LTCGVN (05.03.2013)
Sài Gòn – vào lúc 14 giờ, thứ Bảy ngày 2 tháng 3 năm 2013, tại hội trường G.B Phạm Minh Mẫn thuộc Trung tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề “Những dấu ấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong đời sống Giáo hội Công giáo” do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trình bày. Các tham dự viên của buổi sinh hoạt đến từ các học viện dòng tu nam nữ, các giảng viên và học viên Học viện Mục vụ TGP và giáo dân thuộc các Giáo xứ.
Mục đích buổi sinh hoạt nhằm bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sau gần tám năm trị vì và cùng hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ trong thời điểm đặc biệt cầu nguyện và chờ đón vị tân Giáo hoàng.
Trong bài trình bày hơn một tiếng, Đức Giám Mục phụ tá TGP Sài Gòn đã khái quát vài nét về Đức Giáo Hoàng (ĐGH) trong 3 điểm. Đức Biển Đức XVI “như vị Giáo hoàng của Vaticanô II”, Đức Biển Đức XVI “như vị Giáo hoàng của giảng dạy”, và Đức Biển Đức XVI như “vị Giáo hoàng nối kết thần học với linh đạo và đời sống Kitô hữu”
Đức Biển Đức “là người gắn bó với Công đồng Vaticanô II”
Nêu lên sự kiện cha Joseph Ratzinger đã tham dự Công đồng (CĐ) Vaticanô II khi còn là một linh mục trẻ trong tư cách cố vấn thần học cho ĐHY Joseph Frings (một thành viên của Ủy ban chẩn bị cho Công đồng) cùng với cơ hội được tiếp xúc các tài liệu chuẩn bị cho CĐ, Đức cha Khảm cho thấy ĐGH gắn bó với Công đồng như thế nào.
Tiếp đó, Đức cha nhấn mạnh vai trò ĐGH trong việc xác định lối giải thích đúng nghĩa cho CĐ là canh tân trong tính liên tục với các CĐ trước đó, “như một dòng chảy liên tục trong Hội Thánh”. Việc giải thích CĐ “đoạn tuyệt với quá khứ” đã gây ra nhiều đổ vỡ trong đời sống Giáo Hội.
Ví dụ thể hiện rõ việc ĐGH Biển Đức XVI ưu tư về “tính liên tục” của CĐ là khi Ngài lấy làm tiếc trước quyết định của ĐGH Phaolô VI cấm hoàn toàn việc sử dụng sách Lễ cũ (sách Lễ trước CĐ Vaticanô II). Hồi ký của Ngài ghi lại “như vậy là đặt công trình này chống lại công trình kia, Phụng vụ không còn là sự phát triển sống động của một thân thể mầu nhiệm nhưng chỉ còn là sản phẩm của nghiên cứu và quyền bính” Và sau này khi trở thành Giáo hoàng, Ngài đã cho phép dâng lễ bằng tiếng Latinh và vẫn xác định phụng vụ mới sau CĐ Vaticanô II là hình thức chính thức.
Người ta sẽ “nhớ đến Đức Biển Đức XVI như vị Giáo hoàng của giảng dạy”
Bước sang điểm thứ hai, Đức cha Khảm cho rằng sẽ có nhiều điểm để người ta nhấn nhưng ngài nhận xét mặt mạnh nhất của ĐGH vẫn là giảng dạy. Cả cuộc đời Ngài dành phần lớn thời gian để giảng dạy thần học.Và khẩu hiệu Giám mục “Cộng tác của viên chân lý” đã phần nào nói lên điều đó.
Khi đã trở thành Giáo hoàng. Trong các buổi triều yết chung thứ tư hàng tuần, Ngài triển khai các đề tài giáo lý liên quan trực tiếp đến đời sống đức tin như các thánh Tông đồ, các Giáo phụ, thánh Phaolô, cầu nguyện Thánh vịnh v.v.. Đặc biệt, số lượng người tham dự theo thống kê còn đông hơn trong thời Đức Chân Phước Gioan Phaolô II. Tiếp đến là 3 thông điệp Ngài đã để lại trong triều đại của mình bao gồm “Thiên Chúa là Tình Yêu”, “Niềm hy vọng Kitô giáo”, “Bác ái trong sự thật” . Bên cạnh đó là tác phẩm “Đức Giêsu thành Nadarét”, mà theo Đức cha Khảm nhận xét “không chỉ là một cuốn sách đạo đức thiên liêng mà nó là một tác phẩm mang tính nghiên cứu thần học và chú giải Kinh thánh”, cuốn sách mà Đức Biển Đức ấp ủ trong nhiều chục năm làm giáo sư thần học, rồi khoảng thời gian làm Tổng trưởng bộ Giáo lý Đức tin giúp Ngài tiếp cận được nhiểu vấn đề.
Tuy nhiên, chính Đức Biển Đức XVI bộc bạch mình có giới hạn về mặt điều hành nên hẳn Ngài phải rất đau khổ trước các vụ việc xảy ra trong triều đại của mình như linh mục lạm dụng tình dục, ngân hàng Vatican, rò rỉ thông tin mật của Vatican (Vatilieaks).
Linh đạo kenosis, linh đạo “hủy mình ra không”
Dẫn vào điểm cuối cùng, Đức Biển Đức XVI như vị Giáo hoàng nối kết thần học với linh đạo, Đức cha Khảm trình bày bối cảnh làn sóng tục hóa không chỉ ảnh hưởng bên ngoài và ngay cả trong Giáo hội. Đứng trước nguy cơ biến thần học thành một môn khoa học và Thiên Chúa như một đối tượng để nghiên cứu và người ta không nói với Thiên Chúa trong cầu nguyện như gặp gỡ một Đấng đang sống nữa, thì Đức Biển Đức XVI là hình ảnh một nhà thần học nối kết với đời sống Kitô hữu.
Quan điểm trên được Ngài thể hiện rõ trong cuốn Dẫn vào Kitô giáo (Đức Kitô Hôm Qua, Hôm Nay và Mãi Mãi) “Giáo hội hiện diện tốt nhất không phải bởi tổ chức, cải tổ, điều hành nhưng nơi những con người đơn sơ tin tưởng và đón nhận từ Giáo hội hồng ân đức tin cũng là sức sống cho họ”. Trong một khác biểu khác Đức Biển Đức XVI nói “canh tân đích thực là nỗ lực làm cho những gì của chúng ta biết mất càng nhiều càng tốt để những gì của Chúa Kitô rõ nét hơn”.
Vậy thì Ngài quan tâm đến linh đạo nào nếu nói Ngài là vị Giáo hoàng nối kết thần học với linh đạo? Đức cha nói tiếp, đó là linh đạo kenosis (linh đạo “hủy mình ra không”). Dẫn chứng cho điểm này Đức cha gợi lại một câu chuyện. Khi Đức Biển Đức XVI được bầu làm Giáo hoàng năm 2005, Ngài muốn thánh lễ khai mạc triều đại Giáo hoàng của mình được cử hành phía bên trong đền thánh Phêrô chứ không phải ngoài quảng trường.
“Lý do là Ngài muốn có một cử hành Phụng vụ đúng nghĩa,trang trọng”, “Ngài muốn cử hành ấy làm nổi bật khuôn mặt Chúa Kitô chứ không phải khuôn mặt của Giáo hoàng”. “Đây là một bài học rất lớn cho chúng tôi là những Giám mục, Linh mục”.
Dấu ấn đặc biệt mà Đức Biển Đức XVI để lại cho Đại hội Giới trẻ Thế giới là những giờ phút thinh lặng bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Cuối cùng là quyết định từ nhiệm khi Ngài thấy sức khỏe sa sút của mình không thể đảm đương trước một xã hội thay đổi rất mau chóng, đặt ra nhiều vấn nạn cho đời sống đức tin. Ngài đã “chiêm niệm và đã sống như vậy”.
Vững tin vào quyết định của Đức Giáo hoàng
Buổi sinh hoạt bước sang phần hỏi đáp tự do của các tham dự viên với Đức cha Khảm. Nhiều tham dự viên bày tỏ sự hoang mang khi có nhiều nguồn tin suy đoán việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng là do sự ép buộc cũng như ảnh hưởng của quyết định này đối với Hội thánh. (Nội dung chi tiết xin xem tin 2)
Phần trả lời của Đức cha phụ tá đã giúp các tham dự viên thấy rõ nhiều điều. Cô Xuân Hiển (Gx.Hà Đông, Q.Gò Vấp), một tham dự viên đã nhận xét buổi nói chuyện đã giúp cô đánh tan mây mù hoang mang và lo lắng trước đây khi cô nghe tin Đức Giáo Hoàng từ nhiệm.
Cùng cảm nhận trên, một giáo lý viên của Gx.Tam Hải, anh Tuấn Anh chia sẻ : giờ đây anh tin quyết định của ĐGH là một quyết định đúng đắn. Vào thời điểm biết tin vị lãnh đạo của Giáo hội từ nhiệm, anh Tuấn Anh cũng rất bất ngờ, anh và nhiều giáo lý viên khác đã cầu nguyện nhiều cho Đức Giáo Hoàng.
Trong bức thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa (phát hành hôm XVI tháng 2) về quyết định từ nhiệm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGM VN đã thay mặt cho toàn thể dân Chúa VN viết thư đệ trình lên Đức Thánh Cha nhằm bày tỏ lòng yêu mến, tri ân và ngưỡng mộ của Giáo hội VN đối với Ngài.
Đồng thời Đức cha chủ tịch cũng mời gọi mọi người “đặt mình dưới ánh sáng Lời Chúa, lắng nghe ý nghĩa dấu chỉ thời đại mà Chúa Thánh Thần muốn ban cho Giáo hội, để có thể bình tĩnh khám phá điều Thiên Chúa muốn cho Giáo hội và cho chúng ta. Trong đức tin, chúng ta đón nhận và trân trọng quyết định của Đức Thánh Cha, một quyết định hoàn toàn tự do và ý thức đầy đủ trước mặt Thiên Chúa và vì lòng yêu mến Giáo hội”.
Pv.VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét