Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Vài nét “nổi bật” trong cuộc đời của ba thế hệ Cộng sản (Phần 5)



b- Mao Zedong (1893--1976):

Mao Zedong (i.e. Mao Trạch Đông) còn được gọi là Mao Tse-tung, thuộc gia đình có gốc là người Hán, vùng nông thôn nhưng là một trong những gia đình giàu có nhất và có trí thức trong làng của tỉnh Hunan (Hồ Nam). Có tất cả 5 người con, nhưng chỉ còn 3 đứa con trai, mà Mao Zedong được xem như là anh cả. Gia đình theo đạo Phật, nhưng cậu bé Zedong trong lúc giữa tuổi mới lớn đã từ bỏ niềm tin. Dù được gia đình cho ăn học từ lúc 8 tuổi theo hệ thống Nho học Khổng Tử, chỉ được một năm sau, cậu bé trốn học vì ham chơi và tiếp theo sau là việc bị trục xuất ít nhất là 3 trường lớp. Đến năm 14 tuổi, gia đình chọn vợ cho chàng thiếu niên theo phong tục người Hoa vùng nông thôn. Đây là người vợ chính thức được gia đình nhìn nhận, tên là Luo Yigu, lúc bấy giờ khoảng 18 tuổi, thuộc gia đình nông dân trí thức, và có được hai đứa con trước khi sớm qua đời lúc 20 tuổi vì bệnh kiết lỵ.

Nhưng sau nầy, trong những cuộc phỏng vấn với nhà báo Edgar Snow vào năm 1936, lúc Mao Zedong còn đang ẩn nấp ở thủ phủ Yan’an (i.e. Diên An) sau cuộc Vạn lý Trường chinh, được ghi lại trong tác phẩm “Red Star Over China” (“Ngôi sao đỏ trên Trung Quốc”) --điều đáng lưu ý là Edgar Snow chỉ làm nhiệm vụ ghi lại qua những lời kể của Chủ tịch Mao hơn là nghiên cứu và xác thực sự kiện hay lời nói-- Chủ tịch Mao cho biết là ông ta không từng xem bà Luo Yigu là người vợ mình và chưa bao giờ chăn gối. Điều nầy khiến cho một số học giả Tây phương tin rằng đó là động cơ khiến ông ta phê bình về tục cưới hỏi được sắp xếp của gia đình và là người lên tiếng cho nữ quyền. Thật ra, Karl Marx và Friedrich Engles đã bao gồm vấn đề phụ nữ trong chủ thuyết của họ, và cuộc Cách mạng tháng Hai khiến cho Vladimir Lenin nhớ lại và chú ý hơn về khả năng và lực lượng phụ nữ trong cuộc cách mạng mà ông ta sau nầy khai thác rất nhiều. Những biến cố ở Liên Xô luôn được phản ảnh ở những nước có đảng Cộng sản và được ứng dụng liền theo sau đó, Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

Cũng như việc trốn học, ông ta nói là vì lúc bấy giờ ông ta thích đọc những truyện Tàu chinh chiến như Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Đây là điều đáng nghi ngờ vì với trình độ vỡ lòng của một cậu bé 8 tuổi chỉ mới học được một năm khó mà đọc hiểu được những pho truyện như thế, nếu không là mục đích biện hộ cho việc trốn học và đề cao tinh thần cách mạng của ông ta vốn đã có sẵn từ lúc nhỏ). 

(Luo Yigu, người vợ chính thức thứ nhất, lúc 18 tuổi,
của chàng thiếu niên Mao Zedong, lúc 14 tuổi vào năm thành hôn, 1908. 
Nhưng Chủ tịch Mao không thừa nhận 
là người vợ chính thức và phủ nhận quan hệ vợ chồng. 
Bà ta qua đời lúc 20 tuổi vì bệnh, có được 2 con) 

Chàng thiếu niên Zedong sau đó phải ở nhà làm ruộng phụ gia đình cho đến khi người vợ chính thức thứ nhất qua đời, lúc đó anh chàng Zedong được 16 tuổi được gia đình cho ăn học trở lại để xong cấp tiểu học và cũng có lẽ để giảm bớt phiền muộn nào đó đối với anh ta. Hai năm sau, 1911, lúc bấy giờ được 18 tuổi, anh ta mới bước vào cấp trung học trên thủ phủ Changsha, tỉnh Hunan (Hồ Nam) nhưng lại bỏ đi theo đội quân mới nổi lên của Sun Yat-sen (Tôn Dật Tiên) nhưng chỉ là người lính hờ, không tham gia chiến đấu. Sau 6 tháng, cuộc cách mạng chấm dứt vì bị đàn áp, anh ta cũng ra khỏi hàng ngũ và trở lại nhà trường. Trường First Normal, lúc bấy giờ chưa phải là Đại học, chỉ là bậc Trung học được nâng cấp nhằm đào tạo giáo viên. Anh ta hoàn tất trường đó vào năm 1918 (hữu lý hơn là 1919), lúc được 25 tuổi, mất khoảng 7 năm nhờ sự giúp đỡ của vị Giáo sư Yang Changji có khuynh hướng cánh tả, và cũng là hiệu trưởng trường. Ông Yang dọn đến Beijing nhận công việc hiệu trưởng Đại học Beijing vào năm 1918, anh chàng Zedong cũng theo sau, và nhận việc trong thư viện do ông Yang sắp xếp. Nhờ có công trong việc vận động học sinh ở thủ phủ Changsha bạo động trong cuộc lật đổ Tướng Zhang Jingyao, là Thống đốc Hunan (Hồ Nam) trong Quân đội Bắc Dương (Beiyang Army) --là quân đội của nhà Thanh được cải cách theo Tây phương-- và sau đó trở thành một trong những nhóm lãnh chúa Anhui, chuyên cướp của, hà hiếp dân, do Tướng Tan Yankai của Quốc Dân Đảng, nên anh chàng Zedong được nắm chức hiệu trưởng trường First Normal vào năm 1920. Đó cũng là năm, Mao Zedong thành hôn với Yáng Kāihuì (Dương Khai Tuệ), là đứa con gái của vị Giáo sư Yang Changji --cũng qua đời vào năm đó. Yáng Kāihuì, 19 tuổi, trở thành người vợ chính thức thứ nhất đối với anh chàng Zedong 27 tuổi, nhưng xét ra là người vợ thứ hai. Khoảng 7 năm sau, giữa năm 1927, Mao Zedong chấm dứt cuộc hôn nhân và đầu năm 1928, anh ta bắt đầu sự quan hệ với He Zizhen (Hạ Tử Trân). Vào năm 1930, Yáng Kāihuì bị bắn chết bởi vị lãnh chúa He Jian đối nghịch với Hồng quân vì lòng trung thành với Mao Zedong vốn là người, lúc bấy giờ, trở thành một trong những phần tử cộng sản nguy hiểm. Theo bài viết điểm sách “Mao: The Unknown Story” trên nytimes “ ‘Mao’: The Real Mao” của Nicholas D. Kristof vào ngày 23/10/2005, cho biết là:

“Mao Zedong đã có thể dễ dàng cứu người phụ nữ dịu dàng nầy, người mẹ của ba đứa con đầu tiên của ông ta, vì ông ta đi ngang qua gần ngôi nhà nơi mà ông ta đã bỏ lại người phụ nữ đó. Nhưng ông ta không làm gì cả, và bà ta bị bắn chết vào tuổi 29”.

Có phải chăng vị Chủ tịch Mao tương lai đang có người yêu mới nên cảm thấy là ông ta không nên làm gì cả hay là vì muốn bảo tồn lực lượng Hồng quân mà đành hy sinh tình cảm cá nhân đến nổi sự đau đớn đó mãi đến 27 năm sau nầy, 1957, ông ta mới bày tỏ và thương khóc cho người vợ mình trong một bài thơ an ủi đáp lại cho người vợ của đồng chí đã mất của mình?

(Mao Zedong lúc 20 tuổi, 1913 và 34 tuổi, 1927)


(Yáng Kāihuì (Dương Khai Tuệ), người vợ thứ hai nhưng đối với 
Mao Zedong được xem người vợ chính thức thứ nhất của ông ta, 
thành hôn vào năm 1920. Cô ta là con gái của người thầy dạy 
trường trung học ở thủ phủ Changsha vốn từng giúp đỡ 
Mao Zedong. Qua đời vào năm 1930)

He Zizhen (Hạ Tử Trân), người đồng chí cũ nay trở thành người vợ thứ ba của Mao Zedong sau đó. Trong suốt cuộc Vạn lý Trường chinh (Long March) từ tỉnh Jiangxi (i.e. Giang Tây) về phía tây của Tây Tạng, ngược lên hướng bắc đến thủ phủ Yan'an (i.e. Diên An) của tỉnh Shaanxi (i.e. Thiểm Tây) trong 370 ngày, từ giữa tháng 10/1934 đến giữa tháng 10/1935, với cuộc hành trình hơn 9.000 cây số và với con số Hồng quân khởi đầu hơn 86.000 người (đó là chưa kể đến con số của 11.000 nhân viên hành chính và hàng thường dân phu vác) chỉ còn lại kém hơn 7.000 Hồng quân đến nơi, người vợ thứ ba của Mao Zedong hạ sanh một đứa con gái vào tháng 02/1935 và phải bỏ lại cho một gia đình thường dân địa phương nuôi dưỡng (hai người Âu châu theo vết của con đường cuộc Vạn lý Trường chinh vào năm 2003 đã gặp một phụ nữ trong tỉnh Vân Nam (i.e. Yunnan), được cho biết bởi những quan chức địa phương là đứa con gái bị thất lạc của Mao Zedong và He Zizhen. Vấn đề là khi nắm được chức Chủ tịch, liệu Mao Zedong có cho người dò hỏi tin tức đứa bé không, hoặc liệu quan chức địa phương có báo cáo cho ông ta biết không. Dù sao đi nữa, đứa bé đó dường như bị quên lãng một cách cố ý). 

(He Zizhen (Hạ Tử Trân) người vợ thứ ba của Mao Zedong)

Và cũng trong khoảng thời điểm nầy, người vợ của Mao Zedong bị thương ở đầu từ mảnh pháo, vì thế bà ta được đi đến Moscow để chữa trị vào khoảng cuối năm 1935. Trong khi đó, vào năm 1938, Chủ tịch Mao, lúc bấy giờ được 45 tuổi, tiến hành việc ly dị sau khi điều đình với những nhà lãnh đạo khác trong nội bộ và cưới nữ diễn viên điện ảnh chính của phân bộ làm phim thuộc Ban Tuyên truyền, cũng là một giảng viên thuộc bộ phận kịch nghệ, giảng dạy và biểu diễn trong những vở kịch và ca kịch cổ điển trong Đại học Diên An, Jiang Qing (i.e. Giang Thanh), lúc 24 tuổi vốn là nhân vật sau nầy gây sóng gió tai hại trong chính trường nội bộ Trung cộng qua cuộc Cách mạng Văn hóa (1966--1976) thảm khốc để cuối cùng bà ta bị kết án chung thân sau khi Chủ tịch Mao qua đời, và phải tự tử trong tù vào năm 1941, lúc 77 tuổi.

(Jiang Qing (Giang Thanh) người vợ thứ tư của Mao Zedong, 
trong khi người vợ thứ ba được đi Moscow điều trị vết thương)

Thật ra, Jiang Quing là người trình độ văn hóa, từng là Giáo sư của Đại học Shanghai (Thượng Hải), là một ngôi sao điện ảnh với cái tên “Lán Píng”, có nghĩa là “Trái táo Xanh”, cũng từng được biết đến với vụ bùng nổ giữa hai người tình: nhà đạo diễn điện ảnh và người tình thuở sinh viên, trước khi thành hôn với Chủ tịch Mao.

Sau khi giành được đất nước Trung Hoa vào năm 1949, lúc đó Mao Zedong được 56 tuổi. Vào lúc Bác sĩ Li Zhisui, từng du học tại Úc, trở thành Bác sĩ riêng cho ông ta vào năm 1955, lúc 62 tuổi, sự liên hệ gần gũi giữa Mao Zedong và người vợ cuối cùng, Jiang Quing, đang trở nên lạnh nhạt. Đó là vào giai đoạn Kế hoạch Năm năm lần thứ nhất (1953--1958) đang gặt hái nhiều thanh công đáng kể nhờ vào sự trợ giúp rất nhiều về vật chất lẫn tinh thần của Liên Xô. Chủ tịch Mao đang cố gắng xây dựng một triều đại cộng sản không khác gì mấy triều đại của vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, Qin Shi Huang (Tần Thủy Hoàng). Trong bài viết điểm sách “Mao's Private Doctor” của Bác sĩ Li Zhisui được ấn hành vào năm 1994 (và được dịch ra tiếng Việt “Bác Sĩ riêng của Mao”), trên nytimes “The Tyrant Mao, as Told by His Doctor” (“Bạo chúa Mao, như vị Bác sĩ của ông ta nói”) của Richard Bernstein vào ngày 2/10/1994, có nhận xét như sau: 

“...cuốn hồi ký 663 trang (i.e. theo ấn bản đầu tiên) về triều đình của Mao mà qua đó,trong sự tương phản tuyệt đối với hình ảnh chính thức, mô tả nó như là một nơi của sự suy đồi, phóng đãng, ích kỷ vô hạn, của việc bợ đỡ không ngừng và mưu đồ chính trị khốc liệt”.

Và Bác sị Li Zhisui nhận xét về Chủ tịch Mao như sau:

“Trong hình dáng bề ngoài, ông Mao có vẻ rất ung dung, dễ dàng tiếp xúc. Nhưng khi bạn ở lại lâu hơn với ông ta, bạn tìm thấy rằng ông ta là một bạo chúa tàn nhẫn vốn là người nghiền nát bất cứ ai không tuân lời mình”.

Về vấn đề tình dục, Bác sĩ Li cho biết:

“Vào đầu những năm 1960s, khi quyền lực của ông ta tăng lên những tầm cao mới, ông ta hiếm khi phàn nàn về vấn đề bất lực. Ở đỉnh cao của cuộc Cách mạng Văn hóa trong những năm 1960s, ông ta và Jiang Quing (Giang Thanh) cảm thấy ghẻ lạnh nhau về tình dục, nhưng ông Mao không có những vấn đề nào với những thiếu nữ mà ông ta đã mang đến giường của mình --những số lượng của họ ngày càng tăng và độ tuổi trung bình của họ giảm xuống khi ông Mao cố gắng thêm những năm vào đời sống của mình theo một công thức vưong giả.”

Công thức vương giả đó là niềm tin của Chủ tịch Mao vào truyền thuyết của Lão tử mà ông ta cho là tính hoạt động về tình dục đưa đến tuổi thọ hoặc ít ra “cho ông ta một cái cớ để theo đuổi quan hệ tình dục không chỉ vì sự khoái lạc mà còn kéo dài tuổi thọ của mình. Tuy nhiên, bệnh truyền qua việc quan hệ tình dục với nhiều người một lần, và nhiều lần trong tuần không sao tránh khỏi. Đó là bệnh viêm âm hộ do vi khuẩn trichomonas mà chính Bác sĩ Li đã phải điều trị cho những thiếu nữ của Chủ tịch vốn là người mang truyền mầm bệnh. 

Tuy thế, Bác sĩ Li ghi nhận là “những đợt kiểm soát cấp quốc gia” cho việc “chọn lựa nét nhìn, tài năng, và khả năng đáng tin về chính trị” ở những thiếu nữ nơi đoàn văn hóa, hoặc bí thứ đảng, ngay cả những thiếu nữ nông thôn nhằm phục vụ cho sự khoái lạc của Chủ tịch Mao:

“Những thiếu nữ cảm thấy hãnh diện được lây nhiễm. Chứng bệnh, được truyền đi bởi ông Mao, là một biểu hiện danh dự, một minh chứng cho những quan hệ gần gũi của họ với vị Chủ tịch”. 

Về vấn đề vệ sinh cá nhân, Bác sĩ Li cho biết là Chủ tịch Mao không bao giờ tắm hoặc ngay cả rửa tay hay mặt. Những người canh gác bảo vệ có thêm nhiệm vụ lau mình, lau tay, lau mặt ông ta bằng khăn nóng. Và ông ta không bao giờ đánh răng, chỉ súc miệng bằng bằng trà và sau đó nhai luôn lá trà như là một thói quen của những người nông thôn.

(Bác sĩ Li Zhisui và Chủ tịch Mao vào tháng 7/1966)

Một minh chứng khác về vấn đề tình dục của Chủ tịch Mao trong bài viết trên spectator.co.uk “Me and Mao’s girl” của Jonathan Mirsky vào ngày 29/10/2011. Tác giả là một chủ bút của báo The East Asia thuộc tuần báo Times, có văn phòng ở Hong Kong kể lại câu chuyện gặp gỡ với một đối tác tình dục dưới tuổi thành niên của Chủ tịch Mao, qua sự giới thiệu của chủ bút tạp chí Kaifang, vào năm 1977. Đó là cô bé Cheng 14 tuổi vào năm 1962, trong đoàn văn hóa thuộc lực lượng Không quân. Nhiệm vụ của đoàn thiếu nữ nầy là ca hát, nhảy nhót với nhóm của Chủ tịch Mao. Vào một thời điểm nào đó, Chủ tịch Mao mời cô bé vào phòng ngủ để “pha trà cho ông ta” (theo nguyên văn lời nói) và sau đó là quan hệ tình dục. Bà Cheng, lúc bấy giờ được 57 tuổi, nói rằng, bà ta có nhiều điều nói về tính đàn ông và sức chịu đựng của Người Cầm lái Vĩ đại (Great Helmsman) nếu đồng ý trả cho bà ta 1 triệu đô. Những điều mà Bác sĩ Li biết, chỉ là bên ngoài phòng ngủ. Cuối cùng là việc thỏa thuận không được xảy ra vì tác giả cho là quá mắc và chỉ giúp bà ta thoát khỏi Hong Kong trước khi nó bị giao trả cho Trung cộng vào năm 1997.

Cái giá 1 triệu đô, chính là sự đánh đổi sinh mạng của chính người đưa tin --một thứ thông tin thuộc loại bí mật quốc gia đối với nhà nước Trung cộng-- mà lúc bấy giờ có thể nhà báo Jonathan Mirsky đã không nghĩ đến. Như cái chết bất ngờ của Bác sĩ Li Zhisui (tác giả của tác phẩm “Mao’s Private Doctor” được ấn bản vào năm 1994) vào tháng 2/1995, lúc 79 tuổi, tại nhà của đứa con trai ở làng Carol Stream thuộc tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ mà qua đó trong bài viết trên chinauncensored Mao's Private Doctor - Li Zhisui Was Murdered của R. Champagne, cho biết là nhiều đài phát thanh truyền thông nước ngoài vẫn đặt câu hỏi về những hoàn cảnh của cái chết vốn được ghi nhận là sự bùng phát bệnh tim chỉ sau khi cuốn sách của ông ta được xuất bản không lâu. Và thêm rằng theo phân tích của cựu gián điệp Fan Ying:

“Khi cuốn sách được in ra, Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình, mất năm 1997) --người đứng thứ hai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc-- vẫn còn sống, và Jiang Zeming (Giang Trạch Dân) vốn là người được bổ nhiệm bởi ông Xiaoping, vừa mới nắm lấy quyền lực, nhưng vẫn phải chứng minh chính mình. Jiang Zeming muốn giành được những ủng hộ của Deng Xiaoping và những người còn lại trong số những đảng viên trong việc ngăn chận những bí mật bẩn thỉu bị tiết lộ xa hơn bởi cuốn sách thứ hai của Bác sĩ Li Zhisui. Vì vậy, ông Zeming (Giang Trạch Dân) ban lệnh ám sát Bác sĩ Zhisui nhằm giữ vững quyền lực của mình”.

Cựu gián điệp Fan Ying cũng tiết lộ rằng:

“một sự sắp xếp được thực hiện cho một người ‘tin cậy’ để rót nước cho Bác sĩ Zhisui, trong khi bỏ thuốc độc vào trong ly của ông ta vốn được nhét dưới những móng tay của kẻ ám sát. Ảnh hưởng của thuốc độc làm cho nạn nhân phải chết sau ba ngày từ những biến chứng vốn nhìn thấy như thể từ sự bùng phát bệnh tim”.

Thêm một chứng cứ khác đáng tin cậy về vấn đề nhục dục của Chủ tịch Mao trong bài trích lược dịch Mao Trạch Đông và hàng ngàn thê thiếp của Thụy My từ tác phẩm “Sex, Mensonges et Politique” (“Tình dục, dối trá và chính trị”) của Pierre Lunel được ấn hành vào năm 2012.

(Chủ tịch Mao và những phụ nữ vào năm 1950)

Ngoài ra Chủ tịch Mao cũng được biết là người lạnh lùng, sắt đá trước những thảm họa cho người khác, cốt chỉ đạt được mục đích. Thí dụ như trong chuyến viếng thăm Moscow lần thứ hai vào tháng 11/1957, ông ta bày tỏ sự không lo sợ cuộc chiến nguyên tử như sau:

“Chúng ta hãy tưởng tượng bao nhiêu người sẽ chết nếu cuộc chiến bùng nổ. Có 2,7 tỷ người trên thế giới, và 1/3 nhân loại có thể bị mất đi. Nếu điều đó cao hơn một chút, có thể là một nửa... tôi nói rằng nếu điều tồi tệ nhất xảy đến vấn đề tồi tệ nhất và một nửa nhân loại phải chết, sẽ vẫn có một nửa còn lại, nhưng chủ nghĩa đế quốc sẽ bị thiêu rụi dưới đất và cả thế giới sẽ trở thành những người xã hội chủ nghĩa. Sau một ít năm, sẽ có 2,7 tỷ người lần nữa”. 

Sự điên cuồng trong tâm tưởng háo thắng và hiếu động của ông ta khiến cho ông ta ngu dại khi chỉ nghĩ đơn là “sau một ít năm, sẽ có 2,7 tỷ người lần nữa” mà không hề nghĩ đến những khía cạnh khoa học về ảnh hưởng lâu dài --không chỉ là một ít năm, mà là hàng trăm năm-- của cuộc chiến nguyên tử để lại trên nhân loại và trên môi trường mà con người phải sống nhờ vào. Giả như “sẽ có 2,7 tỷ người lần nữa” nhưng chắc chắn là 99 % là những quái nhân dị dạng, không đủ trí khôn, lẫn thể lực để tạo lại dù chỉ là một thế giới ngày xưa. Trừ khi chính Chủ tịch Mao, quả thật là một vị Thượng Đế bằng xương bằng thịt! 

Thêm vào một thí dụ khác, như trong cuộc họp bí mật ở khách sạn Jinjiang thuộc thành phố Shanghai (Thượng Hải) vào ngày 25/03/1959, trong khi chiến dịch Đại Nhảy Vọt trong Kế hoạch Năm năm lần thứ hai vốn được phát động từ năm 1958 (nhưng sau nầy phải chấm dứt vào năm 1962 sớm hơn trù định là vào năm 1963) đang gánh lấy những thất bại nặng nề, nhất là nạn đói đang phát khởi chi sau 1 năm của kế hoạch, ông ta đã tuyên bố: 

“Khi không có đủ để ăn, người ta phải chịu chết đói. Tốt hơn là hãy để nửa số người chịu chết để cho nửa số người khác có thể ăn no”. 

Đó là một nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, phát khởi từ năm thứ nhất của Kế hoạch Năm năm lần thứ hai, 1958, kéo dài mãi đến năm bắt buộc hủy bỏ kế hoạch, 1962, với con số người chết lên đến hàng chục triệu --mặc dù khó thể lượng định chính xác, một con số trung bình qua những phương cách tính toán của nhiều nhà nghiên cứu có thể là 42.5 triệu).

Cuốn sách “Mao: The Unknown Story” của Jung ChangJon Halliday được ấn hành vào năm 2005, là một quả bom khác đánh đổ tiếng tăm của “người đàn ông vĩ đại”, Chủ tịch Mao. Trong đó, nó phơi trần thủ đoạn “ái quốc” (ra lệnh không đánh nhau với Phát-xít Nhật), sự bợ đỡ Liên Xô (nhảy nhót vui mừng đến 300 lần khi biết Liên Xô chọn ông ta làm Chủ tịch), nhục hình thanh trừng nội bộ (nung sắt đỏ chọt vào hậu môn), việc kinh tài (bán thuốc phiện trong nước, khoảng 640 triệu đô theo giá hiện thời), việc tài trợ (94% là tài chính của Liên Xô trong một giai đoạn 9 tháng của thập niên 1920s), việc tình dục, v.v. 

Trong bài viết điểm sách, trên nytimes “‘Mao’: The Real Mao của Nicholas D. Kristof vào ngày 23/10/2005, có đoạn nói về thủ đoạn “ái quốc” của Chủ tịch Mao:

Ông Mao hoan nghênh việc xâm chiếm Trung Quốc của Nhật, bởi vì ông ta nghĩ rằng điều này sẽ dẫn đến một cuộc xâm chiếm ngược lại của Nga và một cơ hội cho ông ta dẫn dắt một chế độ bù nhìn của Nga. Không có chuyện dẫn dắt cuộc đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược Nhật, ông Mao ra lệnh cho Hồng quân không chiến đấu chống lại Nhật và đã giận dữ khi những nhà lãnh đạo Cộng sản khác giao tranh nhẹ với họ. Thật vậy, ông Mao được cho là đã hợp tác với tình báo Nhật hầu làm suy yếu ngầm những lực lượng Quốc dân Đảng”.

Hai tác giả, Jung Chang và Jon Halliday, khi đề cặp đến “trận đánh cảm tử” của Hồng quân --được ca tụng trong lịch sử đảng Trung cộng-- trong cuộc triệt thối Vạn lý Trường chinh băng qua cây cầu sinh lộ cuối cùng, Luding, bắt ngang con sông Dadu (Đại Độ), đã từng khẳng định là “Điều nầy là một sự sáng tạo hoàn toàn. Không có một trận chiến nào tại cây cầu Luding. Ông Chiang (i.e. Chiang Kai-shek, Tưởng Giới Thạch) đã để lối đi mở ra cho những người phe Đỏ. Quân đội Đỏ băng qua cây cầu mà không phải chịu một cái chết độc nhất nào”.

Trong bài viết điểm sách “Mao: The Unknown Story” trên rense “The Truth About Mao” của Jonathan Mirsky vào ngày 29/05/2005, có đoạn tóm lược chi tiết về tình hình đó: 

“Tại một điểm, những người Quốc dân Đảng để lại một chiếc xe tải ở lề đường được chất đầy với thực phẩm và những bản đồ chi tiết của tuyến đường phía trước. Chang và Halliday định kiến rằng ông Chiang (Tưởng Giới Thạch) tha cho những người phe Đỏ một phần bởi vì ông Stalin đang nắm giữ con tin, đứa con trai của ông Chiang.” 

Và:

“Ông Mao và những nhà lãnh đạo khác được khiên trong những cái kiệu. Một người sống sót nói với Chang và Halliday rằng giới ưu tú ‘nằm dài trong những cái kiệu, giống như những địa chủ’. Không có một nhà lãnh đạo cao cấp độc nhất nào, không cần biết có đau bệnh hoặc bị thương nặng như thế nào, đã chết dọc theo cuộc Vạn Lý Trường chinh, mặc dù hầu hết những binh sĩ bị thiệt mạng”.

Hai tác giả còn trích dẫn lời Chủ tịch Mao nói trong những thập niên sau nầy:

“Về cuộc Vạn lý Trường chinh, tôi nằm trong một cái kiệu. Như thế tôi đã làm gì? Tôi đọc sách. Tôi đọc nhiều lắm”. 

(Cây cầu Luding bắc qua con sông Dadu (Đại Độ), nơi diễn ra 
“trận chiến cảm tử” ảo tưởng của Hồng quân Trung cộng)

Tác giả Nicholas D. Kristof của bài viết trên ghi nhận như sau:

“Mao không chỉ là một nhân vật lịch sử, tất nhiên, nhưng là một phần của mạng luới hợp pháp (rách nát) mà Cộng hòa Nhân dân dựa vào. Ông là một phần của chuyện thần thoại sáng lập chính phủ Trung Quốc, chuyện huyền thoại sáng lập triều đại La Mã của anh em Romulus và Remus của ‘nhân dân Trung Quốc’, và đó là lý do tại sao chân dung của ông ta được treo ở Quảng trường Thiên An Môn. Ngay cả trong số những người Trung Quốc bình thường, ông Mao vẫn giữ được sự tưởng tượng phổ biến, và một số nông dân ở các vùng khác nhau của Trung Quốc đã bắt đầu lập ra những đền thờ tôn giáo theo truyền thống tôn vinh ông ta. Đó là một vinh dự cuối cùng dành cho một người vô thần --ông ta đã trở thành một vị thần”.

 
(Tượng của chàng thanh niên Mao ở thủ phủ Changsha, tỉnh Hunan 
(Hồ Nam), thoạt trông qua giống y như một tượng điêu khắc trên 
đỉnh đồi như tác phẩm điêu khắc của cha con Gutzon Borglum về
4 gương mặt của 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ trên đỉnh núi Rushmore 
thuộc tiểu bang South Dakota, nhưng thật ra nó được xây dựng như 
một cao ốc bên trong và được ráp nối bên ngoài)



________________________________

Bài đã đăng:


Những tài liệu tham khảo: 

Mao Zedong (1893--1976):

1- Trên trang en.wikipedia “Mao Zedong”; “Luo Yigu”; “Yáng Kāihuì”; “He Zizhen”; “Long March”; “Jiang Qing”; “Jiang Kanghu”. 

2- Bài viết trên fatherofcommunism.weebly “Mao Zedong's marriages and children”.

3- Bài viết trên britannica “First Provincial Normal School”.

4- Bài viết điểm sách “Mao's Private Doctor” trên nytimes “The Tyrant Mao, as Told by His Doctor” của Richard Bernstein vào ngày 2/10/1994. 

5- Tác phẩm “Mao's Private Doctor” của Bác sĩ Li Zhisui được ấn hành vào năm 1994 và được dịch ra tiếng Việt “Bác Sĩ riêng của Mao”. 

6- Bài viết trên spectator.co.uk “Me and Mao’s girl” của Jonathan Mirsky vào ngày 29/10/2011.

7- Bài viết trên chinauncensored “Mao's Private Doctor - Li Zhisui Was Murdered” của R. Champagne.

8- Bài trích lược dịch “Mao Trạch Đông và hàng ngàn thê thiếp” của Thụy My từ tác phẩm “Sex, Mensonges et Politique” (“Tình dục, dối trá và chính trị”) của Pierre Lunel.

9- Bài viết điểm sách “Mao: The Unknown Story” của Jung ChangJon Halliday được ấn hành vào năm 2005, trên nytimes “ ‘Mao’: The Real Mao” của Nicholas D. Kristof vào ngày 23/10/2005.

10- Bài viết điểm sách “Mao: The Unknown Story” của Jung ChangJon Halliday, trên rense “The Truth About Mao” của Jonathan Mirsky vào ngày 29/05/2005.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét