Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

An ninh Long An và sinh viên Phương Uyên



LTCGVN (08.03.2013) – Luật sư Nguyễn Thanh Lương, một trong hai người nhận bào chữa cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên cho biết ông đã được an ninh tỉnh Long An sắp xếp cho gặp Phương Uyên hôm 6/2/2013 (trước Tết Quý Tỵ), nhưng không phải để ông thực thi chức năng luật sư bào chữa mà để chứng kiến màn kịch của an ninh bày ra, với hy vọng luật sư Lương sẽ nói với bên ngoài rằng Phương Uyên đã được đối xứ đúng pháp luật! Quả thật, đây là một trò bịp ngớ ngẩn mà chỉ có những cái đầu vĩ đại của “đỉnh cao trí tuệ” mới nghĩ ra và dám thực hiện.
Cho dù chỉ có 10 phút, nhưng quan sát những hành vi của an ninh Long An và thái độ, lời nói của Phương Uyên, luật sư Lương khẳng định rằng: “Buổi làm việc này là nhằm phục vụ yêu cầu của cơ quan điều tra muốn thể hiện cho luật sư hiểu về tình trạng giam giữ hiện nay của Phương Uyên”. 

Luật sư Lương nói thêm rằng buổi hỏi cung này hoàn toàn không phục vụ cho nhu cầu công việc của ông và vai trò của ông “hoàn toàn bị động”. Ông Lương nói với đài BBC: “Trước buổi làm việc, tôi có đặt ra hơn 10 câu hỏi để kiểm chứng thông tin liên quan đến hành vi của Phương Uyên nhưng không được chấp nhận vì cơ quan điều tra nói họ đã hỏi những ván đề đó rồi và đã có trong hồ sơ”.
Vậy thử hỏi: an ninh có được quyền áp đặt và lạm dụng quyền hành đối với luật sư bào chữa như vậy không? Yêu cầu Viện kiểm sát tỉnh Long An thanh tra những hành vi của công an trong vụ việc ngày 6/2/2013 xem có đúng những qui định của Bộ luật tố tụng hình sự hay không? Điều 36 khoản 2 mục đ qui định: “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: đ) Quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra;” Nếu cơ quan điều tra công an tỉnh Long An lạm quyền trong việc đưa luật sư bào chữa vào ngồi chứng kiến an ninh diễn tuồng thì “Viện trưởng Viện kiểm sát” tỉnh Long An phải làm gì? Thực tế có dám làm hay sợ an ninh?
Công an VN luôn ngồi xổm trên luật pháp để có thể tự do gây áp lực lên bị can và gia đình họ. Ai đã trải qua những ngày tạm giam mới thấy hãi hùng thế nào. Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, sau phiên xử ngày 30/10/2012 đã nói với gia đình thà chấp nhận ra trại giam chứ không muốn kháng cáo vì sự tra tấn, nhục hình của Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra là một điều ám ảnh đối với anh. Những điều cấm trong Bộ luật tố tụng hình sự đều được Cơ quan điều tra đem ra áp dụng, như lấy cung nửa đêm, mớm cung,… Anh Bình sợ nếu kháng sẽ bị tạm giam thêm để “điều tra”.
Điều 58 khoản 2 qui định về “Quyền của người bào chữa” (luật sư)
a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
e) Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam;
Tại sao trong mục a) lại cho Điều tra viên cái quyền “đồng ý”, trong khi việc hỏi bị can là quyền của luật sư? Như vậy, quyền của Điều tra viên có làm cản trở công việc độc lập của luật sư hay không? Tại sao quyền của luật sư lại phải tùy thuộc vào ân huệ “xin – cho” của Điều tra viên?
Tuy không thực thi được công việc của luật sư nhưng ông Nguyễn Thanh Lương cũng đủ khả năng để nhận ra rằng: những câu trả lời của Phương Uyên “rất máy móc” và tâm trạng “không được thoải mái”. 
Vẫn còn nhiều uẩn khúc trong vụ việc của 2 sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Chỉ sau khi bắt 2 sinh viên này vài tuần, ngày 4/11/2012 các báo đài lề đảng đồng loạt đưa tin rằng Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã nhận tội, hối hận và xin khoan hồng. Nếu đã nhận tội thì tại sao điều tra hơn 4 tháng qua vẫn chưa xong? Trong khi Cơ quan điều tra nói với luật sư Lương rằng quá trình điều tra chưa kết thúc, việc cho ông vào gặp Phương Uyên là “ban ơn”, thì mẹ Phương Uyên là bà Nguyễn Thị Nhung lại được Viện kiểm sát tỉnh Long An thông báo rằng quá trình điều tra đã kết thúc và hồ sơ đã được chuyển qua Viện kiểm sát!
Vậy đâu là sự thật trong vụ án của sinh viên Nguyễn Phương Uyên? Cơ quan điều tra luôn luôn lạm quyền là một sự thật chứng minh được…
Hay để ngăn cản làn sóng đòi xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp 1992 trong những ngày qua mà ban tuyên giáo quyết định khơi lên vụ này để kéo dư luận về hướng khác? Sự việc chiều hôm qua, an ninh tỉnh Long An đã cướp tài sản và bắt tùy tiện blogger Đinh Nhật Uy, anh trai của Đinh Nguyên Kha là hành vi chứng minh lời khẳng định này.
HM
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét