Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Thế giới đang đợi chờ và hy vọng nhiều nơi Đức tân giáo hoàng Phanxicô


LTCGVN (16.03.2013) – Toronto, Canada – Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội có một vị Giáo Hoàng đến từ Châu Mỹ La tinh: Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô.  Sau 5 vòng phiếu bầu, ngày 13 tháng Ba năm 2013, 115 vị Hồng Y có mặt tại mật nghị viện tại Rôma đã lựa chọn Đức Hồng Y Jorge Bergoglio vào vị trí kế vị thánh Phêrô. Danh hiệu của ngài là Phanxicô. Năm nay Đức Tân Giáo Hoàng 76 tuổi.
Mọi dự đoán của giới truyền thông, của các chuyên viên, của các bình luận viên dường như đều sai chệch. Tuy truyền thông nói riêng và thế giới nói chung trước đây không mấy chú ý đến Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, Tổng Giám mục Buenos Aires, nhưng sau khi tên của ngài được xướng lên lúc 8 giờ 12 phút tối ngày 13 tháng Ba năm 2013 tại Rôma thì dường như cả thế giới trào dâng một niềm vui vừa bất ngờ vừa tràn trề hy vọng.

Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô được sinh ra trong một gia đình gồm năm người con của một người công nhân đường sắt gốc Ý tại Buenos Aires. Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ về Hóa học tại trường Đại học Buenos Aires, ngài gia nhập Dòng Tên vào ngày 11 tháng Ba năm 1958. Ngài chịu chức linh mục vào năm 1969. Sau khi đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau như Giáo tập, Giám tỉnh, Giám đốc chủng viện, ngài được cất nhắc lên vị trí Giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Buenos Aires vào năm 1992 và trở thành Tổng Giám mục vào năm 1998. Ngày ngày 21 tháng Hai năm 2001 ngài được cất nhắc lên hàng Hồng Y cùng dịp với Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngoài ra, trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã được bổ nhiệm vào một số vị trí quan trọng trong Giáo Triều Rôma như Thánh Bộ Giáo sĩ, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thánh Bộ Đời Sống Tận Hiến và các Tu Hội Tông Đồ. Ngài cũng là một thành viên của Ủy ban châu Mỹ La tinh và Hội đồng gia đình.
Đức Hồng Y Bergoglio được biết đến như một người hết sức khiêm nhường, nhưng rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ các học thuyết Giáo Hội và thúc bách sự dấn thân cho công bằng xã hội. Trong cuộc họp Hội đồng các Giám mục châu Mỹ Latinh năm 2007, ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang sống trong một miền đất thiếu bình đẳng nhất trên thế giới, nơi mà đang tạo ra những khốn khổ cùng cực nhất cho con người.” Ngài cũng nhấn mạnh sự bất bình đẳng là “tội lỗi xã hội kêu thấu tới trời cao.”
Lý tưởng dấn thân cho người nghèo, phục vụ người nghèo và bảo vệ các quyền sống của người nghèo luôn gắn liền với đời sống thường nhật của ngài. Người ta thường nhắc đến ngài như một con người không biết đến đời sống giàu sang phú quý. Ngài sống trong một căn nhà nhỏ, chứ không phải tại nơi dinh thự nguy nga của giám mục. Dù là Hồng Y, ngài thường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và tự mình nấu ăn cho mình.
Về danh hiệu Phanxicô mà ngài lựa chọn khi được bầu làm Giáo Hoàng, tờ báo Catholic Register tại Toronto bình luận rằng việc Đức Tân Giáo Hoàng chọn danh hiệu Phanxicô có lẽ là dấu chỉ cho thấy rằng ngài muốn tẩy rửa ngôi nhà Giáo hội Rôma. “Sửa chữa ngôi nhà Giáo Hội” là khẩu hiệu nổi bật nhất mà thánh Phanxicô đã khởi xướng. Bình luận thêm về danh hiệu của Đức Tân Giáo Hoàng, Giáo sư Gordon Rixon, Trưởng khoa Thần học trường Regis College trực thuộc trường Đại học Toronto, nói rằng Đức Tân Giáo Hoàng có lẽ muốn bước theo con đường đơn sơ, khó nghèo của thánh Phaxicô Assisi, gắn kết, dấn thân cho người nghèo và xây dựng lại Giáo hội như những gì thánh Phaxicô đã khởi xướng xưa kia. Giáo sư cũng hy vọng rằng là một con người của khoa học, của nghệ thuật và của đức tin, Đức Tân Giáo Hoàng sẽ mang lại cho Giáo Hội những món quà đặc biệt trong một thế giới có rất nhiều phức tạp như thế giới chúng ta đang sống ngày nay.
Dường như cả thế giới đều ngỡ ngàng trong vui mừng trước sự kiện Đức Hồng Y Bergoglio, người đến từ châu Mỹ Latinh, được bầu chọn làm Giáo Hoàng. Cha Hans Kung, một người vốn từ trước tới nay có những chỉ trích khá nặng nề về điều mà ngài gọi là sự bảo thủ của Vatican, cũng bày tỏ niềm vui của mình trước sự kiện này. Trả lời phỏng vấn tờ Toronto Star ra ngày 14 tháng Ba hôm nay, cha bảo rằng: “Đây là niềm vui và hy vọng cho Giáo Hội Công Giáo chúng tôi. Đức Tân Giáo Hoàng biết chắc chắn những gì đang xảy ra trong Giáo Hội và ngài biết phải làm gì….” Có thể nói, thế giới đang đời chờ và hy vọng rất nhiều về một luồng gió mới mà Thánh Thần khởi hứng từ nơi con người Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô. “Xây dựng lại ngôi nhà Giáo Hội” là điều có thể đang được chờ đợi nơi Đức Tân Giáo Hoàng.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, CSsR
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét