Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

BẢO VỆ SỰ SỐNG LÀ CHỐNG LẠI TỘI KIÊU NGẠO

LTCGVN (10.04.2014)

Kinh Thánh đã chỉ ra nguyên nhân của mọi bất hạnh xẩy đến cho con người chính là tội kiêu ngạo với mức độ tuyệt đối: con người bị cám dỗ muốn tự mình trở thành Đức Chúa theo sự ngông cuồng của mình.

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng. Nó nói với người đàn bà: “Ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân ( x. St 3, 1 – 7 ).

Hậu quả xẩy đến tức thì là cả con rắn lẫn con người lẫn đều bị Đức Chúa trừng phạt nặng nề.

Con rắn phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời nó ( x. St 3, 14 ). Con người phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn cho đến khi trở về với đất ( x. St 3, 19 ).

Ngày nay người ta đã nhận ra con rắn thực ra đã làm ơn mắc oán, chịu hàm oan khi bị con người ghét bỏ và cố sức tận diệt trong mấy ngàn năm qua. Nó góp phần làm cho cân bằng sinh thái khi tiêu diệt rất hiệu quả các loài chuột bọ chuyên phá hoại mùa màng.

Có một số người khi còn sống ngông cuồng kiêu ngạo đã đành. Họ đã tiến lên đường vinh quang xây trên sự bất hạnh của người khác. Nhưng chết rồi, sự kiêu ngạo của họ vẫn còn ngự trị khắp nơi qua ảnh tượng và sách báo tâng bốc họ.

Nhưng chị Crystal Kelley, 29 tuổi, mới đây đã có một định nghĩa khác về kiêu ngạo. Với định nghĩa này thì rất đông người hiện nay đang mắc phải. Theo chị Kelley, kiêu ngạo chính là phá thai dù với bất cứ nguyên do gì. Khi phá thai, con người đã muốn trở thành Thiên Chúa.

Chị muốn mang thai hộ ( từ bình dân gọi là đẻ thuê ) cho một ai đó để nhận được số tiền thù lao là 22 ngàn đôla. Ngày 8.10.2011 chị đã được đặt vào tử cung trứng đã thụ tinh của một cặp vợ chồng. Mọi sự diễn biến tốt đẹp cho tới tháng thứ 5 của thai kỳ. Cuộc siêu âm tại Bệnh Viện Hartford tìm ra là thai nhi bị hở vòm miệng ( từ bình dân gọi là sứt môi ), có một khối u trong não, không những thế, tim thai còn có vấn đề.

Bác sĩ phụ khoa Gianferrari và Ciarleglio, nhà tư vấn về gene, cho rằng biện pháp nhân đạo nhất là chấm dứt thai kỳ ( từ bình dân gọi là phá thai ). Cha mẹ về mặt sinh học thật của thai nhi ( hai người có trứng đã thụ tinh ) quyết định không giữ lại thai nhi nữa. Họ lập luận rằng chị Kelley phải cố gắng có lòng thương xót giống như Thiên Chúa và phải để thai nhi thanh thản ra đi. Ngoài ra, chị còn được thưởng thêm 10 ngàn đôla nếu chịu cho phá thai. Nhưng chị Kelley lại không chấp nhận giải pháp này. Chị cho rằng vẫn phải cho thai nhi một cơ hội để sống và ngay cả cha mẹ thật của thai nhi cũng không thể tiếm quyền quyết định của Thiên Chúa được.

Người đại diện cho cha mẹ của thai nhi, vẽ ra viễn cảnh cuộc sống vất vả cơ cực căng thẳng của chị Kelley sau này nếu sinh ra một đứa con khuyết tật như thế. Những đứa con khác của chị cũng sẽ bị vạ lây. Sau đó chị được thông báo, nếu không phá thai chị sẽ phải trả lại số tiền đã được nhận khi mang thai hộ là 8 ngàn đôla, ngoài ra còn phải trả các chi phí về dịch vụ pháp lý ( lớn gấp hàng chục lần ). Những lời đe dọa này không làm chị Kelley chùn bước.

Cha mẹ của thai nhi liền đổi chiến lược. Họ không ép chị phá thai nữa mà lại dành quyền nuôi con. Theo luật của bang Connecticut, trẻ sơ sinh dưới 1 tháng có thể bị cha mẹ bỏ rơi một cách hợp pháp. Muốn giữ lại thai nhi, chị Kelley chỉ còn cách dọn qua bang Michigan nơi luật pháp chỉ công nhận quyền làm mẹ của người mang thai chứ không phải người cho trứng thụ tinh. Chị chỉ là một người mẹ đơn thân không nghề nghiệp và nơi cư trú nhất định.

Chị sinh con đúng thời hạn vào ngày 25 tháng 6 nhưng em bé bị tím tái, không thở được, tim đập rất yếu. Nhưng sau đó em đã hồi phục được một cách lạ thường.

Sự kiên trì Bảo Vệ Sự Sống của chị Kelley đã cảm hóa được cha mẹ của em bé, dù trước đây họ đã muốn giết em từ trong bào thai. Họ muốn được thường xuyên liên lạc với cha mẹ nuôi mới của em ( sau đó chị Kelley đã cho em làm con nuôi trong một gia đình khác ) và đến thăm em. Mỗi khi đến, người cha còn tự bồng ẵm con mình.

Nhưng em còn rất nhiều khuyết tật trầm trọng khác nơi cơ thể. Em đã trải qua một cuộc giải phẫu tim, một cuộc giải phẫu ruột. Chương trình điều trị của em trong năm tới gồm có thêm hai cuộc giải phẫu tim và các bước tái tạo vòm miệng. Ai cũng hiểu là cuộc sống của em sẽ rất vắn vỏi. Dù có sống đi nữa, em sẽ không đi được, không sử dụng đôi tay được. Em rất khác với các em bé 8 tháng khác, mặt em bị biến dạng, em phải ăn qua một ống bơm thẳng đồ ăn vào bao tử. Các bậc làm cha mẹ khác nhìn về em để hình dung ra nếu không chịu phá thai khi thai nhi có nhiều khiếm khuyết, thì con cái mà họ sẽ sinh ra sẽ là như thế đó.

Nhưng cha mẹ nuôi của em lại nhìn ra đây là một bé gái không bị khuất phục trước nghịch cảnh. Em làm các bác sĩ kinh ngạc qua việc giao tiếp với họ bằng mắt. Em biết vui đùa với các anh chị em khác trong nhà. Em nắm chặt các đồ chơi. Em không thích các người lạ mặt. Mỗi buổi sáng thức dậy em luôn nở ra một nụ cười vô cùng quyến rũ. Em chào đón cuộc đời với một lòng nhiệt tình tuyệt vời. Mẹ em gởi cho CNN một E-mail cho biết: Khi mang đến cho em tình thương, cơ hội sống và sự khích lệ,
chúng tôi tin rằng chính em sẽ cho chúng tôi biết những tiềm năng của sự sống nơi em và những gì em sẽ thành đạt được.

Chị Kelley biết rằng có rất nhiều người kết án chị. Họ cho rằng chị vô cùng sai lạc và sẽ bị trừng phạt trong hỏa ngục đời đời kiếp kiếp. Nhưng chung cuộc lại, chị vẫn cảm thấy mình đã làm đúng. “Không một ai khác có kinh nghiệm mang thai về em như tôi. Tôi cảm thấy em lớn lên, cử động, sinh động và tồn tại trong bụng mình. Tôi biết rằng đây là một bé gái bất khuất, sẽ đi qua mọi thử thách với một tinh thần can trường. Dù ai có nói gì đi nữa, tôi vẫn là mẹ của em.”

NGUYỄN TRUNG, 4.2014
Nguồn
http://www.cnn.com/2013/03/04/health/surrogacy-kelley-legal-battle/

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét