PHONG CÁCH PHANXICÔ
Bài 11: Kể lại câu chuyện về Đức Kitô cho người bên ngoài
Tôi khá ngưỡng mộ nữ văn sĩ Lý Lan dù chưa hề gặp cô lần nào. Tôi cũng trạc tuổi với cô, thời trước 1975 tôi cũng sống ở khu Chợ Lớn, cũng la cà các kiốt cho mướn sách, đọc đủ thứ hầm bà lằng, bạ đâu đọc đó, cái gì cũng đọc. Lý Lan còn thành thật hơn tôi ở chỗ cô cho biết cô đọc không ít truyện khiêu dâm. Cô nhận định: “Nếu đúng “mình là cái mình đọc” thì tôi là sản phẩm của văn hóa bình dân ở Sàigòn – Chợ Lớn thập niên sáu mươi và đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước” ( Đọc sách và leo núi, Lý Lan ).
Do vậy, tôi có một mối đồng cảm sâu xa với các sáng tác và văn phong của Lý Lan. Cô đã nói thay tôi rất tuyệt vời một số tâm tình mà tôi không thể diễn tả được. Mới đây khi đọc “Tình Người” của Lý Lan viết về phim Schindler’s List ( Bảng danh sách Schindler ) tôi cũng trải qua những phút mà Lý Lan đã viết ra: “Cái gì đó òa vỡ trong tôi, xộc ra mắt mũi, chảy ràn rụa trên má không kiềm được.”
Tôi tự hỏi tại sao cô có thể truyền lại cho tôi cùng một thứ cảm xúc mà cô có. Tôi cho rằng câu trả lời không quá khó để tìm ra: Lý Lan là một nghệ sỹ trong nghệ thuật văn chương. Cô nhận định rất hay rằng lịch sử nhân loại sẽ cô đọng lại nơi nghệ thuật:
( Trích ) Khán giả đã khóc vì xúc động trước tình người. Cái tình người đã được nghệ thuật hóa. Công việc của một sử gia như anh là kể lại câu chuyện của con người, sao cho quá khứ được nhớ gần đúng nhứt với thực tế đã xảy ra. Cái thực tế đó thường trần trụi là người ăn người. Nhưng con người may thay có khả năng làm nghệ thuật. Những trận chiến triền miên đẫm máu trở thành anh hùng ca, những thống khổ của vạn vạn sinh linh dựng nên đền đài, những tranh đoạt quyền lực xảo quyệt đẻ ra sân khấu, và âm nhạc văn chương nảy sinh trong câm nín bất lực của từng con người cô đơn. Nhân loại có lẽ vẫn còn hy vọng khi nào nghệ thuật họ làm ra còn rung động được tình người. ( Tình Người, Lý Lan ).
Đối với Kitô Hữu không có gì quan trọng hơn việc Loan Báo Tin Mừng. Nhưng ta có biết và nên coi đây là một nghệ thuật kể chuyện hay không ? Có bao nhiêu người trong chúng ta giật mình vì bản tin này:
http://www.vietcatholic.net/News/Html/125599.htm
Hiện tượng truyền thông Phanxicô ( 6.18.2014 ).
Theo tin Zenit, ngày 18 tháng 6: Các người phát ngôn của Hội Đồng Giám Mục Âu Châu đã họp nhau tại Bồ Đào Nha vào tuần rồi để nghiên cứu “hiện tượng truyền thông” Phanxicô. Cuộc họp kéo dài trong các ngày 11 – 14 quy tụ khoảng 50 phát ngôn viên hoặc giám đốc truyền thông.
Hội nghị đã ra tuyên bố: Văn phong thuật truyện của Papa Phanxicô, một văn phong hết sức bình dị và đi liền với cuộc sống của vị kế nhiệm Thánh Phêrô, là một cơ may cho toàn thể Giáo Hội. Nó dọn đường cho cuộc đối thoại chân chính với thế giới.
Papa Phanxicô không những chiếm được trái tim người ta mà còn thay đổi được thái độ của nhiều nhà báo. Họ trở nên cởi mở hơn và sẵn sàng lắng nghe lý lẽ của Nhà Thờ. Dù thế, lối truyền thông của ngài, một lối truyền thông bao gồm những câu phát biểu ngắn gọn và súc tích, rất dễ bị hiểu lầm, vì nền văn hóa hiện nay có khuynh hướng đơn giản hóa. Người làm truyền thông của Nhà Thờ có nhiệm vụ thông tin về toàn thể sinh hoạt của Nhà Thờ cũng như công bố Tin Mừng, dù phải đi ngược lại với truyền thông xã hội, để tránh khỏi rơi vào hình thức tôn thờ cá nhân. Chúng ta cần sẵn sàng đương đầu với các thách đố của lịch sử và trình bày một cách mới mẻ và sinh động Tin Mừng Chúa Kitô cho gia đình Kitô Giáo như là nguồn hy vọng và sự sống đích thực mới. ( Hết trích ).
Loan Báo Tin Mừng chính là kể lại câu chuyện về cuộc đời Đức Kitô, cuộc đời của một con người bình thường như mọi người, nhưng cuộc đời này lại mang đến Ơn Cứu Độ cho mọi người vì con người này còn chính là Con Thiên Chúa Làm Người.
Một cuốn phim về Đức Kitô đã lấy tựa là “Câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể ra” ( The Greatest Story Ever Told ).
Tin Mừng theo Luca có tính cách kể chuyện rõ ràng nhất, do đó được nhiều người cho là dễ hiểu nhất. Luca đã bắt đầu Tin Mừng như một câu chuyện: "Thưa ngài Thêôphilô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc" ( Lc 1, 1 – 4 ).
Muốn câu chuyện được hấp dẫn thì người viết phải có tài. Chắc chắn rằng các tác giả chấp bút Tin Mừng đều là những người tài năng nhất vì được chính Chúa Thánh Thần tuyển lựa và tác động. Nhưng các ngài đâu có viết bằng tiếng Việt Nam .
Vào lễ an táng Linh Mục Albertô Trần Phúc Nhân vào ngày 18.6.2014 tại Nhà Thờ Chí Hòa Saigon, mọi người được dịp tri ân ngài. Trong 4 thập niên qua, ngài là thành viên đắc lực và hoạt động tích cực thuộc Nhóm dịch Phụng Vụ Các Giờ Kinh.
Đào tạo ra một người am tường có khả năng dịch Tin Mừng một cách chính xác nhất không phải là điều dễ dàng. Năm 1950, thầy Nhân du học ở châu Âu theo tại trường Dòng Tên tại Poitiers, sau đó theo học tại Trường Đại học Urbano tại Roma. Từ năm 1959 đến 1962, ngài học tại Viện Kinh Thánh Roma về khoa chú giải Thánh Kinh cũng như các ngôn ngữ cổ đại, Hy Lạp, Do Thái, Aram. Nhờ có sự cộng tác tích cực của cha Nhân, bản dịch của Nhóm dịch Phụng Vụ Các Giờ Kinh đã có phẩm chất rất cao.
Nhưng khi Tin Mừng được hướng tới các đối tượng bên ngoài Công Giáo, những người rất khó hiểu được ngôn từ và văn phong dùng trong phụng vụ của ta thì Loan Báo Tin Mừng lại trở thành một nghệ thuật cần tới những nghệ sĩ tài năng, nếu không thì ta cứ nói và ta cứ nghe vì cách ta nói như thế của ta rất khó đi vào quảng đại quần chúng. “Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than” ( Mt 11, 16– 17 ).
Nhà xuất bản Trẻ đã giao công việc dịch truyện Harry Potter cho Lý Lan. Tại sao trước rừng dịch giả là cán bộ nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa, giáo sư tiến sĩ, mà họ lại chọn Lý Lan, một người, như cô nhận định về bản thân, là một sản phẩm của văn hóa bình dân ở Sàigòn – Chợ Lớn thập niên sáu mươi và đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước ?
Ở đây, họ không đặt ý thức hệ Cộng Sản lên hàng cao nhất mà chỉ chú trọng vào phẩm chất mà thôi. Văn phong của Lý Lan không nặng mùi chính trị giáo điều rập khuôn mà là văn của đời thường do một nghệ sỹ tài năng viết ra. Đó là sự hấp dẫn của bản dịch Harry Potter.
Giả sử giới Công Giáo chúng ta lại bắt đầu một bản dịch Thánh Kinh mới với rất nhiều tài năng mới được đào tạo nghiêm túc, có lẽ ta sẽ có một bản dịch hay hơn để dùng trong Nhà Thờ, nhưng rồi ra người bên ngoài cũng sẽ thờ ơ với Tin Mừng của ta như xưa nay thôi.
Cách đây chín thập niên, anh em Tin Lành đã khôn ngoan hơn nhiều khi biết nhờ đến một nhà văn hàng đầu để dịch Kinh Thánh dù ông không phải là Tín Hữu Tin Lành.
( Trích ) Như nhiều người trong chúng ta đã biết, Phan Khôi là nhà thơ đã khởi xướng ra phong trào thơ mới vào những năm ba mươi của thế kỷ trước, nhưng có lẽ ít người biết rằng ông còn là một dịch giả đã góp phần tham gia dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ cho tín đồ Tin Lành sử dụng như đã có đến tạn ngày nay.
Về phương diện văn chương, Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan cho rằng Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong phái Nho học. Quả thật vậy, Phan Khôi là nhà thơ được mệnh danh là người khởi xướng phong trào thơ mới, dù ông khiêm tốn không nhận điều đó. Với bài thơ Tình già được đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn, ngày 10.3.1932, Phan Khôi đã đem một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ ( chữ của Phan Khôi ) và gây nên một phong trào bàn tán về văn chương sôi nổi vô cùng thời bấy giờ. Tình già đúng là một quả bom nổ giữa làng thơ Việt Nam vào thập niên ba mươi của thế kỷ 20. “Và Phan Khôi trở thành người cắt băng khai mạc thời đại mới trong thi ca.” Chỉ với bài thơ nổi tiếng nầy thôi, Phan Khôi cũng đủ để xứng đáng là một thi nhân đích thực của nền thi ca hiện đại nước ta vậy.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư cho rằng Phan Khôi “quả là người viết quốc ngữ đúng đắn hơn hết, yêu chữ quốc ngữ với tất cả sự từng trải của một người đã sống khắp ba kỳ, quen thuộc với những lối phát âm, với những thổ ngữ…” Giáo sư Hoàng Tuệ viết: “Phan Khôi là nhà văn hoá rất quý trọng tiếng Việt, quyết tâm bảo vệ ngôn ngữ dân tộc.” Nhà thơ Nguyễn Vỹ nhận xét Phan Khôi là “một trong các nhân vật nổi tiếng nhất trên văn đàn Việt Nam với ngọn bút sắc sảo có một không hai… Chính ông là người đã mở ra một chân trời mới cho văn chương Việt Nam nói chung và Thơ mới nói riêng.”
Nói về Phan Khôi, cũng không thể không nhắc tới mấy câu thơ được xem như là câu cửa miệng của Phan Khôi mỗi khi đứng trước những khó khăn, bất trắc của đời sống, thể hiện được thái độ bình tĩnh, ung dung tự tại của mình.
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.
Những câu thơ này được truyền tụng trong nhân dân rất rộng rãi và có khá nhiều người biết, thuộc lòng, chẳng khác nào như những câu ca dao vậy.
Bản Kinh Thánh mà hầu hết những tín hữu Tin Lành Việt Nam đã sử dụng trong vòng mấy chục năm qua, kể từ năm 1926 là lần xuất bản đầu tiên cho đến nay và chắc cũng sẽ còn dùng cho đến lâu dài về sau nầy nữa, đó chính là bản dịch mà nhà văn Phan Khôi đã góp phần rất lớn trong đó. Ông dịch cuốn Kinh Thánh trong khoảng thời gian 5 năm. Nhà báo Vu Gia viết: “Nhìn chung, đây là bản dịch tốt. Nhưng nói như vậy, chẳng khác nào khen phò mã tốt áo, bởi thời gian đã khẳng định bản dịch ấy rồi.”. Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Kinh thánh cả Tân ước, Cựu ước của hội đạo Tin Lành , người ta bảo ông Phan Khôi dịch thuê, khi ấy ở Hải Phòng, tôi cũng có đọc. Có chương Nhã ca lời rất thơ”. Bản dịch của ông câu cú gẫy gọn, trong sáng, văn phạm chuẩn mực, chứng tỏ một trình độ học vấn uyên thâm.”
Đó là nhận xét của một số người “ngoại đạo” có uy tín về bản Kinh Thánh xuất bản năm 1926 của người Tin Lành. Còn với những tín hữu Tin Lành Việt Nam mấy mươi năm qua cho đến ngày nay, thì sao? Tôi tin chắc rằng bản Kinh Thánh Việt ngữ xuất bản năm 1926 đã ăn sâu vào trong tâm khảm của những tín hữu Tin Lành tại Việt Nam, tôi được biết có nhiều tín hữu Tin Lành đã thuộc nằm lòng khá nhiều câu Kinh theo bản dịch ấy đến nỗi khó có thể thay đổi đi được trong tâm họ. Thậm chí có không ít những Mục Sư, tín hữu Tin Lành quả quyết rằng chỉ có bản dịch Kinh Thánh năm 1926 của nhà văn Phan Khôi là số một mà thôi, không bản dịch nào hơn cả và rồi họ chỉ dùng độc có bản dịch đó để đọc, để học, để chia sẻ, để giảng dạy. Nói như vậy để cho thấy rằng bản dịch Kinh Thánh năm 1926 đã có một chỗ đứng rất vững vàng trong lòng rất nhiều những người theo đạo Tin Lành tại Việt Nam trong một thế kỷ trôi qua. Bản thân tôi, nói thật lòng, cũng rất thích bản dịch năm 1926, vì nó chứa nhiều chất giọng của quê hương Quảng Nam của tôi trong đó, mặc dù tôi vẫn sưu tầm, tham khảo, tra cứu nhiều bản dịch Kinh Thánh khác để xem và để sử dụng khi có cần cho công việc viết lách, khảo cứu của mình.
Nói tóm lại, mặc dù bản dịch năm 1926, cho đến nay, có những chỗ chưa sát với nguyên bản, hay có những chữ khó hiểu cho thời đại ngày nay, như đã nói ở trên, thì nó vẫn là bản dịch rất đáng trân trọng cho chúng ta.
Ngày 13.3.2009, tôi đến thăm phần mộ của nhà văn nằm sát dưới chân một ngọn đồi, đường cũng hơi khó đi, tôi phải đi bộ một đoạn mới lên đến được mộ của nhà văn. Mộ nằm ở một chỗ thật nên thơ và được làm khá kỹ lưỡng và chắc chắn. Tôi xem bia mộ của nhà văn được khắc trên đá hoa cương rất đẹp, một bên ghi tiểu sử của nhà văn, một bên ghi bài thơ “Tình Già” của ông. Phần cuối tiểu sử có ghi: “Tác phẩm đã viết và dịch: Chương Dân Thi Thoại ( 1936 ), Trở Vỏ Lửa Ra ( 1939 ), Việt Ngữ Nghiên Cứu ( 1955 ), Kinh Thánh ( 1920 – 1925 ), các tuyển tập Lỗ Tấn ( 1955, 1956, 1957 )…” Tôi rất vui khi thấy tên tác phẩm Kinh Thánh có ghi trong tiểu sử của ông. Điều đó nói lên đóng góp của một người Quảng Nam vào trong sự phát triển của đạo Tin Lành trên đất nước Việt Nam thân yêu nầy.
Hết trích, nguồn: Nguyễn Đình Bùi Thị ( Thăng Bình, Quảng Nam )
Ta có nên tìm một nhà văn được mến phục về tài năng như Lý Lan, ngoại đạo thì càng tốt vì cô sẽ không bị gò bó trong ngôn từ xưa nay ta quen dùng mà lại rất khó nghe với người ngoài, để thuê cô dịch cho ta ít ra là bộ Tân Ước hay không ? Tôi nghĩ là nên, nếu ta muốn rằng người bên ngoài sẽ thích đọc và nghe bản dịch này. Các bản dịch xưa nay của ta đã có thì ta cứ tiếp tục dùng trong Nhà Thờ của ta.
Mới đây cha Quang Uy có tổng kết về việc quyên góp giúp cho bé Rmah H'Âm điều trị bệnh suy tủy: "Ban đầu chúng tôi chỉ mở lời xin mọi người chia sẻ số tiền 50 triệu VND, nhưng không ngờ số tiền đổ về liên tiếp, lên đến hơn 355.500.000 VND. Chúng tôi đã xin chỉ giữ lại cho bé Rmah H'Âm 90 triệu VND, số tiền còn dư đã liên tiếp chuyển sang giúp cho 11 trường hợp kế tiếp. Thật là một dấu chứng về Tình Yêu Thiên Chúa Quan Phòng và về Lòng Bác Ái của mọi người dành cho các bệnh nhân ngặt nghèo. Xin chân thành tạ ơn Thiên Chúa, biết ơn Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp và cám ơn tất cả quý ân nhân gần xa…"
Giả sử rằng cha Quang Uy cũng đứng ra quyên góp để có một bản dịch Tân Ước mới dành riêng cho dân ngoại thì có chính đáng không ?
Đó chính là điều mà nghệ sĩ Maria đã làm cho Chúa Giêsu.
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo ?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu" ( Ga 12, 1 – 8 ).
NGUYỄN TRUNG
Theo EPHATA số 616
0 nhận xét:
Đăng nhận xét