Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Đảng bị tấn công, có phải dấu hiệu đáng mừng?


Kể từ khi lời kêu gọi nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 92 đã có ba sự kiện lớn đáng chú ý. Trước nhất là kiến nghị 72, kế đó là thư của Hội Đồng Giám mục Việt Nam và mới nhất là Tuyên bố Công dân Tự do.
Cả ba đang tiếp tục gây sóng gió trong nội bộ Đảng Cộng sản cũng như dư luận quần chúng. Liệu đây có phải là một tín hiệu đáng mừng cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam?
Kiến nghị 72
Người dân Việt Nam trong những ngày gần đây bỗng nhiên cảm thấy hệ thống truyền thông nhà nước trở nên khác thường. Cứ mỗi khi vào giờ vàng trong ngày là hầu như các kênh TV chính lại có những buổi trao đổi, giao lưu của những cán bộ đang công tác tại các đơn vị thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng. Các tổ dân phố, cán bộ về hưu, nhân dân, quần chúng….tất cả lên TV với mục đích chung là chống lại những điều mà Kiến nghị 72 góp ý trong lần sửa đối Hiến pháp lần này.
Những góp ý ấy công khai gửi cho văn phòng Quốc hội và lan truyền rộng rãi trên Internet với những yêu cầu cụ thể như sau: Bỏ điều 4 Hiến pháp. Chấp nhận tam quyền phân lập. Sở hữu đất đai phải thuộc về tư nhân, tập thể và nhà nước. Lực lượng vũ trang phải trung thành với tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với Đảng.
Nhìn chung những nhân vật phát biểu trên hệ thống truyền thông đại chúng chỉ lập đi lập lại những điều đã được huấn thị vì cách nói rất giống nhau của một tập thể đã nhiều năm học tập và làm việc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những ý kiến chống lại các yêu cầu trong kiến nghị 72 cho thấy có một sự lo ngại rất lớn trong nội bộ Đảng và ngay lúc này, nếu không lái dư luận theo hướng có lợi cho việc sửa Hiến pháp thì quyền lực của Đảng chắc chắn bị đe dọa và khả năng sụp đổ không phải là khó xảy ra.
Tôi không có gì buồn phiền ở đây cả mà tôi thấy rằng nó báo hiệu rất rõ là vì họ nói như thế nhưng trong thực tế thì con số người ký ghi danh vào kiến nghị 7 điểm càng ngày càng làm cho người ta thấy bất ngờ.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam    gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Courtesy hdgmvietnam.org
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những thành viên ban đầu thành lập kiến nghị 72 cho biết nhận định của ông về các phản biện trên toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng:
Tôi không có gì buồn phiền ở đây cả mà tôi thấy rằng nó báo hiệu rất rõ là vì họ nói như thế nhưng trong thực tế thì con số người ký ghi danh vào kiến nghị 7 điểm càng ngày càng làm cho người ta thấy bất ngờ. Chỉ qua một vài đêm con số lên tới một ngàn chữ ký và bây giờ đã lên đến con số lớn như thế.

Có một vị giáo sư y khoa đã viết cả một bức thư nói rõ ràng mình đã làm việc đã cống hiến cho đất nước như thế nhưng phải ký vào kiến nghị. Khi người học trò của vị giáo sư ấy nói việc ông ấy ký vào kiến nghị sẽ giúp thức tỉnh rất nhiều người, họ muốn ký lắm nhưng vẫn chưa dám ký.
Như thế đó là một tác dụng tích cực cho nên tôi không có cái gì gọi là băn khoăn khi có những tiếng nói trên báo lề phải bởi vì đó là sự cọ sát, đối thoại cần thiết của những cơ hội như thế này để đi đến chỗ mở ra được những điều đi tới thống nhất với nhau trong đại bộ phận dân sự.
Thư của Hội Đồng Giám mục Việt Nam
Sau kiến nghị 72 ít lâu, giáo dân Công giáo Việt Nam đã đón nhận một tin vui từ những chủ chăn của họ. Ngày 1 tháng 3 vừa qua Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ra văn bản Nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp Việt Nam trong đó có nội dung tương tự như bản kiến nghị 72 đưa ra, quan trọng nhất là tôn trọng quyền con người và sự bất toàn của Điều 4 Hiến pháp.
Qua sự kiện hiếm có này, linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cho biết cảm nhận của ông:
Đối với tôi cũng giống như mọi người cảm thấy rất vui mừng vì có tia hy vọng đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cũng lâu lắm rồi không thấy có một tiếng nói mạnh mẽ từ phía lãnh đạo giáo hội về những vấn đề xã hội. Trước đây thỉnh thoảng cũng có tuyên bố của các giám mục nhưng chỉ xong thì thôi hay sau đó một thời gian thì mọi người mới được biết nhưng riêng với góp ý vừa rồi thì rất nhanh và mọi người biết được lập trường của giáo hội. Tôi thấy đây là tín hiệu vui báo hiệu một giai đoạn mới cho thấy sự dấn thân của các vị giám mục trong xã hội Việt Nam.

Bản Tuyên Bố Công dân Tự Do được nhiều trang mạng kêu gọi ghi danh hưởng ứng
Bản Tuyên Bố Công dân Tự Do được nhiều trang mạng kêu gọi ghi danh hưởng ứng. RFA/danluan/vietinfo
Với hơn 7 triệu tín đồ, sức mạnh của giáo hội Công giáo Việt Nam tuy không nằm ở số đông nhưng một khẳng định của Hội đồng Giám Mục không thể xem nhẹ khi đây là lần đầu tiên tiếng nói của các vị cao nhất giáo hội Việt Nam đã đưa ra đúng vào thời điểm cần đưa nhất.
Tuyên bố Công dân Tự do
Sức mạnh dư luận không ngừng ở đó, hiện tượng nhà báo Nguyễn Đắc Kiên có thể xem là một bước ngoặc ý nghĩa cho những công dân nào còn chần chừ trước những bức bách cần bày tỏ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết của anh có thể xem là một tuyên ngôn sắc bén phát biểu trực tiếp với Đảng Cộng sản về quyền được làm một công dân với đầy đủ quyền hạn của nó, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến của mình mà không ai có thể xâm phạm kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuyên ngôn này vỡ ra một làn sóng hưởng ứng khắp trong và ngoài nước. Khuôn mặt kinh khủng của các cơ quan an ninh bảo vệ Đảng đã bị xem thường. Các lời vàng ngọc của Tổng Bí thư không còn giá trị răn đe mà trái lại nó gây phẫn nộ và phản ứng mạnh mẽ từ nhiều người, nhiều giới.
Tuyên ngôn Nguyễn Đắc Kiên không ngừng lại ở các bài báo, nó đi vào thực tiễn bằng phong trào ghi danh hưởng ứng mang tên Bản Tuyên Bố Công dân Tự Do. Nhận định việc này, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên chia sẻ:
Như tôi đã viết ở trong thư ngỏ thì cái việc này có thể xảy ra và những nhen nhóm của khó khăn có thể lớn hơn nhưng cũng có thể là ngược lại. Nhưng trong suy nghĩ của tôi hiện tại theo tôi biết là đã có hơn 4.700 chữ ký thì cũng chưa phải là con số quá lớn. Mọi dự đoán, suy tính chắc là sẽ không hợp lý.
Mình tin tưởng đó là chiều hướng ngày So với chỉ cách đây ba năm thôi thì tình hình hiểu biết của quần chúng và số đông đảng viên nhân lên gấp ba bốn lần, mình tin rằng tình thế đó không thể đảo ngược
Nhà báo Tống Văn Công
Thay đổi thì chắc là có nhưng mức độ như thế nào thì dường như mọi thứ đều phải dần dần thôi không thể ngay lập tức thay đổi ngay mọi thứ được. Nếu mỗi người góp một chút vào sự thay đổi đó thì dần dần nhận thức của người dân sẽ thay đổi.
Nhận xét những biến động ôn hòa nhưng chắc chắn này nhà báo Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao động cho biết:
Mình tin tưởng đó là chiều hướng ngày càng đi lên thông theo nó là tốt nhất để có lợi cho đất nước và nói cho đúng ra cũng có lợi cho đảng cộng sản Việt Nam. Còn đi trái lại là trái với lòng dân rất nguy hiểm không tốt mà là có hại cho đảng. So với chỉ cách đây ba năm thôi thì tình hình hiểu biết của quần chúng và số đông đảng viên nhân lên gấp ba bốn lần, mình tin rằng tình thế đó không thể đảo ngược.
Tính tới hôm nay, ngày 8 tháng Ba, Kiến nghị 72 đã có 8.000 chữ ký cộng với 4.700 người ghi danh vào Bản Tuyên Bố Công dân Tự Do đã nói lên rất nhiều điều. Họ để lại tên tuổi cùng địa chỉ rõ ràng và thành phần trí thức ban đầu ngày một ít đi bởi những cái tên của nông dân, doanh nhân, sinh viên, văn nghệ sĩ và cả đảng viên, nhà cách mạng đã về hưu tới tấp xuất hiện như những cánh bướm mùa Xuân bay tràn ngập trên không gian của internet.
Vấn đề còn lại tùy theo sự can đảm của đảng cộng sản Việt Nam tới đâu so với hành động bất khuất của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên. Nếu đảng dám bỏ chủ trương cai trị bằng hình thức độc tài quân phiệt thì đây là cơ hội hiếm có cho sự cải cách, bằng không người dân tin rằng sẽ còn nhiều Nguyễn Đắc Kiên nữa trong quá trình đòi hỏi và thực hiện dân chủ tại Việt Nam.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét