LTCGVN (16.07.2014)
“Không có và không thể có tự do ngôn luận trong chế độ toàn trị có tên gọi là xã hội chủ nghĩa.”
Dưới đây là tham luận của nhà văn Vũ Thư Hiên tại cuộc hội thảo “Sự kháng cự của ngôn ngữ” (14-18 tháng 6 năm 1999) do Nghị hội Quốc tế các Nhà văn và Trung tâm văn hoá vùng Normandie-Thấp (Pháp) phối hợp tổ chức.
Ở nước chúng tôi, trong cả hai bản Hiến Pháp – Hiến Pháp 1946 (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) và Hiến Pháp năm 1980 (Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) – đều có ghi rõ rành rành: công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận.
Nhưng cũng ở nước chúng tôi, trong hơn một nửa thế kỷ cầm quyền của đảng cộng sản, tự do ngôn luận chỉ có ở trên giấy.
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, trong suốt thời kỳ này những tờ báo tư và nhà xuất bản tư nhân chỉ tồn tại trong hai thời điểm: những năm 1945-1946 và 1955-1956.
Nói gì tới báo chí, mọi quyền tự do của công dân được ghi trong Hiến Pháp Việt Nam đều bị nhà cầm quyền hiện tại tước đoạt, hoặc trắng trợn cắt xén. Công dân Việt Nam không có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do lập hội…, tức là không có mọi quyền công dân cơ bản. Thậm chí cả quyền phát biểu ý kiến bằng miệng những gì công dân không hài lòng với chính quyền cũng không có nốt. Ngược lại, những người mắc lỗi này, dù cố ý, dù vô tình, đều bị chính quyền trừng trị không thương xót. Nhiều người đã nằm xuống trong các nghĩa trang nhà tù chỉ vì những lời nói ở quán nước, tiệm cà-phê, thậm chí trong cơn say rượu. Phần lớn họ không được xét xử. Tôi đã từng gặp họ, những người còn sống; tôi cũng từng thắp hương cho họ, những người không trở về.
Trong thời thuộc Pháp, tự do báo chí, theo nghĩa đen, không hề có, tất nhiên. Nhà nước thuộc địa đặt lên trên tất cả các tờ báo, các nhà xuất bản – của người Pháp cũng như người bản xứ – một sở kiểm duyệt có quyền năng rất lớn. Nhưng, dù sao mặc lòng, trong tình hình ấy dân bản xứ cũng vẫn còn có quyền ra báo. Khi sở kiểm duyệt cắt bỏ đoạn nào thì báo để trống đoạn ấy và điền vào đó “Kiểm duyệt bỏ”. Người ta có thể thấy được trong những khoảng trắng ấy những ý bị cấm nói ra. Về chuyện công dân phải có quyền được ra báo, một nhà cách mạng lão thành, ông Nguyễn Văn Trấn, đã viết trong cuốn hồi ký “Gửi cho Mẹ và Quốc Hội”, trong đó ông nói rằng ông mong mỏi được thấy một nền báo chí xã hội chủ nghĩa tự do bằng thời thuộc Pháp.
Sự tự do báo chí kiểu thuộc địa, sự tự do báo chí bị cắt xén theo ý muốn các ông chủ thực dân, tồn tại cho tới Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nhà nước cách mạng lâm thời tuyên bố mọi thứ tự do cho các công dân vừa thoát khỏi gông xiềng nô lệ. Ai muốn ra báo thì ra, ai muốn đi biểu tình thì đi, ai muốn lập hội, lập đảng thì lập…
Nhưng về sau hoá ra không phải thế.
Hai năm 1945-1946, được đánh dấu bởi thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, là thời điểm nhiễu nhương nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại.
Vào thời điểm này Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Đông Dương hồi đó), lực lượng lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa, còn chưa đủ mạnh để chiếm giữ địa vị độc tôn cai trị đất nước. Việt Nam Quốc dân đảng, đảng cách mạng lớn thứ hai, sau cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1930, hầu như tan rã hoàn toàn. Bộ phận lưu vong của Quốc Dân Đảng, gồm những đảng viên chạy thoát sang Trung Quốc, nay theo chân quân tiếp phòng Trung Hoa về nước. Quân đội Trung Hoa tiến vào Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật theo tinh thần các hiệp định Postdam và Teheran ủng hộ những họ trong cuộc tranh giành quyền lực với những người cộng sản.
Trong tình thế phức tạp nói trên, đảng cộng sản – đảng nắm chính quyền – mặc nhiên phải thừa nhận sự hiện diện của các đảng và nhóm đối lập. Trong không khí nóng bỏng của cuộc tranh chấp quyền lực, các tờ báo của các đảng phái, các phe nhóm, của tư nhân, đã tồn tại trong thời gian ngắn ngủi từ Cách mạng Tháng Tám cho tới ngày bùng nổ cuộc chiến tranh Việt-Pháp 19.12.1946.
Sự tự do ngôn luận trong thời kỳ này là có, nhưng đó là một sự tự do đáng xấu hổ bởi những tin tức xuyên tạc, những lời lẽ hạ đẳng của những bên tranh giành.
Vào thời điểm khởi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Nam Quốc dân đảng và vài đảng phái đối lập khác đã bị đảng cộng sản xoá sổ. Cùng với chúng, những tờ báo không phải của đảng cộng sản cũng trút hơi cuối cùng.
Trong suốt cuộc kháng chiến chỉ có những tờ báo của Việt Minh (đảng cộng sản), của quân đội, và vài tờ báo địa phương chết yểu. Trong vùng Pháp chiếm đóng báo chí thuộc quyền kiểm soát của những phe nhóm thân Pháp do những kẻ chiếm đóng nuôi dưỡng, tất nhiên cũng không có tự do ngôn luận theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của toàn dân đã thắng lợi với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy tưởng chừng sẽ mang lại cho nhân dân những quyền tự do dân chủ mà người ta đã tự nguyện hy sinh cho mục đích cuối cùng.
Nhưng một lần nữa, tình hình lại không diễn ra như vậy.
Khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trở về Hà Nội (tháng 10.1954), cả thủ đô vừa thoát khỏi cuộc chiếm đóng của người Pháp chỉ còn lại một tờ nhật báo Thời Mới, là báo tư nhân.
Có lẽ men rượu chiến thắng đã gây ra sự lơ là phần nào ở những người cộng sản đối với báo chí và xuất bản tư nhân trong những ngày đầu tiên của cuộc tiếp quản vùng Pháp chiếm đóng trước đó. Người ta đã tỏ ra bao dung trong sự đối xử với người Hà Nội, mặc dầu cuộc Cải cách Ruộng đất vừa được phát động tại căn cứ địa Việt Bắc và một phần Bắc Trung Việt lúc ấy đã cho thấy tính chất khốc liệt của nó.
Tờ Thời Mới tất nhiên phải đổi giọng, từ nay nó bập bẹ học nói theo giọng tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản.
Khi cuộc kháng chiến kết thúc, những người kháng chiến tưởng đâu đã đến lúc họ có thể sử dụng những quyền tự do dân chủ của mình, hiển nhiên là của mình. Nhưng những nhà lãnh đạođã quen với quyền ban phát hoặc không ban phát mọi thứ, không chịu được cảnh những kẻ dưới quyền mình có tự do. Thế là nổ ra xung đột giữa những nhà lãnh đạo toàn năng và toàn quyền với số đông đi theo họ từ năm 1945 có tên là quần chúng.
Bị tình yêu tự do thúc đẩy, một số văn nghệ sĩ bị đảng cộng sản chụp mũ là những phần tử bất mãn hợp lực với ông Minh Đức, một người say mê cuồng nhiệt nghề xuất bản, cho ra một tạp chí không thường kỳ mang tên Giai Phẩm (số đầu ra vào tháng 3.1956). Giai Phẩm là tạp chí bướng bỉnh. Nó được lòng người đọc của thành phố, vốn xa lạ với lối sống kháng chiến và những lề luật khe khắt của nó. Nó được lòng những người kháng chiến bởi nó dám nói thẳng nói thật những điều trong thời kỳ kháng chiến là cấm kỵ. Giai Phẩm ra được mấy số, bán rất chạy. Nó cổ võ cho sự ra đời của tờ Nhân Văn, cũng với các văn nghệ sĩ kháng chiến có tên tuổi như Trần Dần, Trần Duy, Lê Đạt, Phùng Quán, Phan Khôi… đã tham gia tạp chí Giai Phẩm.Nhân Văn ra đời là để đáp ứng nhu cầu tăng vọt đối với báo chí phi nhà nước. Sinh viên cũng hăng hái nhập cuộc, cho ra tờ Đất Mới. Một tờ báo tư nhân khác, tờ Trăm Hoa, vốn ôn hoà hơn trong sự chỉ trích đường lối chính sách của đảng cộng sản, nay cũng đi cùng đường với Nhân Văn. Lần đầu tiên, tại nước Việt Nam do đảng cộng sản cầm quyền, vang lên những lời chỉ trích những mặt xấu của xã hội, gây ra bởi những chính sách độc đoán, cứng đờ, thay vì những lời ngợi ca một chiều: “Nhờ ơn Đảng, Chính phủ…”
Tình hình nói trên diễn ra trong bối cảnh sôi động của sự kiện Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô với sự lên án tệ sùng bái cá nhân Staline của tân bí thư thứ nhất Nikita Khrushev, và những biến cố tiếp theo ở Poznan (Ba Lan), Budapest (Hungaria), cùng trong một năm 1956. Một cơn động đất trí tuệ với cường độ mạnh chưa từng thấy làm rung chuyển thế giới xã hội chủ nghĩa. Ảnh hưởng của cơn động đất ấy tới Việt Nam cũng rất mạnh.
Những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam bừng tỉnh, sực hiểu rằng trong khi quá say sưa với chiến thắng họ đã để mất “cảnh giác cách mạng”. Người ta vội vã đi tìm những lời dạy bảo của Marx và Lenine về chuyên chính vô sản trong lĩnh vực tư tưởng, chúng rất sẵn trong những sách kinh điển mác-xít, để sơn phết cây gậy trừng phạt sẽ được dùng đến.
Những tờ báo bị coi là chống Đảng bị đóng cửa ngay lập tức, nhân danh đòi hỏi của những phong trào quần chúng do đảng cộng sản đạo diễn. Các văn nghệ sĩ tác giả những bài viết chỉ trích Đảng bị tập trung lại để kiểm thảo, phê phán, để rồi bị đưa đi hầm mỏ, công trường, và các vùng nông thôn để cải tạo tư tưởng. Cũng cũng từ thời điểm ấy những con người khốn khổ nọ bị vĩnh viễn tước quyền sáng tác bởi một chỉ thị ngầm. Tình hình này không mau chóng kết thúc, mà kéo dài trong nhiều thập niên, cho tới khi đảng cộng sản phải “đổ mới”, không phải tự ý, mà do sự bó buộc của tình thế. Một số văn nghệ sĩ bị xử án tù, như nhà thơ Phùng Cung, nhà báo Thuỵ An, Nguyễn Hữu Đang, đạo diễn Phan Tại… Từ đó, không bao giờ có một tờ báo tư nhân được xuất bản nữa. Không khí khủng bố đè nặng lên xã hội nói chung và giới văn nghệ nói riêng
Cần nhấn mạnh thêm một lần rằng trong Hiến Pháp cũng như trong bộ luật Hình Sự của nước Công hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, không tìm đâu ra bóng dáng của một sự kiểm duyệt chính thức đối với báo chí và xuất bản. Những nhà báo bàn giấy ở nhiều nước văn minh vốn quen tìm sự thật trong các thư khố bị đánh lừa, họ tưởng đâu ở Việt Nam có tự do ngôn luận. Điều này giải thích vì sao cho tới nay còn có không ít nhà báo vẫn bênh vực chế độ quản trị xã hội theo cách chuyên chế của các đảng cộng sản. Người ta suy diễn từ sự nới lỏng đối với kinh tế như một thời kỳ mới đã tới với tự do tư tưởng. Họ không hiểu rằng sự không có một sở kiểm duyệt nào lại có thể là một chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo nhất.
Những cuộc điều tra gần đây tại các quốc gia Đông Nam Á cho thấy: về mặt tự do báo chí Philippine đứng đầu bảng với 2,29 điểm (thang độ kiểm duyệt từ 0 đến 10), Việt Nam đứng cuối bảng, với mức độ kiểm duyệt gắt gao nhất, với 9,50 điểm.
Nhìn lại lịch sử sự hạn chế tự do ngôn luận tại Việt Nam, những nhà nghiên cứu ghi nhận rằng từ sau vụ các văn nghệ sĩ lên tiếng chống lại đường lối văn nghệ của đảng cộng sản (văn nghệ phục vụ công nông binh, văn nghệ phản ánh hiện thực theo cách nhìn của Đảng, văn nghệ phục vụ chính sách của Đảng), ở nửa sau của thập niên 50, đảng cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc kiểm soát báo chí và xuất bản.
Sự quan tâm ấy được thể hiện như thế này:
Những người lãnh đạo các cơ quan báo chí và xuất bản, được đảng cộng sản nố trí, cắt đặt, nhất thiết phải là đảng viên, mà là đảng viên trung thành, đã được qua thử thách. Những bài viết, những cuốn sách nhất thiết phải được những người này, thay mặt đảng của họ, xét duyệt, thông qua, trong sự phân nhiều cấp quản lý, trước khi chúng tới tay người đọc
Trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản không phải chỉ có một ban chuyên trách về tư tưởng mà vài cơ quan – Ban tổ chức Trung ương, Ban tuyên giáo trung ương, Vụ báo chí và xuất bản, Ban Văn hoá Văn nghệ trung ương, Ban bảo vệ chính trị nội bộ. Những cơ quan nói trên, được trao trách nhiệm “quản lý tư tưởng” đảng viên và quần chúng ngoài đảng, theo dõi chăm chú và cần mẫn động thái tư tưởng của xã hội, trước hết là các bài viết trên báo, các cuốn sách xuất bản, nhằm tìm ra những sơ hở, những lỗi lầm Sự bủa vây các văn nghệ sĩ và các phần tử “bất mãn, chống chế độ” bởi các cơ quan đảng, còn được tăng cường bằng những cơ quan mật thám với chức năng song song, cũng chuyên theo dõi “tình hình tư tưởng” các công dân, với những mật danh mà khi nói đến chúng người ta phải hạ giọng, thì thào. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện bị bắt, bị cầm tù cả thẩy 27 năm, chỉ vì những bài thơ bất bình chống chế độ, tuy những bài thơ của ông chưa một lần được xuất hiện trên mặt báo. Người ta đã tước đoạt của ông cả tuổi trẻ, cả tuổi trung niên, không một chút ân hận, tự cho rằng họ có quyền làm như thế.
Mặc dầu đã cẩn thận như vậy, đảng cộng sản vẫn còn để lọt một số truyện ngắn và phóng sự “ngược với đường lối của Đảng” của cả những cây bút từng có mặt trong những tờ Giai Phẩmvà Nhân Văn, như chuyện xảy ra với tờ Văn của Hội Nhà văn Việt Nam, được khai trương năm 1957, và cũng “phạm sai lầm” ngay trong năm đó.
Sự rình rập, bủa vây tư tưởng không phải không có tác dụng. Nó là thanh gươm Damocles treo lủng lẳng trên đầu mỗi con người muốn suy nghĩ độc lập, bằng bộ óc của mình.
Từ đó sinh ra cái sự kiểm duyệt hết sức kinh khủng, hết sức tồi tệ, kể từ khi loài người phát minh ra chữ viết – do sợ hãi, con người bắt đầu kiểm duyệt chính mình.
Hệ quả đầu tiên và hệ quả chính của cơ chế tự kiểm duyệt là sự ra đời của thứ ngôn ngữ đặc thù – ngôn ngữ “lưỡi gỗ”.
Ngôn ngữ “lưỡi gỗ” tránh xa mọi “vùng cấm” (tabu), không dám đụng tới những huý kỵ. Mỗi ngày nó một trở thành tinh xảo hơn trong nghệ thuật xưng tụng bề trên. Mỗi khi nói về đảng cộng sản người ta không bao giờ quên thêm vào những tính từ “vĩ đại”, “anh hùng”, “tài tình”, “duy nhất đúng đắn và vô cùng sáng suốt”… Cũng như vậy, những từ “anh minh”, “tài ba”, “kiệt xuất”, “vô song” được gắn liền với tên các lãnh tụ.
Từ ngữ sáo rỗng tràn ngập các mặt báo, các trang sách. Chỉ có nấp đàng sau những từ ngữ ấy người cầm bút mới cảm thấy yên tâm. Sự tự kiểm duyệt được bắt đầu ở cấp thấp nhất trong nghề báo. Phóng viên phải rà soát rất kỹ sản phẩm của mình trước khi trình cấp trên xem xét nó. Các biên tập viên sẽ còn phải rà soát sản phẩm ấy một lần nữa trước khi đưa lên tổng biên tập, chủ nhiệm…
Người ta cảnh giác với chính mình, chỉ sợ vấp phải điều gì đó vượt ra ngoài khuôn phép đã được nhà nước quy định. Tuỳ theo lỗi lầm, họ có thể bị hạ tầng công tác (tức là hạ lương), bị chuyển nghề, bị đưa đi lao động ở địa phương…
Nặng hơn, họ sẽ bị Công an đến nhà vào ban đêm, và đưa họ tới thẳng trại cải tạo theo Nghị quyết số 49NQ/TVQH của Ban thường vụ Quốc Hội do nguyên tổng bí thư Trường Chinh ký giữa năm 1961. Theo sự giải thích của đảng cộng sản, cái Nghị quyết mang tính pháp luật này được đặt ra nhằm dạy dỗ, huấn luyện những công dân hư hỏng thành những công dân tốt. Thời gian cải tạo một công dân hư hỏng là 3 năm, được gọi là một “lệnh”, nhưng nếu cải tạo chưa tốt thì người cải tạo sẽ được hưởng thêm một “lệnh” tiếp, cứ thế kéo dài mãi. Những người tù không án xử có thâm niên trung bình trên 10 năm nhan nhản ở các trại giam. Những người bị giam lâu từ 20-30 năm không phải là hiện tượng cá biệt.
Chính quyền chuyên chế Việt Nam, kể từ cuối thập niên 50, đã xây dựng thành công cơ chế tự kiểm duyệt. Nó hoàn toàn có quyền tự hào vì sự sáng tạo ấy. Nền chuyên chế đã đạt được mục đích của nó mà không cần một sở kiểm duyệt, như bọn thực dân phải làm tại các thuộc địa. Ngôn ngữ “lưỡi gỗ” còn để lại dấu ấn của nó trong cả thời kỳ sau khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, và những chế độ cộng sản còn lại phải tìm cách tự thích ứng bằng sự nới lỏng những xiềng xích trói buộc các quyền tự do cơ bản của công dân.
Khi gò ép các phương tiện truyền thông vào những khuôn phép do nhà cầm quyền chế tạo, họ cố tình quên lời thầy của họ là Karl Marx:
“Báo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó, ở đâu có báo chí ở đấy phải có tự do báo chí.”
Người ta bịt miệng quần chúng nhân danh mục đích cuối cùng của cách mạng vô sản: xây dựng một xã hội không có người bóc lột người, để cho những thành viên của xã hội ấy được sống trong tự do và hạnh phúc. Ở đây họ cũng quên lời thầy nốt:
“Mục đích đòi hỏi những phương tiện không đúng thì nó không phải là mục đích đúng.”
Trong suốt mấy thập niên tiếp theo vụ án văn chương “Nhân Văn – Giai Phẩm”, những tác phẩm bị nhà cầm quyền cộng sản coi là “xấu” có thể đếm trên đầu ngón tay. Người ta đã gây ra những trận bão trong ly nước, khi những cơ quan “quản lý tư tưởng” phát hiện chúng và la lối. Trong thực tế, những tác phẩm này không phải là những tác phẩm đối kháng chế độ. Chúng chỉ mới đụng chạm nhè nhẹ tới những mặt xấu (thường được gọi là mặt “tiêu cực”) của xã hội, có khi chỉ là những mưu toan thoát khỏi đường mòn trong phong cách thể hiện đề tài.
Để thể hiện nỗi bất bình đối với mặt này hay mặt khác của chế độ, hoặc đối với cả chế độ trong toàn cục, các nhà văn sau này được đặt tên là phản kháng, không chịu sử dụng “lưỡi gỗ”, và cũng không thể sử dụng nó được. Họ thường dùng cách ẩn dụ, một thời được gọi là “biểu tượng hai mặt” (symbole équivoque). Nhưng cách này không phải hữu hiệu, bởi vì không phải người đọc nào cũng hiểu được nhà văn muốn gửi gắm nỗi niềm gì trong tác phẩm. Năm 1961, Nguyên Ngọc viết truyện ngắn “Mạch Nước Ngầm”, miêu tả một nhà máy được xây dựng trên một mạch nước, mặc dầu nền móng có vẻ vững chắc, nó đã bị mạch nước bị đè nén làm cho sụp đổ. Truyện ngắn này, cùng với hai truyện ngắn khác – “Đêm Mất Ngủ” (Vũ Thư Hiên) và“Chị Cả Phây” (Ngô Ngọc Bội) đã bị nhà thơ lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu đập cho tơi bời trong một bài báo “Nâng cao lập trường tính Đảng, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ”, vạch ra tính bóng gió, xỏ xiên, chống chế độ của chúng. Đáng buồn là chỉ sau khi có bài phê phán của Tố Hữu, người đọc mới hiểu được ẩn ý của các tác giả nói trên.
Cùng một kết quả như vậy đã xảy ra với những tác phẩm bị gọi là “biểu tượng hai mặt” khác.
Có lẽ cái lợi duy nhất mà những nhà văn ngang ngạnh kiếm được trong khi luồn lách để thoát khỏi sự kìm kẹp tư tưởng là sự rèn luyện về văn phong. Họ trở thành những bậc thầy trong cách sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ phi “lưỡi gỗ” trở thành phong phú. Nó làm cho tiếng Việt giàu có thêm phương tiện biểu đạt.
Gần đây, trong xu hướng chống lại sự bóp nghẹt tự do tư tưởng ở Việt Nam đã có một vài tờ báo “chui” như tờ “Người Sài Gòn”, “Thao Thức”, “Nối Kết”… Chúng có số lượng xuất bản nhỏ nhoi, sống được nhờ phương tiện photocopy của kỹ thuật mới, do chính người đọc tham gia vào việc phát hành. Nhưng những tờ báo như vậy không thể gọi là báo, theo hình dung thông thường của mọi người về tờ báo. Gọi chúng là những truyền đơn thì đúng hơn.
Thật đáng tiếc, những người cầm bút Việt Nam chúng tôi không có kinh nghiệm rút ra từ những thắng lợi trong cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận.
Bù lại, chúng tôi có những kinh nghiệm quý báu rút ra từ những thất bại.
Kinh nghiệm ấy là:
“Không có và không thể có tự do ngôn luận trong chế độ toàn trị có tên gọi là xã hội chủ nghĩa.”
Khái niệm “tự do trong khuôn phép, tự do có lãnh đạo” là một khái niệm tự do đã bị đánh tráo.
Cả khái niệm dân chủ tập trung, trong đó nguyên tắc cơ bản của nó là thiểu số phục tùng đa số cũng đã bị đánh tráo.
Bằng khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó đa số là một dân tộc 80 triệu người phải phục tùng thiểu số là một nhóm người cầm quyền bất tài, vô học.
Nguồn: Tự kiểm duyệt – cách kiểm duyệt chặt chẽ nhất, tinh vi nhất, tồi tệ nhất. Blog Thêm Một Niềm Vui. Vũ Thư Hiên. 4/7/2014.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét