Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

"Xin hãy dùng con"

“Như bản hoà tấu cần đến mỗi nốt nhạc,
Như đại dương cần đến mỗi giọt nước,
Như thế giới cần đến mỗi con người,
Thiên Chúa và anh chị em cần đến bạn,
bất cứ ở đâu, bất cứ giờ nào,
bạn là người duy nhất,

Chúa cần trong giây phút ấy,
và vì thế không ai thay thế được”
( Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận )
Sau Tết Nguyên Đán, mùa lễ hội đang mở ra khắp nơi tại Việt Nam. Lễ Hội Đầu Xuân gắn với truyền thống lịch sử văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nhiều lễ hội xa xưa có từ hàng nghìn năm trước đến nay vẫn được duy trì như: Tết Nguyên Đán, Lễ Hội Đền Hùng ( xứ Đoài ), Lễ Hội Đền Trần ( Nam Định ), Lễ Hội Thánh Gióng ( Sóc Sơn ), Lễ Hội Bà Chúa Xứ ( An Giang ), Bà Chúa Thiên Hậu ( Bình Dương ), Bà Chúa Kho ( Bắc Ninh ), Hội Chùa Hương, Hội Lim, Hội Yên Tử… Lễ hội thường hướng đến đối tượng thiêng liêng, ôn lại lịch sử, tôn kính các vị Anh Hùng Dân Tộc. Như ông bà ta vẫn nói: "Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng". Lễ hội mang mầu sắc tâm linh giúp con người hướng thiện, nhưng các lễ hội thời nay phần lớn đã biến thể, du xuân cầu an,cầu phúc đã trở thành thương mại hóa, cầu lợi… Người ta đến lễ hội không bằng chính tâm nhưng bằng suy nghĩ phàm tục, mua chuộc thần thánh.

Truyền thống dân tộc Việt Nam, dù bất cứ theo tôn giáo nào, thời khắc đầu năm là những giây phút linh thiêng có ảnh hưởng trong năm. Hòa chung tín ngưỡng của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam cũng dành ba ngày đầu năm: mùng Một cầu cho quốc thái dân an, mùng Hai kính nhớ ông bà tổ tiên, mùng Ba cầu cho mùa màng và lao động. Ngày mùng Hai Tết ( 11 tháng Hai ) vừa qua cũng là ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ 21. Trong không khí Tết náo nhiệt vui tươi, ngày Bệnh Nhân năm nay bị quên lãng giữa ồn ào tất bật mải mê ăn Tết và phần nào cũng mờ nhạt hơn bởi biến cố trọng đại trong Giáo Hội toàn cầu: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm.
Có sự trùng hợp thời gian khá gần nhau trong tháng Hai, Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân và Ngày Thầy Thuốc Việt Nam ( 27 tháng Hai ). Hội Tết vui chơi, du xuân thưởng ngoạn nhộn nhịp, cầu cho tình duyên may mắn, tài lộc dồi dào, người đến lễ hội thường khỏe mạnh, đôi khi có địa vị tiền bạc sung túc nhưng vẫn còn muốn thêm, riêng những bệnh nhân ngặt nghèo trong bệnh viện, mơ ước đầu năm thực tế được khỏi bệnh, đủ tiền viện phí là quý nhất cũng thật khó khăn, còn biết bao người bệnh nan y tàn tật cả đời, không mong ước gì hơn là sức khỏe.
Ngày Thầy Thuốc năm nay, vẫn ồn ào như mọi năm, chúc mừng khen thưởng, lễ nghi đình đám… nhưng mặt tiêu cực của ngành này như càng tỉ lệ thuận với sự phát triển dân số, phát triển đô thị, văn minh con người trong xã hội bộc phát tùy tiện, đạo lí suy đồi… ngành này đổ lỗi cho ngành kia, đổ lỗi cho hệ thống, lãnh đạo đầu ngành hồng hơn chuyên, thậm chí thiếu cả y đức. Những chuyện này đã trở thành lẽ thường tình “biết rồi khổ lắm nói mãi”, người chịu đựng thiệt thòi cuối cùng vẫn là người nghèo, người bệnh, như ông bà ta thường nói: “Có bệnh thì bái tứ phương”
 Tôi không có khả năng lạm bàn về vấn đề nổi cộm của đất nước, và cũng thiếu tế nhị khi nói những điều không hay trong ngày Thầy Thuốc Việt Nam, một ngành có liên quan đến sinh mạng con người, nghề cao cả cứu người. Với ước mong gửi chút tâm tình đến những người thầy thuốc đáng kính, đặc biệt những thầy thuốc Công Giáo và anh chị em cộng tác với ngành Y qua những nghĩa cử bác ái.
Đời người sinh-lão-bệnh-tử theo quy luật cuộc sống, bao vị “lương y như từ mẫu”, “thiên thần áo trắng” Thượng Đế gửi đến chúng ta trong những lúc bệnh tật, họ là những ân nhân đời ta và còn biết bao tấm lòng như người Samaritanô nhân hậu, từ ánh mắt cảm thông, lời cầu nguyện chân thành, bàn tay chia sẻ... Khi yêu thương bệnh nhân ta có cơ hội thực thi Đức Ái, nhìn ra thân phận cuộc đời, xin mượn tâm tình sau đây thêm vào những điều muốn nói:
"Rõ ràng, xã hội nào cũng có cần có một ngày để tôn vinh các giá trị nhân đạo và sự thấu cảm của nghề Y. Các giá trị đó, chắc chắn không phải là giá trị độc tôn của người thầy thuốc, mà thuộc về chủ thể trung tâm và mục tiêu cao cả nhất của mọi nền y học: người bệnh. Một ngày Bệnh Nhân Việt nam, để cả xã hội cùng cúi xuống trên những người đang bệnh tật, đau khổ. Một ngày để tất cả những người còn khoẻ mạnh cùng cảm tạ Ơn Trên và thương xót, chia sẻ với những đồng loại kém may mắn hơn mình. Và một ngày để các thầy thuốc từ già đến trẻ, cùng nhìn nhận lại về giá trị trung tâm của Y Học là chính từ người bệnh. Ngày đó, há chẳng hay ho hơn rất nhiều so với ngày Thầy Thuốc hiện tại hay sao ? Và ít nhất phải có một ngày trong năm, như ngày Lễ Tro của người Công Giáo, để nhắc nhở mọi người về thân phận tro bụi, lại sẽ trở về với bụi tro !
Ngày nào tốt hơn ngày đó, nếu không phải là ngày Bệnh Nhân ? ( Viết muộn nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bs. Lê Đình Phương ).
Tâm tình trên có lẽ được cảm nhận qua lời nhắn nhủ với các bệnh nhân, các nhân viên y tế, các Kitô hữu và tất cả những người thiện chí, khi Chân Phước Gioan Phaolô II thiết lập ngày Quốc Tế Bệnh Nhân: “Ngày này là một thời gian mãnh liệt cầu nguyện, chia sẻ, hiệp dâng đau khổ vì lợi ích của Giáo Hội và là một lời mời gọi mọi người nhận ra Thánh Nhan Chúa Kitô nơi những nét mặt của người anh em bệnh tật, Đấng mà, qua sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của mình, đã thực hiện ơn cứu độ của nhân loại” ( Gioan-Phaolô II, Thư thiết lập Ngày quốc tế bệnh nhân, 13.5.1992, số 3 ).
Có một nơi không có ai trong đời mà chưa bao giờ đến đó là nhà thương, và ai cũng mong muốn khi đến bệnh viện gặp được những lương y có tấm lòng từ tâm như hiền mẫu, mĩ từ “nhà thương” đủ nói lên tất cả nơi chốn và con người cần đối xử với nhau bằng tình thương. Nếu ai đã từng trải qua cơn bệnh ngặt nghèo cảm thấy thấm thía ý nghĩa mỹ từ đó và cảng cảm nhận yếu đuối bất lực con người trong hoàn cảnh đau khổ, thêm lòng trông cậy nơi Thiên Chúa, thấy Ngài thật gần trong những giờ phút nguy tử. “Ngay cả trong những giờ đen tối nhất của cuộc đời, Thiên Chúa vẫn ở gần.” ( Đức Bênêđictô XVI ).
Văn hào Francois Mauriac đã nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ" và lời an ủi từ các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vatican II với người bệnh tật: “Anh chị em không bị bỏ rơi cũng không vô dụng: anh chị em là những người được Chúa Kitô kêu gọi, là hình ảnh trong suốt của Ngài” ( Sứ điệp gửi người nghèo, bệnh tật và đau khổ ).
Như niềm thương cảm sẻ chia
Hồi còn ở Việt Nam khi tuổi vừa lớn, thỉnh thoảng có dịp lên Sàigòn, tôi thường đi xe lam, xuống xe phải đi bộ thêm một quãng đường tắt mới về nhà. Sinh hoạt gần bến xe trong khu lao động nghèo thường gợi nhiều hình ảnh khiến chạnh lòng thương cho kiếp người. Bến xe lam phần lớn chuyên chở người lao động nghèo lam lũ buôn thúng bán bưng, già yếu, con thơ nheo nhóc...
Gần bến xe hàng quà bánh rẻ tiền, vài bàn vé xố, nếu đi qua vào mỗi chiều sắp đến giờ xổ, đã thấy nhiều người vây quanh, họ khoác những bộ quần áo lôi thôi cũ rách, hồi hộp chờ đợi pha lẫn hy vọng trên khuôn mặt lam lũ, và ngay khi vé số vừa xổ xong, nét buồn vời vợi trĩu nặng thất vọng thẫn thờ tiếc rẻ những đồng tiền dành dụm nhỏ bé.
Ngôi Nhà Thờ gần bến xe lúc nào cũng đông, tiện cho khách vãng lai vội vã ghé kịp giờ Lễ, ngang khúc đường Nhà Thờ, dù không phải giờ Lễ, nhiều người cũng ngả nón chào tượng Đức Mẹ dưới chân tháp chuông.
Trong khuôn viên đó có hai bức tượng tôi thường chú ý, lúc nào cũng thấy có người đứng cầu nguyện, phần nhiều dáng nghèo khổ tiều tụy: tượng Đức Cha Jean Cassaigne ( xin mời xem thêm: http://hdgmvietnam.org/chan-dung-linh-muc-viet-nam-duc-cha-jean-cassaigne/583.43.13.aspx ) và một tượng thánh Martin de Porres ( xin xem: http://gxdaminh.net/thanh-martino/246-cuoc-doi-thanh-martino.html ).
Tượng Đức Cha Jean Cassaigne mầu trắng dưới chân ngài có một bệnh nhân phong. Ngược  lại, tượng Thánh Martin da đen trong trang phục Dòng Đaminh mầu đen. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn dưới thời bao cấp khắc nghiệt, lúc dân tộc Việt Nam oằn oại rên siết trong đau khổ, hai bức tượng đồng hành cùng dân tộc Việt Nam đã biến đổi tượng hình: Đức Cha Cassaigne người da trắng biến thành da đen, Thánh Martin người da đen biến thành da trắng, cả hai vị đều có những bàn chân dị dạng mòn vẹt móng, chỉ còn ba bốn ngón chân, chỉ vì bị những bàn tay nhem nhuốc của người đau khổ rờ vuốt quá nhiều lần trong những lần đến khấn xin. Họ cầu xin vì tin tưởng nơi các ngài có cuộc đời nổi bật tấm lòng nhân ái, yêu thương người bệnh tật và nghèo nghèo khổ thấp cổ bé miệng.
Nói đến cầu nguyện, đi Nhà Thờ, dự Lễ, đọc kinh ta thường hay cầu xin mà thường chỉ cầu xin cho ta, có thể vì cuộc sống quá nhiều bất an, đau khổ mà khát vọng con người thì dường như vô tận, mỗi ngày qua đi trong đời ta thêm cảm hiểu những nỗi đau trong tâm hồn cùng những đổ vỡ nội tâm là những vết thương khó lành nhất, chỉ được cảm nhận bằng con tim biết thương cảm. Có thể tôi cũng đã bỏ mặc bao nhiêu người đi qua đời tôi mang trái tim tan nát, nỗi lòng tan vỡ vì bao hệ lụy nhân gian. Dụ ngôn "Người Samaritanô” là một trong những chuyện kể nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh và ảnh hưởng sâu rộng trong văn hoá phương Tây ngày nay.
Cụm từ "Người Samaritanô" đã được dùng để chỉ người rộng lòng nhân ái, sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khốn khó mà không chút ngại ngần. Tấm lòng Mẹ Têrêxa là một tấm gương phục vụ người đau khổ mà Thiên Chúa mong ước trong xã hội nên văn minh vật chất đi lên nhưng khoảng cách giầu nghèo cách biệt, con người không chỉ đói khát vật chất mà còn nghèo khó về tinh thần, thiếu thốn tình thương.
“Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách :
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
 
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”

( Chân Phước Têrêxa Calcutta )
Xin được mượn lời cầu nguyện của cha Nguyễn Công Đoan, kính tặng những nhân viên ngành Y và những bàn tay rộng mở giúp đỡ người nghèo khó bệnh tật, mang tâm tình người Samaritanô nhân hậu, họ đã bước theo gương Chúa Giêsu đến để phục vụ hơn là được phục vụ, để yêu thương hơn là được yêu thương, để ban phát hơn là được nhận lãnh:
“Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run”.

HẠNH NGUYÊN, Boston ( Hoa Kỳ ) 3.2013
Theo EPHATA số 551

0 nhận xét:

Đăng nhận xét