Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Đức Phanxicô: Vị Giáo Hoàng từ nhân, khiêm nhường, giản dị

LTCGVN (15.03.2013)

Vị giáo hoàng thứ 266 vừa được bầu đã thổi làn gió mới vào Giáo hội. Ngài là vị giáo hoàng: 

- đầu tiên đến từ tân thế giới. Tổng thống Barack Obama đã chào mừng vị giáo hoàng đến từ châu Mỹ.
- đầu tiên xuất thân từ dòng Tên. 
- đầu tiên trong số các vị hồng y do Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm. Ngài được tôn cử vào chức vị hồng y ngày 21/02/2001.
- đầu tiên lấy niên hiệu là Phanxicô.

Theo linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh, niên hiệu chính thức của tân giáo hoàng là Phanxicô, thay vì Phanxicô đệ I. Sau này, ngài chỉ trở nên Phanxicô đệ I một khi có ĐGH Phanxicô đệ II. 


Những lời đầu tiên của ngài vô cùng giản dị, thấm thía tâm can: Chào các anh chị em. Như chúng ta đều biết, các vị hồng y đến tận cùng trái đất để chọn vi giám mục Roma. Trước hết, ta cùng cầu nguyện cho Đức Bênêdictô XV (vỗ tay), xin Thiên Chúa chúc lành cho ngài và xin Đức Mẹ luôn gìn giữ ngài. (Đức Phanxicô đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính mừng). Và bây giờ, giám mục và giáo dân, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình huynh đệ, đầy yêu thương và tin cậy (Ta muốn xin các con một ân huệ, trước khi cha ban phép lành, cha xin các con đọc kinh thay cho lời chúc lành của cộng đoàn dân Chúa cho vị tân giám mục Roma. (Ngài cúi đầu để nhận sự chúc lành của các tín hữu). Ngài mai, ta sẽ cầu xin Đức Trinh Nữ che chở kinh thành Roma. Hẹn các con ngày mai. Cha chúc các con ngủ ngon.’’ 

Theo lời phát ngôn viên của HĐGM Pháp Bernard Podvin, vị tân giáo hoàng chọn niên hiệu Phanxicô là muốn nói lên ý nguyện đơn sơ, khó nghèo. Lời nói và cử chỉ của ngài trên bao lơn đền thánh Phêrô đã diễn tả trọn vẹn ý nghĩa này. 

Ngoài tiếng Tây ban nha, Đức Phanxicô nói thông thạo tiếng Ý, ngôn ngữ của song thân ngài, tiếng Đức và tiếng La tinh. Năm 1986, ngài sang Đức hoàn tất luận án tiến sĩ về đề tài Philosophisch-Theologische Hochschule Sankt Georgen tại Đại học Francfurt. Ngài là tác giả nhiều cuốn sách thần học và tín lý.

Khi còn là tổng giám mục, ngài quan tâm đến vấn đề đối thoại với Do thái giáo. Ngài và giáo sĩ Do thái giáo Abraham Shorka là đồng tác giả Sobre el cielo y la tierra (Về trời và đất). 

Ngày 30/09/2009, ĐHY Bergoglio tuyên bố tại Argentina City Postgraduate School: ‘‘nạn nghèo đói cùng cực và các cơ cấu kinh tế bất công gây ra tình trạng không đồng đều, vi phạm quyền làm người.’’ Sau khi nhận mũ áo hồng y, vào thứ năm Tuần thánh 2001, ĐHY Jorge Mario Bergoglio đã rửa chân cho 12 người bị nhiễm HIV/AIDS (tiếng Pháp: Sida). 

Cũng như nhiều người Á căn đình khác, ngài hâm mộ bóng đá. Thuở niên thiếu, ngài là ủng hộ viên đội bóng đá Atlético San Lorenzo de Almagro do một linh mục thành lập. 

Sau cuộc giải phẫu vì bị nhiễm trùng đường hô hấp, từ năm 20 tuổi, ngài chỉ còn một lá phổi. Mặc dù vậy, ngài có thói quen dậy lúc 4 giờ 30 sáng, suốt ngày cặm cụi làm việc. 

9 giờ 50 sáng nay (14/03/2013), ngài đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để cầu nguyện trước thánh tượng Đức Bà là đấng che chở người dân Roma. Linh mục Ludovico Melo cho biết Đức Phanxicô nói chuyện thân tình như người cha. Cha Melo chỉ được báo trước 10 phút.

Đức Phanxicô đã đặt bó hoa dâng kính Đức Mẹ. Thầy Giuseppe, một trong 15 chủng sinh, tu sĩ và giám chức (prélat) tháp tùng cho biết ngài mặc áo trắng, đi gầy đen (thay vì giầy đỏ giáo hoàng), đeo nhẫn hồng y và đeo thánh giá bằng bạc. Đức Ông Georg Gänswein, bí thư của Đức Bênêdictô XVI (hình trên) và Đức Ông Leonardo Sapienza có trong đoàn tùy tùng. Trước khi ra về, Đức Phanxicô bắt tay từng người chào đón ngài. Ngài xin mỗi người cầu nguyện cho ngài. Linh mục Ludovico Melo còn cho biết cuộc gặp gỡ thật là cảm động, ngài tỏ ra rất mực thương yêu và khiêm nhường. Sau khi cầu nguyện trước thánh tượng Đức Bà Cả, ngài lui vào nhà nguyện để suy niệm, nơi thánh Ignace de Loyola, sáng lập dòng Tên, đã dâng thánh lễ mở tay vào lễ Giáng sinh 1538.

17 giờ chiều nay, ngài trở lại nguyện đường Sistine (viết theo tiếng Pháp: Sixtine) dâng thánh lễ cùng với 114 vị hồng y cử tri từng tham dự mật nghị.

Ngài từ chối sử dụng xe hơi dành cho giáo hoàng mang bảng số CV1 (Cité du Vatican 1), di chuyển bằng xe buýt nhỏ (minibus) cùng các vị hồng y khác

Lần đầu tiên trong lịch sử Hội thánh có một vị giáo hoàng lấy niên hiệu là Phanxicô. Ngài muốn vinh danh thánh Phanxicô, đấng sáng lập dòng Phanxicô, còn được gọi là dòng anh em hèn mọn. Thánh nhân từng rao giảng sự nghèo khó chính là con đường nên thánh, bằng lời cầu nguyện, bằng lòng yêu thương trọn vẹn, bằng niềm vui trong sáng và việc rao giảng phúc âm. 

Nhân sự khó nghèo Phan sinh được thăng hoa qua đức tân giáo hoàng Phanxicô, chúng tôi xin chuyển thể kinh Hòa bình sang thơ lục bát, để hiệp ý cầu nguyện cho ĐGH Phanxicô với tâm tình con thảo: 

Xin Cha sử dụng phàm nhân,
Trở thành khí cụ bình an Nước Trời,
Nơi đâu oán ghét người đời,
Tình yêu rũ sạch rã rời dửng dưng.
Nơi đâu xúc phạm ngập ngừng,
Thứ tha lầm lỗi xin đừng bận tâm. 
Nơi đâu chia rẽ ngại ngần,
Tấc lòng hòa hợp tình thân lặng thầm.
Nơi đâu reo rắc sai lầm,
Con đem chân lý Phúc âm nguyện cầu.
Nơi đâu ngờ vực lẫn nhau,
Con đem tin tưởng dãi dầu cậy trông.
Nơi đâu nước mắt lưng tròng,
Con đem hy vọng một lòng tóm thâu.
Nơi đâu tăm tối lệ sầu,
Con đem ánh sáng nhiệm mầu bốn phương.
Nơi đâu khóc lóc thê lương,
Con đem hạnh phúc yêu thương trọn đời.
Con tìm an ủi người đời,
Không mong nhận được mấy lời ủi an.
Con mong thấu hiểu tâm can,
Không mong người hiểu nắng tàn bụi sương.
Con mong thực hiện yêu thương,
Không mong nhận được tình thương thế trần.
Khi lòng tự nguyện trao ban,
Là ta nhận được vô vàn phúc ân.
Khi ta quên hết chân thân,
Là ta gặp gỡ khí thần bản thân.
Khi ta tha thứ ân cần,
Mới mong thoát khỏi trầm luân đọa đầy.
Đến khi nhắm mắt xuôi tay, 
Mới mong sống lại ơn dầy thánh ân.

Lê Đình Thông
VietCathohlic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét