Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Đức tin và chứng nhân




Trong bài giảng lễ khai mạc Năm Thánh Đức Tin sáng ngày 11/10/2012, đức Thánh cha Benedict XVI đưa ra nhận xét “ Những thập niên gần đây đã chứng  kiến một sự sa mạc hóa tinh thần, không gian trống rỗng đang lan rộng. Nhưng chính  từ sự trải nghiệm  về cái sa mạc  này, cái khoảng không này mà chúng ta khám phá lại niềm vui được tin tưởng, sự quan trọng sinh tử của nó đối với chúng ta nam cũng như nữ” ( Nguồn Lamhong.org).

Tình trạng sa mạc hóa đang lan rộng và sự lan rộng ấy có sự  góp phần của mỗi chúng ta những con người vốn vẫn được gọi là Kito Hữu tức  chứng nhân của Đức Kito. Trước khi về trời Chúa đã hiện ra với mười một Tông Đồ an ủi và cùng ăn cá nướng với họ để  chứng minh Ngài là một con người sống chứ không phải …ma. Đoạn Ngài phán “ Ấy đó là lời Ta nói cùng các ngươi đương khi còn ở với các ngươi, thể nào mọi điều chép về Ta trong luật Moisen, các tiên tri và Thánh Vịnh cần phải được ứng nghiệm. Rồi Ngài  khai mở tâm trí  để họ hiểu Kinh Thánh, lại phán tiếp cùng họ rằng Đấng Kito phải chịu khổ hại, ngày thứ ba phải từ kẻ chết sống lại và phải  nhân danh  Ngài mà rao giảng sự ăn năn và sự tha tội cho muôn dân muôn nước bắt đầu từ Gierusalem. Các ngươi hãy là chứng nhân về mọi việc đó” ( Lc 21, 36 -47).


Từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người đều được kêu gọi để làm chứng nhân cho Chúa. Tuy nhiên chẳng phải như thế mà chúng ta đương nhiên đã được đứng vào hàng ngũ chứng nhân tức Kito Hữu. Nói một cách khác không ai sinh ra là Kito Hữu nhưng chỉ có thể trở thành và sự trở thành ấy cần phải được tôi luyện trong suốt đời sống bằng cả đức tin lẫn hành động. Khi đức Benedicto nói tới tình trang sa mạc hóa tinh thần thì ngài có ý ám chỉ đến đời sống  đức tin của mọi giai tầng trong Giáo Hội bất kể là giáo sĩ hay giáo dân. Thực vậy tình trạng mất đức tin đang diễn ra như một thách đố nghiêm trọng đối với Giáo Hội. Phát biểu nhân ngày cầu nguyện cho hòa bình ngày 27/10/2011 tại Assisi đức Thánh cha khẳng định, chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa, một sự mất ý thức tôn giáo là điều tiêu biểu cho một trong những thách thức lớn nhất đối với Giáo Hội ngày nay” ( Nguồn Lamhong.org Lm Phero Nguyễn văn Hương. Những thách đố đối với đức tin trong xã hội hôm nay).

Năm Thánh Đức Tin hay còn gọi là Năm Cánh Cửa Đức Tin ( Porta Fidei ) là một hồng ân Thiên Chúa và do nơi hồng ân này như đức Thánh cha nói nhờ đó  chúng ta khám phá lại niềm vui  đức tin Công Giáo chân thật của mình. Thế nhưng  để có thể khám phá lại đức tin ấy chúng ta cần phải nhận ra đâu là nguyên nhân cơn khủng hoảng. Với bất cứ khủng hoảng nào dù là chính trị kinh tế hay tôn giáo, để có thể  giải quyết,thì không thể không  tìm  cho biết  về cái  nguyên nhân nào đã  gây ra cho nó. Khủng hoảng cũng chẳng khác nào cơn bệnh, có tìm ra nguyên nhân của bệnh mới mới mong chữa được bệnh. Trái lại chưa tìm ra nguyên nhân mà muốn chữa cho khỏi là điều không thể. Cơn khủng hoảng đức tin  mà có người ( Lm Nguyễn trọng Viễn O.P gọi là căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công Giáo này,  dù với biết bao nỗ lực  nhưng  vẫn không giảm trái lại ngày càng nghiêm trọng đó là vì chưa thấy được nguyên nhân.

I/-  Nguyên  nhân  cơn  khủng  hoảng

Trong tác phẩm Thiên Chúa và trần thế, đức Benedicto XVI có trích lại câu nói của Johann Baptist Metz = Ngày nay chúng ta đang gặp khủng hoảng về Thiên Chúa chứ không phải khủng hoảng về tôn giáo bởi vì tôn giáo vẫn mọc lên như nấm” ( Nguồn Simonhoa đtc Benedicto XVI Chúa thì được, giáo hội thì không) Chúng ta vẫn nói đến các cơn khủng hoảng như về cầu nguyện, về tu trì, về đạo đức, về đức tin v.v..Thế nhưng tất cả đó chỉ là những tùy phụ của một cái trục duy nhất là Thiên Chúa. Thiên Chúa ví như cái trục trung tâm mà từ đó các nan hoa ( căm ) của bánh xe phải gắn chặt vào. Trục không còn thì các nan hoa tất nhiên phải rời rã mỗi cái mỗi nơi. Mặt khác nếu không có Thiên Chúa thì cũng làm gì mà có Đấng Cứu Thế là Đức Giesu Kito bởi lẽ Ngài  đến để mạc khải Chúa Cha “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Mt 11, 27 ).

Một khi Đức Kito đã khẳng định ngoài Cha không ai biết Con và ngoài Con cũng không ai biết Cha thì điều ấy phải hoàn toàn đúng như vậy. Còn như nếu nói ngược lại tức ngoài Đức Kito con người cũng có thể…biết được Đấng Cha , vậy chẳng hóa ra Chúa nói chẳng đúng sao ? Tất cả nguyên nhân sâu xa đưa đến khủng hoảng trầm trọng trong Giáo Hội chính là do ở nơi cái sự BIẾT này đây. Một đàng Đức Kito khẳng định chỉ Ngài mới biết, một đàng thần học lại  nói lý trí con người có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn. Về cái sự biết hoặc thấy biết này  Đức Kito đã khẳng định nhiều lần rằng chỉ Ngài mới biết “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta  không biết Ngài  thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi” ( Ga 8, 55). Lần khác trước khi nộp mình chịu chết Chúa Giesu dâng lời cầu nguyện “ Cha công chính ơi, thế gian chẳng từng biết Cha, song Con biết Cha và những kẻ này cũng biết Cha đã sai Con” ( Ga 17, 25).

Cần phân biệt sự khác nhau triệt để giữa hai cái biết, một của phân biệt một của vô phân biệt. Cái biết của phân biệt là cái biết về những sự vật, biết cái nhà không phải con sông, con sông không phải con thuyền v.v..Còn cái biết của vô phân biệt  là cái biết về thực tại như nó vốn là  vậy. Những cái gọi là nhà, con sông, con thuyền v.v… tất cả chỉ là những tên gọi có tính quy ướcdo con người đặt ra chứ trong thực tại nó vốn chỉ là một không khác. Nhìn cái nhà mà chỉ thấy là nhà thì tất sẽ có sự phân biệt, nhà tranh nhà ngói nhà lầu biệt thự v.v…Từ sự phân biệt ấy mà nảy sinh ước muốn  nhà lầu xe hơi v.v..và v.v..Nhìn đàn bà mà chỉ thấy đó là đàn bà thì sẽ có sự phân biệt già trẻ đẹp xấu ước muốn khen chê đẹp xấu này nọ.

Đức kito khi nói chỉ Ngài mới thấy biết Thiên Chúa còn phàm phu chúng ta thì không, đó là một sự thật nhưng sự thật này đã bị thần học phủ nhận, điều này khiến  đức tin trở thành vô nghĩa bởi lẽ lý trí chẳng những không bao giờ có thể dung hòa với đức tin mà còn phá hủy nó. Đức Benedicto XVI trong bài huấn từ “ Sự hữu ích và cần thiết của việc thảo luận thần học lành mạnh trong Giáo Hội” đã trích dẫn bức thư của Thánh benado gửi cho Abelardo nói về sự bất dung hợp ấy thế này = Trí khôn ( lý trí ) con người chiếm hữu tất cả và không để lại gì cho đức tin. Nó đương đầu với điều cao vượt hơn nó, dò xét điều cao vượt hơn. Nó tràn vào thế giới của Thiên Chúa và làm hư hại các mầu nhiệm đức tin chứ không phải là soi sáng chúng. Nó không mở điều được đóng kín và niêm ấn. nhưng nó nhổ tận gốc rễ và điều nó thấy không thể đi được đối với mình thì nó coi là không có và từ chối tin vào đó” ( Nguồn Vietcatholic Linh tiến Khải  dịch )

Lý trí  và đức tin thuộc hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau, lý trí thuộc hiện tượng giới còn đức tin thuộc bản thể giới.  Không thể lấy lý trí để hòng khám phá thế giới tâm linh. Làm như thế khác nào dùng giày trượt patin để…leo núi, chẳng những chẳng thể tiến một bước mà con ngã lộn nhào, không vỡ đầu sứt trán đó mới là…lạ !!! Lý trí không thể mở được điều đóng kín và điều còn đóng kín đây chính là Đấng Cha nội tại mà đức Kito muốn mạc khải cho con người. Mạc khải nghĩa của nó là vén tấm màn lên để chỉ cho thấy sự thật còn bị giấu kín ở bên trong. Cũng chính vì nói lên sự thật mà Chúa Giesu đã bị người Do Thái lôi ra tòa án người La Mã. Trước tòa, Philato hỏi = Thế thì ngươi là vua sao ? Chúa Giesu đáp = Đúng như ngươi nói Ta là vua. Cốt vì cớ ấy mà Ta sanh ra, cũng cốt vì cớ ấy mà Ta đến thế gian để làm chứng cho sự thật. hễ ai thuộc về sự thật đều nghe tiếng Ta’ ( Ga 18, 37). Đức Kito đến thế gian để làm chứng cho sự thật và Ngài đòi buộc mỗi người chúng ta cũng phải như vậy.

II/-   Làm  chứng  cho  sự  thật

Ở đời không ai có thể tự mình làm chứng cho mình, thế nhưng với Đức Kito lại được “ Chúa Giesu phán cùng chúng rằng Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta hẳn chẳng đi trong tối tăm nhưng có sự sáng của sự sống. Người Pharisieu bèn nói = Thầy tự làm chứng về mình thì lời chứng ấy không thật. Chúa Giesu đáp = Dẫu Ta tự làm chứng về mình thì lời chứng của Ta cũng là thật. Vì Ta biết Ta từ đâu đến và đi đâu. Song các ngươi không biết Ta từ đâu đến và đi đâu” ( Ga 8, 12 -14).

Đúng là không ai có thể làm chứng cho mình, bởi lẽ làm  sao có thể tin được lời người ấy là thật ? Thế nhưng Chúa Giesu lại khẳng định mình là sự sáng thế gian, những ai  theo Ngài thì  không bước đi trong tối tăm lầm lạc. Người Do Thái không tin con đường sự sáng ấy và như thế họ đã không có sự thật ở nơi mình. Còn về phần  những người có đạo, chúng ta có bước đi  con đường sự sáng của Đức Kito hay không ?

Giáo Hội sở dĩ có thể tồn tại sau hai ngàn năm cho đến ngày nay đó là nhờ bởi vô vàn vô số chứng nhân đã tin và đi theo con đường sự sáng sự thật. Trong số vô vàn chứng nhân ấy chúng ta thấy có một người chứng nổi bật nhất đó là Thánh Phaolo, người Tông đồ vĩ đại đã được chọn cho dân ngoại. Trước khi được ơn trở lại, Phaolo mang tên Saulo là người bắt bớ Đạo Thánh Chúa một cách dữ dội “ Vả Saulo cứ thở hơi ngăm đe và tàn sát tín đồ của Chúa, đến cùng thầy tế lễ thượng phẩm, xin những bức thơ đạt cho nhà hội tại Đamat hầu hễ gặp ai thuộc về Đạo bất cứ đàn ông, đàn bà thì trói giải về Gierusalem” ( Cv 9, 1 -2).

Một người đã đe dọa, bắt bớ Đạo kể cả đồng lõa trong việc giết hại Thánh Etien “ Saulơ rất vui lòng  về cái chết của người” ( Cv 7. 60). Thế nhưng ông đã trở lại và sự trở lại ấy là một lời chứng hùng hồn nhất cho thấy Đạo Chúa là đạo chân thật. Phaolo trước khi trở lại là một trí thức Do Thái ghét  đạo bao nhiêu thì nay chẳng những nhiệt thành rao giảng mà còn rất đỗi tự hào  về việc rao giảng ấy “ Vì tôi đã quyết định rằng ở giữa anh em tôi  chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Giesu Kito và Giesu Kito chịu đóng đinh trên thập tự giá. Tôi ở giữa anh em bộ yếu đuối sợ sệt và run rẩy lắm: lời tôi nói, đạo tôi giảng chẳng phải bằng lời khéo léo của sự khôn ngoan nhưng bằng sự chứng minh của Thánh linh và quyền năng. Hầu cho đức tin của anh  em chẳng lập trên sự khôn ngoan của loài người, bèn là trên quyền năng của Đức Chúa Trời” ( aC 2, 2 -5).

Lời rao giảng cũng như các thư của Thánh Phaolo sở dĩ có thể lôi cuốn khiến người ta tin theo là bởi đó không phải là sự khôn ngoan thế gian nhưng là sự khôn ngoan Thiên Chúa tức từ nội tâm mà phát xuất. Nhận định như thế  để cho thấy tất cả những lời chứng chỉ có thể đáng tin khi nào nó xuất phát từ nội tâm con người. Người làm chứng về đạo hoàn toàn không giống những người tuyên truyền cho một chủ nghĩa nào đó. Người làm công việc tuyên truyền không nhất thiết phải tin vào chủ thuyết, mặc dầu có thể họ cũng nhiệt thành, có khi dám chịu vào tù hoặc hy sinh cả tính mạng. Trái lại với những chứng nhân thì lòng tin là cái quyết định và lòng tin ấy không phải là cái chi đó còn mù mờ lưỡng lự. Lý do khiến cho lòng tin của chứng nhân  có tính quyết định như thế  là bởi nó được thúc đẩy bởi lòng mến. Thánh Phaolo và toàn thể chứng nhân khác cố nhiên lòng tin của họ mạnh lắm chứ, thế nhưng nếu chỉ có lòng tin thôi thì khó thể làm việc của chứng nhân nếu thiếu đi lòng mến. Chính là Thánh Phaolo đã nói lên ý tưởng này “ Đức tin khởi đầu mọi sự nhưng không hoàn tất chi cả. Nó phải được hoàn thành trong đức mến” ( Gal 5, 6).

Khủng hoảng đức tin như lời đức Benedict XVI  là  thách thức lớn nhất cho Giáo Hội hôm nay. Nhưng để có thể vượt qua thách thức ấy thì chỉ có một con đường duy nhất đó là trở lại với Đấng Chúa ở nơi mình, bởi đây chính là con đường sự sáng mà Đức Kito đã chỉ cho chúng ta “ Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

Phùng  Văn  Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét