Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Đường hội thánh đi: Người bắc cầu, người phá cầu (3)


Sài Gòn - Tám năm về trước, chuông các nhà thờ Roma đã ngân vang chúc mừng Tân Giáo Hoàng Benedicto  XVI. Từ ngày đó, nhà thần học suốt bao nhiêu năm chỉ được biết trong các giới chuyên môn, phải đứng ra làm nhiệm vụ bắc cầu đến với thế giới rộng lớn. Hôm vừa rồi, chuông các nhà thờ Roma lại đồng ngân vang để tiễn đưa Ngài. Không phải là tiếng chuông trầm buồn, tưởng niệm như đối với các vị tiền nhiệm quá cố. Vẫn cứ là tiếng chuông vui của lòng tin, trong lúc chiếc trực thăng lượn vòng trên bầu trời Roma, để vào những giờ phút cuối trong sứ vụ Giám mục Thành Đô, Ngài nhìn lại một lần Giáo phận của mình. Những phản ứng cuồng nhiệt của các tín hữu từ hôm Ngài tuyên bố từ nhiệm, hơn 150.000 người tập họp tung hô khi lần cuối cùng Ngài có cuộc gặp gỡ thường lệ hàng tuần với cộng đồng dân Chúa, nét mặt chìm sâu trong cầu nguyện của các nam nữ tu sĩ và tín hữu, giọt nước mắt trên mặt các vị hồng y già như ta thấy trên các phương tiện truyền thông, cũng như vô vàn vô số các buổi cầu nguyện trong khắp Hội Thánh, đó là lúc những cây cầu vô hình Ngài đã bắc trong tám năm hiện hình.


I
Chính vì vậy, đứng trước đám đông nồng nhiệt, ở quảng trường Thánh Phêrô, Ngài đã nói: “Tôi thật cảm động vì tôi thấy Hội Thánh đang sống dạt dào”. Như thế, không có nghĩa là công việc bắc cầu của Ngài lúc nào cũng xuôi thuận. Trái lại, trong tám năm Ngài ở trên ngôi Giáo Tông, mỗi khi Ngài muốn bắc một nhịp cầu thì hầu như bao giờ cũng có ngay một phản lực nào đó rất mạnh xuất hiện. Ngài muốn tạo dựng sự hiệp thông hòa giải với nhóm siêu bảo thủ ly khai Tòa Thánh theo giám mục Lefebvre chăng? Vừa có mấy giám mục tấn phong trái phép trở về quy thuận Tòa Thánh, thì một ông trong số đó lên tiếng phủ nhận các tội ác diệt chủng của nước Đức – Hitler hồi thế chiến thứ hai, trắng trợn phủ nhận cả lịch sử bi đát một thời của thế kỷ XX. Thế là một sự việc tự bản chất chỉ thuộc lĩnh vực phụng vụ và quyền bính thuần túy tôn giáo, bị dư luận Tây Phương và Israel ồn ào đổ vấy cho các tội gian dối phản bội chân lý.
Ngài lại muốn đi đến với thế giới Hồi Giáo với tâm tình hòa bình, thì chỉ cần một câu nói trong một bài diễn thuyết có tính cách tư tưởng hàn lâm, trích dẫn một ý tưởng của một ông Hoàng đế Byzantio thế kỷ 14, chứ không phải ý tưởng và mục đích của Ngài, thế là cả thế giới Hồi Giáo ầm ầm nổi giận, giết thừa sai và tín hữu. Xem ra thế giới nghiên cứu, học thuật, lý thuyết, biện chứng của các nhà học giả thật khác xa với những hỷ nộ ái ố của thế giới đam mê. Đến nỗi một con người như Đức Hồng Y Lustiger của Paris phải nhận định rằng: “Chúng ta đang đối mặt với một hiện tượng do giới truyền thông khua khoắng đến độ phi lý… Nếu thủ thuật là khuấy động hận thù của đám đông với những lời nói mà họ không hiểu, thì không còn hội đủ những điều kiện để đối thoại với Hồi Giáo”. Phải mấy tuần lễ sự sách động mới bắt đầu nguôi ngoai. Thật đáng tiếc trong thế giới hiện tại đầy những chia rẽ hận thù, một sự cảm thông sâu sắc giữa Kitô Giáo và Hồi giáo có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới, nhưng có một sự cản phá nào đó khiến cho nỗ lực hòa bình bị đảo ngược.
Đối với tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên cũng thế. Ngay từ trước khi lên ngôi, Đức Benedicto XVI là người đầu tiên ở Tòa Thánh nhận thức rõ là không thể bao che thủ phạm. Lên ngôi rồi, Ngài thẳng tay áp dụng chính sách không khoan dung, Tolerance Zéro! Thế nhưng chuyện gì xảy ra? Người ta đào xới được một chuyện cũ trong giáo phận của Ngài ngày xưa, dù Ngài không phải là người thụ lý, rồi kêu ầm ỹ là Ngài bao che! Có cả những anh ở nơi xa tít tắp đòi kiện Ngài ra tòa. Bao nhiêu sự bao che mới cũ đổ lên đầu Ngài, làm như thể Ngài là thủ phạm không bằng! Khó lòng mà phân biệt rõ được trong những sự ầm ỹ đó đâu là nỗi đau thật, uất ức thật của các nạn nhân, và đâu là ác ý của những ai đó được dịp tốt thì nhảy vào đánh hôi! Dù Ngài đã tỏ thái độ dứt khoát, đã đích thân gặp gỡ các nạn nhân, nói lời xin lỗi, bày tỏ sự hổ thẹn, người ta vẫn cứ nặng lời tố cáo Tòa Thánh bao che. Thôi thì như Việt Nam ta nói: con dại cái mang… Một lần nữa, người vô tội nhất trong vụ này lại làm con chiên gánh tội trần gian.
Thế rồi, đến chuyện tiền bạc, tài chính của Giáo Hội. Giáo hội tất nhiên là có tiền (mặc dù có nhiều năm bội chi). Tiền đó là của thập phương bá tánh tự nguyện đóng góp và Tòa Thánh phải quản lý, đầu tư… để dùng chủ yếu vào việc tông đồ bác ái. Dần dần tình hình tài chính quốc tế phát triển thì sự quản lý càng lắm ngõ ngách phức tạp, càng có nguy cơ tiền bạc bị lạm dụng sai mục đích, trở nên cám dỗ cho ai đó… Đức Thánh Cha Benedicto XVI lại cũng là người dứt khoát đòi hỏi tài chính Vatican phải tuân thủ mọi tiêu chuẩn quốc tế về sự công khai, trong sáng. Lại một lần nữa cái gì xảy ra? Cái xảy ra nằm ngay trong nội bộ Giáo triều, trong những người làm việc ở Tòa Thánh. Có những quyền lợi nào đó bị đe dọa, có những mâu thuẫn do đó nảy sinh, có những đấu tranh ngấm ngầm. Rất nhiều khó khăn rắc rối, người ngoài cuộc chẳng ai nắm rõ thực chất và chi tiết thế nào. Chỉ biết rằng vết tích lộ ra trong những vụ tài liệu mật của Đức Giáo Hoàng bị rò rỉ. Những thư đệ trình cho một mình Ngài bị lấy cắp và phơi bày trên mặt báo. Rồi những thay đổi nhân sự gay gắt ở Ngân hàng Vatican! Thế là những cố gắng của Đức Giáo Hoàng để đưa hoạt động kinh tài của Tòa Thánh vào nề nếp chuẩn mực bị lãng quên, người ta chỉ thích ồn ào về những giao dịch gọi là đen tối hắc ám nào đó mà chẳng ai nắm rõ đầu dây mối nhợ.

II
Xin được suy nghĩ đặc biệt về một vụ phá hoại nữa đối với Đức Benedicto XVI: vụ Trung Quốc.
Năm 2007, Đức Benedicto viết bức thư về Giáo hội tại Trung Quốc. Mục đích là để giải quyết một tình trạng ngang trái đã kéo dài hơn nửa thế kỷ. Từ 1949, Mao Trạch Đông đã làm bá chủ toàn cõi Trung Quốc. Với kiểu làm cách mạng cực đoan của Mao, đáng lẽ tiêu hủy hoàn toàn Giáo hội tại Trung Quốc mới phải. Nhưng đó là điều không thể. Nên một mặt Mao cho lập ra giáo hội tự trị, không nhận quyền Tòa Thánh, mặt khác đàn áp tàn bạo những ai không chấp nhận giáo hội tự trị. Từ đó giáo hội ở Trung Quốc chia đôi. Những người Công giáo toàn vẹn bắt đầu một kiếp sống “hầm trú”. Những ai chấp nhận giáo hội tự trị thì có một chỗ đứng công khai vừa đủ để thoi thóp.
Phải công nhận một điều: trong số những người lãnh đạo giáo hội tự trị, không phải chỉ toàn những người tình nguyện làm tay sai. Có những người đứng trước áp lực quá sức to lớn của cả lục địa Trung hoa trên cộng đồng Công giáo quá thiểu số, đã nghĩ là đành phải chấp nhận tình trạng ấy để Giáo hội khỏi bị tiêu diệt. Nhiều người khác thì tham sống sợ chết nên đành theo giáo hội tự trị, nhưng trong lòng vẫn ý thức sự sai trái của mình, khắc khoải muốn trở về hiệp nhất nhưng không dám. Chính trong bối cảnh ấy mà đã có một vài giám mục đành lòng đứng ra phong chức cho các giám mục mới của giáo hội Nhà nước. Nhu cầu tâm linh đã chứng minh sức sống của mình khi mà cả cuộc Cách mạng Văn hóa khủng khiếp (1966-1976) chẳng những đã không quét sạch được Tôn giáo theo ý muốn điên khùng của Mao mà còn làm cho nhu cầu tôn giáo tăng lên. Cách mạng Văn hóa vừa tàn phai, các Tôn giáo liền có đất nảy nở.
Tình hình có hai giáo hội Công giáo song song: giáo hội quốc doanh và giáo hội “hầm trú”, vào lúc Trung Quốc không còn là một chốn kín bưng với thế giới bên ngoài, càng ngày càng lộ rõ tính cách bất bình thường. Những ai có dịp tiếp xúc với các tín hữu Trung Quốc đều nhận thấy rất nhiều giáo sĩ, tu sĩ của giáo hội tự trị vẫn mong chờ được trở về hợp nhất, còn đông đảo giáo dân của họ thì chỉ chân thành tìm một chốn để cầu nguyện và sống lòng tin vào Chúa mà thôi. Đồng thời Cách mạng Văn hóa đã tạo nên trong lòng nhiều người trước đó vô Tôn giáo một cơn khao khát tâm linh làm xuất hiện những tông đồ mới. Có những doanh nhân Trung Quốc tự nguyện tổ chức rao giảng Tin Mừng và phượng tự cho các công nhân của mình…
Tòa Thánh, từ thời Đức Gioan XXIII, đã có nhiều động thái kêu gọi nhóm ly khai trở về. Bức tông thư công bố vào thời điểm 2007 bày tỏ sự quý trọng của Hội thánh với Trung Quốc, và kêu gọi dân Chúa thống nhất trong đức tin và đức mến. Kết quả bước đầu thấy rõ, mặc dù chính quyền Trung Quốc phản đối, một số giám mục “quốc doanh” đã quy thuận Tòa Thánh. Nhiều linh mục, mặc dù được giáo hội quốc doanh đề nghị lên chức giám mục, chỉ nhận lời thụ phong sau khi được Đức Giáo Hoàng cho phép. Nếu tình hình này tiếp diễn, có thể nói trong khoảng từ 10 đến 15 năm sẽ không còn tình trạng hai Giáo hội tương phản, một Giáo hội Trung Quốc thống nhất sẽ hồi sinh và hoàn toàn hòa nhập với Hội Thánh Hoàn Vũ. Đó sẽ là một biến cố rất lớn cho Giáo hội toàn vùng Á Đông, và có thể tạo ra một tình hình mới cho Giáo hội toàn cầu.
Một dự phóng lớn đến như vậy tất yếu sẽ có người cản phá. Và những người quyền thế chủ trương phá vỡ sự hiệp thông của Công Giáo Trung Quốc với Tòa thánh Phêrô đã tung ra những đòn ác liệt. Họ liên tiếp tấn phong những giám mục mới không cần Tòa Thánh cho phép, họ cưỡng bức nhiều giám mục mới về quy thuận Tòa Thánh phải tham gia vào hiệp thông trong lễ phong chức các giám mục ly khai; họ giam cầm, sách nhiễu tàn bạo những người khẳng khái nói lên lòng trung thành với Đức Thánh Cha là trung tâm hiệp nhất. Tóm lại, càng xuất hiện những khả năng đưa đến hiệp nhất thì càng phải tạo thêm nhiều nguyên cớ để chia rẽ. Đường đến hiệp nhất bây giờ không ngắn nữa mà đã trải dài không biết đến tận đâu. Nhưng một điều chắc chắn là dù ngắn hay dài thì đối với người Công giáo chỉ có một đường, một hướng để đi đến hiệp nhất. Đó là đường Đức Benedicto XVI đã chỉ ra. Những sự chống đối cản phá là cho con đường thêm phần lên thác xuống ghềnh, thêm phần hiểm nghèo chông gai, nhưng không thể thay đổi được hướng đi tất yếu.
Nếu ta nhìn xa một chút vào lịch sử Giáo Hội, thì thấy những gì Đức Benedicto XVI làm cho Trung Quốc không phải là không có tiền lệ. Đầu thế kỷ thứ XIX Đức Giáo Hoàng Piô VII cũng làm một điều tương tự đối với Giáo Hội Pháp. Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã phá tan tành một Giáo Hội công giáo hàng đầu. Từ đó cũng có một giáo hội nhà nước và một giáo hội hầm trú. Đến khi xã hội Pháp đã đi tới tận cùng của sự bát nháo phải trả giá bằng rất nhiều máu và nước mắt, và người ta thèm muốn tìm kiếm sự ổn định vật chất và tinh thần với người hùng Napoléon Bonaparte, Đức Giáo Hoàng Pio VII với sự phụ tá tuyệt vời của Đức Hồng Y Consalvi đã táo bạo nhúng tay giải quyết các vấn đề tồn tại phức tạp ở Pháp. Kết quả là một Giáo hội lớn đã phục hưng. Mặc dù đó là một quá trình dài đầy gian nan khổ ải, Đức Piô VII và các Hồng Y Roma có lúc bị Hoàng Đế Napoléon giam giữ, bắt đi lưu vong ở Pháp mất gần chục năm, nhưng cuối cùng đã thành công rực rỡ.
Cũng lại ở Pháp cuối thế kỷ XIX có một tiền lệ về việc người ta cản phá Giáo Hội, góp phần làm thất bại đường lối sáng suốt của Tòa Thánh. Từ năm 1878, chính quyền của Cộng hòa Pháp đã rơi vào tay của những người muốn bài trừ Hội Thánh. Đa số trong giáo phẩm và giáo dân Pháp lại chủ trương bảo hoàng, để chống lại phe cộng hòa kia. Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã thấy rõ nền quân chủ ở Pháp đã thuộc về quá khứ, không thể phục hưng được. Do đó Đức Thánh Cha yêu cầu Công giáo Pháp đừng bám lấy ngôi vua một cách vô vọng, nhưng hãy chấp nhận những quy luật của chế độ cộng hòa đại nghị, tranh đấu một cách dân chủ để bảo vệ Giáo Hội. Phe chống đạo thấy ngay nếu Công giáo Pháp đi theo khuyến dụ của Đức Giáo Hoàng Leo XIII thì họ có khả năng giành được đa số trên nghị trường. Để ngăn ngừa sự thể đó, phe chống Công giáo càng gia tăng những biện pháp gay gắt chống phá Giáo Hội, để tạo ra sự chống đối quyết liệt giữa Công giáo và chính thể Cộng Hòa. Những biện pháp đàn áp Công giáo một cách khốc liệt được ban hành. Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã qua đời mà không nhìn thấy ước mơ của Ngài về một Giáo Hội Pháp hòa nhập được với kỷ nguyên dân chủ. Phải hơn nửa thế kỷ và hai cuộc thế chiến đẫm máu Công giáo Pháp mới đạt được tư thế như Đức Leo XIII mong ước.
Xem ra Đức Benedicto XVI, cũng như Đức Leo XIII, sẽ không được thấy ước mơ của Ngài về Giáo hội Trung Quốc trở thành hiện thực trong thời gian Ngài tại thế. Tôi có dài dòng hơn về vấn đề Trung Quốc, vì đó là vấn đề sát sườn với Việt Nam và Đông Á nói chung. Lẽ ra đây là một vùng với những truyền thống tâm linh và văn hóa thâm hậu. có thể góp phần quý giá cho Hội Thánh trước những vấn đề khó khăn của thời đại. Tiếc thay, hoàn cảnh trong ngoài về chính trị, xã hội, tâm lý chưa cho phép được sự phát triển đó. Cũng như trong các vấn đề khác đã nêu trên kia, trong vấn đề Giáo Hội tại Trung Quốc, Đức Benedicto XVI đã muốn bắc một cây cầu lớn, và đã có những người ra sức phá cầu.
Sau khi Đức Thánh Cha thoái vị, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, Nguyên Giám Mục Hồng Kong, đã nhận xét: “Đức Benedicto XVI là một vị Đại Giáo Hoàng, một người yêu chân lý. Thiên Chúa là chân lý và con người không thể sống mà không có chân lý. Bất hạnh thay, ngày nay chân lý không phải là cái “hợp thời trang”; cái đang thực sự chế ngự ngày nay, là cái mà Đức Benedicto XVI đã gọi là “nền chuyên chính của chủ nghĩa tương đối…” Ngài đã luôn vững tay lái hướng Giáo Hội theo chân lý… Đó là phần đóng góp của Ngài cho văn hóa thế giới và cũng cho Trung Quốc nữa” và ở đây, Đức Hồng Y nhắc đến bức thư Ngài gửi Giáo Hội Trung Quốc năm 2007.
Tóm lại, từ chuyện nội bộ Giáo Hội cho đến tín hiệu gửi bên ngoài, trong tám năm ở ngôi, Đức Benedicto XVI kiên trì bắc những cây cầu tìm đến những bến bờ trong sáng, hiệp thông, hòa bình. Và thế gian cũng kiên trì không kém, bằng đủ kiểu đủ cách, mỗi lần lại ra sức phá cây cầu. Không biết trong lòng Ngài cảm thấy thế nào, chỉ biết cụ già ấy vẫn một giọng nói ôn tồn, nhỏ nhẹ đều đều, cứ nhất mực bình tĩnh đi về hướng mơ ước. Hình như trong sứ mệnh của Ngài có cả nhiệm vụ minh họa một dụ ngôn của Chúa Giêsu “Ta phải ví thế hệ này với ai? họ như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau nói rằng; tụi này thổi sáo sao đằng ấy không nhẩy múa; tụi này hát bài đưa đám, sao đằng ấy không khóc than” (Lc.7,31-32).
Đức Benedicto XVI là người gieo mầm cho ai khác gặt.
Nguyên nhân sâu xa của sự trạng ấy là vì Ngài sống trong cõi thanh sáng của Thiên Chúa là tình yêu và niềm vui của đức tin, còn thế gian thì còn mải mê những chuyện ăn thua đủ về tình, tiền, quyền lực. Cùng nói những âm thanh giống nhau, mà thực ra ngôn ngữ và ý nghĩa lại khác nhau. Nhưng Ngài không nản lòng, vì Ngài thấy rõ sớm hay muộn rồi người ta cũng phải tìm đến và đối diện với sứ điệp của Ngài. “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một người gieo hạt giống vào lòng đất. Đêm ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa mầu, cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt vàng” (Mc.4,28-28)
Vũ Khởi Phụng
Kỳ sau: Khi Người Bắc cầu sang bờ bên kia.
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét