Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

"Cho tôi được một lần..."


LTCGVN (07.03.2013)

Ai bảo rằng “ông sến quá đi thôi” thì tôi xin nhận tội ngay vì tôi rất thích nghe nhạc sến. Nhạc sến dễ đến khó đi. Có lẽ rất nhiều người Việt Nam cũng mang tâm trạng đó vì nhạc sến luôn đắt sô. Có chương trình văn nghệ nào, trong nước cũng như hải ngoại mà không có nhạc sến đâu ? Hồi trước 1975 giới trưởng giả học làm sang, dân trí thức thành thị coi thường nhạc sến, cho rằng chỉ thích hợp với mấy cô Oshin, ngôn ngữ thời đó gọi là “con sen” mà bổn phận hàng ngày là phải ra mấy cái giếng nước công cộng gánh nước về đổ vào lu ( người miền Bắc gọi là “chum” ) cho gia đình chủ xài vào cái thời nước máy chưa có thịnh hành.

Gặp nhau ở giếng nước mấy cô sen này “bà tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất và còn hay hát nữa. Mấy cô thường hát gì ? Mà cô nào chẳng có những mơ ước riêng như đi làm Oshin vài năm kiếm đủ tiền về quê lấy chồng, sinh con đẻ cái để về tuổi già còn có chỗ nương tựa, không lẽ suốt đời cứ đi làm Oshin. Tôi thường nghe mấy cô Oshin hát, có thể nói là “rống lên” cũng được, tại các giếng nước hay vòi nước công cộng ( thời đó gọi là “phông-ten” có nguồn gốc từ “fontaine” trong tiếng Pháp, do đó mấy cô này thường được gọi bằng một cái tên ngộ nghĩnh dài thoòng là “Mari Sen, Mari Phông-ten” ), rằng:

“Cho tôi được một lần nhìn hoa giăng đầu ngõ
Một lần cài hoa đỏ lên tim, một lần dìu em sang nhà mới
Tình yêu trong tầm với, ngọt tiếng nói thơm môi…”

( Cho tôi được một lần – Bảo Thu, Ảnh chụp nhạc sĩ bên cây đàn
Xin nghe: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/cho-toi-duoc-mot-lan-bao-thu-lam-nhat-tien-ft-y-phung.Ljl2EPnFMt.html

( Trích ) Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo cho rằng: từ “sến” bắt nguồn từ “sen” trong “con sen” – từ gốc Pháp vào những năm 1930 – 40 dùng để chỉ cô giúp việc ở miền Bắc. Hoàng Phủ Ngọc Phan lại cắt nghĩa “sến” nguyên là “Maria Sến” – đọc theo lối Việt hóa tên nữ diễn viên người Áo Maria Schell. Cô Schell trở thành hiện tượng ở các đô thị miền Nam đầu những năm 1960, sau khi thủ vai một vũ nữ hộp đêm hát múa một cách khiêu khích, bốc lửa trong phim “Anh em nhà Karamazov”, Hollywood dựng năm 1958 theo tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky.

Hoàng Phủ Ngọc Phan kể: “Lúc này bắt đầu xuất hiện những fan của Maria Schell. Trẻ em đường phố tập tành nhún nhảy bài Mambo Italiano. Các cô gái đợt sóng mới lăng-xê kiểu tóc xõa xượi, mắt xanh Bel, phô trương thân hình… Trên sân khấu phòng trà, mọc lên những ngôi sao ca nhạc gào
thét, quằn quại như con thanh xà, bạch xà. Từ Mari Sến thoạt tiên được dùng như một biến âm của Maria Schell để chỉ dạng biến thái này trong sinh hoạt của giới trẻ. ( Nguồn: "Sến" là gì ? Báo Sinh Viên Việt Nam 7.1.2011 ) ( hết trích ).

Mà không lẽ mỗi người chỉ có một tí ước mơ riêng tư cho hạnh phúc của riêng mình thôi sao ? Đất nước còn đang chiến tranh khốc liệt. Mỗi ngày đều có những người chồng, người cha, người con, người anh, người em chết ngoài mặt trận. Mỗi ngày đều có những quả đạn pháo rơi vào thành thị, đang sống đây mà một lát nữa chết lúc nào không hay. Ta không thể nào có hạnh phúc riêng tư hoàn toàn trong một đất nước tao loạn, huynh đệ tương tàn, anh em chém giết lẫn nhau. Vì thế một dân tộc còn phải có một ước mơ chung:

“Xin cho tôi được một lần nhìn đàn chim trắng bay
Dập dìu qua đó đây, ngày đó được nghe súng im hơi
Đời thôi oán thôi hờn, mến thương cùng kiếp người…”

Mà dẫu cho đất nước có được thanh bình đi nữa mà bất công vẫn lan tràn, nông dân bị mất ruộng đất, ngư dân bị tầu lạ đe dọa, gái quê nghèo khổ phải bán thân nuôi miệng... thì hòa bình đó có khi còn thua cả chiến tranh. Giai đoạn sau 1975 nhiều người tại miền Nam luôn tiếc nuối giai đoạn trước 1975 vì lúc đó họ có nhiều tự do và sống sung túc hơn.

“Cho tôi được một lần nhìn quê hương đợi sáng,
Một lần nhân nghĩa sống lên ngôi, người người cùng chung vui một lối,
Đời thôi không lừa dối, vì đã yêu thương rồi…”

Gần 40 năm qua trong cương vị một người Việt Nam, ai có thể thẳng thắn và trung thực nhìn nhận rằng mình đã được một lần đó ? Bản thân tôi, trong cương vị một người Công Giáo, tôi phải thành thật thú nhận ( hồi xưa gọi là “cáo mình” ) rằng tôi chưa bao giờ được một lần đó. Ngược lại rất nhiều lần tôi còn vô cùng mắc cỡ vì tính cách Công Giáo nặng phần lễ nghi linh đình và thờ ơ trước sự thống khổ của nhân dân, nhất là khi tôi đọc bản tin:

Ngày 21.5.2012, một phái đoàn hùng hậu 92 người gồm một số Linh Mục và đa số là Giáo Dân, dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y và Đức Cha Phụ Tá sẽ lên đường đi viếng Đất Thánh ở nước Do Thái. Chi phí cho cuộc hành hương lên tới trên 9 tỉ VND. Đó là chưa nói số tiền chi tiêu riêng mỗi người…

Sau 1975 có đến hơn 2.000 cơ sở phục vụ xã hội của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị chính quyền Cộng Sản tịch thu. Nếu để phục vụ cho công ích thì rất đáng hoan nghênh nhưng có nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa nào mà bây giờ không có những khoản phụ thu rất nặng nề, chưa kể là rất khó xin vào học ? Có nhà thương Xã Hội Chủ Nghĩa nào mà không có những khoản viện phí cũng như phong bì lót tay, từ dân gian gọi là chặt chém, hầu như không kham nổi với những người nghèo, chưa kể là cung cách phục vụ rất kém ?

Tiếng nói của Giáo Hội ở đâu sau năm 1975 khi mà có đến mấy ngàn Linh Mục Tu Sĩ bị đưa đi cải tạo dài hạn, thực chất là đi tù khổ sai ? Ngay cả đến một vị chủ chăn hàng đầu là Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận phải đi tù trong 13 năm mà Giáo Hội cũng làm ngơ. Trong thời gian đó ngài phải sống ra sao, có mấy người dám đến thăm ? Thế mà khi ngài được gọi về làm việc tại Vatican với chức vụ Bộ Trưởng Công Lý và Hòa Bình thì luôn có những phái đoàn Linh Mục Tu Sĩ Việt Nam đến thăm. Một lần có người hỏi ngài rằng: Hồng Y ở trong tù lâu ngày như vậy thì chắc chắn có rất nhiều thời giờ dành cho cầu nguyện ? Trái với sự suy diễn của mọi người, ngài đã nói rằng: “Khi bị đói quá thì nửa Kinh Kính Mừng tôi còn chưa đọc nổi thì nói chi đến cầu nguyện !”

Nhưng rồi, xin cảm tạ Chúa, cũng đến một ngày, trong cương vị một người Công Giáo, tôi được một lần như ước mơ trước bản tin: Hà Nội – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã gửi một bản văn tới Ủy Ban Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp năm 1992, để nhận định và góp ý sửa đổi Hiến Pháp.

Bản văn dài 4 trang giấy đề ngày 1.3.2013, ký tên thay mặt Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Chủ Tịch là Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Hà Nội; và Tổng Thư Ký là Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Bắc Ninh. Bản văn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia làm 3 chương:

I. Quyền con người;

II. Quyền làm chủ của nhân dân;

III. Thi hành quyền bính chính trị.

Trong mỗi chương, sau phần nhận định là phần đề nghị.

Đề Nghị của Chương I:

“Do đó, chúng tôi đề nghị:

1. Hiến Pháp cần xác định rõ: mọi người đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá làm người, và vì thế, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng.

2. Lấy truyền thống văn hóa dân tộc làm nền tảng tư tưởng cho việc tổ chức và điều hành xã hội Việt Nam.

3. Nêu rõ nội dung quyền được sống ( đối chiếu với điều 21 Dự Thảo ): mọi người đều có quyền sống. Không ai được phép tước đoạt sự sống của người khác, từ khi thành thai đến khi chết. Nhà Nước có nhiệm vụ bảo vệ sự sống con người. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống của mình, miễn là không làm tổn hại đến sự sống của người khác.

4. Nêu rõ quyền tự do ngôn luận ( đối chiếu điều 26 Dự Thảo ): mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày quan điểm và niềm tin của mình.

5. Nêu rõ quyền tự do tôn giáo ( đối chiếu điều 25 Dự Thảo ): mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này bao hàm việc tự do theo hay không theo một tôn giáo nào, tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo, cá nhân hoặc tập thể. Không tôn giáo nào hoặc chủ thuyết nào được coi là bó buộc đối với người dân Việt Nam. Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách sát nhập... Các tổ chức tôn giáo có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế...”

Đề Nghị của Chương II:

1. Hiến pháp cần phải làm nổi bật quyền làm chủ của nhân dân, không chỉ bằng một mệnh đề lý thuyết nhưng cần được thể hiện trong những điều khoản cụ thể của Hiến Pháp, và có thể thi hành trong thực tế. Bản Dự Thảo khẳng định: “Tất cả quyền lực Nhà Nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” ( Điều 2 ). Nhưng trong thực tế, công nhân, nông dân và trí thức là những thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Thực tế đó cho thấy khẳng định về quyền làm chủ của nhân dân chỉ có trên giấy tờ và lý thuyết.

2. Để tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến Pháp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phải chính trị nào ( x. điều 4 ), vì chủ thể của quyền bính chính trị là chính nhân dân, và nhân dân trao quyền bính đó cho những người họ tín nhiệm qua việc bầu chọn. Những cá nhân được bầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc họ làm, chứ không thể là một tập thể mơ hồ rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả.

3. Hiến pháp hiện hành chỉ công nhận quyền sử dụng đất chứ không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Điều này đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng. Vì thế, Hiến Pháp mới cần công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới.

4. Hiến pháp phải tôn trọng quyền tham gia hệ thống công quyền ở mọi cấp, của mọi công dân, không phân biệt thành phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo...”

Đề Nghị của Chương III:

1. Phải vượt qua sự bất hợp lý từ trong cấu trúc Hiến Pháp, bằng cách xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phải chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà Nước cao nhất”, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào.

2. Xác định tính độc lập của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thi hành những quyền này cách độc lập và hiệu quả.

3. Luật hóa sự kiểm soát của nhân dân đối với việc thi hành pháp luật bằng những quy định cụ thể.”

Bản văn này có tính lịch sử, vì là lần đầu tiên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi tam quyền phân lập và đòi hỏi tôn trọng nhân quyền.


NGUYỄN TRUNG
Theo EPHATA số 551

0 nhận xét:

Đăng nhận xét