Trong bối cảnh Bắc Kinh không che giấu ý muốn thống trị hoàn toàn Biển Đông, giới phân tích đã từng tự hỏi là liệu Trung Quốc có thể tái lập kịch bản đánh úp Việt Nam như vào năm 1988 hay không ?
Trong bài nhận định đăng trên tờ South China Morning Post tại Hồng Kông ngày hôm qua, 17/03/2013, nhà báo kỳ cựu Greg Torode, đã cho rằng, dù tham vọng Trung Quốc càng ngày càng lớn, một trận hải chiến thứ hai giữa Trung Quốc và Việt Nam tại vùng Trường Sa khó có thể xẩy ra.
Theo nhật báo Hồng Kông, trận đánh ở bãi đá Gạc Ma, mang một ý nghĩa chiến lược to lớn đối với Bắc Kinh. Nó cho phép Trung Quốc chiếm cứ 6 vị trí đầu tiên trong vùng quần đảo Trường Sa – đặt những công sự phòng thủ kiên cố vẫn rất quan trọng vào lúc này, chẳng hạn như trên đá Chữ Thập – Fiery Cross, với một giàn radar cảnh báo sớm.
Hành động cưỡng chiếm bằng võ lực các hòn đảo tại Trường Sa từ tay Việt Nam vào năm 1988, đã nằm trong một chiến lược khởi sự từ mười bốn năm trước đó, khi hải quân Trung Quốc đã đánh bật lực lượng Việt Nam ra khỏi quần đảo Hoàng Sa để chiếm đóng toàn bộ khu vực này từ đó đến nay. Hoàng Sa hiện đang được Trung Quốc biến thành căn cứ quân sự đáng gờm.
Một số nhà phân tích cho rằng, với sức mạnh hải quân đang càng lúc càng phát triển, Trung Quốc có thể nuôi tham vọng chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Trường Sa. Đây là một nỗi lo thường trực của các nhà hoạch định quân sự tại Hà Nội. Lý do rất đơn giản : Việt Nam nắm giữ đến 25 đảo, bãi đá tại vùng quần đảo Trường Sa - nhiều hơn bất kỳ nước tranh chấp nào khác.
Theo báo South China Morning Post, trong những cuộc nói chuyện riêng tư, các sĩ quan quân đội cũng như học giả Trung Quốc thường nêu bật khả năng xung đột với Việt Nam trên vấn đề nước này chiếm giữ quá nhiều vị trí ngoài Trường Sa và đã nỗ lực xây dựng cơ sở trên đó, đặc biệt trong những tháng sau khi xẩy ra cuộc hải chiến Trường Sa.
Đối với các nhân vật kể trên, đây không chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài : Cơ sở của Việt Nam ngoài Trường Sa, một ngày nào đó, có thể có nguy cơ bị sử dụng để kiềm chế Trung Quốc, vào lúc lực lượng hải quân Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển, và quan hệ giữa Hà Nội với Washington và các đồng minh ngày càng sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, ông Gary Li, một chuyên gia phân tích cao cấp thuộc hãng tham vấn IHS Fairplay ở Luân Đôn, không đến nỗi bi quan. Theo chuyên gia này, tình hình ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) hiện rất khác so với thời kỳ năm 1988. Các chiến lược gia Trung Quốc đã nhận thức được rằng, sự chú ý của quốc tế vào khu vực và tiềm lực hải quân Việt Nam được tăng cường, đã làm cho việc sử dụng vũ lực để cướp các hòn đảo hay bãi đá không còn là một chiến lược đúng đắn.
Thay cho chiến thuật cưỡng chiếm, Bắc Kinh hiện đang theo đuổi chủ trương hai hướng : Một mặt xác lập quyền kiểm soát thực thụ trên quần đảo Hoàng Sa, một hành động mà Trung Quốc có thể thực hiện dễ dàng, và một mặt khác áp đặt chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, thông qua một sự hiện diện mạnh mẽ trên biển với cả hải quân lẫn lực lượng bán quân sự.
Ông Gary Li nhận định : « So với thời kỳ trước đây, khi sự chiếm đóng vật lý các đảo có ý nghĩa tối quan trọng, Trung Quốc đã thay đổi chiến lược theo hướng tạo ưu thế thống trị trong lĩnh vực hàng hải. Do vậy, nếu Việt Nam không đặt tên lửa hành trình hay radar tầm rộng trên các hòn đảo tại Trường Sa, hoặc làm việc quá chặt chẽ với Mỹ chẳng hạn, thì Trung Quốc biết chắc là họ có thể duy trì chiến lược này ».
Với chiến lược đó, chuyên gia này dự báo là Trung Quốc « sẽ có thể thống trị khu vực mà không cần đếm xỉa đến các hòn đảo, và sẽ có thể bảo vệ bất kỳ nỗ lực tăng cường khai thác dầu khí nào của Bắc Kinh trong những năm tới ».
Trọng Nghĩa (RFI)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét