Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Suy niệm CHÚA NHẬT MƯỜI SÁU THƯỜNG NIÊN: "Xấu Và Tốt Trong Cùng Cánh Ðồng"


CHÚA NHẬT MƯỜI SÁU THƯỜNG NIÊN

KHÔN NGOAN 12,13.16-19 ; RÔ-MA 8,26-27 ; MÁT-THÊU 13, 24-43

Xấu Và Tốt Trong Cùng Cánh Ðồng



Theo sự khôn ngoan của ông bà để lại thành như một sự phổ quát của dân gian, dạy chúng ta rằng : chớ bao giờ chất đầy trong một thùng trái cây dự trữ lẫn lộn một vài ba trái xấu, vì chúng sẽ làm hư hoại lây lan đến những trái cây tốt khác. Thế nên chúng ta phải lấy các trái cây hư xấu đó ra khỏi thùng ngay. lời khuyên nhủ hữu lý này, thường thấy cha mẹ dùng nó để dạy dỗ con cái mình : như con chớ chơi thân với thằng đó, cha mẹ thấy nó hư đốn, hoặc con chớ choi với con kia con nhé, vì con đó lẳng lơ, mất nết quá. Hay nữa, con gái không nên đi chơi đêm một mình, con trai không nến hút sách, cờ bạc, rượu chè be bét. Lý do cha mẹ sợ thấy con cái mình khi đi chơi với các bạn xấu nết, xấu tính, tất bị ảnh hưởng của chúng bạn rồi đâm ra cũng xấu nết, xấu tính như chúng.

Qủa đúng như ông bà ta khuyên : « gần mực thì đen, gần đèn thì sáng » là vậy. Chớ gì người tốt thì tìm người tốt mà chơi! Bởi đây là cách thức của sự khôn ngoan cùng cẩn trọng. Ngay ngoài xã hội, người ta cũng có những quy tắc bảo vệ bằng các hình thức như thế : như Nhà Nước cố gằng giữ gìn trật tự công cộng cho quần chúng : ví thể chống trộm cướp và bắt giữ các tên đầu trộm đuôi cướp, chống buôn bán thuốc phiện vv., bằng cách xây những nhà tù, nhà cải huấn để giữ những can phạm.

Thế đó là cách phân biệt tốt xấu, phân biệt người lành kẻ dữ, và thường các người tốt lành tránh kết bạn với những người xấu, đây cũng chính là thái độ của chúng ta. Và đó cũng chính là lý tự nhiên cho chính bản thân mình, đây cũng chính là lời khuyên tốt cho người khác. Cũng giống như nước và lửa hay chó và mèo, rồi người xấu và người tốt, người dữ và kẻ lành, thường thấy phải tránh xa nhau, chúng ta khó thấy được các con vật hay những người này sống chung cùng nhau. Quả điều ấy khó có thể xảy ra. Thế nhưng chúng ta thấy thật kinh ngạc khi lắng nghe Lời Chúa Giê-su đưa ra một dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, qua dụ ngôn đó thì sự xấu và sự tốt, người dữ kẻ lành được Ngài trình bày trước mắt chúng ta một cảnh tượng họ sống bên nhau.

Cũng bài dụ ngôn này, chúng ta thấy những người tá điền hỏi ông Chủ ruộng đất rằng : « Ngài có muốn chúng tôi nhổ bỏ thứ cỏ dại này đi không ? » Song câu trả lời của Chúa quả là tiêu cực. Vì nếu để cho anh tá điền nhổ những loại cỏ dại đó đi cùng một thời gian với nhiều cây lúa tốt đang bắt đầu chổi mọc, thì việc làm đó quả là nguy hại thay. Tuyệt diệu thay câu trả lời rất minh bạch của Chúa đó, nó cho phép sự diễn đạt của những đề nghị chúng ta về sự tốt và sự xấu, về những người lành và kẻ dữ, thì không cứng ngắt, nhất cứ theo quan điểm chúng ta muốn. 

Thực thể trong đời sống hằng nhật của chúng ta, mọi sự không phải luôn là hoàn toàn trong sáng, và có thể tình cờ, hay đời sống đó lắm lúc làm chúng ta dễ giận, dễ hờn cùng muốn chặt đứt một việc nào đó không vừa ý, chướng tai gai mắt ngay lập tức. Như thế thiên hạ không hẳn tất cả là trắng hoặc tất cả là đen, tất cả là người thiện hay tất cả đều là kẻ gian ác. Chúng ta thử nghĩ nếu một ai đó đưa tay chỉ vào một người trong chúng ta và nói rằng « à anh A này là người lương thiện đáng kính trọng, còn anh B kia là kẻ gian ác đáng khinh bỉ ». Lời nói này thật là tác hại, nguy hiểm cho cho danh giá của người ta. Chớ gì chúng ta không nên làm điều như thế. Nhất là ta chớ đánh giá vội vã thiên hạ theo nhãn quan thiển cận của mình. Tốt hơn hết hãy để cho thời gian trả lời cho các hành động cùng công việc của họ. Thời gian và sự kiên nhẫn chờ đợi hằng đem lại điều tốt cho con người hơn.

Do đó, theo lời khuyên dạy của Chúa Giê-su, hãy để cho cỏ dại và các mầm chồi của cây lúa khi chúng lớn mạnh đúng mức, thì người ta sẽ thấy những gì thực là cây lúa và những gì là loài cỏ dại, để có thể tách biệt chúng ra một cách dễ hơn. Ðịnh Luật Tạo Hóa và theo luật tự nhiên, thì thường có thời gian để chờ đợi, nhờ vậy người ta mới tránh đi các nguyên nhân nhổ lầm những cây lúa còn xanh tốt. Vì thế vào khoảng thời gian này, hay trong thời gian của cuộc sống ta, tất nhiên chúng ta cần sống với người xấu cũng như người tốt, người lương thiện cùng kẻ gian ác giống như cỏ dại và cây lúa con vậy, cần để cho chúng nó lớn lên với nhau, hầu khi ta nhổ chúng mới bảo đảm là không bị lầm.

Tuyệt thay cái nhìn của Chúa Giê-su về cây cỏ dại và cây lúa con, đó chính là sự mạc khải cho ta hay thái độ bao dung của Thiên Chúa hướng về chúng ta. Chúa Trời hằng luôn kiên nhẫn. Ngài để cho các thụ tạo tiến triển theo lẽ tự nhiên của chúng. Thiên Chúa chấp thuận cho một thế giới không hoàn hảo. Thế giới không hòan hòan đó vì con người, và Thiên Chúa không thể cản trở hay trói buộc các « trò chơi » tự do của con người được. Chúng ta chớ nghĩ rằng Chúa Trời không biết, Thiên Chúa làm ngơ. Không đâu, Ngài thấu biết hết, nhưng Chúa Trời là Ðấng Sáng Tạo nên các thụ tạo và trái đất này, là một nơi chốn mà các sức mạnh đương đầu với nhau. Thiên Chúa thông suốt mỗi một con tim, mỗi một nhịp đập và hơi thở của con người, kể cả cái nhảy mũi và nháy mắt của ta Ngài cũng thấu biết. 

Hơn nữa, Thiên Chúa biết rõ người này và người kia có một com tim khoan hồng, độ lượng, cao thượng, quảng đại, giàu nhên ái, những cũng nhỏ bé cùng ích kỷ, ganh tương, đố kỵ, tì tiện, so bì vv.. Chúa Trời hiểu được anh này, chị nọ có một quả tim anh hùng, anh thư, can đảm nhưng cũng nhát sợ và cầu an. Thiên Chúa thấu suốt ông nọ bà kía có một tấm lòng nhân ái, từ bì, âu yếm cùng thương yêu, nhưng họ cũng có sự hận thù và bạo lực. Là con người không ai hoàn hảo tuyệt đối cả. Vì giống như trong một cánh đồng : lúa non cùng cỏ dại có thể cùng nhau lớn lên, và chúng ta kẻ xấu hay người tốt đều có một con tim, một thân xác do Thiên Chúa tạo dựng, và cũng có hơi thở của Ngài phú cho để sống. Bởi thế không ai có quyền gì để loại trừ họ. Chúa Trời không ngần ngại các trạng thái và cảnh ngộ như thế, các sự xấu và sự tốt đó không làm Ngài tức giận. Thiên Chúa không khử trừ chúng ngay. Chúa Trời luôn làm chủ được mọi tình thế, và không bao giờ đánh mất đi sự trầm tĩnh của mình. Ngài không tỏ thái độ bất bình, không lên cơn nỗi nóng, la mắng quát tháo, không đỏ mặt tía tai nỗi giận, nỗi cơn lôi đình với người xấu 

Tuyệt thay Thiên Chúa tỏ ra thật dịu dàng, nhân từ, hằng chờ đợi những người xấu, kẻ dữ có cơ hội ăn năn sám hội các tội mình phạm, và quay hướng về với Ngài, như trong sách Khôn Ngoan nói đến mà chúng ta đã nghe : Chúa Trời là Người Cha khoan nhân, độ lượng, giàu lòng thương xót, luôn sẵn sàng tha thứ các tội phạm của con cái mình khi chúng biết quay đầu ăn năn thống hối. Tuyệt vời thay thái độ nhân ái, tình yêu của Thiên Chúa, đó phải là nguồn cảm hứng cho chúng ta. Quả thế chúng ta chưa bao giờ đạt được lòng nhân ái như Chúa Trời muốn. Lòng nhân ái không muốn nói rằng hay để mặc kệ nó, khử nó đi, và đừng để nó làm tổn thưng đến người khác. Lý hơn, lòng nhân ái muốn nói rằng hãy kiên nhẫn, phải khoan thứ, độ lượng, dung hòa. Lòng nhân ái không có nghĩa là ngây thơ, hay lạnh cảm, dửng dưng đối với người dữ cùng kẻ xấu, rồi loại trừ họ ra một bên, cô lập họ, hoặc những người ố danh, thi ta không đi lại liên hệ với họ nữa. Lý thực lòng nhân ái có nghĩa là thông cảm đời sống của con người, nhất là thông cảm và thương xót đến những người yếu đuối, lầm lỡ sa ngã, mà Thánh Kinh gọi họ là những người tội lỗi hay kẽ gian ác.

Qua bài tin Mừng Chúa Nhật Mười Sáu Thường Niên hôm nay chúng ta học được những gì ? Ðó chính là Lời Chúa cảnh báo cho những cám dỗ của chúng ta, cho những đòi hỏi cùng yêu sách thái quá của ta, và cho sự thành kiến cùng cố chấp không khoan dung của chúng ta đối với anh chị em mình. Thực thế qua bài dụ ngôn này Chúa cho ta thấy rõ : ở trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ và cộng đồng dòng tu, trong học đường cùng trong công sở và ngoài xã hội, thì xấu và tốt, lành và dữ đều lớn lên và phát triển cùng nhau – Cho dù khi có người xấu xuất hiện và cho dù hành động của họ có thể đầu độc và tác hại đến những người chung quanh, thì không vì thế chúng ta xa lánh hay khép kín, đóng chặt lòng nhân ái của ta lại đối với họ. 

Xin chúng ta hãy học và thực tập bài học lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, chúng ta nên học lòng nhân ái cùng thương xót của Ngài : đó là nên cho chúng lớn lên, vì khi đó chúng ta sẽ nhỉn rõ hơn, thực ra chúng ta vẫn còn thời gian để cắt bỏ và nhổ đi các cây cỏ dại. Do vậy qua bài dụ ngôn hôm nay, chúng ta cần đến lòng kiên nhẫn cùng sự cẩn trọng, thì tốt hơn là sự nóng nảy muốn loại bỏ, nhổ cỏ dại ngay tức thì, Ðep thay đây chính là phương cách hành động của Chúa Trời. Nhưng theo thói thường, chúng ta không có được lòng kiên trì, lòng nhân ái, thường hay lẫm lẫn và muốn cái gì cũng vội vàng nhanh chóng, không có được sự cố gắng bắt chước cung cách hành động của Thiên Chúa. Chớ gì chúng ta khấn xin Chúa Trời ban cho chúng ta có được lòng nhân ái cùng sự trầm tĩnh kiên nhẫn của Ngài khi đứng trước mọi cảnh huống cùng tình thế của cuộc đời có trắng đen, vàng thau lần lỗn, có người thiện và kẻ ác, có sự xấu và sự tốt vv... Amen. 

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN



0 nhận xét:

Đăng nhận xét