Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Luật Quốc Tế Nhân Quyền và Trách Nhiệm Nhà Nước

LTCGVN (09.07.2014)
1Trước khi tìm hiểu Luật Quốc Tế Nhân Quyền và trách nhiệm của nhà nước, chúng ta cần duyệt qua định nghĩa Nhân Quyền là gì.
Một cách ngắn gọn và đơn giản, ta có thể nói Nhân Quyền là những quyền làm người căn bản và phổ quát, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến hay giới tính nam, nữ. Đó là những quyền Tự Do căn bản, như tự do sinh sống và mưu cầu hạnh phúc, tự do đi lại và cư trú, tự do sở hữu tài sản, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do sinh hoạt chính trị, tự do ứng cử và tự do bầu cử người đại diện cho mình để điều hành việc nước.
Nhân Quyền không phải do chính phủ hay bất cứ ai cấp phát, mà đó là những quyền do tạo hóa ban cho. Mọi người từ lúc mới sinh ra đã đương nhiên có những quyền ấy và không ai có quyền cướp đoạt.

Bối Cảnh Lịch Sử
Theo đà tiến hóa của nhân loại, ý thức về Nhân Quyền càng ngày càng được phát huy. Đặc biệt là sau hai lần đại chiến thế giới đã gây ra biết bao đổ vỡ và tang tóc với hàng triệu người dân vô tội và binh sĩ đã bị tử nạn hoặc tàn phế, nhân loại đã bừng tĩnh và ý thức rằng chính các chế độ độc tài phi nhân, khinh rẽ mạng sống con người và chà đạp nhân quyền đã là nguyên nhân đưa đến thảm họa và đại bất hạnh cho loài người trong tiền bán thế kỷ 20.
Vì thế, vào mùa Xuân năm 1945 trước khi đệ nhị thế chiến kết thúc, 50 quốc gia đã tham dự một hội nghị quốc tế tại San Francisco để ký kết Hiến Chương thành lập Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm mục đích duy trì hòa bình thế giới và tránh đại họa của một cuộc thế chiến thứ ba có thể hủy diệt loài người trên địa cầu nầy vì bom nguyên tử.
Một trong những công tác quan trọng đầu tiên mà LHQ đã thực hiện là thành lập Ủy Ban Nhân Quyền từ đầu năm 1946 nhằm soạn thảo một văn kiện để minh định và đề cao Nhân Quyền và những quyền Tự Do căn bản, phổ quát trên toàn cầu, đồng thời đòi hỏi các quốc gia hội viên LHQ phải đề cao lý tưởng tôn trọng Nhân Quyền.
Để thực hiện dứ án đó, Ủy Ban Nhân Quyền đã quy tụ hơn 50 chuyên gia lỗi lạc trong giới luật sư, sử gia, nhà văn, nhà báo, triết gia và chính khách từ Nam Mỹ, Phi Châu, Úc, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Hoa và nhiều nước trên thế giới. Sau ba năm bàn thảo và biên soạn, cuối cùng bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights) đã được Đại Hội Đồng LHQ thông qua ngày 10-12-1948, đánh dấu một bước tiến lớn lao của cộng đồng nhân loại văn minh.
Nội Dung bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền gồm có hai phần, phần đầu là “Lời Mở Đầu” và phần sau là 30 Điều khoản về các nhân quyền căn bản và phổ quát cho toàn thể nhân loại.
Trong phần “Lời Mở Đầu”, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đưa ra các nhận định và quan điểm sau đây:
Sự tôn trọng Nhân Phẩm và Nhân Quyền của mọi người trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của Tự Do, Công Lý và Hòa Bình thế giới;
Sự khinh rẽ và chà đạp Nhân Quyền đã đưa đến chiến tranh khốc liệt, dã man.
Ước vong của mọi người khắp nơi là được sống trong An Lạc và Tự Do;
Mọi quốc gia phải thiết lập các chế độ pháp trị để bảo vệ Nhân Quyền, giúp dân chúng không bao giờ bị dồn vào thế cùng đến nỗi họ phải đứng lên chống lại bạo quyền, áp bức;
Mọi quốc gia phải duy trì và phát triển các quan hệ hợp tác trong hòa bình vì lợi ích chung;
Mọi quốc gia hội viên LHQ khẳng định niềm tin vào Nhân Quyền, Nhân Phẩm và Giá Trị của con người và quyết tâm xây dựng một xã hội an lạc, tiến bộ ngõ hầu dân chúng được sống trong Tự Do và Dân Chủ;
Mọi quốc gia hội viên long trọng cam kết hợp tác với LHQ trong sứ mệnh đề cao và thực thi Nhân Quyền và những quyền Tự Do căn bản.
Tiếp theo “Lời Mở Đầu” là nội dung 30 Điều Khoản về Nhân Quyền căn bản và phổ quát trên toàn cầu. Theo Luật Sư Nguyễn Hữu Thống, Cố Vấn của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, một cách khái quát và dễ hiểu, tất cả các Nhân Quyền có thể được xếp thành ba bậc, đó là:
Nhân Quyền bậc nhất, từ Điều 1 đến Điều 12, là các quyền tự do thân thể. Quyền nầy gồm có quyền sống, quyền không bị tra tấn, hành hạ hay làm nô lệ; quyền sống an lạc, không bị bắt bớ, giam cầm trái phép; khi bị truy tố được xét xử công khai và công bằng bởi một tòa án độc lập và vô tư, có luật sư biện hộ và được hưởng quyền bình đẵng trước pháp luật.
Nhân Quyền bậc hai, từ Điều 13 đến Điều 17, là các quyền an cư và quyền lạc nghiệp.
Quyền an cư gồm các quyền tự do cư trú, đi lại; tự do xuất ngoại và hồi hương;
quyền riêng tư cá nhân, gia đình, nơi cư trú, thư từ và quyền sở hữu tài sản.
Quyền lạc nghiệp là các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục.
Các quyền nầy gồm quyền có công ăn việc làm, được đối xử công bằng và hưởng thù lao tương xứng, quyền tham gia nghiệp đoàn độc lập, quyền đình công, quyền được bảo hiểm và được giáo dục.
Nhân quyền bậc ba, từ Điều 18 đến Điều 29, gồm những quyền tự do tinh thần và tự do chính trị.
Quyền tự do tinh thần gồm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Quyền tự do chính trị gồm các quyền tự do hội họp, tự do lập hội và tự do bầu cử và ứng cử.
Đặc biệt Điều 30 của bản Tuyên Ngôn đã nhấn mạnh rằng không một cá nhân, tổ
chức hay quốc gia nào, vì bất cứ lý do gì, được quyền hủy bỏ hay chống lại các quyền Tự Do đã được LHQ ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Nhưng dù sao Tuyên Ngôn chỉ là một văn kiện nêu lên lý tưởng đề cao Nhân Quyền, nó không có giá trị cưỡng hành. Do đó, sau gần hai mươi năm từ ngày bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời, tình trạng vi phạm nhân quyền trên thế giới nói chung vẫn chưa được cải tiến nhiều như LHQ mong muốn.
Vì vậy, vào năm 1966, Đại Hội Đồng LHQ đã thông qua hai hiệp ước quốc tế, đó là Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị, và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa. Quốc gia nào muốn tham gia thì phải ký kết sau khi đã được quốc hội phê chuẩn. Từ đó, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền kết hợp với hai Công Ước nầy để trở thành Luật Quốc Tế Nhân Quyền (The International Bill of Human Rights). Bộ luật nầy có giá trị cao hơn luật pháp của bất cứ quốc gia nào.
Tuyên Ngôn về Quyền và Trách Nhiệm của Cá Nhân, Hội Đoàn và Chính Phủ trong việc Đề Xướng và Bảo Vệ Nhân Quyền và Các Quyền Tự Do Căn Bản
Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, sau khi duyệt lại tình hình Nhân Quyền trên thế giới trong nửa thế kỷ qua, LHQ thấy rằng tình hình Nhân Quyền nói chung tuy đã được cải tiến đáng kể, nhưng tại nhiều quốc gia, Nhân Quyền vẫn còn bị chà đạp nặng nề, mà nguyên nhân chính là vì hai lý do sau đây:
Thứ nhất, phần đông dân chúng tại nhiều nơi vẫn chưa hiểu rõ các Nhân Quyền vì họ chưa hề nghe nói và chưa được giải thích về Luật Quốc Tế Nhân Quyền;
Thứ hai, nhà cầm quyền tại các nước độc tài không những không đề cao Nhân Quyền như LHQ kỳ vọng mà còn ngăn cấm mọi nỗ lực quảng bá và giáo dục dân chúng am hiểu vấn đề Nhân Quyền.
Vì vậy, vào ngày 9-12-1998, Đại Hội Đồng LHQ đã thông qua Nghị Quyết 53/144, tức Tuyên Ngôn về Những Quyền và Trách Nhiệm của Cá Nhân, Hội Đoàn và Cơ Quan trong xã hội phải đề xướng và bảo vệ Nhân Quyền và Quyền Tự Do căn bản đã được thừa nhận trên toàn cầu nhằm hai mục tiêu quan trọng sau đây:
Thứ nhất, xác định quyền và nghĩa vụ của mọi cá nhân và các hội đoàn ngoài chính phủ trong nỗ lực đề xướng và bảo vệ Nhân Quyền và những quyền tự do căn bản phổ quát trên toàn cầu;
Thứ hai, đòi hỏi các chính phủ, các cơ quan của LHQ và các tổ chức trong và ngoài chính phủ phải tăng cường nỗ lực quảng bá một cách rộng rãi và giảng dạy nội dung bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và bản Ngị Quyết 53/144 của LHQ về Nhân Quyền cũng như các Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền để cổ võ lý tưởng tôn trọng Nhân Quyền, giúp mọi người khắp nơi trên thế giới am hiểu tường tận nội dung và sự quan trọng của các văn kiện pháp lý quan trọng nầy.
Nội Dung Nghị Quyết 53/144 của LHQ
Nghị Quyết 53/144 của LHQ gồm có 20 Điều khoản, trong đó có những Điều khoản nói về quyền và nghĩa vụ của cá nhân và tổ chức ngoài chính phủ và những Điều khoản nói về trách nhiệm của chính phủ trong việc quảng bá, bảo vệ Nhân Quyền và các quyền Tự Do căn bản của người dân. Đại để có thể tóm lược như sau.
Quyền và Nghĩa Vụ của cá nhân và tổ chức ngoài chính phủ
Nghị Quyết 53/144 của LHQ khẳng định cá nhân và tổ chức ngoài chính phủ có những quyền và nghĩa vụ sau đây;
Quyền đề xướng và đòi hỏi Chính Phủ thực thi Nhân Quyền trên bình diện quốc gia và quốc tế;
Quyền hội họp, thành lập và tham dự các tổ chức ngoài chính phủ;
Quyền phát biểu và thảo luận, trao đổi ý kiến về Nhân Quyền và Tự Do, Dân Chủ;
Quyền được tham chính trực tiếp hay gián tiếp và quyền nầy bao gồm cả quyền đề nghị, phê phán và chỉ trích chính sách, đường lối và các việc làm của Nhà Nước;
Trong mọi sinh hoạt, cá nhân và tổ chức ngoài chính phủ phải tôn trọng Nhân Quyền và các quyền Tự Do căn bản của người khác;
Cá nhân và tổ chức ngoài chính phủ có nghĩa vụ tham gia các hoạt động giáo dục, huấn luyện và nghiên cứu về Nhân Quyền và các quyền Tự Do căn bản nhằm gia tăng kiến thức, tình hữu nghị và sự thông cảm giữa các tôn giáo, chủng tộc và quốc gia;
Cá nhân nào cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách mọi người có thể được phát triển tự do và tốt đẹp;
Cá nhân và tổ chức ngoài chính phủ có nghĩa vụ và trách nhiệm đề xướng Nhân Quyền và góp phần phát huy các tổ chức xã hội dân sự và các định chế dân chủ để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Trách Nhiệm của Chính Phủ
Nghị Quyết 53/144 của LHQ khẳng định chính phủ giữ vai trò nòng cốt và tối quan trọng trong việc thực thi Nhân Quyền với những trách nhiệm sau đây:
Quảng bá và bảo vệ Nhân Quyền và những quyền Tự Do căn bản của mọi người bằng cách tạo các điều kiện cần thiết về giáo dục, xã hội, kinh tế, luật pháp và chính trị nhằm bảo đảm dân chúng được hưởng trọn vẹn Nhân Quyền và các quyền Tự Do căn bản đã được LHQ quy định;
Ban hành các văn kiện lập pháp và lập quy để bảo đảm Nhân Quyền và những quyền Tự Do đã ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được nghiêm chỉnh thực thi và tôn trọng;
San định Hiến Pháp và luật pháp quốc gia phù hợp với Hiến Chương và Luật Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ;
Đề xướng và phổ biến đến dân chúng các quyền làm người trong mọi lãnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa;
Đăng tải và phổ biến rộng rãi tất cả các văn kiện của bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền và các bản phúc trình về tình hình Nhân Quyền mà chính phủ phải đệ nạp cho các cơ quan LHQ;
Khởi xướng và hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ Nhân Quyền như việc thành lập Ủy Ban Nhân Quyền quốc gia và Ủy Ban Điều Tra các Vi Phạm Nhân Quyền, v.v.
Tổ chức và yễm trợ các chương trình giảng dạy tại các trường môn Nhân Quyền và những quyền Tự Do căn bản của mọi người. Đặc biệt Luật Quốc Tế Nhân Quyền phải được giảng dạy trong các khóa huấn luyện luật sư, biện lý và lực lượng công an, cảnh sát vì chức nghiệp của họ đòi hỏi họ phải am tường để không vi phạm Nhân Quyền của dân chúng.
Với Nghị Quyết 53/144, LHQ đã minh định các quyền và nghĩa vụ của cá nhân và tổ chức ngoài chính phủ, đòi hỏi ai cũng phải học hỏi và am tường các quyền và nghĩa vụ của mình trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền. Đồng thời vai trò và trách nhiệm nặng nề của chính phủ trong sứ mạng quảng bá và bảo vệ Nhân Quyền cũng đã được LHQ quy định một cách rõ ràng.
Riêng trường hợp Việt Nam là quốc gia đã gia nhập LHQ từ năm 1977 và đến năm 1982 đã ký kết với LHQ Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa, rồi đến tháng 11 năm 2013, đã được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền của LHQ, do đó, nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực thi Nhân Quyền và Tự Do của dân chúng.
Nguyễn Thanh Trang
Mạng Lưới Nhân Quyền
Ghi Chú: Quý vị có thể tham khảo các văn kiện của bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền, tiếng Anh hay tiếng Việt, bằng cách vào trang nhà của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, tại địa chỉ:http://www.vietnamhumanrights.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét