Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Thiên Đàng ở đâu?


Trong đức tin truyền thống thì Thiên Đàng hay Hỏa Ngục vẫn được nhìn nhận như là một nơi chốn trong không gian = Thiên Đàng ở …tít trên trời, còn Hỏa Ngục thì ở sâu dưới lòng đất. Thế nhưng với cách hiểu như thế đã bị Thần học ngày nay thẳng thừng bác bỏ “ Nếu bạn đã từng nghĩ như tôi hoặc vẫn còn đang nghĩ Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hỏa Ngục là những nơi chốn thì sai rồi. Bạn cứ mở cuốn Toát yếu Giáo Lý của GH Công Giáo do đức giáo hoàng Benedicto đương kim soạn thảo ra mà xem thì sẽ thấy quan niệm về nơi chốn của Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hỏa Ngục như là nơi chốn là sai bét tè le” ( Nguồn Tinmung.net Lm Ansgar Phạm Tĩnh - Tháng các linh hồn – Tìm hiểu ).

Những ai cho rằng Thiên Đàng có một nơi chốn là…sai, vậy Thiên Đàng có thể là gì ? “ Thiên Đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào sẽ được quy tụ quanh Chúa Giesu và Đức Maria, các thiên thần và các Thánh được chiêm ngắm Thiên Chúa “ mặt giáp mặt” ( 1Cr 13, 12)….sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta” ( Toát yếu Giáo Lý của GHCG # 209. Nguồn Tinmung.net Lm Ansgar Phạm Tĩnh đã dẫn ).

“ Nơi chốn” ( places ) khác với tình trạng ở chỗ, một đàng có vị trí cương vực rõ ràng còn một đàng thì không. Khi nói Thiên Đàng không phải nơi chốn mà chỉ là một thứ tình trạng, điều ấy phải chăng là mâu thuẫn khi nói = Tất cả những ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào sẽ được quy tụ quanh Chúa Giesu Đức Maria, các thiên thần và các Thánh…Vậy thử hỏi làm sao có thể…quy tụ nếu không có một nơi chốn nào đó để quy về, tụ về ?

Cái nơi chốn để tất cả những ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa sẽ được quy tụ đó chính là Nước Thiên Đàng mà Đức Kito đòi hỏi cần phải tin “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó” ( Ga 14, 1 -3).

Chúa Kito Phục Sinh đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang. Chúng ta xác tín điều ấy đồng thời cũng tin nếu mình sống trong ơn sủng thì rồi cũng sẽ được về ở nơi cõi hằng sống ấy. Tin vào sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng đời đời cũng tức là tin vào lời hứa của Đức Kito. Đây phải là đức tin chân chính ( chánh tín ) của người có đạo, nếu không tất cả sẽ trở nên mờ mịt để rồi không khỏi đưa đến bế tắc khủng hoảng. Dẫu vậy để tin vào lời hứa của Chúa là điều rất khó. Chính Thánh Thomas khi nghe Chúa nói “ Nơi Ta đi các ngươi đã biết cũng biết đường rồi” ( Ga 14, 4) thì ngài chưa hiểu bởi vậy nên mới hỏi tiếp “ Thưa Chúa chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu làm sao biết đường ? ( Ga 14, 5 ). Không biết Chúa đi đâu thì làm sao biết được chốn về của Chúa ? Nghe vậy Chúa Giesu đã đưa ra lời khẳng định “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

Chúa Giesu tự nhận mình là đường, điều ấy có nghĩa một khi đã là đường thì phải dẫn đến một nơi chốn nào đó chứ đâu cứ mãi mãi chỉ là con đường ? Sự thực thì với chủ trương Qui Kito ( Christocentrisme ) tức lấy Kito làm cứu cánh, thần học đã khiến con đường dẫn đến Chúa Cha trở nên hoàn toàn bế tắc. Sự bế tắc ấy chính là ở chỗ đã phủ nhận Tin Mừng Nước Trời Mầu Nhiệm của Đức Kito thành ra một thứ Nước Trời tục hóa “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Kito rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Lm Micae Trần Đình Quảng – Đức Kito trước khi có Kito giáo – Một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Giesu lịch Sử ).

Nói Nước Thiên Chúa mà Đức Kito rao giảng không phải là thực thể…ở trên trời, điều ấy là chính xác…Tuy nhiên với việc không cho Nước Thiên Chúa là thực thể ở trên trời để rồi cho đó là tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức thì đó thuần túy chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng Thiên Đàng trần gian đã thể hiện qua nhiều chủ thuyết khác nhau. Saint Simon ( 1760 – 1825 ) đề ra nhiệm vụ của tôn giáo là hướng dẫn xã hội tiến tới mục đích trọng đại là cải thiện một cách càng nhanh càng tốt số phận của giai cấp nghèo khổ nhất” ( Karl Heinz Weger SJ Phê Bình Các Tôn Giáo ). F. Nietzsche ( 1844 – 1900 ) thì muốn xây dựng hình ảnh một con người siêu nhân. Trong số những ảo tưởng đó thì ảo tưởng về một thế giới đại đồng do K. Mac khởi xướng thông qua đấu tranh giai cấp là tệ hại nhất và thực tế nó đã sụp đổ tan tành như ai nấy đều biết.

Ảo tưởng nào mà chẳng sụp đổ, bởi bản chất của nó là vậy chẳng thể khác. Mục đích xuống thế của Đức Kito là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời “ Vào rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm Ngài, theo kịp và muốn giữ lại không cho Ngài đi khỏi họ. Ngài nói cùng họ rằng = Ta cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

Đức Kito xác định mục đích xuống thế là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Thế nhưng Nước Trời ấy là một thực tại mầu nhiệm không ai có thể lãnh hội nếu không bước vào con đường thực hành bỏ mình “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ nhận lại được. Vì lợi lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Lc 9, 23 – 25 )

Lời Chúa là lời hằng sống và lời hằng sống ấy chỉ có thể tác động nơi những kẻ nào thực hành nó. Thực hành phần nào sẽ có được lợi ích phần đó. Điều này cũng giống như việc ăn, có ăn mới no còn không ăn thì chẳng thể no. Chỉ khi nào bước vào con đường bỏ mình thì chân lý mới được thể hiện và khi ấy sẽ chẳng quan ngại chi với việc Thiên Đàng ở đâu hoặc ở trong hay ở ngoài mình bởi lẽ tất cả đều được quyết định ở nơi tâm.

Đối với đại đa số người Công Giáo chúng ta thì Thiên Đàng luôn được đồng hóa với Nước Trời ( Nước Thiên Chúa, Nước ĐCT…)Niềm tin đơn sơ ấy quả thật đã nâng đỡ đời sống đức tin của bao thế hệ. Tuy nhiên xét về mặt thần học thì không thể chấp nhận. Lý do bởi vì nếu cho Thiên Đàng là nước ở trên trời tức trong cõi không gian vật chất này thì Thiên Chúa cũng phải ở trong cõi không gian đó “ Đại chúng cho rằng có thể suy diễn vấn đề trên qua nguyên tắc: Thiên Đàng là nơi Thiên Chúa ngự. Vậy nếu biết Thiên Chúa ở đâu ta sẽ biết Thiên Đàng ở đó. Người ta cũng đã tưởng rằng chỉ có ba câu trả lời cho vấn đề ấy. Thứ nhất thuở xưa người ta tin Thiên Chúa tạo ra vũ trụ nhưng Thiên Chúa là Đấng siêu việt vượt trên vật chất nên không đồng hóa với vũ trụ. Thiên Chúa ( phải ) ở ngoài vũ trụ. Đến thế kỷ 18 con người khám phá ra vũ trụ vô cùng lớn, lớn đến mức dù ta có di chuyển với tốc độ ánh sáng qua hàng ngàn năm cũng chưa tới biên giới của nó. Con người không chấp nhận nổi có chỗ nào gọi là bên trên hay bên ngoài vũ trụ. Vả lại nếu Thiên Chúa ở bênngoài vũ trụ, vậy vũ trụ càng lớn Chúa lại càng ở rất xa con người. Làm sao con người có thể gần Thiên Chúa để cầu nguyện ? ( Nguồn Lamhong.org 16.7.2013 Đỗ Trân Duy – Thiên Đàng ở đâu ? ).

Thiên Chúa không thể..ở trên siêu việt khỏi vũ trụ mà cũng không thể…ở ngoài vũ trụ bởi vũ trụ thì vô biên. Sở dĩ thần học có những lập luận đại loại như thế là vì trước sau với họ Thiên Chúa vẫn chỉ là một thứ khái niệm chết khô. Đang khi đó Đức Kito là Đấng đến để mạc khải về một thực tại ẩn giấu. Thực tại ẩn giấu ấy có khi được gọi là Đấng Cha có khi là Nước Trời. Dù dưới bất kỳ danh xưng nào thì thực tại ấy vẫn là Thực Tại Tâm mà con người cần phải hết lòng tìm mới gặp “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ).

Chúa bảo phải tìm kiếm nhưng nếu Nước Trời là nước ở tít trên chốn cao xanh thăm thẳm kia thì biết đường nào mà tìm mà kiếm ?Tìm kiếm ở đây không phải là tìm cái chi đó ở đâu xa khác nhưng là tìm cái Đạo vốn sẵn có ở nơi mình “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi thừa nhận Chúa Giesu là Cứu Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 -9).

Đạo Chúa là Đạo Đức Tin thế nhưng đức tin ấy cần phải gắn liền với việc tìm kiếm, nếu không nó sẽ sớm lụi tàn để trở thành một thứ đạo hình thức “ Bề ngoài xem ra có vẻ đạo đức thánh thiện nhưng thực ra đã chối bỏ quyền năng của sự ấy” ( 2Tm 3, 5 ). Đức tin có một quyền năng rất lớn bởi nó là một trong ba nhân đức ( Tin Cậy Mến ) quyết định phần phúc cho ta ở đời sau vô cùng. Tin có Nước Thiên Đàng Cậy vào lượng nhân từ vô lượng vô biên của Chúa. Yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như chính mình thì ắt sẽ gặp được Ngài “ Nếu ai thương yêu Ta thì vâng giữ Đạo Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người. Chúng ta đều đến cùng người và lập cư với người” ( Ga 14, 23 ).

Chúa nói “ chúng ta đều đến lập cư” có nghĩa cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều đến và ở trong ta. Chúa ở đâu thì đấy là Thiên Đàng, vậy hà cớ chi phải hỏi Thiên Đàng ở đâu ?

Phùng Văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét