Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Giáo dân và Giáo Luật


Giáo dân và Giáo Luật
BBt Nữ Vương Công Lý:
Để mọi vấn đề trong Giáo hội Công giáo được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ và thống nhất, không một Đức Giáo Hoàng hay Giám mục nào có thể đi đến từng chi tiết mọi sự việc ở mọi thời điểm trên mọi khía cạnh. Muốn được như vậy, điều không thể không biết hoặc không triệt để sử dụng làm căn cứ hành xử trong mọi mặt đời sống Giáo hội là Giáo Luật.
Nữ Vương Công Lý nhận được tập tài liệu của Linh mục Vincente Trần Tam Tỉnh, Tiến sĩ Giáo Luật bàn về một số vấn đề trong Giáo hội, giaó luật và đời sống Giáo dân. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải để độc giả dùng như một tài liệu tham khảo và áp dụng.
Mọi vấn đề thắc mắc, ý kiến hoặc các câu hỏi cho những trường hợp vướng mắc về Giáo Luật, Bạn đọc có thể gửi về cho chúng tôi theo hộp thư nuvuongcongly@gmail.com.

LỜI NÓI ĐẦU:
Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, trong Tông Hiến Sacrae Disciplinae Legesban hành bộ  Giáo Luật mới ngày 25 tháng giêng 1983, Giáo Luật là một dụng cụ hữu hiệu để thăng tiến tinh thần Công Đồng Vatican II, và để Giáo Hội chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin mừng, ban hành bí tích và điều chỉnh mối tương quan giữa các tín hữu với nhau dựa trên công bình và bác ái  nhờ việc xác định và bảo đảm quyền  lợi của cá nhân cũng như của cả cộng đồng.
Sống đạo theo Giáo Luật là sống trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau như con cái sự sáng: “Giờ đây không còn được phép không biết luật nữa: các mục tử có được những quy luật chắc chắn để điều hành đúng đắn công việc mục vụ; từ nay mọi người có đủ tư cách để nhận biết quyền lợi và nhiệm vụ riêng mình, và cái lối làm theo ngẫu hứng được bịt lại[1]; những lạm dụng xâm nhập vào đời sống kỷ luật Giáo Hội vì thiếu luật, có thể dễ dàng được tẩy trừ và ngăn chặn; và sau cùng, tất cả các việc tông đồ được thiết lập hay khởi sự, chắc chắn có được chỗ dựa  để tiến triển và bành trướng, vì một trật tự phát huy  lành mạnh là tuyệt đối cần thiết để cộng đồng Giáo Hội cường thịnh, thăng tiến và triển nở[2] .

Mấy dòng chính xác trên nói lên sự cần thiết của Giáo Luật nói chung, và của Bộ Giáo Luật 1983 nói riêng. Nếu dân một nước cần “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” thì mọi tín hữu, từ người bé nhất trong Nước Trời đến các mục tử, cũng phải biết và thực hành Giáo Luật, để Nước Chúa trở  nên “thiên đường  dưới thế” và như vậy thu hút những người chưa biết Chúa gia nhập đoàn chiên. Xã  hội văn minh là một xã hội pháp quyền. Giáo Hội qua bao nhiêu thế kỷ cũng là  một  xã  hội  pháp quyền.
Theo Tông hiến “Sacrae Disciplinae leges”, ban hành ngày 25 tháng giêng năm 1983, Đ.G.H. Gioan Phaolô II tuyên bố: Để mọi người  có thể tìm hiểu và lĩnh hội tường tận những quy định này (của Bộ Giáo Luật), trước khi  Bộ Luật có hiệu lực pháp lý. Chúng tôi tuyên bố và quyết định các quy định ấy chỉ có hiệu lực pháp lý kể từ ngày đầu tiên của Mùa Vọng  năm 1983 …  Do đó, chúng tôi kêu mời tất cả mọi tín hữu hãy tuân thủ các quy tắc đã được đề xuất, với một tâm hồn chân thành và thiện chí….”
Tác giả những dòng sau đây không có tham vọng gì khác, ngoài việc cống hiến cho bạn đọc một vài nhận định cần thiết để, cùng với các bạn đồng đạo, diễn đạt hình ảnh Giáo Hội theo đúng tinh thần Phúc Âm và theo Công Đồng Vatican II. Những câu hỏi chúng tôi đưa ra trong những trang này là những thao thức của nhiều tín hữu, thao thức đôi khi không dám nói ra công khai vì kính nể “các đấng các bậc”(sic)
Chúng tôi mạn phép dùng loại văn hỏi- thưa để bạn đọc không gặp những câu văn quá khô khan thường gặp trong các văn bản về pháp luật. Tuy nhiên, đôi khi nếu cách hành văn chưa đủ sáng, xin bạn đọc góp ý, và nhiều khi sự hiểu biết còn hạn chế, xin các vị bổ sung. Tác giả rất sung sướng được những  lời chỉ  giáo của các bậc thức giả.
Dươi đây, chúng tôi lần lượt trả lời một số  thắc mắc về thực thi Giáo Luật 1983. Nếu chúng tôi thỉnh thoảng phải trích luật bằng tiếng latinh, vì là nguyên văn Giáo Luật, và tiếng La tinh vẫn là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội  Roma [3].   Vì lý do riêng tư của tác giả, các vấn đề được giải đáp trong bài này  không theo thứ tự của Bộ Giáo Luật[4].
Câu hỏi 1Các quy luật trong Giáo luật 1917 còn có hiệu lực không ?
Thưa : Không. (GL điều 6 #1,1). Lý do vì trong Giáo Hội không thể cùng một lúc áp dụng những luật đôi khi xung khắc nhau. Thí dụ: Giáo luật 1917 điều 454 phân biệt hai trường hợp a/ cha xứ “có thể chuyển đổi” ;  b/ cha xứ “không thể chuyển đổi.
Giáo luật 1983 điều 522 quyết định: “cha xứ phải được hưởng sự ổn định; vì thế ngài phải được bổ nhiệm cho một thời gian vô hạn; Giám Mục Giáo Phận có thể bổ nhiệm cha xứ cho một thời gian hữu hạn, nếu Hội Đồng Giám Mục đã chấp nhận điều đó qua một sắc lệnh. Lý do “ổn định của cha xứ” là ngài cần thời gian ổn định để quen biết “con chiên” ngài có trách nhiệm hướng dẫn. (Theo sự hiểu biết hạn chế của chúng tôi, hình như Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chưa tuyên bố sắc lệnh liên quan về vấn đề này. Hiện nay, nhiều Hội Đồng Giám Mục thế giới đưa ra con số hạn định tối thiểu nhiệm kỳ 6 năm, như ở Canada, Pháp, Thụy Sỹ, Hội Đồng các Giám Mục Bắc Phi…).
Câu Hỏi 2:  Các lề luật  địa phương trước năm 1983 còn phải tuân giữ hay không ?
Thưa:  Thứ nhất, bộ Giáo luật ban hành 1917 hết hiệu lực (GL 1983,khoản 6 #1)
Thứ hai, những luật phổ quát ngược với quy định của Giáo Luật 1983 đều vô giá trị (GL. 1983, 6#2);
Thứ ba; những luật địa phương ngược lại các quy định của Luật 1983 cũng hết giá trị, trừ khi Giáo quyền tuyên bố công khai là còn  giá trị (GL 1883,6 #2).
Nói chung, khi nói về luật địa phương trái ngược lại Giáo Luật 1983, phải có chứng cớ – qua văn bản –  l  Giám mục Giáo phận đã công bố luật đó sau năm 1983.
Lúc đó, có thể vì Giám mục không còn  thông công với Giáo Hội Roma (!)
Câu hỏi 3: Tại sao có Giáo Luật 1983 ?
Thưa: Thứ nhất, để mọi người thời nay, chung sống trong một cộng đồng văn minh, sống như những tín hữu yêu Chúa ,yêu Giáo Hội .
Thứ hai, trong mọi thời, vì là một cộng đoàn  tập họp những người “tin ở  Cha Ki-tô” tức Ki-tô hữu, Giáo Hội luôn có những luật lệ để những người cùng một đức tin cùng chung sống trong một “gia đình thiêng liêng, cùng  chung sống một đời sống hòa hợp, thông hiệp với nhau trong lời nói, việc làm cũng như trong cung cách sống đạo hay giữ đạo. Nhưng mỗi thời đại, cuộc sống có nhiều đổi thay, nên các nhà lãnh đạo Giáo Hội thiết lập những Giáo Luật liên  quan đến việc quản trị nội bộ, đến thực thi các bí tích, đến giải quyết các vấn đề có liên quan đến những biến đổi hay tiến triển của x hội  loài người. Đầu thế kỳ XX, Đức Giáo Hòang Pi- ô X ban hành Bộ Giáo Luật 1917, một bộ Giáo Luật ngắn gọn, tiên tiến, sưu tập các luật từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ hai mươi.
Nhưng Giáo Hội không ngừng ở thế kỷ 20. Ngay trong Công đồng Vatican II (1962-1965), các nghị phụ đã thấy những canh tân của Công đồng sẽ không thể hiện được  nếu không có một khung cảnh pháp lý thích ứng. Vì thế ngay từ ngày 26 tháng giêng 1959, ĐGH Gioan XXIII đã thiết lập một ban nghiên cứu tu chỉnh Giáo Luật. Qua 24 năm, qua ba đời Giáo Hoàng ( Gioan XXIII, Phao LôVI, Giáo an PhaoLô I ) ngày  25 tháng 1983), ĐGH Gioan-Phaolo II chính thức ban hành Bộ Giáo Luật 1983. Ngài nói: “các luật lệ của Giáo Luật tự  bản tính buộc phải được tuân giữ… Chúng tơi kêu mời tất cả mọi tín hữu hãy tuân thủ các quy tắc được  đề xuất với một tâm hồn chân thành và thiện chí, trong niềm hy vọng rằng kỷ luật canh tân của Giáo Hội sẽ lại khởi sắc, để phần rỗi các linh hồn  càng ngày càng được  cổ vũ, nhờ sự trợ giúp của Đức Trinh nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội”[5].
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của Giáo Luật, Ngài thêm:  “Giờ đây không còn  được phép không biết luật nữa; các mục tử có được những quy luật chắc chắn để điều hành đứng đắn công việc mục vụ; từ nay mỗi người có đủ tư cách để nhận biết quyền lợi và nhiệm vụ riêng mình , và cái lối làm theo ngẫu hứng được bít lại. Những lạm dụng xâm nhập vào đời sống kỷ luật của Giáo Hội, vì thiếu Luật, có thể dễ dàng được tẩy trừ và ngăn chặn ….”[6] .
Câu Hỏi  4: Tại sao giáo dân Việt Nam nói chung vẫn ít được học hỏi Giáo Luật?
Thưa: Chúng tôi nhường câu trả lời cho các Đấng có thẩm quyền. Một trong những lý do có lẽ là bản dịch Giáo Luật 1983 chỉ được chính thức ra đời ở Việt Nam năm 2007, nghĩa là “ sau 23 năm chờ đợi” như lời tuyên bố của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn,Tổng Thư Ký HĐGMVN ngày 29/06/2006.
Theo Công Đồng Đông Dương họp năm 1934 tại Hà Nội, có hiệu lực năm 1938, điều 79,mỗi linh mục Việt Nam phải có bộ Giáo Luật (và tài liệu Công Đồng) và phải luôn luôn nghiên cứu[7]. Xin phép nhắc đây để giáo dân cũng theo gương các ngài.
Câu hỏi 5: Giáo dân có cần biết giáo luật hay không?
Thưa : Nhiều người lầm tưởng rằng Giáo Luật chỉ là các cơ chế mà Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các Linh Mục dùng để quản trị giáo dân, và như vậy giáo dân chỉ cần vâng lời như người con ngoan. Nhận định đó rất nguy hiểm, vì phản lại chương trình giáo luật 1983, bộ giáo luật mà hàng ngàn chuyên viên vất vả trong 24 năm trường sau Công Đồng Vaticanô II. Công Đồng mong muốn canh tân và cải tổ Giáo Luật 1917 với mục đích là phục hưng đời sống Kitô Giáo. Giáo luật 1983 nằm trong đường hướng mà Thánh Phaolô đã đề cao trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: (1Cr 12,12-21).
Thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đã chịu phép rửa trong một Thần Khí để trở nên một thân thể…thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân nói: “ tôi không phải là tay nên tôi không thuộc về thân thể” thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: “tôi không phải là mắt vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai thì lấy gì mà ngửi?
Nhưng thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn… Vậy anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Giáo Hội, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông đồ, thứ hai là các Ngôn sứ, thứ ba là các Thầy dạy… chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là Ngôn sứ? Ai cũng là Thầy dạy sao?…Giả như tôi có nóiđược các thứ tiếng của loài người và của các Thiên Thần đi nữa mà tôi không có đức Bác ái thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng” Qua những dòng trên, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: Giáo Hội là một thân thể có nhiều bộ phận liên đới với nhau bằng mối liên quan mật thiết: mối liên quan đó là Giáo Luật dựa trên Bác ái. Theo Công Đồng Vaticano II, “ nếu Chúa phân biệt những thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Chúa, thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hợp nhất, vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung(…). Như thế, tuy khác biệt nhau nhưng tất cả đều làm chứng sự duy nhất kỳ diệu trong thân thể Chúa Kitô… Vì thế, nhờ lòng ưu ái của Thiên, Giáo Dân được là anh em Chúa Kitô, Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ ( Mt 20,28)… Thánh Augustinô đã dùng những lời tuyệt diệu sau đây để nóilên điều đó: “ một đàng tôi sợ vì thuộc về anh em, đàng khác tôi an ủi vì ở với anh em. Cho anh em tôi là Giám Mục, với anh em tôi là Kitô hữu. Giám Mục là tên chức vụ, Kitô hữu là tên ân huệ, Giám Mục là danh hiệu nguy hiểm, Kitô hữu là đem lại ơn Cứu Độ”.[8]
Giáo Luật có nhiệm vụ điều hòa cuộc sống thiêng liêng, công minh và hữu hiệu của Giáo Hội như trong thân thể của Chúa Kitô: Giáo Hoàng, Giám Mục, Giáo Sĩ mà không có giáo dân thì không có Giáo Hội. Và những đấng bậc vừa nhắc ở trên không có Giáo Luật thì không có thể thành Thân Mình của Đức Kitô. Chúng ta biết Giáo Hội sống trong Bác ái nhưng Bác ái phải được sống trong nề nếp của quy luật mà Giáo Hội gọi là Giáo Luật. Nếu mỗi Giáo dân là bộ phận của Giáo Hội như mỗi Giám Mục, Linh Mục, thì Giáo dân phải được hiểu biết luật như các Ngài.

[1] Nguyên văn Bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam , trong Bộ Giáo Luật1983, Lời tựa, tr.29. Câu cái lối làm theo ngẫu hứng được bịt lại” (et arbitrio in agendo via praecluditur) “có lẽ nên dịch đơn giản hơn” và cấm không được làm tuỳ tiên (tùy hứng)
[2] Bộ Giáo Luật1983, Lời tựa, tr.29”
[3] Theo chúng tôi được biết, hiện nay ở Việt Nam, có hai bản dịch được lưu hành :
1/ Bản “Bộ Giáo  luật”, Nguyệt San Trái tim Đức Mẹ xuất bản 1986,
2/ Bản “Bộ Giáo Luật 1983” , của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam , Nhà xuất bản tôn giáo Hà Nội 2006.
[4] Xin đọc Hoàng Vinh Sơn,  DÂN CHÚA HIỆP THÔNG TRONG TÌNH BÁC ÁI  VÀ GIÁO LUẬT.
[5] Hội đồng Giám mục Việt Nam, BỘ GIO LUẬT 1983, Nhà xuất bản Tôn Giáo Hanoi 2007, tr.14
[6] Sach đã dẫn, tr.29 , TỰA.
[7] Primum CONCILIUM INDOSINENSE ANNO 1934,Hà nội 1938, số 79
[8] Hiến chế tín lý về Giáo Hội ch. IV, 32
(Còn tiếp)
(Bài do tác giả gửi riêng cho Nữ Vương Công Lý)
Linh mục Vinh Sơn Trần Tam Tỉnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét