Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Một chọn lựa

LTCGVN (19.09.2013) 

MỘT CHỌN LỰA

Tôi vừa trở về Sàigòn sau khi tham dự lễ mừng 50 năm Giáo Xứ Châu Ổ, Quảng Ngãi, Giáo Phận Qui Nhơn, 50 năm DCCT hiện diện tại Châu Ổ với sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Châu Ổ, một vùng đất quê nghèo miền Trung, cát, gió và nắng. Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn đã mời gọi và trao cho DCCT sứ mạng loan báo Tin Mừng tại nơi này từ năm 1963. Nhiều lớp thế hệ cha anh của chúng tôi đã đến, sinh sống và dấn thân cho công cuộc truyền giáo. Những lớp người đầu tiên đã qua đi, lớp kế tiếp có người đã mất, có người sau khi đã hiến cả tuổi xuân của mình nay già yếu bệnh tật, ba “cậy cổ thụ” ( ba cha già: Cha Thiệp, Cha Thọ và Cha Hành ) vẫn chọn ở lại để chia vui sẻ buồn với cộng đồng Dân Chúa nơi đây, ở lại như một lời cam kết trung thành với sứ vụ, trung thành với một cộng đồng mà các ngài đã coi như anh em ruột thịt.
50 năm, bao sóng gió, khắc nghiệt như sóng gió miền thùy dương cháy bỏng. Đã có một thời miền truyền giáo rộn ràng tiếng nguyện lời kinh, và cũng có một thời quạnh quẽ, hắt hiu, hoang tàn, trống vắng. Có một thời các Thừa Sai ngược xuôi đường vạn lý, lên rừng xuống biển, vượt trùng dương bão tố ra hải đảo xa xăm, và đã có một thời lặng lẽ âm thầm đi thăm lại nấm mồ lặng lẽ của những anh em Tu Sĩ nằm lại như một chứng tích. Có một thời không đủ người để chăm sóc mục vụ, và đã có một thời các Thừa Sai phải ở yên trong Tu Viện điêu tàn lặng nhìn thời gian trôi.

50 năm đủ cho mọi cảm xúc ban đầu, mọi đảo lộn của lịch sử dần dần lắng đọng, những Giáo Điểm lần lượt hồi sinh. Không còn Nguyện Đường cũ nữa nhưng là những ngôi nhà chứa chan tình người đón chân các thừa sai, không là những trường học thấp thoáng bóng áo Dòng đi lại, nhưng là những buổi tuyên xưng Đức Tin trở lại của cả gia đình, những hợp thức hóa hôn nhân sau khi đã kết hợp xã hội bên ngoài Nhà Thờ. Các Thừa Sai lại có bao nhiêu việc để tất bật với nghĩa vụ của mình.
Lễ 50 năm của một vùng truyền giáo hết sức giản dị và đơn sơ. Một Thánh Lễ được cử hành ở mái hiên Nhà Thờ, phía trước là triền dốc lẫn cỏ và đất sau một cơn mưa ướt át, những lời biểu tỏ chân thành chân chất thay cho những bài diễn văn mượt mà bóng bảy. Bữa cơm thân mật được bày ra giữa khoảng sân đất, sân khấu là những bao nhựa đầy đất cát dựng nên, từng tấm bạt vá víu mang theo nỗi lo ngại nếu trời đổ ập cơn mưa.
Nghèo nhưng rất tình cảm, dó là nhận xét được tán đồng nhất từ những ai có lần đặt chân đến mảnh đất này.
Sáng nay, thứ sáu 13 tháng 9, Báo Tuổi Trẻ dành tiêu đề lớn và hình ảnh lớn nhất nơi trang đầu: Trường “nghèo” nằm cạnh trường “giàu”. Tôi chạnh lòng khi nghĩ đến ngày Lễ vừa trôi qua ở Châu Ổ, cũng như nghĩ đến các miền truyền giáo vùng sâu vùng xa mà tôi có dịp đặt chân đến, rồi nghĩ đến những nơi khác. Sự chênh lệch giàu nghèo trong Giáo Hội cũng làm mình xót xa.
Tuần vừa qua tôi có dịp đi Thanh Hóa, ở đó trong một buổi tối tâm sự với nhau, tôi không giấu đươc cảm xúc khi được những anh em Linh Mục ở Thanh Hóa chia sẻ với tôi về chương trình “Bụi đường Tây Bắc”, Bụi đường Tây Bắc là chương trình do một số anh em Linh Mục ở Thanh Hóa cùng bạn bè gầy dựng, họ lên đường hướng về vùng Tây Bắc, một vùng nghèo có nhiều khó khăn, đi đến đâu họ chia sẻ những thứ cần thiết, ủi an nâng đỡ người đau khổ, giúp xây dựng lại từ những gì đổ nát, cứ thế, âm thầm đều đặn, họ lên đường cho từng chuyến “bụi đường Tây Bắc”.
Chiều hôm qua nhận đươc điện thoại của một số anh em cộng tác cho việc tổ chức hành hương Đức Mẹ Măng Đen, Giáo Phận Kontum, năm nay sẽ tổ chức vào ngày 17 tháng 9, trời ở Măng Đen mưa bão giá lạnh, họ điện về cho tôi: “Cha ơi ! kiếm đâu cho chúng con một ít áo mưa, hiện nay chúng con chỉ có 3.000 cái, thiếu nhiều lắm”. Áo mưa phát ra cho anh chị em dân tộc, họ về từ ngày hôm trước, dưới cơn mưa, áo mưa là áo che mưa và là chăn ban đêm cho anh chị em dân tộc ! Năm ngoái số người tham dự khoảng 30.000 người.
Hôm qua đọc tin trên mạng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dùng chiếc xe hơi đời 1987, xe đã sử dụng 300.000 km để thực hiện các chuyến mục vụ trong thành phố cổ Roma. Nhớ một câu chuyện tôi mới chúng kiến, có một vị Linh Mục trẻ đến xin Giám Mục của mình cho phép đổi chiếc xe hơi đang chạy để lấy chiếc xe khác, một trong các lý do được nêu ra là xe đã chạy được 200.000 km rồi. Vị Giám Mục buồn giận nói với người xin: “Xe của Giám Mục đã chạy 500.000 km kia kìa, đã phải thay đâu !”
Hãy có một chọn lựa đúng đắn cho đời mình...
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 14.9.2013
Theo EPHATA số 579
Tái bút:
Thánh Lễ cho Người Xa Quê 20g tối Chúa Nhật 15.9 tại DCCT, bà con Giáo Dân đã góp lại ngay được số tiền 27 triệu đồng. Lại thêm nhiều ân nhân khác đã chia sẻ với các cha DCCT Sàigòn để kịp thời có được tổng số tiền là 53 triệu đồng, thay vì mua mấy chục ngàn chiếc áo mưa loại chỉ dùng được một lần, thì đặt mua ngay hàng ngàn bạt tặng cho bà con dân tộc trên Tây Nguyên.
Khi quý độc giả đọc bài viết này thì một chuyến xe tải đang trực chỉ Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen ở Kontum mang theo 1.500 tấm bạt lớn màu lính, bền chắc, mỗi tấm có thể dùng cho 12 – 15  người đứng tụm lại, căng lên bốn góc che mưa nắng, lại có thể dùng làm đệm để ngồi chung hoặc đắp như chăn chung khi ngủ đêm giữa trời lạnh Tây Nguyên. Xin tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ Măng Đen và biết ơn mọi người…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét