Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

HẠNH PHÚC VÀ NƯỚC TRỜI


LTCGVN (24.07.2014)



Singapore là quốc đảo nhỏ bé, dân số không nhiều chỉ khoảng hơn năm triệu người nhưng lại là một đất nước giàu có, đầy khát vọng, có nền công nghệ cao, thu hút được nhiều nhân tài từ nước ngoài. Với những điều kiện như thế ai cũng nghĩ chắc hẳn người dân ở đấy phải hạnh phúc lắm. Thế nhưng thật bất ngờ trong một khảo sát mới đây của viện Gallup về 148 quốc gia trong đó người Singapore được cho là thiếu lạc quan nhất thế giới. Họ đội sổ cùng với người Iraq, Armenia và Serbia. Có câu hỏi được đặt ra = Tại sao một đất nước giàu có, tài giỏi như thế mà người dân lại không hạnh phúc ? Câu trả lời xin dành cho Marcus là người Singapore gốc Trung Quốc nhưng đi học ở Canada. Sau 5 năm trở về anh lại muốn ra đi bởi Singapor khiến anh không hạnh phúc. Anh nói “ Chúng tôi được lập trình để chỉ nghĩ cho bản thân. Điều quan trọng duy nhất là tiền. Không ai quan tâm đến việc giúp đỡ người khác. Vấn đề là ở đây chúng tôi dùng đồng đô la để đo đếm mọi thứ, từ bản thân mình, lòng tự tôn, niềm vui cho đến giá trị của bản thân. Nhưng chỉ có vài phần trăm người dân kiếm được rất nhiều tiên, những người còn lại đều cảm thấy vô giá trị và trở nên vô cảm” ( Nguồn BBC – 26/3/2014 – Charlotte Ashton - Singapore là quốc gia bất hạnh ). 

Không hẳn chỉ người dân Singapore ở trong số những người còn lại tức những người không kiếm được…rất nhiều tiền ấy mới cảm thấy mình không có hạnh phúc mà đây là tình cảnh của hết thảy con người trong bất cứ xứ sở và bất cứ thời đại nào. Hễ chỉ nghĩ cho bản thân thì sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc. Tại sao thế ? Bởi vì con người đã được lập trình không phải là để chỉ …nghĩ cho bản thân nhưng là để …nghĩ cho Thiên Chúa Đấng tác tạo nên mình ( St 1, 26 ). Chính bởi con người chỉ thực sự hạnh phúc khi nhớ nghĩ đến Thiên Chúa hiểu như Thực Tại Hằng Hữu nên đức Khổng Phu Tử của trời Đông mới thốt lên lời tâm huyết thế này “ Buổi sáng nghe được Đạo buổi tối có chết cũng cam lòng” ( Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ - Luận Ngữ ). Nghe Đạo thì Đạo ở đây chính là Thực Tại vượt ngoài ngôn ngữ nghĩ suy của con người “ Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả Danh phi thường Danh” ( Đạo mà ta có thể nói ra được thì đó không phải Đạo Thường. Danh mà có thể gọi tên ra được thì đó không phải Danh Thường. Lão Tử ĐĐK chương một ) 

“ Thường” có nghĩa là thường hằng bất diệt đời đời. Thực Tại thường hằng đó ở nơi mỗi tôn giáo đều có những cách diễn đạt khác nhau. Phật giáo nói là Phật Tánh. Nho giáo nói là Thái cực. Ấn giáo nói là Brahman. Do Thái giáo nói là Đức Chúa Giehova v,v…Tuy với mỗi tôn giáo mỗi khác nhưng tựu chung Thực Tại ấy vẫn chỉ có thể là một thứ thực tại nội tại tức ở nơi Tâm mỗi người. Thực Tại Tâm ấy tùy nơi tùy lúc Đức Ki Tô có khi gọi là Đấng Cha, có khi là Nước Trời. cần phải nhận ra chân lý thực tại Tâm, nếu không sẽ không cách chi hiểu được cả về Đấng Cha cũng như Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng. 

Phải chăng chính vì không nhận ra thực tại Tâm ấy nên thần học mới lấn cấn với quan niệm đấng thần linh Tạo Hóa ngoại tại để rồi đưa ra một thứ thần học gọi là “ Thần học về cái chết của Thiên Chúa” ( Theologie de la mort de Dieu ) ? lại nữa cũng vì không nhận ra thực tại Tâm ấy mà người ta đã biến Nước Trời mầu nhiệm thành ra Nước Trời tục hóa “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Ki Tô rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức” ( Albert Nolan – Đức Ki Tô trước khi có Ki Tô giáo). 

Theo quan niệm này thì để Nước Trời đến khi người nghèo hết nghèo, khi người bị áp bức không còn bị áp bức thì nhất định chỉ có cách là phải đấu tranh giai cấp theo kiểu CS. Thế nhưng kiểu đấu tranh giai cấp ấy đã quá ư lỗi thời và ngay cả cái gọi là lý tưởng CS chủ nghĩa ấy cũng đã bị thiên hạ vứt vào sọt rác từ lâu có còn đâu nữa để mà đấu tranh dù là …đấu cuội ! Nói rằng Nước Trời đến khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức, thực chất đó chỉ là hậu quả đương nhiên của nạn tục hóa. Với tục hóa thì không còn gì là siêu nhiên là Thực Tại nhiệm mầu cần phải hết lòng tìm mới gặp. Đang khi đó Đức Ki Tô truyền dạy “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy chớ nên lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” ( Mt 6, 33 – 34 ). 

Chúa nói cần hết lòng tìm kiếm Nước Trời bởi chỉ khi nào tìm được nước ấy thì con người mới có được hạnh phúc đích thực. Trong việc tìm kiếm Nước Trời mầu nhiệm này, điều kiện trước hết là cần có lòng tin, tiếp đến phải có sự ăn năn sám hối tội lỗi mình “ Thời đã mãn Nước ĐCT đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Lòng tin và sám hối tuy có vẻ là hai nhưng thực chất là một. Lý do bởi vì tin ở đây là tin vào Tin Mừng của Chúa về Thực Tại nội tại tức Nước Trời mầu nhiệm ở nơi Tâm mỗi người. Để có thể tin vào Thực Tại Tâm như thế thì nhất thiết cần sám hối chừa cải tội lỗi. Có tin mới sám hối, ngược lại không tin thì không sám hối. Lòng tin và sự sám hối luôn hỗ trợ cho nhau, càng sám hối bao nhiêu thì lòng tin càng vững chắc bấy nhiêu. Nước Trời ví như viên ngọc quý ẩn sâu dưới đáy ao. Nước ao có trong thì ta mới nhìn thấy ngọc trái lại nước đục ngàu thì không thể thấy. 

Nước đục đó chính là tội và tội có tính căn nguyên che lấp chân tính ( ngọc quý ) là do nguyên tổ đã không nghe lời Thiên Chúa cố tình…ăn trái mà Thiên Chúa đã cấm “ Giehova ĐCT phán dạy rằng = Ngươi được tự do ăn hoa trái các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 ). Giehova cấm nhưng nguyên tổ vẫn cứ…ăn, thế là phải chết đúng như lời phán. Cái chết ở đây dĩ nhiên không phải là cái chết phần xác nhưng là tâm linh. 

Câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng có tính minh triết để nói về cái chết tâm linh do nơi phân biệt. Phân biệt sở dĩ là tội bởi vì nó chính là cái tâm vị kỷ chỉ nghĩ cho mình. Cái tâm vị kỷ ấy hoàn toàn không có ở nơi Adam khi đang còn sống an nhiên nơi Vườn Địa Đàng. Lý do Adam không có tâm vị kỷ bởi lẽ rất ư đơn giản là vì khi ấy chỉ có một mình có ai đâu để mà phân biệt này nọ. Đang khi ấy không phân biệt thì tất nhiên cũng chẳng có tâm vị kỷ chỉ nghĩ cho mình. Muôn vàn giống tội ở nơi con người đều xuất phát ở nơi tâm vị kỷ tức là tâm phân biệt.. 

Tội lỗi sản sinh sự chết và như thế sự chết đã lan tràn trong thế gian mà nguyên do của nó chỉ do một người là Adam “ Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội ( Rm 5, 12 ). Đã sinh ra trong kiếp người thì không ai lại không vương mang tội là tâm vị kỷ chỉ nghĩ cho mình. Chỉ nghĩ cho mình tức lấy “ Cái Ta, Tôi, Mình…” làm trung tâm. Từ cái tâm vị kỷ chỉ nghĩ cho mình ấy mà phát sinh lòng tự ái chỉ yêu có một mình mình, đặt hạnh phúc của mình lên trên hết mà xem nhẹ hay hoàn toàn quên đi hạnh phúc của kẻ khác. Đó là cái thảm cảnh khổ đau diễn ra cho từng mỗi cá nhân cho đến các quốc gia dân tộc kể từ khi nguyên tổ…ăn trái cấm và bị đuổi khỏi Địa Đàng “ Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê và ngươi sẽ ăn rau củ của ruộng đồng. Ngươi sẽ phải làm đổ mồ hôi trán mới có cái để mà ăn cho đến ngày nào ngươi trở về đất là nơi từ đó đã sanh ra. Vì ngươi là bụi ngươi sẽ trở về với cát bụi” ( St 3, 16 – 19). 

Chẳng những chúc dữ, Giehova Đức Chúa còn cấm không cho trở về “ Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn rồi đặt tại phía đông vườn Eden ( Địa Đàng) các thần Cherubim với gươm lưỡi chói lòa để giữ con đường đi đến Cây Sự Sống” ( St 3, 24 ). Con đường trở về với Cây Sự Sống tức hạnh phúc trường sinh bất tử của con người như vậy phải chăng là đã bị hoàn toàn ngăn chặn ? Tuy nhiên nếu quả như vậy thì ngày nay chúng ta làm gì mà có Kinh Thánh, có Đấng Cứu Thế hạ sinh nơi đời để cứu chuộc nhân loại ? Vâng không phải vậy bởi chưng vẫn còn đó một lời hứa và lời hứa ấy theo các nhà chú giải Thánh Kinh cho biết đó là lời hứa ban Đấng Cứu Thế “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ). 

Với trình thuật này chúng ta không thấy nói gì đến Đấng Cứu Thế, vậy tại sao lại nói đó là lời hứa ban Đấng Cứu Thế ? Lý do là vì Đấng ấy chỉ có thể sinh xuống làm người qua lời Xin Vâng của Đức Nữ Trinh Maria tức là trải qua cuộc chiến vô cùng cam go giữa Người Nữ Maria và quỷ Satan nơi các tâm hồn. 

Đấng Cứu Thế cũng là Đấng Thiên Sai ra đời chỉ với sứ mạng duy nhất là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời “ Ta cần phải rao giảng Tin Mừng Nước ĐCT cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc ấy mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 43). Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời có nghĩa đó là một cái tin có thể khiến những ai tin sự hiện hữu của Nước Trời ở nơi mình sẽ phát khởi được lòng vui mừng khôn xiết. Điều này cũng giống như kẻ ăn xin nghèo khổ lang thang ngày này tháng kia lại có người báo tin cho biết dưới nền túp lều của mình có chôn giấu cả một kho tàng lớn lao thì y chẳng phải quá đỗi vui mừng hay sao ? 

Tin vào Tin Mừng Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng đó là bước khởi đầu rất mực quan hệ cho việc tìm kiếm. Thế nhưng lòng tin ấy chỉ có thể lớn lên cùng với việc dấn bước trên con đường bỏ mình theo Chúa “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại được” ( Lc 9, 23 -24). 

Muốn cứu lại mất, bỏ đi lại được, đây là chân lý nhưng cũng là nghịch lý của con đường giải thoát. Muốn cứu tức chỉ nghĩ cho hạnh phúc của mình mà không nghĩ gì đến hạnh phúc của người thì sẽ mất. Ngược lại biết quên mình đi để lo cho hạnh phúc của người thì lại được tức có hạnh phúc. Con đường nghịch lý ấy đã được minh chứng bởi biết bao bậc Thánh nhân ngay trong thời đại này như đức cha Jean Cassaigne ( 1895 – 1973 ) như Thánh linh mục Damien ( ) tông đồ người cùi. Như Thánh Teresa Calcutta ( ) đấng sáng lập Dòng Nữ Tử Bác Ái v.v… 

Các Thánh cũng là người như chúng ta, duy chỉ khác một điều là các ngài đã nhận ra được ơn gọi và quyết chí theo đuổi ơn gọi ấy đến cùng. Từ khi lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy tất cả chúng ta đều có chung một ơn gọi “ Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin một Phép Rửa một ĐCT là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6). 

Thiên Chúa chẳng có ở đâu xa mà ngay ở nơi mình, bởi đó cho nên theo đuổi ơn kêu gọi không phải là việc chi khác nhưng là luôn nhớ nghĩ bằng việc cầu nguyện bằng việc làm bác ái cứu giúp tha nhân để quay về với Thực Tại ở nơi chính mình. Thực Tại ấy như đã biết có khi Đức Ki Tô gọi là Cha có khi là Nước Trời. Thực Tại ở nơi chính mình đó cũng chính là Bản Tâm Vô Phân Biệt. Khi Tâm ta không phân biệt = Có không, hơn thua, được mất, thắng bại, giàu nghèo, ta người v.v..thì đó là Nước Trời ở trong ta. Đức Ki Tô rao giảng Nước Trời và kêu gọi chúng ta hãy hết lòng tìm và việc tìm kiếm ấy chắc chắn sẽ gặp khi chúng ta biết bỏ đi tâm phân biệt Ta – Người “ Các ngươi đã nghe phán rằng = Mắt đền mắt, răng đền răng. Song Ta nói cùng các ngươi, đừng chống cự kẻ ác. Trái lại hễ ai vả má hữu ngươi hãy đưa má kia cho họ luôn. Hoặc ai muốn kiện cáo ngươi để lấy áo trong hãy để họ lấy luôn áo ngoài nữa. Hay là hễ ai muốn bắt ngươi đi một dặm hãy đi hai với họ. Ai xin ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi thì đừng làm ngơ” ( Mt 5, 38 -42). 

Nghe những lời này thế gian cho là quá ư tiêu cực khó thể chấp nhận. Thế nhưng để có được hạnh phúc thật sự thì không có con đường nào khác ngoài con đường bỏ mình. Chính Đức Ki Tô cùng các Thánh của Ngài đều đã đi con đường này và tất cả đều ở trong vinh quang bất diệt./. 

Phùng Văn Hóa 
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét