Cùng quý vị độc giả
(NVCL)- Sau khi Nữ Vương Công Lý gửi tới admin của Giáo phận Vinh và không được hồi âm về vấn đề ở Giáo xứ Đông Yên, Nữ Vương Công Lý đã công bố 2 phần đầu của Thư giáo dân Đông Yên. Sau đó Nữ Vương Công Lý tiếp tục nhận được nhiều Thư giáo dân Đông Yên và các ý kiến về sự kiện này.
Không hiếm các ý kiến bức xúc của giáo dân cũng như nhiều người quan tâm đến vấn đề thuộc Giáo xứ Đông Yên, một giáo xứ đã có lịch sử lâu đời với truyền thống anh dũng, bất khuất trước sự đàn áp của Cộng sản thời kỳ khốc liệt nhất.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao, một giáo xứ mà ngay những năm 60 của Thế kỷ trước, trong lửa đạn, dưới họng súng của Cộng sản, đã kiên trì và anh dũng đoàn kết bảo vệ một chủ chăn bất kể sự hi sinh mà đến nay lại có chuyện giáo dân phải nhờ các phương tiện truyền thông để kêu lên nỗi đau của mình?
Vấn đề tại Đông Yên đã từ rất lâu, đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần đoàn kết, yêu thương hợp nhất và sự đạo đức tại đây. Có thể khẳng định là Tòa Giám mục Xã Đoài không thể không biết bởi bao tiếng kêu của giáo dân ở đây đã vang lên từ lâu. Chúng tôi cũng đã hi vọng các đấng bậc trong giáo hội có cách xử lý hợp tình, hợp lý. Song sự việc cứ đi quá xa những thiện ý ban đầu để đến mức chia rẽ, nguy cơ tan rã.
Ở đây có trách nhiệm của ai? Linh mục được can thiệp như thế nào vào cuộc sống của giáo dân ngoài vấn đề giáo lý, đạo đức và phụng vụ quy định? Chúng tôi chưa đánh giá linh mục Anton Nguyễn Quang Tuấn hiện nay đang phục vụ ai trong những sự việc xảy ra tại Đông Yên. Nhưng chúng tôi cho rằng dù với lòng nhiệt thành đối với giáo dân và đời sống của họ dẫn tới lạm quyền, lạm dụng chức năng của mình, làm lợi cho nhà cầm quyền CSVN trong việc đẩy người dân vào khốn khó, là điều cần phải xem xét lại.
“Nếu giáo phận Vinh phớt lờ, hoặc đáp ứng chậm trễ, sẽ gây biết bao nghi ngờ về khả năng lãnh đạo và tinh thần tôn trọng công luận của giới lãnh đạo giáo phận.Tuy nhiên, tối hậu, hành động, chứ không phải lời nói, của vị thẩm quyền giáo phận mới giải tỏa được vấn đề.Chúng ta cầu xin Ơn Chúa soi sáng cho các ngài và cho cả chúng ta”.Trần Hiếu, San Jose
Hiện tượng một số linh mục đã can thiệp vào đời sống giáo dân một cách thô bạo và làm hại đến tinh thần giáo dân không phải là ít ở Giáo phận Vinh cũng như nhiều giáo phận khác tại Việt Nam. Thậm chí có những linh mục đã không tiến hành các phép bí tích như rửa tội cho con cái, chỉ vì giáo dân đã không đủ tiền nộp theo quy định đưa ra để xây nhà thờ (Trường hợp ở giáo xứ Tân Hội). Trong khi đó, nhiều đại gia đã can thiệp vào nhiều công việc của Giáo phận như việc bếp núc của nhà mình (!). Còn ở Đông Yên, một số gia đình có con cái đi tu ở các dòng, đã bị linh mục khống chế buộc phải đồng ý khi đi tái định cư mới được nhận sự xác nhận của cha xứ – một cách làm chuyên quyền và lạm quyền có tính chất thù vặt, nhỏ nhen trái pháp luật và giáo luật, không khác mấy với chính quyền Cộng sản hiện nay.
Trở lại Giáo xứ Đông Yên, sau khi Nữ Vương Công Lý đăng tải hai phần đầu bức thư của giáo dân Đông Yên, linh mục Anton Nguyễn Quang Tuấn đã thông báo giữa nhà thờ Đông Yên rằng: “Giáo dân đang đóng đinh tôi trên đồi Golgotha. Nhưng xin cầu nguyện cho tôi và cho họ”.
Xin thưa rằng, chẳng giáo dân nào có thể đóng đinh linh mục, chỉ có linh mục đang tự đóng đinh mình mà thôi. Thực chất ở đây, việc đóng đinh không phải trên đồi Golgotha như Đức Kito, mà linh mục đang tự đóng mình vào cỗ máy vận hành của nhà cầm quyền CS Hà Tĩnh, nhằm bán đất, bán nước cho Tàu Cộng?
Cũng liên quan đến vấn đề tại Đông Yên, mới đây, sau khi Nữ Vương Công Lý đăng thư giáo dân, Tòa Giám mục đã cử hai linh mục thuộc Ban Truyền thông và văn phòng về để điều tra sự kiện này. Tuy rằng buổi làm việc của hai linh mục về điều tra sự kiện tại Đông Yên đang được giáo dân chú ý và gây một số thắc mắc khi các nhân chứng chưa được tìm hiểu đến. Song chúng tôi hi vọng Tòa Giám mục sẽ làm sáng tỏ sự kiện ở Đông Yên đã gây bức xúc dư luận lâu nay.
Nữ Vương Công Lý tiếp tục đăng phần III bức thư này và những diễn biến tiếp theo tại Đông Yên để bạn đọc rõ vấn đề tại đây.
Mọi ý kiến xin gửi về hộp thư nuvuongcongly@gmail.com. Xin cảm ơn độc giả đã quan tâm.
BAN BIÊN TẬP NỮ VƯƠNG CÔNG LÝ
· Thư giáo dân: Những bất thường tại Giáo xứ Đông Yên, GP Vinh – Phần II
· GP Vinh: Giáo dân Dũ Lộc gửi đơn đề nghị về bãi thải nhiệt điện Vũng Áng
· Phỏng vấn giáo dân Đông Yên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh về tình hình ở đây
· Gp Vinh: Ngôi nhà thờ đang bị phá và linh mục ứng cử Hội đồng nhân dân Tỉnh
· ‘Phép biến hình’ của tổ chức mạo danh Giáo hội Công giáo
Thư giáo dân: Những bất thường tại Giáo xứ Đông Yên, GP Vinh – Phần III
Như chúng tôi đã nêu ở phần đầu, ở giáo xứ Đông Yên, GP Vinh nơi nằm trong vùng quy hoạch cảng Vũng Áng. Cuộc sống của giáo dân lại tiếp tục bị xáo trộn một lần nữa do việc tái định cư của cha xứ cùng hội đồng giáo xứ, chúng tôi xin kể tiếp một vài sự kiện sau đây để cùng suy nghĩ:
Trước hết là sự kiện xảy ra vào tháng 9/2011 là dịp bầu cử hội đồng nhân dân xã, trong giáo xứ chúng tôi cũng diễn ra việc bầu những cán bộ làm trưởng thôn. Tại xóm 2 có ông Mai Hưởng đang làm cán bộ thôn, dịp này sẽ hết nhiệm kỳ và nay xóm 2 muốn bầu lại ông Mai Hưởng, nhưng do trước đây khi cha xứ phát phiếu thăm dò đi tái định cư (đã nêu ở phần 1) thì ông Hưởng đã bỏ phiếu “không đi”, nên dịp này cha xứ đề nghị giáo dân tại xóm 2 không bỏ phiếu bầu cho ông Hưởng làm cán bộ thôn nữa do “chống cha xứ”. Tuy nhiên, vì ông Hưởng làm tốt công việc của một cán bộ thôn nên xóm 2 tiếp tục bầu ông và kết quả kiểm phiếu sau đó trúng 2 người gồm: ông Mai Hưởng và ông Nguyễn Đức Cảnh. Vì thế cha xứ nói giữa nhà thờ rằng: “xóm 2 là xóm chống đối tôi, chống giáo xứ vì cố tình bầu những người không đi tái định cư, những ai tham gia bầu và lúc bầu xong thôn trưởng mà ở lại ăn tiệc mừng có thịt thì không được rước lễ vì đã ăn thịt ngày thứ sáu”?. Và sáng thứ 2 sau đó cha xứ xách giỏ ra đi và nói với giáo dân rằng: “Tôi không ở giáo xứ này nữa vì giáo dân chống đối tôi”, rồi cha xứ đi 2 ngày và có nhờ cha Dư (xứ Tây Yên) đến làm lễ thay.
Nhưng tưởng sự việc chỉ dừng lại ở đó, thì đến tháng 10/2012 trước đợt kê khai tái định cư nhà đất của giáo dân, cha xứ đã gây sức ép để buộc ông Mai Hưởng và ông Nguyễn Đức Cảnh từ chức cán bộ xóm 2, mặc dù nhiệm kỳ của họ là đến 2015 và họ cũng không làm điều gì vi phạm pháp luật. Cụ thể: cha xứ đến chính quyền xã đề nghị cho tổ chức bầu lại cán bộ xóm 2, nhưng xã không đồng ý với lý do: “Việc bầu cán bộ thôn là đúng luật và hiện tại ông Hưởng, ông Cảnh không vi phạm pháp luật nên không thể cách chức họ được”. Sau đó vì sẵn có mối quan hệ “thân tình” với chính quyền huyện Kỳ Anh liên quan đến việc di dời tái định cư của giáo xứ, nên cha xứ đã sử dụng để đề nghị UBND huyện cho tổ chức bầu lại cán bộ Xóm 2. Không biết vì lý do gì hay là muốn “làm hài lòng Cụ xứ”, hay là hai bên đã thỏa thuận “trao-đổi” vấn đề gì mà UBND huyện lại đồng ý cho cha xứ tổ chức bầu lại thôn trưởng mặc dù điều này không đúng theo quy định của pháp luật.
Cha xứ và hội đồng giáo xứ cùng UBND xã tổ chức bầu lại cán bộ thôn cho xóm 2 và được tổ chức ngay trong hội trường giáo xứ. – Giáo dân Đông Yên.
Được sự hậu thuẫn của chính quyền, cha xứ và hội đồng giáo xứ cùng UBND xã tổ chức bầu lại cán bộ thôn cho xóm 2 và được tổ chức ngay trong hội trường giáo xứ. Trước khi bỏ phiếu bầu cha xứ yêu cầu giáo dân không bỏ phiếu cho 02 người đương nhiệm (ông Hưởng, ông Cảnh), cuộc bỏ phiếu ngày đầu không thành vì không đủ phiếu bầu do đa số giáo dân không đi bỏ phiếu, sang ngày thứ 2 cha vận động toàn bộ giáo dân đi bầu và có sự hậu thuẫn của cha nên cuối cùng kiểm phiếu đúng như mong đợi của cha xứ, ông Hưởng và ông Cảnh không được bầu làm cán bộ thôn nữa. Chúng tôi nhận thấy việc bầu cán bộ thôn cho Xóm 2 thì do họ tự quyết định lấy chứ không phải vận động toàn bộ giáo dân đi bầu như cách làm của cha xứ và việc bầu cán bộ thôn là của chính quyền xã, tại sao cha xứ lại can thiệp vào làm gì? Phải chăng những người này do không đi tái định cư nên ảnh hưởng đến “công việc” của cha xứ? có thể hiểu cha xứ là ông “Trưởng Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng” xứ Đông Yên thì đúng hơn!.
“Chúng tôi sẽ bố trí ông sang làm cán bộ hội nông dân xã, ông thông cảm vì Cụ Xứ ép chúng tôi và đã đề nghị ở trên xuống nữa nên chúng tôi đành phải làm như thế”. – Chủ tịch xã Kỳ Lợi
Ông Hưởng gặp chúng tôi và nói rằng: “Ông chủ tịch xã Kỳ Lợi gặp riêng ông Hưởng đề nghị: “Chúng tôi sẽ bố trí ông sang làm cán bộ hội nông dân xã, ông thông cảm vì Cụ Xứ ép chúng tôi và đã đề nghị ở trên xuống nữa nên chúng tôi đành phải làm như thế”. Thử hỏi một linh mục xứ sao lại can dự vào việc của chính quyền và xử sự kiểu “tư thù cá nhân” như vậy? Việc làm này của cha xứ có làm gương xấu cho giáo dân không!
Một sự kiện nữa xảy ra giữa tháng 12/2012 mà chúng tôi càng suy nghĩ càng thấy buồn, buồn cho quê hương giáo xứ. Câu chuyện thế này: ở giáo xứ có ông Nhiệm Vị bị bệnh đã lâu ngày, trước đây hơn 1 tháng cha xứ đã xức dầu kẻ liệt cho ông. Nhưng gần đây biết sức khỏe của mình ngày một tệ hơn không thể sống thêm được nữa, nên ông Nhiệm Vị đã cho con đi mời linh mục xứ đến để xưng tội và rước lễ trước khi chết. Con của ông Nhiệm Vị nói với chúng tôi rằng: “buổi sáng hôm đó, em đến nhà xứ gặp cha và xin cha: bố con yếu lắm rồi, bố muốn gặp cha để xưng tội và rước lễ, xin cha đến nhà giúp cho con với, lúc này cha đang chuyền nước biển nên cha nói: anh về đi ngày mai tôi đến nhà. Ngày hôm sau gia đình chuẩn bị để đón cha nhưng không thấy cha xứ đến, chờ mãi đến 04 ngày sau cha xứ cũng không đến, sau đó bố chết và cũng không gặp được cha. Khi bố chết em có xuống xin cha làm lễ “báo tử” thì cha nói: ông bị bệnh gì mà chết nhanh vậy? gia đình em rất buồn với cha xứ chuyện này”. Chúng tôi đặt câu hỏi: sao cha xứ lại làm vậy, vì lý do ông Nhiệm Vị nằm trong danh sách những người không đi tái định cư? xin hỏi chức năng nhiệm vụ của một linh mục xứ là gì? linh mục có được lấy quyền về tôn giáo để phục vụ cái Tôi của mình như thế không? xin Giám mục xem xét cho giáo dân chuyện này.
“Những hộ không kê khai di dời tái định cư chúng tôi sẽ giao cho chính quyền xử lý” – Linh mục Anton Nguyễn Quang Tuấn, quản xứ Đông Yên
Trong thánh lễ sáng Chúa nhật ngày 06/01/2013 cha xứ nói với giáo dân rằng: “Tôi đã gặp Đức cha và nói với Đức cha về việc di dời của giáo xứ, Đức cha nói với tôi là việc di dời của giáo xứ có lẽ nên dừng lại, tôi nói Đức cha muốn dừng lại thì Đức cha phải cho giáo dân mỗi hộ 500 triệu vì dân đã “lỡ” hết rồi. Nói thật với bà con rằng việc di dời tái định cư của Đông Yên không thể dừng lại được nữa, nó như một ngọn dao đã phi rồi, không thể chặn lại được, ai lấy tay mà chặn lại sẽ bị đứt tay chảy máu thôi”, rồi cha xứ nói tiếp “Những hộ không kê khai di dời tái định cư chúng tôi sẽ giao cho chính quyền xử lý, chúng tôi sẽ để nhà thờ này cho họ ở lại để sau này họ lôi kéo Hải Thanh, Kẻ Eo (hai xóm lương dân) về ở với họ, hoặc sau này họ có đi tái định cư thì những hộ này cũng đã lập được một họ Đông Yên 2 rồi đấy, lúc đó dịp lễ quan thầy họ Đông Yên 2 mà mời chúng tôi ra tham dự chúng tôi sẽ ra, không sao cả vì tình cảm mà, hoặc muốn chúng tôi giúp đỡ điều gì thì chúng tôi sẵn sàng giúp nhưng phải khiêm tốn hạ mình xuống chúng tôi mới giúp, không có thì thôi…” nói xong cha cười rất lớn trên tòa giảng. Thử hỏi một linh mục sao lại phát ngôn kiểu như vậy, cái Tâm của một linh mục để ở đâu rồi? xin cha xứ thử xem lại dụ ngôn Chúa chiên lành “Người bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc”.
Cha xứ cũng nên hiểu rằng bất kỳ một tổ chức nào, cũng có “phe thuận và không thuận” cả, nên quyết định nào cũng không thể thuận 100% được điều đó chỉ là lý tưởng thôi, vấn đề ở đây mình phải có đối sách phù hợp để thuận lòng dân và có lợi cho dân, đàng này cha lại phê phán những người không thuận?. Cũng trong thánh lễ này cha xứ nói thêm rằng: “hôm cuộc họp trước tôi có báo với bà con là tháng 01/2013 là nhận tiền đền bù đất ruộng, nhưng do một số trục trặc từ chính quyền trong đó cũng có lỗi của bà con vì để xảy ra một số tranh chấp về đất ruộng, nên chưa nhận được tiền đền bù vào đợt này, như vậy tết năm nay cũng hơi buồn vì không có tiền đền bù để ăn tết, nhưng vào tháng 04/2013 sẽ được nhận tiền đất ruộng thôi”. Xin hỏi cha xứ căn cứ vào lời hứa của chính quyền về việc đền bù đất ruộng và dự án tái định cư như thế có cơ sở không? Cha xứ có đặt quá nhiều niềm tin vào chính quyền về tái định cư không để rồi lại tiếp tục thất hứa? (Cho đến gần hết tháng 02/2013 vẫn không thấy đền bù ruộng?).
Xin góp ý với cha xứ: làm việc gì với chính quyền thì phải bằng văn bản, kèm theo các quyết định hành chính của UBND tỉnh mới có giá trị pháp lý và đấy cũng là cơ sở để thực thi trong thực tế, đồng thời nó làm căn cứ để giải quyết mâu thuẫn về sau nếu có tranh chấp xảy ra, chứ không thể dựa vào lời hứa “lời nói gió bay” hoặc “Cam Kết” của chính quyền được vì “Cam Kết” không phải là quyết định hành chính (trong “Luật Ban Hành Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật” không có khái niệm “cam kết”) nên không có giá trị pháp lý để thực thi, như vậy nếu có tranh chấp xảy ra thì người thua chính là giáo dân. Cũng cần nói điều này với cha xứ: để thực hiện dự án bồi thường giải tỏa tái định cư điều cần phải có là: 1. “Quyết Định Xét Duyệt Phương Án Tổng Thể” về bồi thường giải tỏa nhà đất do chủ tịch UBND tỉnh ký, trong đó nêu rõ lý do của việc thu hồi đất, dự kiến về mức giá bồi thường, hỗ trợ, dự kiến nơi tái định cư… và phải được thông báo cho người sử dụng đất biết, đồng thời phải được niêm yết tại trụ sở UBND xã nơi có đất, rồi lấy ý kiến của người dân; 2. là “Quyết Định Thu Hồi Đất” của UBND tỉnh, trong đó nêu rõ tên của người bị thu hồi đất, diện tích đất bị thu hồi, thời gian thực hiện thu hồi, mục đích việc thu hồi … và quyết định này phải được gửi cho người sử dụng đất, đồng thời cũng được niêm yết tại trụ sở UBND xã nơi có đất. Thực thi 02 quyết định trên, thì người sử dụng nhà đất mới được nhận tiền đền bù và nhận mặt bằng di dời tái định cư (trích từ điều 49 đến điều 59 Nghị định số: 84/2007/NĐ-CP ngày 25 – 05 – 2007 của Chính Phủ quy định về thu hồi đất, trình tự , thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất…); có thể tham khảo thêm “Nghị Định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 – 08 – 2009 của Chính Phủ Quy Định Bổ Sung Về Quy Hoạch Sử Dụng Đất, Giá Đất, Thu Hồi Đất, Hỗ Trợ Và Tái Định Cư”. Chứ không như cha xứ nói tháng 01/2013 là nhận tiền đền bù đất ruộng, trong khi đó người dân chưa nhận được bất kỳ quyết định nào của UBND tỉnh và cũng không có niêm yết tại UBND xã, duy chỉ có giấy Cam Kết là không đúng quy định pháp luật, vậy mà cha xứ hô hào dân kê khai tái định cư? Không có cơ quan hành chính nào làm việc mà không theo quy định pháp luật, từ đó cho thấy cách làm việc của cha xứ quá đơn sơ và vội vàng tin vào chính quyền?
Xin Đức cha xem xét cho, vì di dời là việc hệ trọng và khoảng 50% giáo dân Đông Yên nhà và đất chỉ chưa được 100 m2, thử hỏi nếu di dời họ được bao nhiêu tiền? có đủ tiền cho họ xây một căn nhà trên chổ tái định cư hay không và số hộ này họ sẽ sống ra sao khi không được làm biển? Đức cha có thể cho người về điều tra những sự việc xảy ra, cũng như thực tế của giáo dân để giúp đỡ họ. – Giáo dân Đông Yên
Xin Đức cha xem xét cho, vì di dời là việc hệ trọng và khoảng 50% giáo dân Đông Yên nhà và đất chỉ chưa được 100 m2, thử hỏi nếu di dời họ được bao nhiêu tiền? có đủ tiền cho họ xây một căn nhà trên chổ tái định cư hay không và số hộ này họ sẽ sống ra sao khi không được làm biển? Đức cha có thể cho người về điều tra những sự việc xảy ra, cũng như thực tế của giáo dân để giúp đỡ họ.
Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay những người nằm trong hội đồng giáo xứ (người của cha!) mỗi người xây từ 3 đến 4 căn nhà với diện tích từ 500 – 700 m2, xây lên không phải để sử dụng, cũng không phải để cho thuê mà mục đích xây nhà là để được hưởng đền bù giải tỏa, riêng ông chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng giáo xứ xây nhà diện tích phải trên 700 m2. Xin hỏi những người thân cận giúp việc cho cha xứ mà làm như vậy thử hỏi làm sao giáo dân tin tưởng được? việc để giáo dân vay tiền xây dựng ồ ạt nhằm mục đích để hưởng đền bù giải tỏa và nay phải ôm nợ vì chưa di dời là do chủ trương của cha xứ, vì trước đây sau khi phát phiếu thăm dò xong, cha xứ nói với giáo dân rằng: “bà con cứ xây dựng để được hưởng đền bù giải tỏa, nếu không giải tỏa được tôi sẽ đền cho”? và ngày lễ nào cha xứ cũng nhắc đến tái định cư, như một cách để tuyên truyền đường lối chủ trương cho chính quyền, điều này làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều.
Chúng tôi có gặp gỡ cha xứ, cha nói với chúng tôi rằng: “Sắp tới tháng 01/2013 giáo xứ sẽ nhận tiền bồi thường đất ruộng, giáo xứ có một phần đất ruộng chắc bồi thường được khoảng 9 tỷ đồng, tôi dự định sẽ lấy tiền này chia cho một số giáo dân không có ruộng một ít, phần còn lại tôi sẽ mua một căn nhà ở Sài Gòn cho các cha, các thầy của giáo xứ sử dụng mỗi khi họ đi Sài Gòn”. Chưa biết cha có thực hiện điều này không, nhưng chúng tôi tự hỏi liệu cha xứ có được quyền sử dụng tiền của giáo xứ một cách tùy tiện như thế không?
Từ những sự kiện vừa xảy ra trên cho thấy việc mất đoàn kết trong giáo xứ ngày càng trầm trọng và không chỉ dừng lại ở đó mà ngày càng một tệ hơn là do cách làm không đúng của linh mục xứ, linh mục còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, xử sự bốc đồng làm sao mà gánh vác được một dự án tái định cư quan trọng của giáo xứ Đông Yên? Vì vậy xin Đức cha, Quý cha và những giáo dân quan tâm cầu nguyện và giúp đỡ cho giáo xứ chúng con, nếu cứ để tình trạng như vậy tiếp tục thì giáo xứ sẽ tan nát!.
Ngày 25 tháng 01 năm 2013
Giáo Dân
Nguon: NVCL
0 nhận xét:
Đăng nhận xét