LTCGVN (09.07.2014) – Tuần thứ 62 và 63, từ ngày 23/06 đến ngày 05/07/2014, Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân oan các Tỉnh, Thành phố Bình Thuận và Cần Thơ:
1) Bình Thuận:
Bà Nguyễn Thị Kim Lệ, Quận 5, Sài Gòn: Bà “Tố cáo và đề nghị bồi thường oan sai”. Vụ việc, theo Bà trình bày, đã phát sinh từ những năm 2002. “UBND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận duyệt Dự án nuôi tôm, để cán bộ xã vụ lợi, không cấp đất Dự án nuôi tôm cho gia đình Bà. Ngày 6/6/2013, Bà có làm đề nghị cấp đất hồ tôm, nhưng đến nay chưa được xem xét giải quyết. UBND huyện Bắc Bình cấp quyền sử dụng đất trái pháp luật cho Ông Huỳnh Văn Gấm, diện tích 5.920 m2 từ năm 2002, trên diện tích đất của gia đình Bà. UBND huyện Bắc Bình cấp quyền sử dụng đất trái pháp luật cho Ông Nguyễn Văn Phúc, diện tích 1.500 m2 vào năm 2012, trên diện tích đất của gia đình Bà. Nhưng lại không cấp QSD đất cho Bà. UBND huyện Bắc Bình, UBND xã Hòa Thắng giải quyết không phù hợp pháp luật, buộc Bà phải khiếu nại, tố cáo 5 nội dung…”. Hồ sơ photo Bà gửi kèm theo có Quyết định số 9563/QD-UBND ngày 7/11/2013 của UBND huyện Bắc Bình: “Thu hồi GCN QSD đất ký hiệu số V881354 do UBND huyện Bắc Bình cấp ngày 31/12/2002 cho Ông Huỳnh Văn Gấm…Lý do thu hồi: Việc cấp Giấy chứng nhận số V881354 cho Ông Huỳnh Văn Gấm đối với diện tích 5.920 m2 …là chưa đúng chủ sử dụng và chưa đúng thực tế; bởi vì, nguồn gốc đất 5.920m2 là do cha mẹ bà Nguyễn Thị Kim Lệ khai hoang năm 1976 để sản xuất hoa màu, sau đó thì cha mẹ Bà Lệ chết, số đất này do Bà Lệ quản lý, sử dụng; Ông Huỳnh Văn Gấm không phải là chủ sử dụng đất thực tế đối với số diện tích 5.920 m2 trên….”. Vụ việc của Bà, do UBND huyện Bắc Bình đã có quyết định thu hồi Giấy CN QSD đất diện tích 5.920m2 cấp cho Ông Gấm, nên Tòa án đề nghị Bà rút đơn khởi kiện tranh chấp đất với Ông Gấm, sau khi Bà rút đơn, TA ra quyết định đình chỉ vụ án là đúng. Bà cần liên hệ UBND xã Hòa Thắng và UBND huyện Bắc Bình để tiến hành thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSD đất 5.920m2 (thuộc thửa đất số 13, tờ bản đồ số 04) cho Bà do đất này có nguồn gốc của cha mẹ Bà khai hoang, Bà đang quản lý, sử dụng. Bà cũng có quyền tố cáo hành vi cấp Giấy chứng nhận QSD đất trái pháp luật cho Ông Gấm, trong khi Ông Gấm khai gian nguồn gốc đất (mua của Bà Nguyễn Thị Năm- Chị ruột Bà) và thực tế không sử dụng đất.
Hồ sơ cũng có Biên bản làm việc ngày 6/6/2013, giữa Bà với Thanh tra huyện Bắc Bình, thống nhất “giao cho Bà Lệ 1 lô đất nuôi tôm (diện tích 5.000m2 )…yêu cầu Bà Lệ làm đơn xin cấp đất nuôi tôm theo qui định…”. Văn phòng không rõ Bà có làm đơn chưa? Cần lưu ý, thẩm quyền giao đất- trong trường hợp của Bà- theo qui định Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ 1/7/2014, sẽ là UBND huyện. Bà liên hệ UBND huyện để tiến hành thủ tục (nếu chưa thực hiện).
Hồ sơ cũng có Biên bản hòa giải tranh chấp QSD đất (không thành) giữa Bà và Ông Nguyễn Văn Phúc ngày 9/5/2013 tại UBND xã Hòa Thắng. Đây là thủ tục bắt buộc, trước khi vụ việc được TA giải quyết. UBND Xã không có thẩm quyền giải quyết ai đúng, ai sai mà chỉ hướng dẫn nộp đơn đến Tòa án, do đất tranh chấp đã có giấy CN QSD đất. Văn phòng sẽ liên hệ hướng dẫn Bà.
2) Cần Thơ:
Ông Trịnh Văn Thanh và Trần Hữu Phước, quận Ninh Kiều: Các Ông phản ánh: “Bị thu hồi đất, hứa bán nền, nhưng Công ty Cần Đô không thực hiện. Hợp tác xã Cao Cường cưỡng chế lấy đất khi chưa có bồi thường, đến nay cũng chưa bồi thường…”. Vụ kiện Công ty CP Cần Đô, các Ông có thể liên hệ Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Ông tại Tòa để nhờ hướng dẫn . Theo Văn phòng, Tòa Phúc thẩm cho rằng “các Biên bản …mới chỉ là hứa cho các nguyên đơn được đăng ký mua một nền nhà…Do vậy, chưa thuộc thẩm quyền của Tòa án…” là chưa phù hợp. Vì lẽ, “hứa” là giao dịch dân sự có điều kiện theo qui định tại Điều 125 Bộ luật Dân sự. Mặt khác, ngay tại Tòa sơ thẩm, phía Công ty Cần Đô đã “thừa nhận…và đến thời điểm này công ty vẫn sẵn sàng chuyển nhượng cho 2 Ông mỗi ông một nền tái định cư…”. Lời khai tại phiên Tòa là chứng cứ (khoản 4 Điều 83 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Như vậy, không phải “chỉ là hứa…” mà đã là “xác nhận”. Tuy nhiên vụ việc này đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, và cũng hết thời hiệu khởi kiện.
Vụ “kiện hành chính yêu cầu hủy một phần Quyết định 2973/QĐ-UBND ngày 21/11/2008 của UBND TP. Cần Thơ” của Ông Trịnh Văn Thanh đã được xét xử phúc thẩm ngày 28/5/2013. Ông đã có “Đơn yêu cầu được đưa ra ánh sáng vụ việc giải quyết khiếu nại thu hồi đất và việc xét xử của TA” với nội dung đưa ra các căn cứ “kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Theo Văn phòng, Ông cần liên hệ Luật sư đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ông tại Tòa hướng dẫn làm lại văn bản đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 115/2013/HCPT theo đúng qui định Điều 284, Điều 284a và Điều 284b Bộ luật Tố tụng Dân sự; Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC. Xin lưu ý, thời hạn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm…chỉ là một năm kể từ ngày 28/5/2013. Nhưng thời hạn kháng nghị của cấp có thẩm quyền là 3 năm, nên nếu có chứng cứ (như biên nhận) Ông đã nộp Đơn thì nay có thể bổ sung….
Vụ kiện quyết định về xử phạt hành chính, Tòa phúc thẩm đã có phán quyết tại Bản án số 242/2013/HC-PT ngày 19/12/2013 tuyên “hủy toàn bộ quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1861/QĐ-XPHC ngày 9/8/2012 của phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ”, và “các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật”. Do không có hồ sơ và bản án sơ thẩm, Văn phòng đề nghị Ông nhờ Luật sư giúp đỡ tư vấn các công việc cần làm tiếp theo.
Văn phòng Công lý-Hòa bình
Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét