Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Hội đồng GMCG Việt Nam góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992




« Con thuyền Giáo hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn cả qua các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Thiên Chúa hướng dẫn và luôn đỡ nâng Giáo hội. Người luôn ở gần, không bỏ rơi chúng ta, Người ở gần chúng ta và bao bọc chúng ta với tình yêu của Người. Chúng ta đừng bao giờ mất đi quan niệm đức tin này, là quan niệm duy nhất đích thật con đường của Giáo hội và của thế giới. » Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như vậy với khoảng 170.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung cuối cùng của Ngài tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 27.02.2013.

Đúng 2 giờ sáng ngày 01.03.2013, giờ Việt Nam, Tòa Thánh Phêrô trống ngôi, Giáo hội Công giáo, không chỉ là một định chế được thỏa thuạn trên giấy tờ, nhưng là một Mầu Nhiệm mà sự sống động vẫn tiếp tục, mỗi tín hữu Công giáo tiếp tục dấn thân hoàn thành sứ nhiệm mình trong Nhiệm Thể Đức Kitô… Do đó, ngay sáng cùng ngày, Linh mục Giuse Dương Hữu Tình, Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đến và trao Thư góp ý của Ban Thường vụ HĐGMVN cho Thường trực Ban biên tập - Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại số 37 Hùng Vương, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. 

Giáo sĩ và Giáo dân đồng hành trong Giáo hội Đức Kitô tại Việt Nam để hoàn thành sứ nhiệm ‘Kính Chúa và Yêu Người’. Trên Quê Hương, chúng ta luôn là những Công dân tốt và Tín hữu tốt. 

I.- TIẾN TRÌNH GÓP Ý ĐẾN NAY. 

Hiến pháp là hợp đồng sống chung giữa những công dân một quốc gia quy định chúng ta muốn sống với nhau như thế nào và xây dựng với nhau tương lai chung nào. Tại Việt Nam, nó được viết thành văn bản bao gồm những điều quan trọng nhất của đối với Tổ quốc và giữa chúng ta với nhau, hợp thành một Dân Tộc. Do đó, sự hình thành hay sửa đổi Hiến pháp cần có hai điều kiện :

a.- Mọi người Việt Nam cần phải có tiếng nói ngang nhau khi thảo luận về Hiến pháp. Quyền này không thể nhân nhượng hay trong quan hệ xin-cho. Tuy nhiên, người dân có quyền từ chối một quyền, nhà cầm quyền đừng de dọa, cưỡng bách họ trả lời những văn thức in sẵn.

b.- Hiến pháp không là một văn kiện có thể được viết ra sau vài ngày suy nghĩ, nhưng phải do những chuyên gia về luật hiến pháp dành nhiều chục năm để học hỏi và nghiên cứu luật hiến pháp và rút kinh nghiệm. Khả năng lập hiến của Luật sư Lê Quốc Quân chắc chắn vượt trội hẳn hai đại biểu Trần Mạnh Cường và Lê Ngọc Hoàn. Thế nhưng Luật sư Quân bị ngăn cản ứng cử và nay bị giam trái luật.

Thực thi Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23.11.2012 của Quốc hội, ngày 02.01.2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân từ ngày 02.01 đến 31.03.2013.

1/- Ngày 19.01.2013, 72 nhân sĩ, trong đó gồm nhiều ‘cựu công thần’ của cộng đảng, ký tên đầu tiên ‘Kiến nghị về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992’ đề nghị hoàn chỉnh 7 nội dung cùng kêu gọi người Việt trong nước và hải ngoại ký tên ủng hộ. Họ đề nghị một Dự thảo khác để tiến tới một Hiến pháp dân chủ, được sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân đối với chính quyền, có sự kiểm soát bên trong lẫn bên ngoài. Ngày 04.02.2013, một phái đoàn thay mặt 72 vị này đã gặp đại diện Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trao bản Kiến nghị 72. Ngày 07.02.2013, ông Phan Trung Lý, Trưởng Ban Biên tập ký, đã thay mặt Ủy ban, gửi ‘hỏa tốc’ tới ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, trưởng đoàn trao bản Kiến nghị. Trong thư, ông Lý, dựa vào Điều 1 Nghị quyếât số 38/2012/QH13 nói trên để từ chối sự đóng góp ý kiến của 72 nhân sĩ. Trả lời này đi ngược hoàn toàn những tuyên truyền rộng khắp nước bởi các cơ quan truyền thông nhà nước và mọi góp ý đều không bị cấm kỵ. Tính đến ngày 14.03.2013, đã có 9.211 người ký tên ủng hộ bản Kiến nghị này.

2/- Tối ngày 25.02.2013, Đài Truyền hình VTV1 đã phát đi ‘lệnh truyền’ từ ông Nguyễn Phú Trọng: « Các đồng chí phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo Hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy. Vừa rồi đã có các luồng ý kiến có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa. Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy! Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng nữa. Thì như thế là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức chứ còn gì nữa? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể... thì nó là cái gì?! Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này ». 

{Ngày 22.01.2013, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khoan dung tiếp ông Trọng với những đặc ân chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia hay lãnh đạo chính phủ để ông có thể tự coi như ngang hàng với Chủ tịch Nước hay Thủ tướng, trong khi Hiến pháp Việt Nam không có quy định nào cho chức vụ của ông. Thế mà, bây giờ ông lại chê những người khác là ‘suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức’. Có người còn cho rằng những tiền nhân của ông, trước kia, cũng đâu có biết cái đạo đức đó.}

Phát biểu với các lãnh đạo thành phố Hà Nội sáng ngày 27.02.2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ngụy biện buộc tội: « Tuyên truyền vận động nhân dân chống lại Đảng, nhà nước, cái đó là ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn. Bản lấy ý kiến là bản do ủy ban dự thảo Hiến pháp công bố, trên cơ sở tiếp thu thảo luận của Quốc hội. Đó là bản duy nhất. Còn anh tự tổ chức lấy ý kiến khác của anh, là không được. » và cảnh cáo « lợi dụng việc lấy ý kiến về Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại Đảng, nhà nước... là ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn ». Nhờ đó, người dân thấy rõ tính cách giả dối, bịp bợm của trò ‘góp ý sửa đổi Hiến pháp’, chỉ để dân ta tán thành cái bản dự thảo ‘duy nhất’ theo ý họ muốn.

Khi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên của tờ Gia Đình và Xã Hội có bài phản biện lại lời đó của ông Trọng trên Blog, phổ biến rộng rãi trên mạng lưới toàn cầu : « Đầu tiên, cần phải xác định, ông Trọng đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng Bí thư đảng Cộng sản, nếu ông muốn dùng chữ ‘suy thoái’ thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản ». Ngay hôm sau, ngày 26.02.2013, báo này đưa tin : « Báo Gia Đình và Xã Hội xin thông báo do anh Nguyễn Đức Kiên vi phạm Quy chế hoạt động của Báo và Hợp đồng lao động nên Hội đồng kỷ luật báo Gia đình và Xã hội đã họp và ra Quyết định kỷ luật, buộc thôi việc đối với anh Nguyễn Đắc Kiên… ». Chế độ cộng sản luôn luôn là như thế, và bước kế tiếp là : Cho Nó vào tù.

3/- Ngày 28.02.2013, ‘Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do’ bao gồm những đồng bào muốn có : một Hội nghị lập hiến ; đa đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam ; tam quyền phân lập và địa phương tản quyền ; phi chính trị hóa quân đội ; thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng, không do đảng cộng sản ban cho, nên đảng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Xin cùng ký tên để cho Lời Tuyên Bố này trở thành sợi dây bền vững kết nối hàng triệu triệu trái tim Việt Nam. Tính đến ngày 14.03.2013 lúc 10 giờ 30, đã có 7.100 người ký tên ủng hộ bản Kiến nghị này.

4/- Ngày 21.02.2013, một nhóm các sinh viên và cựu sinh viên Luật đã công bố ‘Kiến nghị về việc sửa đổi Hiến pháp 1992’ gửi đến toàn thể nhân dân Việt Nam với tư cách là những người nắm giữ quyền lập hiến, đồng thời gửi tới Quốc hội và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với tư cách là những cơ quan chủ trì việc thảo luận sửa đổi Hiến pháp của nhân dân, gồm hai điểm :
(i) Bổ sung quy định ghi nhận quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi. 
(ii) Tiến hành thủ tục để nhân dân phúc quyết Hiến pháp trong lần sửa đổi này một cách dân chủ, công bằng và minh bạch. Việc Hiến pháp hiện hành không quy định thủ tục phúc quyết Hiến pháp không cản trở thủ tục này được tiến hành, bởi phúc quyết Hiến pháp là quyền tự nhiên, vốn có của nhân dân.

5/- Ngày 05.03.2013, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuyên bố : « … Gần hai tháng qua, Giáo hội chúng tôi vui mừng thấy giới sĩ phu đất nước, giới trẻ, giới công dân mạng đã gạt phăng sợ hãi bấy lâu, đứng lên nói bằng lời, bằng bài viết, bằng kiến nghị, bằng cả xuống đường đòi hỏi dân chủ hóa đất nước. Điển hình là ‘Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp’ ngày 19.1.2013 với 72 chữ ký đợt đầu mà đa số là những công thần chế độ, … và ‘Lời tuyên bố của các Công dân Tự do’ gợi ý từ bài viết của Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, công bố ngày 28.2.2013 với 5 yêu sách : Bỏ điều 4 Hiến pháp và tổ chức Hội nghị Lập hiến / Ủng hộ đa nguyên đa đảng / Đòi hỏi một nhà nước tam quyền phân lập / Phi chính trị hóa quân đội / và Quyền tự do ngôn luận của người công dân ».

6/- Trong ‘Lời Kêu Gọi’ của mình ngày 07.03.2013, Khối 8406 tuyên bố:

i) Cảm phục và ủng hộ sự bày tỏ chính kiến rất chí tình, chí lý của mọi tầng lớp đồng bào Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước, cũng như Hội đồng Giám mục Công giáo và Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; 
ii) Cảnh báo toàn thể Đồng bào Việt Nam trong nước hãy cẩn thận đề phòng những phản ứng điên cuồng và trả thù tàn bạo mà đảng cộng sản có thể sẽ tung ra trong thời gian tới để hăm dọa, giam cầm, thủ tiêu những công dân ái quốc.
iii) Đòi hỏi thay thế hoàn toàn Hiến pháp hiện hành bằng một Hiến pháp mới của toàn dân. Điều họ luôn khẳng định 'Chế độ chính trị độc đảng ở Việt Nam hiện nay là sự lựa chọn của nhân dân và của lịch sử’ là hoàn toàn dối trá và ngụy biện, không được Dân tộc Việt Nam hôm nay chấp nhận.
iv) Thiết tha kêu gọi đồng bào tiếp tục ký tên ủng hộ 4 văn kiện nói trên, đồng thời ký tên ủng hộ việc mở một chiến dịch đấu tranh dân chủ, đòi nhà cầm quyền cộng sản tổ chức một cuộc Trưng Cầu Dân Ý có quốc tế giám sát, với nội dung: Việt Nam nên hay không nên thiết lập một chế độ chính trị dân chủ đa đảng?

7/- Ngày 08.03.2013, nhân Mùa Đại Lễ 25/02 Quý Tỵ, ông Lê Quang Liêm, Hội trưởng Giáo hội Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tán đồng quan điểm chánh trị và ủng hộ các ý kiến của Đức Tăng Thống, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, của các nhân sĩ, của anh chị sinh viên, của các Công dân Tự Do và của Khối 8406 đòi đảng Cộng sản phải trả lại quyền Lập hiến và quyền Phúc quyết (Trưng Cầu Dân Ý) của toàn dân đã bị đảng Cộng sản tước đoạt bấy lâu nay.

8/- Ngày 06.03.2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký công thư chính thức gia hạn đến ngày 30.09.2013 cho việc lấy ý kiến toàn dân để sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong đó, ông Hùng không quên lặp lại ý kiến : Một số cá nhân lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước. 
9/- Báo Đại Đoàn Kết, Cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ Quôác Việt Nam, ra ngày 09.03.2013 đã đăng bài ‘Sự ngụy tạo có chủ đích’, ký tên Nhóm phóng viên thời sự-chính trị, đã quy kết nặng nề nhóm Kiến nghị 72 nhân sĩ, trí thức như sau: ‘Do điều tra độc lập của báo cùng với tư liệu thu thập được của cơ quan an ninh, có thể khẳng định đa số tên người dân ký tên trên bản kiến nghị đang phát tán trên một số trang mạng là giả mạo, nhằm tạo sức ép với Đảng và Nhà nước đã khiến việc dân chủ lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bị lợi dụng làm méo mó, biến dạng là động cơ chính trị không trong sáng của một số người có tư tưởng đối lập’. Chỉ cần vào Google đánh ba chữ Đinh Đức Lập sẽ có gần 7 triệu kết quả về cái tên này. Trong 7 triệu kết quả ấy hầu hết đều là những tin tức không tốt về ông ta khi bắt đầu chiếm giữ vị trí tổng biên tập tờ Đại Đoàn Kết, theo Đài RFA. 

Chúng ta cũng biết : Tại Hội nghị Ban Tuyên giáo toàn quốc, ngày 09.01.2013, để tổng kết công tác 2012 và kế hoạch cho 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nhận xét là hệ thống bộ máy tuyên truyền ‘lề đảng’, với 17000 nhà báo, trên 800 báo, đài được trang bị cơ sở hiện đại, phương tiện ưu đãi và tài chánh rất đầy đủ, nhưng không ‘định hướng được thông tin’ theo đảng lãnh đạo mong muốn mà để cho một số blog điện tử độc lập trong và ngoài nước nắm chủ động, chiếm ‘trận chiến’.

II.- NGƯỜI CÔNG GIÁO GÓP Ý. 

Đã đọc và cảm nghiệm hai văn kiện đề ngày 15.05 và 01.11.2012 do Ủy ban Công lý và Hoà bình Hội đồng Giám mục Việt Nam loan truyền Sự Thật đến với đồng bào và để đối thoại với nhà cầm quyền, chúng tôi không ngạc nhiên khi đón nhận ‘Thư góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992’ đến từ các Đức Giám mục Việt Nam và đọc trong niềm hân hoan và hy vọng. 

Hội đồng Giám mục Việt Nam tán thành nhã ý Nhà nước muốn biết ý kiến của nhân dân về ‘Hiến Pháp của một quốc gia trước hết và trên hết phải là của chính người dân, do ý thức của người dân và để phục vụ mọi người dân, không loại trừ ai’. Nhân cơ hội này, với tư cách công dân nước Việt, các Giám mục muốn đóng góp những nhận định và ý kiến nhằm chung phần xây dựng Hiến Pháp cho hợp lý và hợp lòng dân.

1. Quyền con người được nhìn nhận trong ‘Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người’ mà Việt Nam đã ký kết tuy đã được bản Dự thảo Hiến Pháp liệt kê khá đầy đủ, nhưng có được hiểu đúng, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo pháp luật hay không? Đây là những quyền gắn liền với phẩm giá con người, nên có tính cách phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Phổ quát vì mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi, đều được hưởng những quyền đó. Bất khả xâm phạm vì xâm phạm là tước đoạt phẩm giá làm người. Bất khả nhượng vì không ai được phép tước đoạt những quyền đó của người khác. Nhà nước được nhân dân trao cho quyền chính trị là để tạo điều kiện pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người. Nhưng Dự thảo Hiến pháp khẳng định đảng cầm quyền là ‘lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng’ (điều 4). Do đó, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tư do ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần? Như vậy, những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho người dân tùy lúc tùy nơi, chứ không phải là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, và bất khã nhượng? Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý này, thì mới có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân.

2. Quyền làm chủ của nhân dân được họ trao việc thi hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết mà họ tự do bầu làm đại diện cho họ, bất kể ứng cử viên đó thuộc đảng phái chính trị hoặc không thuộc đảng phái nào. Có như thế mới có Nhà nước pháp quyền ‘của dân, do dân và vì dân’ (Lời nói đầu).

3. Thi hành quyền bính chính trị do nhân dân trao cho nhà cầm quyền được phân chia thành tam quyền : lập pháp, hành pháp và tư pháp. Để việc thi hành những quyền bính này được đúng đắn và hiệu quả, cần có sự độc lập chính đáng của mổi bên và vì công ích của toàn xã hội. Trong thực tế hiện tại Việt Nam, sự độc lập này không được tôn trọng dẫn tới tình trạng lạm quyền và bất công, suy thoái về kinh tế, xã hội, đạo đức. Cuối cùng, người dân nghèo phải gánh chịu mọi hậu quả và Việt Nam, cho đến nay vẫn bị xem là một nước kém phát triển. 

Ngày mùng 03.03.2013, khi xác tín những nhận định và kiến nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa ‘hợp lý và hợp lòng dân’ vừa là những tảng đá xây dựng nền móng dân chủ - tự do - công bình xã hội cho toàn dân tộc Việt Nam, sánh vai với các dân tộc khác trên toàn thế giới. Hội đồng Giám mục chân thành và thẳng thắn đề nghị: ề Phải vượt qua sự bất hợp lý từ trong cấu trúc Hiến pháp, bằng xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ chính đảng, đồng thời nhấn mạnh vai trò Quốc hội là ‘cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất’, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không là công cụ của đảng cầm quyền’. Kiến nghị này đáp ứng được nguyện vọng của toàn dân, các quyền căn bản con người được tôn trọng, giải quyết được những bất công và bất ổn xã hội, đồng thời giúp nền kinh tế, văn hóa, xã hội được phát triển một cách lành mạnh, vững bền cho đất nước Việt Nam. Do đó, Tâm Thư Kêu Gọi Ủng Hộ Bản Góp Ý Sửa Đổi Hiến Pháp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã được ký tên, bắt đầu bởi các Đức cha Dominic Mai Thanh Lương, Giám mục Phụ tá Orange (Hoa kỳ), Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám mục Phụ tá Toronto (Canada) và Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục Phụ tá Toronto (Canada) cùng các Linh mục trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam và, đến ngày 14.03.2013, đã có 11.204 người ký tên.

Theo điều 753 Giáo luật, các Giám mục hiệp thông với Đức Thánh Cha và họp nhau trong các Hội đồng Giám mục vẫn là thầy dạy và tôn sư đích thực về đức Tin đối với các tín hữu đã được giao phó cho các Ngài coi sóc. Các tín hữu hãy, với sự kính cẩn, nghe theo Giáo huấn chân chính của Giám mục mình. Những Giáo huấn này được ghi trong Giáo lý Hội thánh Công giáo Phần thứ 3, Đoạn thứ 1 gồm Chương I. Phẩm giá Con Người và Chương II. Cộng đồng nhân loại. Ngoài ra, chúng ta có thể xem thêm ‘Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo’ nơi Chương ba. Con Người và Nhân Quyền cùng Chương tám. Cộng đồng Chánh trị.

Hà Minh Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét