Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Câu chuyện ông Mose


Sài Gòn - Trong Cựu Ước, câu chuyện bi tráng nhất có lẽ là câu chuyện ông Mose, một câu chuyện xuyên suốt từ đầu đến cuối một con người, định mệnh con người ấy gắn với một dân tộc, đi qua biết bao nhiêu thăng trầm, suối ghềnh thác bãi, vượt qua biết bao nhiêu những thách đố trong ngoài, biểu tỏ sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa. Ông Mose đã hoàn thành sứ mạng của ông trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Đồng hành cùng nỗi đớn đau của dân tộc, quặn thắt trong lòng về sự tồn vong của lời hứa cứu độ, tích lũy những trăn trở về sự sống còn, tiếng Chúa mỗi ngày một rõ nét trong ông. Vâng, tiếng gọi của Chúa thôi thúc ông, đẩy ông vào sứ mạng, vì chương trình của Thiên Chúa, vì lời hứa cứu độ. Một ngày ông xuất hiện, hai tay trắng, chỉ có sức mạnh của sự thật, của sự sống, của công bằng và tự do. Ông đối diện với Pharao, quyền lực ngất ngưởng, xe pháo chiến xa cùng kỵ binh, … Ông lên tiếng, lên tiếng cho sự tự do thờ phượng Chúa.
“Hãy thả cho dân Ta đi, để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc” (Xh. 5, 1), đòi hỏi chính đáng của dân Thiên Chúa là được tự do thờ phượng Thiên Chúa. Tự do hội họp, tự do cầu kinh, tự do hành lễ, tự do học hỏi đạo lý, tự do sắp đặt quản trị. Sa mạc là nơi không có bất kỳ một ràng buộc nào, không có bất kỳ một sự can thiệp nào, một sự chỉ đạo nào từ bất cứ nơi đâu ngoài Thiên Chúa, là nơi của riêng con người với Thiên Chúa, cho Thiên Chúa và vì Thiên Chúa.
Xin trân trọng cám ơn “Các Giám mục Việt Nam” với bản “Nhận định và góp ý” công bố ngày 01 tháng 3 năm 2013 tại Hà Nội, tiếng nói yêu thương, khiêm tốn, quả cảm và đầy tinh thần trách nhiệm; tiếng nói cất lên đúng vào lúc dân Thiên Chúa đang khát khao một lời hướng dẫn, một lập trường đức tin trong xã hội; tiếng nói thay cho hàng triệu con tim tín đồ Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước; tiếng nói vì và cho những con người Việt Nam khao khát tự do.
Hội đồng giám mục Việt Nam không thờ ơ trước vận mạng của đất nước
Năm năm trước đã có một người bước vào “dinh Pharao” để lên tiếng nói “Tự do tôn giáo là quyền của con người”. Cách đây một tuần tôi có đến thăm ngài ở Đan viện Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình, trong tâm tình chia sẻ, Đức Tổng Giuse nói với tôi: “phải có đau khổ và thời gian”. Những gì ngài nói ngày ấy hôm nay “các Giám mục ViệtNam” nói.
Tạ ơn và ngợi khen Chúa.
Lm. Vĩnh Sang, dcct.
02/03/2013
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét