Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Cơ hội có một vị Giáo Hoàng người Phi Châu: Đức Hồng Y Turkson của Ghana




Những cơ hội cuả Hồng Y Turkson 

Đức Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson của Ghana có bao nhiêu hy vọng trở thành vị Giáo Hoàng Phi châu đầu tiên ? 

Câu trả lời là Không có, chắc chắn là không !

Không phải vì Ngài sẽ không được bầu, nhưng vì Giáo Hội đã từng có nhiều giáo hoàng từ châu Phi: Thánh Victor I là vị Giaó Hoàng Phi Châu đầu tiên trị vì 1.824 năm trước. Thánh Militiades và thánh Gelasius I, cũng là những giáo hoàng gốc châu Phi, thuộc sắc dân du mục Berber, trị vì trong các thế kỷ thứ 4 và thứ 5.

Cho nên nếu được bầu, ngài sẽ là vị giáo hoàng Phi Châu thứ 4 cuả giáo hội Công Giáo, không phải là vị đầu tiên, hay nói cách khác sẽ là một người da đen đầu tiên ngự trên Ngai Toà Thánh Phêrô sau 1600 năm vắng bóng.


Niềm hy vọng Hồng Y Turkson sẽ trở thành giáo hoàng trở thành sôi động vì nhiều lý do: (1) Hiện có khoảng một nửa trong số 1,2 tỷ người Công giáo sống ở phiá Nam Địa cầu. (2) Đã từng có những nhân vật lãnh đạo tên tuổi da đen thành công như cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, cũng là người Ghana. (3) Đã 'Suýt' có một giáo hoàng da đen trong cuộc Mật Nghị năm 2005 là HY Arinze cuả Nigeria- và (4) mới đây Hoa Kỳ cũng có một tổng thống da đen, Barack Obama.

Hồng Y Turkson được coi là một ứng viên hàng đầu, và với số tuổi 64, ngài được xem như có cơ hội lớn hơn so với các ứng viên lớn tuổi khác để tiếp nối truyền thống của Đức Gioan Phaolô II và Benedict XVI, là truyền thống bảo thủ ở những vùng mà đạo Công giáo đã tăng trưởng nhanh, tức là ở những quốc gia đang phát triển.

Hiện là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. HY Turkson có một danh tiếng lẫy lừng trong giới hàn lâm về bộ môn 'tôn giáo học'. Ngài là vị hồng y duy nhất có tiến sĩ về Kinh Thánh, từng là giáo sư và phó hiệu trưởng cuả các chủng viện và là Chưởng ấn của một Trường Đại học Công giáo. 

Về kinh nghiệm mục vụ, ngài đã cai quản một tổng giáo phận quan trọng, Cape Coast, và là Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công giáo Ghana trước khi được gọi đến Roma phục vụ trong Giáo triều. 

Ngài thông thạo nhiều thứ tiếng, Anh, Pháp, Ý, Đức, Do Thái, các cổ ngữ Latin và Hy Lạp, đó là chưa kể tiếng Fante cuả Ghana và nhiều thứ tiếng bản địa khác cuả các bộ lạc quanh vùng.

Thân thế sự nghiệp.

HY Turkson sinh năm 1948 ở Nsuta-Wassaw, một làng nhỏ khai thác mỏ ở khu vực phía tây của Ghana, mẹ cuả ngài theo đạo tin lành Methodist, cha là Công giáo, có một ông chú theo đạo Hồi. Cha ngài làm nghề thợ mộc 'rong', mẹ bán rau ở chợ lộ thiên. Ngài là người con thứ tư trong một gia đình mười người con.

Học 6 cấp tiểu học ở một ngôi trường nghèo cuả giáo xứ, trong một căn phòng rộng, các lớp cách biệt nhau do sự sắp xếp bàn ghế đối lưng vào nhau.

Việc HY Turkson quyết định đi tu đã làm cho cả nhà bị lên cơn 'sốc' vì ngài từng nổi danh là một 'tên tinh nghịch nhất nhà'. Tuy nhiên, với một quyết tâm vững bền ngài đã vượt qua được tiểu chủng viện thánh Teresa của giáo phận và đi lên đại Chủng viện St Peter ở Cape Coast, và rồi được du học ở đại chủng viện St Anthony Hudson ở New York, Hoa Kỳ. ở đây ngài kết thúc hai văn bằng thạc sĩ về tôn giáo học và thần học (Theology and Divinity) trong năm 1974.

Sau khi chịu chức linh mục vào năm 1975, HY Turkson về làm 'cha giáo' tại Tiểu Chủng viện St Teresa 2 năm, rồi lại du học ở Viện Giáo hoàng về Kinh Thánh ở Roma, lấy chứng chỉ Kinh Thánh vào năm 1980. Ngài về nước và trở thành phó giám đốc Chủng Viện St Peter đồng thời lo giúp việc mục vụ cho một giáo xứ bên cạnh chủng viện. 7 năm sau, từ 1987 đến 1992, ngài lại sang Roma nghiên cứu luận án tiến sĩ Kinh Thánh tại Học Viện Giáo Hoàng về Kinh Thánh.

Năm 1992, HY Turkson được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Cape Coast. Ngài trở thành Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công giáo Ghana từ 1997 đến 2005, và trở thành Chưởng ấn cuả Đại học Catholic College của Ghana từ năm 2003.

Đức Gioan Phaolô II đã ban tước Hồng Y cho ngài năm 2003, trở thành vị hồng y đầu tiên của Ghana. Ngài đã tham gia cuộc Mật Nghị bầu Giáo Hoàng Benedict XVI năm 2005. Trong dịp đó, ngài đã được tờ báo The Tablet, một tạp chí Công giáo ở London, mô tả là "một trong những nhà lãnh đạo giáo hội châu Phi giàu năng lực nhất".

Phục vụ Giáo triều (Curia)

Năm 2009, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm HY Turkson làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Trong giáo triều Rôma, HY Turkson còn đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như là thành viên của Thánh Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích, Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo, Ủy ban Giáo hoàng về Di sản Văn hóa của Giáo Hội, và Ủy ban Giáo hoàng cho các kỳ Đại hội Thánh Thể quốc tế. Năm 2010 Đức Giáo Hoàng Benedict bổ nhiệm ngài là thành viên của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, rồi năm 2012 vừa qua, ngài được bổ nhiệm thêm nhiệm vụ là thành viên của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo.

Công việc tại Roma, HY Turkson được mời tham dự không chỉ là những phiên họp của các ủy ban được tổ chức hàng năm, nhưng cũng còn tham dự 'nhiều vô kể' các cuộc họp thường trong năm.

Lập trường Xã hội

Mọi giới công giáo ở Ghana đều nồng nhiệt ủng hộ các lập trường xã hội có tính cách 'cấp tiến' của HY Turkson, nhưng những người 'cấp tiến' không hy vọng ngài sẽ định hướng giáo hội một cách quyết liệt trên những vấn đề như phá thai và ngừa thai. 

Năm 2009, ngài tái khẳng định việc giảng dạy cuả giáo hội Công giáo về ngừa thai, ủng hộ lập trường cuả Đức Giáo Hoàng Benedict XVI là bao cao su không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng AIDS ở châu Phi. Tuy HY Turkson không loại trừ việc sử dụng bao cao su trong mọi tình huống, cho rằng nó có thể hữu ích cho một cặp vợ chồng muốn duy trì cuộc sống hôn nhân mà người phối ngẫu đã bị nhiễm. Ngài không quên cảnh báo rằng, vì chất lượng kém của bao cao su ở châu Phi, việc sử dụng có thể đưa người ta vào một sự tự tin sai lầm. Ngài chủ trương chìa khóa để chống nạn dịch là tiết chế, trung thành và kiềm chế tình dục khi bị nhiễm bệnh. Ngài tin rằng dùng số tiền chi tiêu cho bao cao su để cung cấp thuốc kháng virus cho những người đã bị nhiễm thì hiệu quả hơn. 

Lý tưởng Công Bằng Kinh Tế.

Phản ứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008, HY Turkson, cùng với Giám Mục Mario Toso, Tổng Thư Ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, xây dựng một đề xuất cải cách hệ thống tài chính quốc tế bằng cách cổ võ có một "cơ quan công quyền toàn cầu" và một "ngân hàng trung ương thế giới" để xem xét lại sự điều hành tài chính đã trở nên lỗi thời và thường không hiệu quả trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng một cách công bằng, nhất là làm thiệt hại cho các nước đang phát triển. 

Tài liệu 40 trang mang tên"Hướng tới Cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế trong bối cảnh của một cơ quan công quyền toàn cầu" đã được chính thức ra mắt tháng 10 năm 2011, lên án cái gọi là "thờ thần tượng của thị trường" cũng như "tư duy tân tự do", chỉ nhìn tới các giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề kinh tế. "Trong thực tế, cuộc khủng hoảng đã tiết lộ những hành vi tham lam ích kỷ tập thể, và đầu cơ tích trữ trên một quy mô rộng lớn," 

Tài liệu đề nghị một số biện pháp cụ thể, như đánh thuế trên các giao dịch tài chính. Nhưng cũng đề ra một căn bản đạo đức cần có để hướng dẫn các hoạt động kinh tế: "Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính cuả thế giới đòi hỏi tất cả mọi người, cá nhân cũng như dân tộc, phải kiểm tra lại độ sâu cuả các nguyên tắc và các giá trị văn hóa và đạo đức dựa trên cơ sở cuộc sống chung của xã hội". Nói cách khác nền kinh tế thế giới cần có một "đạo đức phục vụ cho tình đoàn kết" giữa các quốc gia giàu và nghèo.

Năm 2011, ngài được mời làm diễn giả chính cho toàn thể hội nghị Công Giáo Mục Vụ Xã Hội (the 2011 Catholic Social Ministry Gathering) tại Washington DC với chủ đề "Thúc đẩy một nền kinh tế Công Bằng để bảo vệ cuộc sống và phẩm giá con người", được tài trợ bởi 19 tổ chức Công giáo và Hội đồng Giám Mục Công giáo Hoa Kỳ. 

Phản ánh kinh nghiệm đối thoại với cử toạ Hoa Kỳ, HY Turkson cho biết ngài học được rằng những từ ngữ như "Công Lý" và "Hoà Bình" của Giáo Hội cần phải được làm cho rõ nghĩa với khán giả Công giáo Mỹ. Những thuật ngữ được sử dụng bởi Vatican - như "công bằng xã hội" và "tặng phẩm" - không luôn luôn được hiểu như ý định cuả Vatican, ngài nói. "Chúng tôi phát hiện ra rằng một số từ ngữ mà chúng tôi sử dụng một cách tự nhiên có thể không phải lúc nào cũng có một ý nghiã tương tự hoặc có thể đã có một số sắc thái khác biệt vì các thuật ngữ đó được sử dụng một cách khác trong bối cảnh chính trị cuả Hoa Kỳ".

Lập trường về Đồng tính luyến ái

Vào năm 2012, phản ứng lại bài phát biểu của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các Giáo hội cần phải làm nhiều hơn cho nhân quyền, đặc biệt là quyền LGBT (đồng tính luyến ái) ở châu Phi, HY Turkson cho rằng những tố cáo về một số hình thức xử phạt đối với những người đồng tính ở châu Phi có thể đã bị "phóng đại", ngài cho rằng cường độ của các vụ xử phạt có lẽ là tương xứng với truyền thống sẵn có cuả các dân tộc Châu Phi. Ngài chủ trương cần phải dung hoà giữa quyền cá nhân và quyền cuả văn hoá: "Trong khi kêu gọi tôn trọng các quyền (cá nhân), chúng ta cũng cần kêu gọi phải tôn trọng văn hóa, cuả tất cả mọi dân tộc", ngài nói. "Vì vậy, nếu kết án một sự kỳ thị, thì theo lẽ công bằng, cũng phải tìm hiểu lý do tại sao có sự kỳ thị ấy". Ngài kêu gọi phải có sự phân định rõ ràng thế nào là nhân quyền và thế nào là đạo đức.

Về những bê bối tình dục

Trong tháng 2 năm 2013, HY Turkson tuyên bố rằng những vụ bê bối tình dục trẻ em cuả các giáo sĩ sẽ không lây lan sang châu Phi theo một tỷ lệ đáng kể. Ngài cho rằng "các truyền thống sẵn có cuả châu Phi bảo vệ người dân khỏi bị tai hoạ này"... "Những nền văn hóa ở châu Phi không tán thành việc đồng tính luyến ái hay bất kỳ mối quan hệ sinh lý nào giữa hai người cùng giới tính".

Thất bại đi tìm hoà bình

Năm 2011, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã gửi HY Turkson làm trung gian cuả Vatican đi tìm một giải pháp ngoại giao phi quân sự cho cuộc xung đột ở Bờ Biển Ngà (Ivory Coast). Thời sự ở đây trở nên đẫm máu mau chóng và HY Turkson đã không đến Ivory Coast được sau khi chờ đợi 4 ngày ròng rã tại phi trường Accra (Ghana).

"Khi chúng tôi đến Tây Phi, thì tình hình trở nên xấu đi... vì vậy tôi chờ đợi để xem liệu tình hình có thay đổi không. Nhưng không. Tôi cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc... Nhưng Liên Hiệp Quốc ngần ngại không muốn nhân viên cuả họ phải dấn thân vào một tình huống nguy hiểm, nơi có xung đột và các tay súng bắn tỉa bắn bất cứ ai ", ngài giải thích.

Trong khi tìm kiếm một cách vô vọng con đường đi vào Ivory Coast, Đức Hồng Y Turkson đã thường xuyên tìm hiểu tình hình bằng cách nói chuyện điện thoại với Sứ thần Tòa Thánh và các giám mục ở đó.

Mặc dù tổng thống bị chống đối Laurent Gbagbo là người Công giáo và đối thủ là Tổng thống đắc cử Alassane Ouattara là một người Hồi giáo, Đức Hồng Y Turkson kết luận rẳng tôn giáo không đóng một vai trò trong cuộc xung đột.

"Nói rằng đây là một cuộc xung đột giữa Kitô hữu và người Hồi giáo thì không chính xác... Tôi được biết có đông người Công giáo ở phía bên Ouattara... tôn giáo đóng một vai trò rất nhỏ," ngài nói.

Một vụ hớ

Tháng 10 năm 2012, HY Turkson tạo ra một tranh cãi và bị phê bình là gieo hoang mang sợ hãi tại một hội nghị quốc tế cuả các giám mục khi ngài trình chiếu một video YouTube được gọi là "Hồi giáo Nhân khẩu học". Cuốn video mô tả sự trỗi dậy của Hồi giáo ở châu Âu trong đó có những lời tuyên bố như: "Chỉ trong vòng 39 năm, nước Pháp sẽ là một nước cộng hòa Hồi giáo".

Ngài đã xin lỗi, nhưng cái hớ có thể khiến ngài mất một cơ hội trở thành giáo hoàng. Ngay cả Đài phát thanh Vatican cũng gọi bộ phim là "đã cũ 4 năm rồi, gieo rắc sự sợ hãi và trình bày các thống kê đã bị bác bỏ (debunked.)"

Nhắc lại Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng đã từng bị người Hồi giáo giận dữ sau một bài giảng năm 2006 tại trường đại học cũ của mình là Regensburg, trong đó ngài đã đề cập đến một thời lịch sử mà một nhân vật đã phê bình về tiên tri Muhammad là "chỉ có cái ác và sự bất nhân". 

Nhân cách HY Turkson: Một ngôi sao truyền hình, "người của người dân" và một linh mục "thánh thiện"

Hình ảnh bình dân cuả HY Turkson tại vùng Tây Phi được phát triển mạnh mẽ nhờ ở sự xuất hiện thường xuyên trên truyền hình của ngài, đặc biệt là trên chương trình phát sóng hàng tuần vào mỗi buổi sáng thứ bảy cuả kênh TV cuả nhà nước Ghana. Ngài đã duy trì một mối quan hệ chặt chẽ với quê nhà trong khi thi hành nhiệm vụ tại Vatican. Theo TGM Gabriel Charles Palmer-Buckle cuả tổng giáo phận Accra thì "Ngài về nhà mỗi khi nhiệm vụ cho phép. Ngài từng là Chủ tịch Hội đồng quốc gia hòa bình, là người trong hội đồng quản trị của trường đại học của chúng tôi - và là một hồng y người Ghana".

Linh mục Emmanuel Abbeyquaye, trợ lý tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Công giáo Ghana, từng được Hồng Y Turkson cố vấn 3 tháng trước khi chịu chức, chia sẻ như sau:

"Khi bạn được ở gần Đức Hồng Y Turkson, bạn bị tấn công bởi một hào quang của sự thánh thiện xung quanh ngài. Ngài là một người của Thiên Chúa. Chúng tôi thường họp với ngài vào buổi tối và cùng nhau cầu nguyện rồi đi ngủ nhưng ngài vẫn ở lại đó, " Cha Abbeyquaye giải thích." Ngài thường dành một hay hai giờ với Thiên Chúa trước khi đi ngủ. Rồi, khi bạn thức dậy lúc 5 giờ sáng và đến nhà thờ thì đã thấy ngài đang cầu nguyện ở đó rồi. "

Linh mục Stephen Domelevo cuả văn phòng truyền thông Công giáo Ghana cũng cho biết: "Đức Hồng Y Turkson là một người tuyệt vời, rất bình dân và khiêm nhường. Ngài sống đơn giản, và làm cho mọi người quanh mình cảm thấy thoải mái. Ngài giải thích Kinh Thánh trong một cách mà mọi người thực sự hiểu. Ngài nói nhiều ngôn ngữ địa phương cũng như các ngôn ngữ châu Âu, và sử dụng các câu chuyện cười và hài hước để thực sự truyền đạt thông điệp cuả mình cho người khác. Ngài có một nét nhân bản (human touch)"

ông Dan Jide, nhân viên liên lạc cuả Ban Thư ký Công giáo Ghana, cho rằng sự khiêm nhường có thể giúp Hồng y làm bạn với mọi người trên toàn thế giới.

"Tôi đón ngài tại sân bay trong một lần ngài ghé thăm Accra. Và tôi đưa ngài đi qua ngã dành cho những thượng khách (VIP) nhưng ngài nói, 'Dan, tại sao chúng ta không đi qua ngõ kiểm soát thông thường?' Ngài rõ ràng là một người bình dân. Chúng tôi cùng cười, cùng chia sẻ những câu chuyện vui. Rất bình thường, " Jide kể lại với một vẻ trầm ngâm.

Là Petrus Romanus (Peter the Roman) vị giáo hoàng cuối cùng?

Trước cơ hội HY Turkson có nhiều triển vọng làm giáo hoàng, một số người đã lo sợ rằng vì tên thánh cuả ngài là 'Peter' cho nên ngài có thể là 'Petrus Romanus' (Phêrô người xứ Roma) vị giáo hoàng cuối cùng như đã miêu tả trong lời tiên tri cuả thánh Malachy. Xin xem Vị Giáo Hoàng cuối cùng hay Khởi đầu Kỷ Nguyên Mới? Nguyễn Đức Sách 2/17/2013

Không rõ ngoài việc có tên thánh là Peter, người ta đã liên hệ thế nào về việc một người da đen sinh ra ở Ghana mà lại có thể là người Roma được nhỉ?

Bàn về vần đề này thì không bao giờ hết, nó cũng giống như người ta bàn về 'Sấm Trạng Trình' hay là về 'Nostradamus' vậy. Cho là Đúng cũng có chút lý lẽ mà cho là Sai cũng không thiếu bằng cớ. Cho nên nói chuyện với đầu gối thì vẫn tốt hơn.

Nhưng hãy cứ cho lời tiên tri là chính xác (Xin xem note *), ĐGH Benedicto XVI chính là vị GH số 111 ở cuối bảng danh sách, thì vị giáo hoàng 'cuối cùng' vẫn không nhất thiết phải là vị có số 112 tiếp theo sau.

Lời 'tiên tri' chỉ đánh số có 111 giáo hoàng mà thôi, không đánh số vị cuối cùng là 112. Tên Petrus Romanus chỉ được đề cập đến trong câu kết luận nằm ở ngoài bảng danh sách khi mô tả về vị GH cuối cùng trong tương lai. Vì Petrus Romanus không có số thứ tự cho nên chúng ta có thể hiểu từ số chót '111' cho tới vị 'cuối cùng' này có thể có hàng trăm vị giáo hoàng khác.

Cảm tưởng của HY Turkson về việc trở thành ứng viên giáo hoàng

Trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press bên trong văn phòng Vatican, HY Turkson cho biết "các giáo hội trẻ" của châu Phi và châu Á đã trở thành vững chắc đủ, đã sản xuất được "các giáo sĩ trưởng thành và các giám mục có khả năng lãnh nhận các vai trò lãnh đạo của tổ chức thế giới."

Và "nếu Đức Chúa Trời muốn nhìn thấy một người da đen làm giáo hoàng, thì xin cảm tạ Chúa".

Ngài cho biết "một Giáo Hoàng từ Phi Châu đã từng là một 'sự có thể' trong Mật Nghị năm 2005 khi hồng y đoàn dồn một số phiếu đáng kể cho HY Francis Arinze. Năm nay vì HY Arinze đã quá tuổi không còn tham dự Mật Nghị nữa cho nên là lẽ tự nhiên người ta nghĩ tới một 'ứng viên' thay thế khác cũng từ Phi Châu".

Ngài nói thêm rằng người Công giáo trong thế giới đang phát triển không cần phải có một vị giáo hoàng từ khu vực của họ để phát triển mạnh hơn. Họ đã làm rất tốt, vẫn phát triển theo cấp số nhân dưới triều các giáo hoàng người Âu. Nhưng một giáo hoàng từ miền Nam điạ cầu sẽ "đi một chặng đường dài để củng cố quyết tâm của họ."

Có người nghĩ rằng sự kiên ngài hổ hởi bàn về chức vụ giáo hoàng với báo chí, mặc dù ngài không có ý mong mỏi trở thành giáo hoàng, cũng sẽ là một điểm đen trước mắt các vị Hồng Y khác. 

Hơn nữa mới đây, đã có những người 'vô danh' dán áp phích khắp đường phố để 'tranh cử' cho Ngài. Một cách 'tranh cử lộ liễu' như vậy thường bị coi là 'thối tha' và thường sẽ 'làm bể' cơ hội cuả một vị hồng y. Người ta nghĩ đây có thể là một âm mưu cuả những người muốn mưu lại ngài hơn là cuả những người thực tình ủng hộ ngài.

Ngài sẽ có thể trở thành một trường hợp "vị nào đi vào Mật Nghị giống như một giáo hoàng thì khi ra vẫn là một hồng y" không? chúng ta phải chờ xem.

Note *

1- Về lời tiên tri cuả thánh Malachy là có thật hay không, mọi sử gia đều kết luận là giả mạo vì không hề có một bằng cớ nào, dù là lời đồn đãi, trong hơn 400 năm kể từ thời thánh Malachy (1094–1148) cho tới khi cuốn sách Lignum Vitae xuất bản (1595).

2- Tất cả những lời tiên tri đã xảy ra chính xác cho những sự việc quá khứ trước ngày xuất bản cuả cuốn sách, đúng được 94% (có 75 GH, thì mô tả đúng 'trực tiếp' tới 71 vị.) Nhưng từ khi xuất bản cho tới nay, tức là những việc 'vị lai' cuả cuốn sách, có 36 giáo hoàng, thì phải cố gắng lắm mới 'gián tiếp' gán ghép được một sự liên hệ gần xa nào đó cho 12 vị mà thôi, nghiã là, với hy vọng tối đa, xác xuất chỉ đạt được 33%.

-Những ví dụ mộ tả về quá khứ: Mô tả DGH Celestine II là 'Ex castro Tyberis' (Từ lâu đài trên sông Tiber), quả thật vị GH đã sinh ra trong lâu đài Citta di Castello, Toscany, trên bờ sông Tiber; Mô tả DGH Lucius III là 'Lux in ostio' (ánh sáng từ cửa), quả thật tên hiệu cuả ngài là Lucius (= Lux) và ngài làm Hồng Y ở Ostia (=ostio)

-Những ví dụ gán ghép cho những sự kiện 'vị lai': Mô tả DHG Clement X là ''De flumine magno' (Từ sông cái), tuy GH Clement không sinh ra gần sông hoặc làm việc bên sông, nhưng, ngài sinh trong muà con sông Tiber ở xa đang dâng nước tràn bờ. Mô tả DGH Benedicto XIII là 'Miles in bello' (Chiến binh xông pha trận mạc), trong thời cuả ngài không có chiến tranh nhưng có thể vì ngài đã chống lại những thói hư tật xấu cuả thời đại đó.

3 - Việc mô tả vị giáo hoàng thứ 111 'Gloria Olivae' (Ngành Oliu vinh quang) có đúng cho đức Benedicto XVI không? Có vẻ là không: đức Benedicto không đi tu dòng Cây Dầu cho nên không thể gọi ngài là 'Olivian' được (Olivian là một nhánh cuả dòng Benedicto), khi chấp nhận sự đề cử trước Hồng Y đoàn, ngài công bố tên hiệu cuả ngài là để vinh danh đức GH Benedicto XV là người đã cố gắng xây dựng Hoà Bình (chứ không phải để vinh danh thánh Benedicto đấng sáng lập dòng Benedicto) và triều đại cuả ngài đã gặp nhiều khó khăn hơn là vinh quang.


Trần Mạnh Trác
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét