Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Nhân khổ nạn Mỹ Yên, thương cảm cho khổ nạn Tòa Khâm Sứ

LTCGVN (30.09.2013) 

NHÂN KHỔ NẠN MỸ YÊN, THƯƠNG CẢM CHO KHỔ NẠN TÒA KHÂM SỨ

Hội Thánh với căn tính là thân thể Đức Kitô chỉ có một mục tiêu quan trọng nhất như mong ước thiết tha nhất của Người, là được nên một với Người. Khi đó Đức Kitô và người tin cũng được nên một với Cha của Người. Hội Thánh nhìn ra chỉ có điều này mới là cứu cánh tuyệt đối của lịch sử con người.

"Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành" ( Ga 17, 24 ).

Trong căn tính đó Hội Thánh không bao giờ làm chính trị tuy đây là một lĩnh vực vô cùng quan trọng có liên quan mật thiết tới sự sinh tồn hàng ngày của mọi người. Khi chính trị chỉ nhắm tới thỏa mãn nhu cầu vật chất cho con người và dừng tại đó, chính trị gia chỉ tìm danh lợi thú và quyền lực cho mình với những lời hứa hẹn hào nhoáng về một thiên đường thế tục, một số nhà lãnh đạo đã tự thần thánh hóa chính mình để nhân dân tôn sùng thay thế cho Thiên Chúa, thì nền chính trị đó đã mang tính cách phản Kitô vì phủ nhận cứu cánh tuyệt đối của nhân loại chỉ có ở nơi Thiên Chúa nhờ Đức Kitô.

Các nhà tư tưởng danh tiếng ( hoặc tai tiếng ) nhất trong lịch sử đều bàn về chính trị.

Khổng Tử ( 551 – 471 trước Công Nguyên ): Triều đại tốt cốt ở vua làm tròn bổn phận của vua, bề tôi làm tròn bổn phận của bề tôi, cha làm tròn bổn phận của cha, và con làm tròn bổn phận của con.

Plato ( 428 – 328 trước Công Nguyên ): Người cầm quyền phải là những triết gia được giáo dục tốt và được chọn dựa trên năng lực.

Aristotle ( 384 – 322 trước Công Nguyên ) Con người là một động vật chính trị. Luân thường đạo lý và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau.

Machiavelli ( 1469 – 1527 ): Trong chính trị không thể có luân lý, người ta có thể dùng mọi mánh khóe gian ác để chiếm lĩnh quyền lực. Mussolini, Hitler đã dựa vào đây để biện hộ cho cho những hành động tàn bạo của họ là vì an ninh quốc gia.

Karl Marx ( 1818 – 1883 ): Lịch sử là cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản vô sản. Người thể hiện học thuyết chủ nghĩa Marx có ảnh hưởng nhất là Lenin dẫn tới cuộc tàn sát đến 100 triệu nhân mạng tại một số nơi trên thế giới. Các trụ sở công quyền ở Việt Nam không hề thấy có treo hình các anh hùng dân tộc mà luôn có hình Marx.

Thánh Gioan đã nghiêm khắc cảnh cáo người tin về nguy cơ bị mê hoặc và sa lầy vào một nền chính trị gian dối lừa phỉnh đó.

"Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô ? Kẻ ấy là tên Phản Kitô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con" ( 1Ga 2, 22 – 23 ).

Nhưng khi cầu nguyện cho mọi người tin được nên một với Người, nhờ đó họ cũng được nên một với Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu không nói rằng điều này sẽ được thành sự trên thiên đàng mai sau đâu mà Người lại nhấn mạnh tính cách hiện sinh tại thế của người tin. Một đàng họ vẫn luôn ở trong thế gian, một đàng họ lại thuộc về Thiên Chúa.

"Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian" ( Ga 17, 17 – 19 ).

Vừa ở trong thế gian vừa không thuộc về thế gian. Vừa phải lo toan sinh tồn với miếng cơm manh áo hàng ngày vừa biết rằng mình đã được nên một với Đức Kitô và nhờ đó mà cũng được nên một với Thiên Chúa Cha. Đó là những gì hoàn toàn mâu thuẫn, phủ nhận nhau hoàn toàn, tưởng chừng như bất khả. Nhưng chỉ nhờ vào cuộc khổ nạn tự hiến thánh của Đức Kitô điều này mới được thành sự.

"Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến" ( Ga 17, 15 – 16 ).

Thế gian không thể hiểu được tính cách tháp nhập vào cuộc khổ nạn Đức Kitô nơi mọi biến cố thăng trầm của cuộc đời mỗi cá nhân người tin cũng như các sinh hoạt của Hội Thánh.

Mới đây có tin Nhà Nước Việt Nam vừa cử một phái đoàn do Thứ trưởng Bộ Nội Vụ kiêm Trưởng Ban Tôn Giáo của Chính Phủ dẫn đầu đến Vatican. Họ gặp Hồng Y Tadeusz Wojda, Thứ trưởng Bộ Truyền Giáo và Hồng Y Antoine Camilleri, Thứ trưởng Ngoại Giao, dự buổi gặp mặt chung của Giáo Hoàng Francis và thăm Đài Phát Thanh Vatican. Thông tấn xã Việt Nam loan báo rộng rãi tin này trong bối cảnh cả dân chúng Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát các diễn biến tại Giáo Xứ Mỹ Yên, Giáo Phận Vinh.

Hàng ngàn Giáo Dân đổ về Giáo Xứ Mỹ Yên mỗi ngày với tinh thần hiệp thông và liên đới chắc chắn là thực tế làm chế độ khó chịu. Sau khi gài bẫy để có cớ đánh đập hàng trăm Giáo Dân, khiến hàng chục người trọng thương, hệ thống truyền thông của Nhà Nước đã đồng loạt chỉ trích đích danh Giám Mục Nguyễn Thái Hợp. Công An Nghệ An còn loan báo đã khởi tổ hàng loạt vụ án liên quan đến Giáo Dân Giáo xứ Mỹ Yên. Sẽ có “tập trận” giữa Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng và các lực lượng vũ trang địa phương để “chống bạo loạn”. Một viên chức lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã gửi thư khuyến cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sau ngày 4 tháng 9 đến nay, Công An, Quân Đội còn dựng lều, lập các chốt bao vây Giáo Xứ Mỹ Yên…

Hàng loạt các biện pháp vừa kể không làm Giáo Dân và hàng Giáo Phẩm của Công Giáo ở Giáo Phận Vinh chùn bước. Ngày 16.9.2013, ba Giám Mục, 2 trăm Linh Mục và hơn 3.000 Giáo Dân đã đổ về Giáo Xứ Mỹ Yên để cầu nguyện cho những Giáo Dân bị đàn áp và cho Công Lý, Hòa Bình đích thực.

Tại Trại Gáo – thuộc Giáo Xứ Mỹ Yên, các Giám Mục: Nguyễn Thái Hợp, Nguyễn Văn Viên, Cao Đình Thuyên, hàng trăm Linh Mục và hàng ngàn Giáo Dân vẫn dâng Lễ và cầu nguyện, bất kể không khí thù địch mà Công An, Quân Đội tạo ra từ các lều, trại vây bọc khu vực này.

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp cho biết, đây là hành động liên đới giữa các Linh Mục trong Giáo Phận, với Giáo Xứ Mỹ Yên và đặc biệt là với những nạn nhân của vụ đàn áp ngày 4 tháng 9.

Ngày 17 tháng 9 năm 2013, có 7 ngàn Giáo Dân của bảy Giáo Xứ thuộc Giáo Hạt Nhân Hòa đổ đến Linh Địa Trại Gáo. Trên đường đi, khoảng 1.000 Giáo Dân của Giáo Xứ La Nham đã ghé thăm gia đình các nạn nhân của vụ đàn áp xảy ra hôm 4 tháng 9 và ghé vào cầu nguyện tại tư gia ông Nguyễn Văn Văn, nơi mà các ảnh tượng trên bàn thờ bị lực lượng vũ trang của chính quyền Nghệ An đập nát.

Bảy Giáo Xứ của Giáo Hạt Nhân Hòa chia thành bảy đoàn đổ về Linh Địa Trại Gáo. Mỗi đoàn đều mang theo nhiều băng rôn, với các nội dung như: “Công an, côn đồ: Hai trong một”, “VTV – Vua tin vịt”, “Lên án chính quyền tỉnh Nghệ An bỏ vạ, vu khống Tòa Giám Mục”, “Luôn sát cánh cùng Giáo Xứ Mỹ Yên”.

Ngày 18.9.2013, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp cho biết Giáo Dân của Giáo Phận Vinh đang đối diện với “tình huống nguy hiểm và đáng lo ngại”. Ngài kêu gọi “tình liên đới và nâng đỡ” đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam để chính quyền chấm dứt “những lời dối trá và vu khống”. Đức Cha nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn hòa bình, tự do và phẩm giá của nhân quyền nhưng không may là điều này lại không phụ thuộc vào ý muốn của chúng tôi”.

Những nhà quan sát thấy ngay rằng Nhà Nước Việt Nam muốn dùng lại chiêu bài cũ Tòa Khâm Sứ để dập tắt sự bất mãn rất chính đáng của Giáo Dân với các chính sách đàn áp của mình. Kế hay nhất là cử một phái đoàn sang Vatican thương lượng với một vài nhượng bộ nhỏ nhoi và hứa hẹn không bao giờ làm, ví dụ như cho các Chủng Viện sẽ được nhận thêm người, cho Hội Thánh được mở một vài trường học hay nhà thương, thậm chí lên chương trình cho Giáo Hoàng sang thăm Việt Nam. Đổi lại, Vatican ra lệnh cho Giám Mục Nguyễn Thái Hợp về hưu. Bất chiến tự nhiên thành, khỏi mang tiếng đàn áp tôn giáo !?!

Mang bản chất “vâng lời quý hơn của lễ”, luôn phục tùng các đấng bản quyền và Tòa Thánh, Giáo Dân sẽ chỉ còn cách về nhà đóng cửa cầu nguyện với nhau như trường hợp Tòa Khâm Sứ và cách hành xử đối với Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Còn các Giáo Dân đơn lẻ cô thân cô thế thấp cổ bé miệng thì vẫn cứ bị ngồi tù, đánh đập, vu khống, nhà cửa ruộng vườn cứ bị tịch thu sẽ không còn được ai bênh vực nữa.

Sống trong thế gian như vậy, dưới một chế độ coi nhân dân trong nước như kẻ thù cần đàn áp, còn kẻ thù ngoài nước nguy hiểm gấp bội phần đang sỉ nhục toàn dân tộc là láng giềng tốt, khi bị lâm nguy thì Giáo Dân chỉ còn biết cậy dựa vào sự bảo vệ nơi tiếng nói của các Mục Tử chân chính. Nhưng mọi người đều muốn tìm biết thánh ý Thiên Chúa nơi Bề Trên, mà Bề Trên có khi cũng chỉ là một bộ máy hành chính ở rất xa, có những ưu tiên khác, không thể thấu hiểu được nỗi lòng của những Giáo Dân nhỏ bé bị đàn áp tại địa phương.

Vì thế đã có một kết thúc như thế nơi vụ Tòa Khâm Sứ. Mỹ Yên rất có thể lập lại kịch bản đó. Nhưng Tòa Khâm Sứ không bao giờ là một thất bại. Nếu nói thất bại thì thập giá, hay khổ nạn, hay cuộc hiến thánh của Đức Kitô đã là thất bại lớn nhất.

Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, Mỹ Yên… và vô số kể những giọt máu và nước mắt khác của những thân phận người tin chính là những con đường khổ nạn Đức Kitô mời gọi họ theo bước Người để được nên một với Người. Họ được Đức Kitô nêu đích danh trong lời cầu nguyện thống thiết nhất của Người trên thế gian:

"Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành" ( Ga 17, 24 ).

NGUYỄN TRUNG, 9.2013
Theo EPHATA số 580
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét