Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

SN CHÚA NHẬT THỨ HAI MƯƠI LĂM THƯỜNG NIÊN: 'Dùng Ðồng Tiền Tạo Nên Những Bằng Hữu'



CHÚA NHẬT THỨ HAI MƯƠI LĂM THƯỜNG NIÊN

A-MỐT 8,4-7 ; TI-MÔ-THÊ 2,1-8 ; LU-CA 16,1-13

Dùng Ðồng Tiền Tạo Nên Những Bằng Hữu



Chúng ta thấy vấn đề tiền của, là câu hỏi thông thường trong các sách Tin Mừng, qua đó được xem như một sự nhắc nhở cho con người, mà Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta bài học về cách sử dụng tiền của như thế nào cho phải đạo, cho hợp tình hợp lý với người và với Thiên Chúa. Tiền của, là dấu chỉ Chúa Giê-su đề cập đến rất nghiêm chỉnh trong cuộc sống thực tế hằng nhật của thiên hạ. Ðây cũng là dấu chỉ Chúa Giê-su biết đến vấn đề quan trọng của tiền của trong thế giới này. Vả nữa, sự nói lên của Ngài mang lại cho chúng ta một cái nhìn, cùng một cách thức làm sao để khi chúng ta tìm kiếm tiền của, và sử dụng tiền của, nó không lấn át cả tâm trí cùng đời sống chúng ta. Nói một cách khác, là làm sao để khi chúng ta tạo ra tiền của cùng sử dụng nó, không làm phương hại đến con người chúng ta. 

Nếu người ta làm một bảng tổng kê những điều Chúa Giê-su nói về chủ đề tiền của, thì họ nhận thấy rằng thường thì Chúa Giê-su đặt người nghe vào vị thế nghịch lại Ngài. Chúng ta có thể nghĩ đến câu nói thời danh sau đây mà Chúa Giê-su xác quyết rằng : « con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Chúa » (Máccô 10,24). Vả nữa, chúng ta cũng cần liên tưởng đến một câu khác của Chúa Giê-su nói với các người giàu có này rằng : « khốn cho càc ngươi, những người giàu sang, các ngươi đã được an ủi rồi » (Luca 6,24).

Do đó, sự khẳng định của Chúa Giê-su về vấn đề tiền của, chính là sự nguy hiểm qủa thật đúng. Thực vậy, chúng ta nhận thấy rất nhiều người giàu sang đã mất linh hồn vi sự giàu có, và quá dính bén vào tiền của của mình, họ xem tiền của như là đích điểm của đời sống mình. Chúa Giê-su cũng lưu ý đến nhiều người sùng bái tiền của quá độ, và điều này là một lỗi phạm trầm trọng. Bởi vì các nguyên do nói này, mà các người tôn thờ tiền của trở nên vị kỷ, trái tim chai cứng, lòng luôn ngoan cố, hành độnh bất công, hoặc thành người bóc lột như chúng ta đã thấy ngay vào bài Tin Mừng được công bố hôm nay về hạng người này. Vì thế, đâu là cái đập mạnh vào tâm trí chúng ta : phải chăng người ta không thế làm tôi hai chủ ? Quả đúng, người ta không thể phụng sự Chúa Trời vừa làm tôi tiền của được. Bởi khi tiền của trở nên thần linh trong đời chúng ta, tất Thiên Chúa sẽ vắng bóng cùng mất đi trong tâm hồn ta.

Chính ví lý do này, Chúa Giê-su khuyên nhủ chúng ta chớ nên dính bén thái quá vào tiền của, xem nó như thần hộ mạng cho mình. Qua lời khuyên nhủ này này chúng ta nhớ lại Lời Chúa mời gọi anh thanh niên giàu có theo Ngài, khi anh thanh niên đó hỏi Chúa về sự sống đời đời, Chúa Giê-su đã trả lời cho anh ta : « anh chì thiếu một điều, anh hãy về bán tất cả gia tài anh có, lấy tiền đó làm phúc cho kẻ nghèo khổ, anh sẽ có một kho báu trên trời, rồi anh đến đây và theo Ta » (Máccô 10, 1-21-22).

Chúa Giê-su không chỉ là một con người siêu siêu phàm và siêu thế, Ngài còn là một con người thực tế. Chúa giê-su biết rằng tất cả các môn đệ của mình không dễ gì bỏ từ bỏ được tiền của họ có để theo Ngài. Bởi để sống, cụ thể thiên hạ cần đến tiền của. Ðể đảm nhận trách nhiệm lúc người ta có gia đình, tất họ cần đến tiền của. Chúa Giê-su hiểu rõ các điều này. Do vậy Ngài đã đưa ra Dụ Ngôn về người quản gia quỷ quyệt, xảo trá mà chúng ta vừa mới nghe qua trong bài Tin Mừng hôm nay. 

Dụ Ngôn này, làm cho chúng ta thấy rằng : quả khi người ta mất đi tiền của, thì người ta cũng có thể lấy lại với tiền của mình đã mất đó bằng cách gian xảo. Nói một cách khác, là tiền của như các thực thể khác hiện hữu, nó là một con dao hai lười. Tiền của có thể phục vụ chúng ta, hay là chúng ta làm tôi tiền của và sùng bái nó. Chúng ta làm tôi tiền của khi tiền của trở nên nỗi đam mê của ta, thành thần linh của ta, nó là mục đích tối hậu của đời chúng ta. Tiền của chỉ phục vụ chúng ta, và trở nên hữu dụng cho ta khi ta biết ý thức sử dụng đúng ý nghĩa của tiền của « tiền là ngưòi tôi tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu ». 

Bởi thế với nhãn quan của Chúa Giê-su, con người cần phải biết ý thức sử dụng tiền củ, sử dụng tiền của không chỉ cho chính mình, cho hạnh phúc riêng của mình hay cho các thỏa mãn riêng tư của ta thôi. Song chúng ta biết sử dụng tiền của đó, để mưu cầu hạnh phúc vả niềm vui cùng sung sướng cho các anh chị em ta. Do như Lời Chúa Giê-su dạy : « hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn hữu, phòng khi hết tiền, hết bạc, họ sẽ đón anh em vào nơi ở vĩnh cửu » (Luca 16,9). Có nghĩa Chúa muốn giáo huần chúng ta hiểu rầng tiền bạc là một phương tiện giúp chúng ta làm ăn sinh sống. Vì có tiền ta mới buôn bán, làm ăn, ta mới xây cất nhà cửa, mua sắm các vật gia dụng cần thiết cho đời sống của mình. Nhưng nếu như chúng ta không dùng tiền bạc vào những việc ấy, mà ta lại đem đi cất dấu cùng tôn thờ nò như một thần linh, thì chúng ta đã đánh mất đi ý nghĩa của nó. Hoặc vì lòng gian tham, ta tìm kiếm tiền bạc bằng những phương cách bất chính, hay sử dụng đồng tiền cho những hành động tội lỗi của mình : hối lộ, mua bằng cấp, nua chức vị, hoặc nữa như Giu-đa tìm cách bán Chúa Giê-su với giá 30 đống bạc, để cuối cùng vì nhục nhã, ân hận tự thắt cổ trên cấy mà chết (Mátthiêu 27, 3-5). Còn A-na-ni-a và Sa-pha-ri-a vì gian lận muốn giữa lại cho mình it tiền bán ruộng, mà đã bị Chúa đánh phạt chết tức thì trước mắt các tông đố (Công Vụ Các Tông Ðồ 5,1-10). Ngoài ra còn vô số các tội ác cùng hình phạt khác nữa dành cho những kẻ ham mê tiền của, bỏ Chúa, làm tôi tiền của.

Hơn nữa Thiên Chúa dạy chúng ta rằng : « ngươi chỉ thờ cò mình Ta là Thiên Chúa, và ngoài Ta ra không có Thiên Chúa nào khác ». Bởi đó, kẻ nào tôn thờ tiền bạc, xem tiền của như một thần linh bảo hộ mình, là đã phản bội Thiên Chúa rồi. Ðể có một thái độ dứt khoát, Chúa Giê-su đã căn dặn các Tông Ðồ khi đi đường các con chớ mang theo bao bị, giày dép, vì người làm công đáng được ăn lương của mình. Ðiều này muốn nói những người chu toàn các bổn phận Chúa Trời giao phó sẽ không bao giờ thiết thốn : « các con hãy xem chim trời chúng không gieo, không gặt, không tích thu vào kho, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Các con không quý giá hơn chúng sao ? » (Luca 12,24).

Chúng ta rõ đó, Chúa không cấm ta tìm kiếm tiền của cùng sử dụng nó. Ðiều Ngài cấm, là cấm chúng ta làm tôi tiền của, quá đam mê cùng quyền luyền với tiền của, để rồi trong trái tim của chúng ta không còn dành chổ cho Chúa Trời cùng như cho tha nhân. Ðiều quan trọng chúng ta phải thực thi, đó là tinh thần nghèo khó, là sự siêu thoát với tiền bạc và của cải trần gian. Như xua nay có biết bao người qúy phái giàu sang sống giữa « tiền rừng bạc bể », nhưng lòng hằng kính mền Thiên Chúa cùng thương yêu, giúp đở tha nhân chí tính : như Vua Thánh Venceslao của Nước Tiệp, Vua Louis của Nước Pháp, Hoàng Hậu Helena của Hung Gia Lợi và Hoàng Hậu Elizabet của Thụy Ðiển vv.. Các ngài là những bộng sen tỏa hương thơm nhân đức cho dù gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Các ngài sống giữa tiền của dư thừa và giàu sang, thế nhưng không để cho tiền của chi phối cùng làm cho con tim mình thành mù lòa.

Ðể kết luận, chúng ta ra sức làm việc để có tiền hầu bảo đảm cho một cuộc sống no ấm cho gia đình, chớ không làm tôi tiền của. Hoặc chúng ta vất vả làm việc để có đồng tiền nuôi vợ nuôi con, chớ không sùng bái tiền của như thần linh của lòng minh. Thế nhưng, khi một ai tìm kiếm tiền của bằng mưu xảo, bằng phương cách bất chính và sử dụng nó cho hành vi tội lỗi, thì đó họ đã làm tôi tiền của, và quay mặt với Thiên Chúa cùng phản bội Ngài vậy. Amen !

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét