nói như một lời giải thích: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm” (Ed 37:14). Chúng ta được Thiên Chúa “thổi hơi” để ban Thần Khí, nhờ đó mà chúng ta sống. Và còn hơn là sống, vì chúng ta được sống dồi dào (Ga 10:10), đúng như Chúa Giêsu đã hứa. Lời Chúa xác quyết “Ta đã phán là Ta làm” khiến chúng ta an tâm. Quả thật, Ngài không hề sai lời và rất thẳng thắn. Tuyệt vời là thế đấy!

Ở trong bóng tối là CHẾT, ở trong ánh sáng là SỐNG. Chúng ta chết vì chúng ta ở trong bóng tối – bóng tối tội lỗi. Vì thế, chúng ta luôn phải khẩn cầu: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu” (Tv 130:1-2). Đó là lời cầu cấp tốc, lời cầu khẩn cấp, như tiếng còi vang lên từ xe cứu thương.

Và đó lại chính là hồng ân nữa: Chúng ta biết đánh moóc SOS nên được sống, nhờ Thiên Chúa đến kịp. Vâng, ước gì mỗi khi gặp hoạn nạn, chúng ta luôn biết van xin: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130:3-5). Nhưng muốn vậy cũng không dễ, nếu chúng ta không “hết lòng mong đợi và cậy trông ở lời Chúa” (Tv 130:5). Muốn sống, chúng ta phải tâm niệm rạch ròi: “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa. Chính Ngài sẽ cứu khỏi tội khiên muôn vàn” (Tv 130:6-8).

Chuyện sống – chết liên quan vấn đề xác – hồn. Cụ thể là thân xác. Nhưng cũng nên phân biệt chính “xác thịt” (nhục thể, cụ thể) và “tính xác thịt” (trừu tượng). Đôi khi “tính xác thịt” còn nguy hiểm hơn “xác thịt”. Có lẽ vì thế mà Giáo hội “đề nghị” lời cầu nguyện trong mầu nhiệm thứ 5 Mùa Thương: “Xin cho con biết đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa”. Chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41; Mc 14:38).

Nói như vậy, chắc hẳn có thể có người muốn “nổi loạn” và muốn “kiện” Chúa, vì Ngài đã tạo nên một dạng thân-xác-yếu-hèn. Ý nói là Chúa đã “cài đặt” mặc định (default) như vậy rồi, y như máy vi tính đã “đóng băng” (Deep Freeze), chúng ta có thay đổi mọi thứ thì nó cũng trở về “mặc định” sau khi nó được khởi động lại (restart). Nhưng không phải như vậy. Tại sao? Thứ nhất, đó là mầu nhiệm, chúng ta không đủ trình độ để hiểu. Thứ nhì, đó là Thiên Chúa không bao giờ tạo dựng điều xấu, vì Ngài là Đấng chí thánh, nơi Ngài CHỈ CÓ ĐIỀU TỐT chứ KHÔNG CÓ ĐIỀU XẤU.

Thánh Phaolô nói: “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa” (Rm 8:8). Thật may cho chúng ta vì chúng ta được làm “con cái Thiên Chúa”, như Thánh Phaolô giải thích: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9). Hơn cả tuyệt vời!

Về chuyện sống – chết, Thánh Phaolô giải thích và xác định: “Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:10-11).

Kinh Thánh đã nói: “Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2:6). Và đúng là như vậy, vì “Thiên Chúa nắm chủ quyền trên mọi xác phàm” (Đn 14:5), chính “Chúa Cha đã ban cho Người [Đức Kitô] quyền trên mọi phàm nhân” (Ga 17:12) và “trên mọi chi tộc” (Kh 13:7).

Trình thuật Ga 11:1-45 là một chuyện-cổ-tích-có-thật kể rằng: Một người bị đau nặng tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, em trai của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a (người sau này sẽ xức dầu thơm và lấy tóc lau chân Chúa Giêsu). Anh La-da-rô bị đau nặng và… tắt thở.

Khi biết em trai bệnh nặng, hai chị em gái cho người đến báo tin buồn cho Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Chúng ta thấy rõ ràng La-da-rô là “người mà Chúa Giêsu thương mến”, thế nhưng Ngài vẫn thản nhiên bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. Chúa Giêsu không dùng từ nào thừa hoặc thiếu, nhưng rất chính xác và đầy đủ.

Chúa Giêsu quý cả ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô, nên Ngài đã lưu lại thêm hai ngày tại nơi đó. Sau đó, Ngài cùng các môn đệ trở lại Giu-đê. Các môn đệ thấy người Do-thái mới tìm cách ném đá Thầy, nên muốn can ngăn. Nhưng Ngài bảo: “Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã, vì không có ánh sáng nơi mình!”.

[Có lẽ vì “người Do-thái tìm cách ném đá Chúa Giêsu” nên ngày xưa, Chúa Nhật V Mùa Chay được các Kitô hữu “thân thương” gọi là “lễ ném đá”. Vì thế, các ảnh tượng trong nhà thờ đều được “che kín” bằng vải tím.]

Ngài bảo họ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây”. Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại”. Các môn đệ không hiểu ý của hai từ “yên giấc” mà Ngài dùng, họ tưởng Ngài nói về giấc ngủ bình thường. Thật ra Ngài muốn đề cập SỰ CHẾT. Và rồi Ngài nói: “La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy”. Ôi chao! Thấy người ta chết mà lại bảo là “mừng”. Coi bộ “căng” dữ nghen! NHưng đúng vậy, Ngài mừng vì Ngài không có mặt ở đó để người ta thêm tin khi thấy việc Ngài làm: Cải tử hoàn sinh cho La-da-rô.

Hôm đó, các đệ tử đã đồng tâm nhất trí muốn “cùng chết với Sư Phụ”. Tốt lắm, ít ra cũng là thế! Dù CHƯA làm được điều mình muốn thì ít ra cũng biết MUỐN điều mình MUỐN THỰC HIỆN.

Chắc hẳn La-da-rô bệnh nặng lắm nên mới mau chết. Vì dù đường không xa, nhưng khi Chúa Giêsu đến nơi, người ta đã an táng La-da-rô được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số, nhưng thời đó cuốc bộ suốt nên mất nhiều thời gian. Có nhiều người Do-thái đến chia buồn với chị em Mác-ta và Ma-ri-a.

Nghe tin Đức Giêsu đến, cô Mác-ta liền ra đón Ngài, còn cô Ma-ri-a thì cứ ngồi ở nhà, cứ bình thường, chả có gì quan trọng hóa. Hay thật đấy! Nhà hiếu chưa yên chuyện buồn thì lại có chuyện khác. Cuộc đời thật là rắc rối!

Mác-ta phải nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Ngài bảo: “Em chị sẽ sống lại!”. Mác-ta thưa rằng cô vẫn tin kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. Ngài nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết. Ngài hỏi Mác-ta có tin thế không, Mác-ta xác tín: “Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Một lời tuyên xưng tuyệt vời quá đỗi!

Mác-ta vội đi nói nhỏ với Ma-ri-a: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!”. Nghe vậy, Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giêsu. Lúc đó, Ngài chưa vào làng, vẫn ở chỗ Mác-ta đã ra đón. Những người Do-thái thấy Ma-ri-a vội vã đứng dậy đi ra thì cũng đi theo, vì họ tưởng cô ra mộ khóc em.

Khi đến gần Đức Giêsu, Ma-ri-a liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Thật là tội nghiệp hết sức! Thấy cô khóc, những người Do-thái đi với cô cũng khóc, và chính Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Có lẽ Ma-ri-a khóc em trai dữ lắm. Rồi Ngài hỏi xác anh ấy ở đâu. Họ mời Ngài đến xem, và Ngài liền khóc. Thấy thế, người Do-thái bảo nhau: “Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!”. Có vài người trong thắc mắc là Chúa Giêsu đã từng mở mắt cho người mù mà sao lại không làm cho anh ấy khỏi chết. Nghe họ nói vậy nên Chúa Giêsu lại thổn thức trong lòng. Thương lắm chứ, thế nên Ngài đã “chạnh lòng thương” tới ba lần! Rồi Ngài đi tới mộ La-da-rô, phiến đá vẫn đậy kín cửa hang. Ngài bảo lấy phiến đá ra. Mác-ta bảo nặng mùi rồi, vì La-da-rô đã an táng được bốn ngày. Chúa Giêsu nhắc lại chuyện đức tin. Không ai có thể nói gì thêm.

Sau khi bảo người ta đem phiến đá đi, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”. Nói xong, Ngài kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!”. Thật lạ lùng, người chết lù lù đi ra trong khi vẫn còn quấn vải liệm. Chắc hẳn ai cũng phải kinh ngạc. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Hai bà chị cũng ngạc nhiên không kém, nhưng họ vui mừng không chỉ vì em trai sống lại, mà chính là họ biết niềm tin của họ hoàn toàn đúng.

Thánh sử Gioan cho biết rằng trong số những người Do-thái đến đám tang La-da-rô hôm đó đều được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, và có nhiều kẻ đã tin vào Ngài. Họ thật diễm phúc vì đã tin!

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ lại một mối phúc đặc biệt, ngoài Tám Mối Phúc, mà Chúa Giêsu đã nói với tông đồ Tô-ma sau khi Ngài phục sinh: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20:29).

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thêm đức tin cho chúng con, vì chúng con yếu đuối lắm, không có Ngài thì chúng con không thể làm gì được (Ga 15:5). Abba! Lạy Cha! Xin giúp chúng con biết biến đổi chính sự yếu đuối của chúng con trở thành sức mạnh nhờ Đức Kitô, để dù SỐNG hay CHẾT thì chúng con vẫn thuộc về Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.


TRẦM THIÊN THU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét