LTCGVN (20.03.2013) – California, USA – Nhân đọc được rất trễ dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 được đăng trên trang báo điện tử của Chính phủ nước CHXHCNVN cùng những nhận định, góp ý về bản dự thảo nêu trên, người viết xin được nêu ý kiến về qui định về quyền con người của người dân trên bản dự thảo này.
Nhân Quyền là gì ?
Thông thường khi nói đến nhân quyền (human rights), tức là quyền làm người mà các văn bản của Nhà nước XHCNVN gọi là quyền con người, người ta thường chỉ nghĩ đến các quyền tự do tôn giáo và chính trị. Trên thực tế nhân quyền bao gồm các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự và chính trị.
Theo Wikipedia nhân quyền là những quyền căn bản mà mọi con người được hưởng bằng nhau. Nhân quyền thông thường còn được hiểu là quyền tự vệ của người dân đối với quyền lực của quốc gia nhằm bảo vệ những quyền tự do căn bản của mình. Văn bản đầu tiên qui định quyền làm người là «Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền» được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cho ra đời năm 1948. Tuy nhiên Tuyên Ngôn này không buộc các nước thành viên tham gia ký kết áp dụng. Do đó năm 1966 Đại Hội Đồng LHQ cho ra đời «Công ước Quốc Tế Các Quyền Dân Sự và Chính Trị» và «Công Ước Quốc Tế các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hoá». Khác với bản «Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền» các nước thành viên tham gia ký kết hai bản Công ước này phải cam kết tuân thủ thi hành và áp dụng các điều khoản được ghi trong Công ước vào luật pháp Quốc gia. Nước CHXHCNVN đã ký kết tham gia và cam kết tuân thủ hai Công ước nêu trên vào năm 1982.
Nhân quyền do đó có thể được chia làm hai phần, quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội. Các quyền làm người thuộc về lãnh vực kinh tế, xã hội và văn hoá được xác định trong “Công Ước Quốc Tế các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá” sau đây :
- Quyền tự quyết: Người dân có quyền tự quyết định thể chế chính trị, đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm cả quyền tự do quyết định chính sách sử dụng đất đai, sông núi, biển và các nguồn tài nguyên trên Quốc gia của mình.
- Quyền bình đẳng mọi người dân: Không được phép phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các thân trạng khác.
- Quyền làm việc và được thù lao thoả đáng và công bằng. Điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh.
- Quyền tự thành lập hoặc gia nhập công đoàn do mình tự lựa chọn
- Quyền được hưởng tiêu chuẩn sống phù hợp, bao gồm đầy đủ thức ăn, mặc, nơi ở.
- Quyền được hưởng an sinh xã hội, gồm cả bảo hiểm xã hội.
- Quyền tự do lập gia đình, bảo vệ các bà mẹ và trẻ em
- Quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất như có thể.
- Quyền được giáo dục.
- Quyền được tham gia vào đời sống văn hoá và hoạt động khoa học.
Các quyền làm người thuộc về dân sự và chính trị qui định ở “Công Ước Quốc Tế các quyền Dân Sự và Chính Trị” được liệt kê như sau :
- Quyền tự quyết: cũng được qui định ở điều 1 của “Công ước Quốc Tế các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá”. Xxin xem giải thích ở phần bên trên.
- Quyền bảo vệ toàn vẹn thân thể trong đó có quyền được sống và quyền bất khả xâm phạm vào thân thể như bị đánh đập, tra tấn, bắt làm nô lệ, bắt lấy làm thí nghiệm.
- Quyền được an ninh và an toàn bản thân: không bị bắt, bị bỏ tù vì lý do không chính đáng.
- Các quyền tự do cá nhân:
o tự do ngôn luận, bao gồm tự do báo chí và tự do phát biểu và giữ quan điểm mà không bị người khác can thiệp, ngăn cản,
o tự do lương tâm, tự do Tôn giáo,
o tự do hội họp,
o tự do lập hội, tự do liên kết ,
o tự do thông tin,
o tự do đi lại, tự do du lịch,
o quyền bất khả xâm phạm vào đời sống cá nhân, quyền được giữ bí mật đời tư.
- Quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, vô tư với quy phạm pháp luật,
- Quyền tham gia chính trị, tham gia chính quyền, bao gốm quyền thành lập đảng phái chính trị, quyền tham gia hoặc không tham gia đảng phái chính trị, quyền bầu cử,
- Quyền không chịu hình phạt nếu chưa có pháp luật kết tội đã vi phạm (nulla poena sine lege)
- Quyền giả định vô tội (in dubio pro reo).
- Ngăn cấm những cổ vũ gây chiến tranh, cổ vũ kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo.
Do đó nhân quyền qui định quyền của con người trong mọi lãnh vực cần thiết trong đời sống của con người đó là Kinh tế, Xã hội, Văn hoá, Dân sự, Chính trị.
Quyền làm người qui định bởi bản dự thảo Hiến Pháp
Nhân quyền (quyền con người) của công dân Việt Nam được qui định ở chương II trong bản dự thảo Hiến pháp,
Điều 15, đoạn 1 qui định là quyền làm người được „được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.“. Đoạn luật này cho biết nhân quyền mà Nhà nước XHCNVN „thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm“ không phải là quyền làm người được định nghĩa theo „Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền“ hay của „Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị“ của Liên Hiệp Quốc má là quyền làm người được qui định bởi Hiến pháp và luật pháp Nước CHXHCNVN.
Điều 15, đoạn 1 được nêu trên lấy lại hoàn toàn điều 50 của bản Hiến Pháp hiện hành. Hoàn toàn mới là đoạn 2 của điều 15: „Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.“
Tuy đoạn luật được tình bày với thể văn tích cực là quyền làm người “chỉ có thể bị giới hạn”, nhưng nội dung đoạn luật đã định ra một môi trường giới hạn quyền con người rất rộng lớn bao gồm hầu hết các lãnh vực trong xã hội: „quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.
Các giới hạn quyền con người tại Việt Nam còn được nới rộng hơn nữa bởi điều 16, đoạn 2: “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.”.
Các điều 15 và 16 bản dự thảo Hiến pháp cho phép chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương thuộc Nước CHXHCNVN làm mọi loại luật pháp nhằm hạn chế và có thể nói là tiêu diệt quyền con người, quyền công dân tại Việt Nam.
Điều 16 còn rộng rãi hơn là cho phép cá nhân từng quan chức cùng thân bằng quyến thuộc “khai trừ những phần tử” mà họ không ưa thích. Có nghĩa là một ông hàng xóm “có máu mặt” không thích sự hiện diện của một nhà thờ, một ngôi chùa trong khu xóm thì nhà thờ này, ngôi chùa này cũng có thể bị đóng cửa. Ông Cha, Ông Thầy trụ trì bị bỏ tù vì đã xâm phạm “quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Đồng thời các điều luật trong chương XI của bộ luật hình sự, thí dụ như các điều 79, 88, 87, 91 vv… hiện nay đang vi hiến chiếu theo Hiến pháp hiện hành, nhưng sẽ không còn vi hiến đối với bản dự thảo Hiến pháp nữa.
Ngoài ra, nhằm “bảo vệ công dân Việt Nam” một qui định mới được nêu ở đoạn 2 của điều 18 là: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác.”. Đoạn luật này có nghĩa là nhà nước CHXHCNVN không giao nộp bất cứ một công dân Việt Nam nào cho quốc gia khác, sau khi bản dự thảo Hiến pháp được áp dụng. Trong quá khứ nhiều công dân Việt Nam đã chạy về Việt Nam trốn sau khi vi phạm luật lệ ở ngoại quốc. Những trường hợp này trong tương lai sẽ không phải giao nộp cho quốc gia nơi hung thủ đã phạm tội nữa.
Nguyễn Hội
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét