Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Cầu nguyện Hòa bình cho Việt Nam (1)



I.- CẦU NGUYỆN VỚI Đức Thánh Cha.

Khi cùng khách hành hương đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 01.09.2013, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ kêu mời: “Chúng ta muốn có một thế giới hòa bình, chúng ta muốn mình là những người nam và nữ kiến tạo hòa bình, chúng ta muốn hòa bình sẽ bộc phát trong xã hội mình đang bị xâu xé bởi những chia rẽ và tranh chấp. Không bao giờ còn chiến tranh!”. Do đó, Người đã mời gọi Giáo Hội Công Giáo và mọi người thiện tâm hãy tạo thành ‘một vòng giây kết nối cho hòa bình’ và sống một Ngày Ăn chay và Cầu nguyện cho hoà bình tại Syria, Trung đông và Thế giới vào thứ bẩy 07.09.2013. 

Mời bạn đọc cùng chúng tôi đồng ý hai điều thật:

- Khi nói đến thế giới là bao gồm cả Việt Nam, Quê hương chúng ta, nơi Đồng bào sinh sống và bảo vệ Tổ quốc;

- Hòa bình chỉ thật sự có được khi hội đủ 4 yếu tố: Sự Thật, Công Lý, Công Bằng và Tự Do. Việc im tiếng súng ngày 30.04.1975 chỉ là ngưng chiến, một phần của Hoà bình mà thôi. Ngoài ra, như chúng ta đều biết đất liền và hải phận Quê hương đang bị mất dần, và người Việt, nhất là ngư dân, luôn bị Trung quốc cướp tàu đánh cá và bắt giết.

Trong thư gởi Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Phiên họp khối 20 cường quốc kinh tế, khai mạc ngày 05.09.2013 tại San Pietroburg (Nga), sau khi mời gọi lãnh đạo các quốc gia tìm cách đối thoại, thương thuyết hơn là chọn giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria, Đức Thánh Cha nhận xét: “Kinh tế thế giới có thể phát triển thực sự theo mức độ nó có khả năng làm sao để mọi người có cuộc sống xứng đáng, từ người già cho đến các trẻ em còn ở trong lòng mẹ, không những cho công dân các nước thuộc khối G-20, nhưng cho mọi người dân trên trái đất, và nhất là cho những người ở trong tình trạng xã hội khó khăn nhất hoặc ở những nơi hẻo lánh nhất”.

Tối ngày 07.09.2013, với khoảng 100 ngàn người thiện chí tham dự Đêm canh thức cầu cho hoà bình tại Syria, Trung đông và Thế giới, Đức Thánh Cha thuyết giảng (tóm tắt): “Thiên Chúa thấy mọi sự là tốt đẹp” (St 1:12,18,21,25). Kinh Thánh giúp chúng ta tiến vào con tim Thiên Chúa để đón nhận cách chính xác thông điệp Người. Đó là: thế giới của chúng ta là ‘ngôi nhà của sự hòa hợp và hòa bình’, là không gian trong đó tất cả mọi người có thể tìm thấy nơi thích hợp của họ và cảm thấy ‘đang ở nhà’, bởi vì thế giới này ‘tốt đẹp’. Các tạo vật Thiên Chúa dựng nên đều vận hành một cách hài hòa và đẹp đẽ. Nhưng trên tất cả các tạo vật đó, nhân loại được Thiên Chúa tạo nên theo hình ảnh Người, là một gia đình, trong đó các mối quan hệ được đánh dấu bởi một tình huynh đệ thực sự với nhau chứ không chỉ những lời nói đầu môi chót lưỡi: theo đó người khác là anh chị em của chúng ta để chúng ta yêu, trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là lòng trung tín và thiện hảo. Thế giới Người muốn là nơi mà mọi người phải cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác, với thiện ích của người khác. Như Thiên Chúa, chúng ta cũng thực sự mong muốn sống trong một thế giới của hòa hợp và hòa bình, trong các mối quan hệ của chúng ta với những người khác, trong gia đình, trong các thành phố, trong và giữa các quốc gia với nhau. Trong thế giới đó, chúng ta có tự do lựa chọn những cách thế được hướng dẫn bởi tình yêu hầu mang lại thiện ích cho nhau.

Điều chúng ta băn khoăn hiện nay: Đó có phải là thế giới mà chúng ta đang sống với những ‘bạo lực, chia rẽ, bất đồng, và chiến tranh’? Đây là lúc con người, thụ tạo nhất đẳng, không chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tốt lành, nhưng lui vào trong sự ích kỷ của mình, chạy theo các ngẫu tượng của sự thống trị và quyền lực. Sự bất hòa khiến chúng ta rơi vào hỗn loạn, nơi có bạo lực, bất đồng, xung đột, sợ hãi… Người ta giơ cao tay mình lên chống lại em trai của mình và giết đi. Trong sự hỗn loạn này, Thiên Chúa chất vấn lương tâm con người: ‘Em trai Abel ngươi đâu?’ Cain đáp: ‘Tôi không biết, tôi là người trông giữ em tôi sao?’ (St 4:9). Chúng ta đang chất vấn cùng câu hỏi này đễ biết mình là người thực sự tốt khi tự thấy mình là ‘người trông giữ anh em’, tức biết làm nhiệm vụ ‘Là con người nghĩa phải biết chăm sóc cho nhau’. Nhưng, nhìn vào sự đau khổ của rất nhiều anh chị em cho thấy sự hồi sinh tội ác Cain trong tất cả các hành vi bạo lực trong các cuộc chiến. Sự tiếp tục gieo rắc sự hủy diệt, đau khổ và chết chóc! Bạo lực và tranh chấp chỉ dẫn đến tử vong”. 

Đêm canh thức cầu nguyện trước Thánh Thể trong 4 giờ chấm dứt sau khi Đức Thánh Cha ban Phép Lành Mình Thánh Chúa.

Một ngày nghỉ Chúa Nhật trôi qua, hôm 09.09.2013, sau khi tiếp Ngoại trưởng Syria, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã có một phát biểu ngắn: “Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Syria không chỉ chấp nhận đặt kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát quốc tế, và sau đó, hủy kho vũ khí này, mà còn tham gia đầy đủ vào Tổ chức cấm vũ khí hóa học”. Tổng thư ký Liên hiệp quốc và lãnh đạo các cường quốc tiếp nhận với phấn khởi dù dè dặt. Niềm hy vọng bé nhỏ được triển nở nơi chúng ta với ước vọng những vị hữu trách biết ‘trách nhiệm đối với người khác, với thiện ích của người khác’.

Có thể chúng tôi lạc quan quá đáng khi xác tín: vì nhờ có ngày Ăn Chay và Đêm Canh thức Cầu nguyện ngày 07.09.2013 với Đức Thánh Cha, những hỏa tiển Tomahawk không tàn phá thủ đô Damas… Thật vậy, những quốc gia Anh, Pháp, Hoa kỳ là những nước có nền dân chủ thật sự với Tam Quyền Phân Lập làm cho Hành pháp và Lập pháp phải tôn trọng lẫn nhau. Nước Anh, theo chế độ quân chủ với Hiến pháp bất thành văn, đã hành động thật đáng ngưỡng mộ khi Quốc hội biểu quyết không tham gia không kích Syria khiến Tổng thống Putin biết nắm thời cơ để gia tăng uy tín mình trên chính trường Thế giới. Trái lại, tại Việt Nam, lời ông Nguyễn Phú Trọng ngày 25.02.2013 về việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo Hiến pháp là ‘có các luồng ý kiến có thể được coi là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức khi có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp, muốn đa nguyên đa đảng không, muốn ‘tam quyền phân lập… Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này’ đã buộc, ngày 25.07.2013, tại Bạch cung, Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama phải nhắc Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang: “Hoa kỳ tiếp tục tin tưởng tất cả chúng ta đều phải tôn trọng những vấn đề như tự do phát biểu, tự do tôn giáo, tự do hội họp”. Không thực thi điều đó, súng lại đã nổ và người Việt đã tàn sát nhau… 

II. SÚNG ĐÃ NỔ VÀ TỬ VONG ĐÃ XẢY RA Ở VIỆT NAM.

A. Đàn áp và vu cáo người vô tội.

Chiều ngày 03.09.2013, khi người dân vây quanh trụ sở Ủũy ban Nhân dân (UBND) xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc, Tỉnh Nghệ An) để đòi trả tự do cho các ông Ngô Văn Khôi và Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Tạo đã đưa ra một cam kết trong đó hứa sẽ ‘trực tiếp đề nghị công an tỉnh thả người trước 16 giờ, ngày 04.09.2013. Hai ông này bị bắt tùy tiện ngày 27.06.2013 vi phạm các điều 80, 84 và 85 Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam (xem chi tiết trong Bản Tường Trình của Văn phòng Tòa Giám mục Vinh ngày 10.09.2013 tại http://vietcatholic.net/News/Html/114914.htm ). 

Ngày 27.08.2013, chính ông Nguyễn Trọng Tạo cũng đã hứa với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, thả hai giáo dân nói trên trong 4 ngày, nhưng đến hôm 03.09.2013 vẫn chưa thực hiện. Do đó, lần này, họ yêu cầu ông phải lập văn bản có ghi ngày và giờ trả tự do. Ông đồng ý lập văn bản hứa sẽ thả vào lúc 16 giờ ngày hôm sau 04.09.2013. Ông còn dám cam kết ‘lèo’: “Nếu đến thời gian trên mà công an tỉnh không thả ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải thì UBND xã chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

Đúng giờ hứa hẹn, giáo dân Mỹ Yên đến trụ sở UBND xã thì thấy nơi đây đang được bố trí dày đặc bởi công an tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc võ trang với một xe súng đạn, cảnh sát giao thông và cơ động cùng chó nghiệp vụ cho thấy ý chí của chúng là sẳn sàng trả lời bằng súng đạn, chứ không trả người. Do đó, những côn đồ đã trà trộn vào giáo dân để ném đá vào công an hầu chúng có cớ để đàn áp bằng lựu đạn cay, bắn chỉ thiên và đánh bằng dây điện khiến 15 người bị thương nặng nhẹ và chỉ có thể được chửa trị tại Phòng khám Đa khoa Tòa Giám mục Xã Đoài. Truyền thông nhà nước loan tin có những công an bị thương, nhưng không có lấy một hình để đăng báo.

Sự lường gạt này làm cho chúng ta nhớ lại sự kiện đã xảy ra ngày 27.07.2009 ở gần nền nhà thờ Tam Tòa thì một nhóm côn đồ xông vào đánh các Linh mục và Giáo dân Giáo hạt Kỳ Anh khiến Cha Phú và mấy người bị trọng thương phải vào một trạm xá gần đó để điều trị. Hay tin này, Cha Phêrô Ngô thế Bính, Chánh xứ Hà Lời, tới thăm Cha Phú. Thấy cảnh tượng khủng khiếp, nhóm côn đồ bao vây trạm xá không cho ai vào, Cha đã điện thoại yêu cầu ông Trần công Thuật phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tới để Cha có thể vào thăm Cha Phú. Khoảng 10 phút sau, ông Thuật ra về, bỏ mặc Cha cho hơn 100 côn đồ đuổi đánh, trước sự chứng kiến của các công an. Kết cục Cha Bính bị côn đồ đánh trọng thương và ngất xỉu rớt từ lầu hai xuống tình trạng rất nặng. Hành vi bỏ về của ông Thuật thật đáng nghi ngờ. Hai Cha và các giáo dân dù có được đưa đến những bệnh viện đều không được cứu chữa và phải đưa về điều trị tại Phòng khám Đa khoa Tòa Giám mục Xã Đoài.

Ngày 05.09.2013, Tòa Giám mục Xã Đoài đã cực lực lên án việc chính quyền tỉnh Nghệ An dùng bạo lực đàn áp quần chúng nhân dân, xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của người dân, xúc phạm niềm tin tôn giáo: ”Chúng tôi mạnh mẽ phản đối việc chính quyền không tôn trọng sự thật trong vụ việc ngày 22.05.2013, xuyên tạc và phủ nhận thiện chí đối thoại của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh trong việc bênh vực quyền lợi người dân, bảo vệ công lý xã hội...”. Tòa Giám mục Xã Đoài khẩn thiết kêu gọi mọi tín hữu Giáo phận Vinh và những người yêu chuộng hòa bình hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ đàn áp này và lên tiếng bênh vực cho công lý. 

Trong bức thư chung ngày 06.09.2013, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp đã lên án: “cách ứng xử bất nhân và những hành vi bạo lực dã man của cơ quan công quyền”. Đồng thời, Người kêu gọi toàn thể linh mục, tu sĩ, giáo dân giáo phận Vinh hiệp thông cầu nguyện cho giáo dân Mỹ Yên. Đức Cha cũng thông báo là trong toàn Giáo phận Vinh vào mỗi Chúa Nhật, các giáo xứ tổ chức những buổi cầu nguyện và Thánh Lễ cho đến khi nào hai giáo dân Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải được thả ra và những người bị thương hoàn toàn bình phục.

Chúng tôi nhận thấy người Công Giáo chỉ có thể đối kháng với bạo quyền bằng cầu nguyện mà thôi để Thiên Chúa ban Bình an cho mình và hoán cải họ. Có thể, chúng ta chưa đoàn kết để cầu nguyện và dâng Thánh Lễ khắp nơi nên chúng ta còn bị đàn áp. Ngày 08.12.2008, nhờ sự cầu nguyện tại nhiều nơi trong và ngoài nước trong ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tám giáo dân Giáo xứ Thái Hà đã được trả tự do sau khi Tòa sơ thẩm kết án. Gần đây, sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên sau khi Tòa phúc thẩm trả tự do đã cùng gia đình và thân hữu đến Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn để dâng Thánh Lễ Tạ Ơn, dù không Công Giáo. 

Ngày 07.09.2013, Linh mục Phêrô Nguyễn văn Vinh, thay mặt Toà Giám mục Vinh, đã gởi văn thư đến Báo Nghệ An và các ban ngành liên quan để:

- nhận xét các cơ quan truyền thông này đã có những bài viết và phóng sự có nội dung không đúng sự thật, xuyên tạc thực tế, xúc phạm đến uy tín va danh dự của Giám mục và giáo đân Giáo phận Vinh; 
- lên án những hành động sai trái đó và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải cải chính các thông tin sai sự thật đã đăng;
- yêu cầu những người làm truyền thông phải tìm hiểu thấu đáo và tôn trọng sự thật khách quan của sự việc;
- vì ích lợi của đồng bào, vì tương lai Đất nước, vì công lý và hòa bình của Dân tộc, yêu cầu các cơ quan báo đài trong nước lấy lẽ phải để phát ngôn và hành xử với mọi người.

Ngày 07.09.2013, Đức Cha Vinh Ssơn Nguyễn Văn Long, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne (Australia) và Liên hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam (VietCatholic, Radio VERITAS Asia, Dân Chúa Mỹ Châu, Dân Chúa Aâu châu và Dân Chúa Úc châu) xin cùng Hiệp thông, Cầu nguyện, và chia sẻ với Giáo xứ Mỹ Yên và Giáo phận Vinh, đồng thời, nghiêm khắc lên án và tố cáo trước dư luận quốc tế những hành vi đàn áp, tấn công, hành hung, và xúc phạm niềm tin Công Giáo tại Giáo xứ Mỹ Yên. Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam:

1) Chấm dứt ngay lập tức những hành động đàn áp, tấn công, hành hung, xúc phạm niềm tin Công Giáo tại Giáo xứ Mỹ Yên và trên toàn quốc Việt Nam.
2) Chấm dứt việc đàn áp Giáo Hội Công Giáo và quý Tôn giáo bạn. Bảo đảm an ninh cho các nơi thờ tự của tất cả quý Tôn giáo.
3) Nghiêm chỉnh tôn trọng luật pháp do chính nhà cầm quyền Việt Nam ban hành và trả lại tất cả tài sản đã chiếm đoạt của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và của quý Tôn giáo bạn. 
4) Tuyệt đối tôn trọng Nhân quyền và Tự do Tôn giáo theo như bản Hiến chương Liên hiệp quốc khẳng định.

Ngày 10.09.2013, những chức sắc các tôn giáo Việt Nam đã công bố Bản Lên Tiếng về vụ việc tại Giáo xứ Mỹ Yên, thuộc Giáo phận Vinh: “Chân thành hiệp thông đồng cảm với Đức Giám Mục và toàn thể Giáo phận Vinh, nhất là với các nạn nhân vô tội trong vụ việc kéo dài từ 22.05.2013 tới nay. Cực lực phản đối nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã không có thiện chí giải quyết vụ việc ngay từ đầu, lại còn rắp tâm trả thù giáo dân kiểu hèn hạ bằng cách bắt cóc người và đàn áp dân. Mạnh mẽ nhắc nhở nhà cầm quyền và các lực lượng công an, quân đội rằng: mọi tội ác chống lại con người không sớm thì muộn sẽ phải bị truy tố trước tòa án của nhân dân, của quốc tế, của lịch sử (chưa kể của Các Đấng Thiêng liêng). Thiết tha kêu gọi Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước cũng như các Chính phủ dân chủ, các Tổ chức Nhân quyền quốc tế, các Cơ quan truyền thông hoàn vũ tiếp tục phơi bày tội ác của Cộng sản, áp lực đủ cách lên nhà cầm quyền Việt Nam và bày tỏ lòng hiệp thông hữu hiệu với những dân lành vô tội”.

Bản tin đài BBC ngày 10.09.2013 cho biết: Hôm nay, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã gặp gỡ báo trong nước và, theo Thông tấn xã Việt Nam, khẳng định trong mấy ngày qua, trên một số trạng mạng điện tử ‘Giáo phận Vinh’ xuất hiện nhiều thông tin, bài viết, hình ảnh có nội dung sai sự thật mang tính kích động, vu khống về vụ việc xảy ra, làm cho chức sắc, giáo dân hiểu sai bản chất vụ việc và dễ bị lôi kéo tiếp tục có các hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình đoàn kết lương-giáo.

Báo Công an Nghệ An, ngày 08.09.2013, gọi tuyên bố của Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp là sự ‘vu khống lực lượng công an’, nói bản cam kết mà UBND xã Nghi Phương ký ‘trong hoàn cảnh hàng trăm phần tử quá khích trong giáo dân’ đã kéo đến trụ sở UBND ‘để bao vây, đe dọa, gây sức ép’ và cáo buộc ‘hàng trăm người’ đã ‘tấn công lực lượng bảo vệ bằng những trận mưa đá, bằng gậy gộc, hung khí…’.

(còn tiếp một kỳ)
Hà Minh Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét