Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Cầu nguyện với kinh Mân Côi



 Kinh Mân Côi là kinh của Đức Mẹ, điều ấy đã được chân phúc giáo hoàng Gioan Phaolo 2 xác nhận trong bài giảng tại Phatima ngày 13/5/1982 “Lời kêu gọi thống hối bao giờ cũng được gắn liền với cầu nguyện. Hợp với truyền thống của bao thế kỷ, Đức Mẹ của sứ điệp này đã đề cập đến kinh Mân Côi, một kinh có thể khẳng định là kinh của Mẹ Maria, một kinh mà Mẹ đặc biệt cảm thấy gắn liền với chúng ta” ( Nguồn Conggiao.Org ). 


              Theo sử liệu của dòng Đaminh, căn cứ vào hai Thánh Alain de la Roche và Mongpho thì kinh Mân Côi đã được Đức Mẹ đích thân trao truyền cho Thánh phụ Đaminh.  Người ta có thể tin hay không việc  trao truyền, thế nhưng giữa hai thái độ ấy tất yếu đưa đến hai kết quả trái ngược.  Một đàng tin vào lời khuyên dạy của Đức Mẹ để rồi kiên tâm bền chí trong việc lần chuỗi thì sẽ nhận được vô vàn ơn phúc. Đàng khác không tin tất sẽ không thực hành mà  không thực hành thì lấy đâu  kết quả ? Ngày nay có người đưa ra lập luận rằng cần phải biết, phải hiểu Tin Mừng chứ chẳng cần gì đọc kinh “ Chính nhờ nghe lời rao giảng mà người ta sám hối và tin vào Tin Mừng ( Mc 1, 15) Sám hối phải được liên kết với việc tin vào Tin Mừng chứ không phải sám hối rồi chỉ đọc kinh. Đọc kinh mà không biết, không hiểu  Tin Mừng thì làm sao đạt được niềm tin và không tin thì đọc kinh làm gì cho uổng công. Bởi thế cần bớt kinh, bớt việc làm của cái miệng để tăng thêm việc làm cho trái tim, cho cái tâm´( TC – Bông hồng cài áo Mẹ - Báo CG & Dt số  977 ngày 25/9/1994 ).
             
                 Thật ngược đời, phải tin rồi mới đọc kinh, không tin thì đọc kinh chỉ vô ích. Nói như thế  khác  nào đặt cái cày trước con trâu. Trâu phải đi trước cày mới  kéo được cày chứ cày làm sao kéo được trâu ? Cầu nguyện đọc kinh là phương thế để cho ta khởi phát và trưởng dưỡng đức tin. Bởi thế cho nên Đức Kito mới khuyên phải siêng năng cầu nguyện “ Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ. Tâm linh thì sẵn sàng nhưng xác thịt  thì  yếu đuối” ( Mt 14, 38 ). Chúa dạy phải cầu nguyện luôn, nhưng để có thể làm được việc này lại rất khó “ vì chúng ta chẳng biết cầu nguyện thế  nào cho xứng đáng…” ( Rm 8, 26 ). Con người ngoài những nhu cầu  xác thân như  uống ăn, nhà cửa  nó còn cần thỏa mãn về mặt tâm linh  và đây chính là lý do tồn tại của tôn giáo. Sống đời sống tôn giáo là sống đời cầu nguyện, không cầu nguyện, đời sống ấy tất rơi vào bế tắc, ngõ cụt. Cuộc khủng hoảng của giáo hội hiện nay chính là do bởi đã đánh mất ý nghĩa của việc cầu nguyện. Đức cố hồng y FX Nguyễn văn Thuận đã đặt câu hỏi để rồi cũng tự đưa ra câu trả lời “ Tại sao HT khủng hoảng ? Vì đã hạ giá việc cầu nguyện” ( ĐHV 134 ).

              Một trong  những  hạ giá ấy là đã biến việc đọc kinh thành  suy niệm thần học.  Khi nói = cần phải bớt kinh, bớt việc làm của cái miệng để tăng việc làm cho trái tim, cho cái tâm.. thì việc của…cái tâm  theo vị này  đó chính là suy niệm. Hiện nay cái…mốt suy niệm rất chi  thịnh hành và kinh Mân Côi là đối tượng chủ yếu để người ta suy đủ kiểu đủ ngón. Suy niệm và làm cho biến dạng hoàn toàn Kinh Mân Côi  đến nỗi nó không  thể còn nhận ra được chẳng  hạn như cái gọi là Kinh Mân Côi thời  Tin Học. Nội dung của cuốn sách, phần một là những bài suy niệm thần học tràng giang đại hải còn phần hai gọi là ..suy ngắm thì thay cho mười Kinh Kính  Mừng là mười câu Kinh Thánh v.v. ( Lm Joseph Eyquem O.P ) Lại còn một thứ  niệm Kinh Mân Côi bằng Thiền Thủ lăng Nghiêm ( ? )thế này = khi ta hít vào thì niệm Đức Chúa Cha và khi thở ra thì niệm câu thương xót chúng con, sau đó lần đi một hạt chuỗi, sau đó tiếp tục như thế…cho hết 100 hạt. Khi hết 100 hạt Chúa Cha, sau đó hít vào ta niệm Chúa Giesu, thở ra thương xót chúng con, cứ thế 100 câu rồi sau đó đến Chúa Thánh Thần…và ta đã Thiền được 300 hơi thở…( Nguồn Thanhlinh.Net ).

              Còn vô số các kiểu suy niệm khác, kể ra …không xuể. Chỉ có điều là chẳng biết khi đề ra các kiểu..suy ấy có vị nào suy  được  gì chăng và suy được bao nhiêu ngày, bao nhiêu lần ???. Mặt khác tất cả các loại…suy ấy hoàn toàn không có liên quan gì đến Kinh Mân Côi mà Đức Mẹ đã truyền cho Thánh Đaminh.  Kinh được Đức Mẹ trao truyền này tôi gọi là Kinh Mân Côi truyền thống gồm có ba mùa Vui Thương Mừng. Kinh này đã tồn tại từ năm 1569 Thánh giáo hoàng Pio V đã chính thức công nhận Kinh MC với kết cấu như hiện dụng sau khi thêm lời nguyện = Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử Amen  vào phần cuối của Kinh Kính mừng và Kinh Sáng Sanh sau mỗi chục kinh” ( Nguồn Conggiao. Org)Kinh MC như vậy là đã tồn tại từ năm thế kỷ nay, ấy vậy tại sao bây giờ lại bỏ đi để thay vào đó là việc suy niệm ?Một giáo sĩ tại địa phương đã cho ta câu trả lời “  Lộ Đức một thời là thủ đô của Kinh MC mà sau Công đồng ( Vat 2 ) kinh này đã không còn hợp với não trạng của tín hữu ” ( Michel Servant – Ngày của Chúa)

               Nói cho đúng, Kinh Mân Côi không phải không thích hợp với tín hữu nhưng là với não trạng thần học duy lý, một thứ thần học đã chối bỏ Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu ). Một khi Thiên Chúa đã bị  chối bỏ thì chẳng những việc đọc kinh lần hạt mà toàn bộ các việc phụng tự khác đều trở nên vô nghĩa. Đang khi đó Kinh Mân Côi được đức Mẹ trao truyền là một thứ vũ khí vô cùng hữu hiệu để đối trị lại với duy lý. Thật vậy sự đối trị ấy chính là thể hiện cuộc giao tranh đã được tiên báo ngay từ buổi sáng thế “ Ta sẽ đặt mối thù giữa mi cùng Người Nữ, giữa dòng dõi mi cùng dòng dõi Người Nữ. Người sẽ đạp giập đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15). Gót chân Người Nữ tượng trưng cho đức khiêm nhường, còn đầu rắn cho sự kiêu ngạo. Nếu do nơi sự không vâng lời, cứ ăn trái cấm phân biệt mà nguyên tổ đã bị đuổi khỏi Vườn Địa đàng thì nay trong vai trò Người Nữ, Đức Maria đã trao Kinh Mân Côi như một thứ vũ khí đắc lực để chiến thắng kẻ thù thâm hiểm Satan. Chúng ta hãy đơn sơ phó thác vào Đức Mẹ, siêng năng lần chuỗi hàng ngày, tất sẽ được trở về nơi vườn xưa chốn cũ là Nước Thiên Đàng đời đời.

I/-   CẦU  TRONG  ƯỚC  NGUYỆN  TRỞ  VỀ

              Trong cầu nguyện có hai yếu tố, một là cầu và hai là nguyện. Cầu thì phải nguyện, cầu mà không nguyện thì đó hoặc là vì mình mà cầu hoặc cầu một cách vu vơ. Thường người ta chỉ cầu xin ơn này ơn kia cho bản thân cho  gia đình đó là vì mình. Còn cầu chỉ cho có hình thức là cầu vu vơ, điều ấy không đẹp lòng  Chúa bởi lẽ bản hoài của Chúa là muốn cứu độ chúng ta “ Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó” ( Ga 14, 2 -3 ). Để được cứu rỗi thì phải theo Chúa mà theo Chúa thì phải bỏ mình “ Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Mt 16, 24) 

             Trong việc theo Chúa này, trước đây chúng ta vẫn lầm nghĩ việc ấy chỉ dành cho các vị xuất gia tu hành. Thế nhưng không phải vậy, tất cả mọi người không trừ ai, từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được kêu gọi theo Chúa mà đã theo Chúa thì phải dám bỏ mình.  Chúa nói bỏ mình thì chắc chắn cái mình ấy phải là thứ giả tạm không thật chứ nếu nó thật thì bỏ sao được ? Cái mình phải bỏ ấy không thật nhưng tất cả phàm phu không ai lại không chấp cho nó là thật. Có hai thứ chấp, một là chấp thân, hai là chấp tâm. Do nơi chấp thân là mình thế nên con người mới tìm hết cách để cung phụng o bế, tẩm bổ sửa sang sắc đẹp này nọ, lo khi nó bệnh và kinh hoàng trước cái chết. Mặt khác cũng vì chấp tâm tưởng là mình thế nên ai cũng chỉ theo ý riêng mình, khư khư bám giữ quan điểm, ý hệ lập trường của phe đảng mình. Chấp xác thân làm mình thì lụy vào thân, còn chấp tâm tưởng làm mình thì gây tranh chiến xung đột cả trong tôn giáo lẫn chính trị. Cái họa lớn nhất đối với tâm linh tôn giáo nói chung và cho Đạo Công Giáo nói riêng là thuyết Duy Lý mà ảnh hưởng của nó đến nay vẫn không hề suy giảm. Nghiên cứu triết học này ta thấy ảnh hưởng của nó thâm nhập vào Giáo Hội qua nhiều thời kỳ, nhưng chỉ đến TK XIII qua trung gian các triết gia Hồi giáo như Avicenne, Averroes, Maimonide…thì toàn bộ các tác phẩm của Aristote mới được du nhập vào Âu Châu Kito giáo. Triết Aristote là triết học về thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm đối tượng nghiên cứu, vì vậy nó hoàn toàn đối nghịch với Đạo Chúa là Đạo Cứu Rỗi “ Đạo về sự cứu rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ). Cứu rỗi đây là cứu phần linh hồn, chỉ linh hồn mới cần phải cứu bởi đây mới là cái mình thật ( Chân Ngã ) miên viễn đời đời.

              Ngay từ trong bản chất triết học Aristote hoàn toàn trái nghịch với đức tin Công Giáo là Đạo Cứu Rỗi. Thế nhưng như một bí ẩn lịch sử của ơn cứu độ, đức tin ấy đã phải làm cuộc dung hòa với lý trí mà người khởi xướng chính là Philon le Juif một triết gia Do Thái giáo  chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi triết Hy Lạp.  Đức tin hoàn toàn trái ngược với lý trí, một đàng tôn giáo sống niềm hy vọng vào cái chưa thấy ( Rm 8, 24 -25) một đàng lý trí lại chỉ chấp nhận những gì thuộc giác quan hiện tượng. Kết cuộc của sự dung hòa ấy khiến giáo hội lâm phải hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác, ngày càng trầm trọng. Trong hoàn cảnh khốn đốn cho đức tin như vậy, đích thân Đức Mẹ đã hiện ra và trao cho con cái vũ khí thần linh hầu có thể chống trả lại sự tấn công cuồng bạo của kẻ nghịch. Lần một với Thánh Đaminh để chống lại bè rối Albigense. Lần hai tại Lộ Đức năm 1858 với Bernadette Đức Mẹ đã cùng lần chuỗi với em và xưng là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội  để đối trị trào lưu duy lý do nhóm Bách Khoa ( Encyclopedie) khởi phát.  Lần ba tại Phatima năm 1917 với ba em Lucia, Giasinhta và Phanxico Ngài xưng là Nữ Vương Mân Côi để chống lại thuyết duy vật vô thần.

              Có điểm rất cần không thể không lưu ý, đó là trong những lần hiện ra  Đức Mẹ chỉ đến gặp gỡ với những con người đơn sơ trong trắng, những em nhỏ thì vừa nghèo vừa chẳng có học thức gì cả. Đúng là nghèo, thất học nhưng những trẻ ấy đều thuộc những gia đình có một đức tin Công Giáo thuần thành  mạnh mẽ. Điều Đức Mẹ thực hiện chắc chắn là phải có  lý do và lý do ấy chính là vì chỉ những tâm hồn đơn sơ và vững tin ấy mới có thể tiếp nhận được Thông Điệp của Ngài. Với bất cứ ai đã được gặp gỡ với Đức Mẹ dù là linh mục thông thái như Thánh Đaminh hay các em nhỏ đơn sơ thanh bần ..đều đã sống xứng đáng với ơn gọi theo Chúa tức hiến thân cho phần rỗi các linh hồn. Trong lễ khấn dòng ( 30/10/1867 ) đức cha chủ sự hỏi Bernadette = Con muốn trở nên một nữ tu để được hưởng vinh dự trần gian hay chỉ vì muốn làm cho Thiên Chúa được vinh danh và con được hưởng phần rỗi linh hồn ? Thưa đức cha con chỉ  có một mục đích là muốn tuân theo Thánh Ý tốt lành Thánh Thiện của Chúa Giesu và Mẹ Maria thôi” ( Thánh nữ Bernadette Lộ Đức – Sứ giả của tình thương ).

              Muốn  tức là nguyện và nguyện thì ắt thế nào cũng được và cái được ở đây là được về với Chúa vinh hiển đời đời. Tuy nhiên để cho việc cầu nguyện nói chung và lần chuỗi Mân Côi nói riêng xứng đáng là những lời ước nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, chúng ta không ai có thể tự sức mình làm được mà cần phải cậy nhờ vào Đức Mẹ bởi vì Ngài là Đấng Trung Gian các ơn.

II/-   ĐỨC  MẸ  CẦU  THAY

             Ai cũng biết cấu trúc của Kinh Mân Côi gồm có ba mùa Vui Thương Mừng, mỗi mùa gồm năm thứ, mỗi thứ có năm mươi Kinh Kính Mừng. Khi lần hạt chung với cộng đoàn, bao giờ cũng chia ra hai bè, một bên xướng, một bên họa. Bên xướng thường là đọc ngắm thứ nhất, ba và năm, còn bên họa thì đọc thứ hai và tư. Bên xướng đọc Kinh Kính Mừng, còn bên họa đọc Kinh Thánh Maria. Hễ đọc Kinh Kính mừng  bao giờ cũng phải đọc Kinh Thánh Maria, không đọc Kinh Thánh Maria thì  không phải Kinh Mân Côi. Việc ấy mang một ý nghĩa vô cùng trọng đại = cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi chính là để Đức Maria cầu thay cho ta. Nói như thế không có nghĩa là chỉ đến khi có Kinh Mân Côi mới có lời cầu này nhưng đã có ngay từ cuộc rước đèn vĩ đại ( đêm 22/6/431) của các tín hữu thành Epheso để chào mừng thành công của Công Đồng tuyên tín Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa ( Theotokos ). Họ vừa đi vừa lặp lại lời cầu “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen” ( Lm Bùi đức Sinh – Lịch sử giáo hội Công Giáo ).

            Như được thúc đẩy bởi Thần Linh Thiên Chúa, giáo dân thành Epheso đã đồng thanh phát lên lời cầu như vậy  để mừng Công Đồng đã lấy lại niềm tin và lòng tôn sùng của họ đối với Đức Maria. Thực vậy, trước Công Đồng đã nảy sinh bè rối Nestorio ( 380 – 440 ) giáo chủ thành Constantinop. Ông ta và phe nhóm  chủ trương chỉ nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Kito chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa. Theo ông Chúa Kito sinh bởi Đức Maria chỉ là một người được phúc tiền định mặc Thiên Tính, trở nên Đền Thờ của Ngôi Lời. Như vậy Nestorio phân tách Ngôi Lời ra khỏi Chúa Kito, phân tách Ngôi Hai Nhập Thể thành Ngôi vị riêng biệt, được lồng vào trong nhau” ( Lm Bùi đức Sinh Sđd)

                Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, đây là tín điều đầu tiên về Đức Mẹ, buộc tín hữu phải tin. Thế nhưng  tín điều này cũng chính là nguồn cơn của tất cả các bè rối, lạc đạo, ly khai khỏi Giáo Hội Tông Truyền. Không tin Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa tất nhiên đưa đến lạc đạo lý do là vì nó đã hoàn thoàn phá vỡ  Mầu Nhiệm Nhập Thể. Nếu Đức Maria chỉ là Mẹ Chúa Kito thôi thì làm sao công cuộc cứu độ  có thể  hiện thực ? Nói cách khác công cuộc cứu độ ấy chính là để cho con người nhờ tin Chúa Giesu là Đấng Kito cứu độ mà được trở nên Con Thiên Chúa “ Hễ ai tin Chúa Giesu là Đấng Kito thì sinh bởi Thiên Chúa” ( 1Ga 5, 1)

              Những ai tin Chúa Giesu là Đấng Kito đều sanh bởi Thiên Chúa,  là Con Thiên Chúa. Đang khi đó Đức Maria lại là Mẹ của Đức Kito, vậy chẳng phải Đức Maria  đích thực là Mẹ Thiên Chúa hay sao ? Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta, những người do nơi lòng tin vào Đức Kito mà trở nên Con Thiên Chúa.

             Tin Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ thực của mình để rồi xin Ngài cầu thay nguyện giúp cho. Điều ấy và chỉ điều ấy thôi mới khiến chúng ta có được sự kiên trì trong cầu nguyện. Lý do cần kiên trì  là bởi trong việc cầu này là cầu với một Đấng Thiên Chúa còn đang ẩn giấu ( Deus abconditus ) Thiên Chúa giấu ẩn nhưng lại giấu ẩn trong tâm ta chứ không phải ở bất cứ một nơi nào khác. Do đó cầu nguyện cũng chính là  việc tìm kiếm để quay về  “ Hỡi Đức Giehova, xin hãy xoay chúng tôi trở về Ngài thì chúng tôi sẽ trở về. Làm chúng tôi lại mới như thuở xưa” ( Ac 5, 21 ).

              Thuở xưa  cần trở về ấy là thuở nào ? Xin thưa đó là cái thuở tinh khôi khi nguyên tổ chưa phạm tội vẫn còn  thảnh thơi hoan lạc nơi Vườn Địa đàng. Vườn Địa Đàng là biểu tượng của Tâm Vô Phân Biệt.  Khi tâm ở trong trạng thái vô phân biệt đó là Địa Đàng. Trái lại tâm khởi phân biệt là tâm đã ra khỏi địa đàng. Tâm vô phân biệt  còn gọi là tâm con trẻ ( Xích tử chi tâm) chỉ khi nào có được tâm này thì mới vào ( Ngộ Nhập ) được Nước Trời “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi hễ ai chẳng nên như con trẻ thì chẳng vào được Nước Trời” 

             Nếu mục đích cả cuộc sống tâm linh của chúng ta là để  vào được Nước Trời  thì  theo như  Chúa nói  cần phải trở  nên như  con trẻ.  Phó thác đời mình cho Đức Mẹ, siêng năng lần chuỗi Mân Côi hàng  ngày như lời Mẹ dạy, quả thật không còn phương thế nào dễ và bảo đảm cho bằng./.

Phùng  văn  Hóa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét