Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

[Video] Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19-26/10/2012: Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Lễ Phong Thánh và 6 vị Tân Hồng Y






1. Đức Thánh Cha triệu tập Công Nghị Hồng Y tấn phong cho 6 vị


Sáng thứ Tư 24 tháng 10, Đức Thánh Cha đã có buổi triều yết chung với đông đảo các tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Bắt đầu bài thứ hai trong loạt bài giáo lý dành riêng cho năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đã đặt ra hàng loạt những câu hỏi:



Đức tin là gì? Đức tin còn có ý nghĩa gì không trong một thế giới mà khoa học và công nghệ đã mở ra những chân trời mới mà, cho đến gần đây, vẫn còn là những điều không thể tưởng tượng nổi? Tin ngày hôm nay có nghĩa là gì? 



Những câu hỏi "khôn nguôi" này là điển hình của thế giới ngày nay trong đó có một loại văn hóa nhất định dạy bảo chúng ta chỉ nên giới hạn trong chiều kích của những gì là khả thi, chỉ nên tin vào những gì chúng ta có thể nhìn thấy hay động chạm đến được. 



Mặt khác, lại có đông đảo những con người mất phương hướng và trong khi tìm cách vượt qua chiều kích duy thực tại, họ sẵn sàng tin vào bất cứ điều gì.



Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng nói thêm, những câu hỏi này cũng cho thấy bất kể những khám phá "vĩ đại" của con người, chúng ta vẫn cần và ao ước được vươn lên xa hơn những gì là hữu hình. Chúng ta cần và đang tìm kiếm "tình yêu, ý nghĩa và hy vọng, cũng như một nền tảng chắc chắn để giúp chúng ta sống với một ý nghĩa đích thực ngay cả trong những khoảnh khắc khủng hoảng, bóng tối, khó khăn và các vấn nạn hàng ngày. 



Chính Đức tin đem lại cho chúng ta điều đó.



Sau đó, Đức Thánh Cha nói với anh chị em tín hữu rằng:



"Và giờ đây, tràn ngập niềm vui, tôi thông báo với anh chị em rằng vào ngày 24 tháng 11, tôi sẽ triệu tập một Công Nghị Hồng Y trong đó tôi sẽ bổ nhiệm sáu thành viên mới của Hồng Y Đoàn. Các Hồng Y có nhiệm vụ giúp đỡ người kế vị Thánh Phêrô trong việc thực hiện sứ vụ của mình là củng cố anh em trong đức tin, tăng cường các nguyên tắc và nền tảng cho sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo Hội.



Dưới đây là danh sách các Tân Hồng Y



Đức Cha James Michael Harvey, Trưởng Phòng Quản Gia Phủ Giáo hoàng.



Đức Thượng Phụ BÉCHARA Boutros Rai, Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite tại Li Băng.



Đức Thượng Phụ BASELIOS CLEEMIS THOTTUNKAL, Giám Mục Trưởng Trivandrum Siro Malankaresi ở Ấn Độ.



Đức Cha JOHN OLORUNFEMI ONAIYEKAN, Tổng Giám Mục di Abuj (Nigeria)



Đức Cha Ruben Salazar Gomez, Tổng Giám mục thủ đô Bogotá (Colombia)



Đức Cha Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila (Philippines).



Các Tân Hồng Y, như anh chị em vừa nghe, đã thực hiện sứ vụ của họ tại Giáo Triều Rôma hoặc là các mục tử của Giáo Hội trong các phần khác nhau của thế giới.



Tôi mời gọi mọi người cầu nguyện cho các vị tân chức, khẩn cầu sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, để họ luôn luôn yêu thương và can đảm và quảng đại cống hiến cho Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. 



2. Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho 7 vị Chân Phước



Biến cố nổi bật trong mấy ngày qua là việc Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 7 vị chân phước lên bậc hiển thánh, trước sự hiện diện của gần 90 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô hôm Chúa Nhật 21 tháng 10.



Từ mờ sáng, đông đảo anh chị em tín hữu từ nhiều quốc gia đã tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để chờ đợi buổi lễ. Lúc 9h sáng, ca đoàn Sistina với 200 ca viên đã hát thánh ca và cùng với cộng đoàn đọc kinh Mân Côi.



Bên trái bàn thờ trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô được dành cho các phái đoàn chính phủ các nước và ngoại giao đoàn; bên phải dành cho 50 vị Hồng Y và đông đảo các nghị phụ, các giáo sĩ, và tu sĩ. Trên mặt tiền đền thờ có treo chân dung rất lớn của 7 vị thánh mới.



Trong những lần phong thánh trước đây, lễ nghi phong thánh được diễn ra sau phần Phụng Vụ Lời Chúa. Lần này theo quyết định của Đức Thánh Cha, lễ nghi phong thánh được cử hành trước khi thánh lễ bắt đầu. 



Đúng 9 giờ 20 chuông Đền thờ được đánh lên rồi 50 vị đồng tế gồm 6 Hồng Y, 18 Giám Mục và 26 linh mục có liên hệ đặc biệt với 7 vị sắp được tôn phong hiển thánh, cùng với Đức Thánh Cha đi rước từ bên trong Đền thờ ra lễ đài, trong khi ca đoàn hát kinh cầu các thánh.



Sau khi Đức Thánh Cha hôn và xông hương bàn thờ, rồi an vị trên toà của ngài, Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyện viên tiến lên trước Đức Thánh Cha thực hiện nghi thức lần thỉnh cầu ngài ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ các thánh.



Sau đó, Đức Thánh Cha đã long trọng đọc công thức:



“Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng cường đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Kitô, của hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và của chúng tôi, sau khi đã cầu nguyện lâu và suy nghĩ chín chắn, với ơn phù trợ của Chúa, sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định các chân phước: Jacques Berthieu, Phêrô Calungsod, Giovanni Battista Piamarta, Maria Carmen Sallés y Barangueras, Marianne Cope, Kateri Takakwitha và Anna Schaeffer là thánh và ghi tên các vị vào sổ bộ các thánh và truyền phải sốt sắng tôn kính các vị trong toàn thể Giáo Hội”.



Cộng đoàn tung hô Amen ba lần, trước khi thánh tích của các vị được rước lên đặt cạnh bàn thờ và được xông hương tôn kính, rồi ca đoàn và mọi người hát kinh Te Deum, tạ ơn Thiên Chúa:



Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phong thánh tiến lên ngỏ lời cám ơn Đức Thánh Cha và thánh lễ được chính thức bắt đầu với bài ca nhập lễ, và diễn tiến như trong các thánh lễ Chúa Nhật.



Bài giảng của Đức Thánh Cha



Giảng sau bài Tin Mừng về sự tích hai anh em ông Gioan và Giacôbê xin Chúa Giêsu cho ngồi bên hữu và bên tả Người khi Người được vinh quang, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:



1. “Con người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người”. Những lời này trở thành chương trình sống của 7 vị Chân Phước mà hôm nay Giáo Hội long trọng ghi tên vào hàng ngũ vinh hiển của các thánh. Các ngài đã anh dũng dâng mạng sống mình, tận hiến cho Thiên Chúa và quảng đại phục vụ anh chị em đồng loại. Các vị là con cái của Giáo Hội, đã chọn con đường phục vụ noi gương Chúa. Sự thánh thiện trong Giáo Hội luôn có nguồn mạch từ mầu nhiệm cứu chuộc, được ngôn sứ Isaia báo trước trong bài đọc thứ I: Vị Tôi Tớ Chúa là người Công Chính ‘làm cho nhiều người nên công chính, Người mang lấy tội lỗi của họ’ (Is 53, 11), Đó chính là Chúa Giêsu Kitô, chịu đóng đanh, sống lại và đang sống trong vinh quang. Lễ phong thánh hôm nay là lời khẳng định hùng hồn về thực tại cứu độ huyền nhiệm ấy. Sự kiên trì của 7 môn đệ Chúa Kitô trong việc tuyên xưng đức tin, sự trở nên đồng hình dạng của các vị với Con Người ngày hôm nay đang chiếu tỏa rạng ngời trong toàn Giáo Hội.



Sau đó, Đức Thánh Cha đã lần lượt tóm lượt tiểu sử và sứ điệp nổi bật của 7 vị thánh mới.



Cuối cùng ĐTC kết luận rằng:



“Anh chị em thân mến, các vị thánh mới, tuy có nguồn gốc, ngôn ngữ, quốc tịch và hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng đều liên kết với toàn thể Dân Chúa trong mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Cùng với các ngài, cả chúng ta nơi đây, hiệp với các nghị phụ Thượng HĐGM đến từ các nơi trên thế giới, liên kết với những lời của Thánh Vịnh tung hô Chúa là “ơn phù trợ và là khiên thuẫn của chúng ta”, và chúng ta cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, ước gì tình thương Chúa đổ trên chúng con, như chúng con hy vọng nơi Chúa' (Tv 32,20-22). Ước gì chứng tá của các vị thánh mới, cuộc sống các ngài quảng đại dâng hiến vì tình thương Chúa Kitô, nói với toàn thể Giáo Hội ngày nay, và lời chuyển cầu của các ngài củng cố và nâng đỡ Giáo Hội, trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới.



Cuối thánh lễ, vào lúc 11 giờ 40, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin. Trong lời nhắn nhủ trước khi đọc kinh, ngài mời gọi các tín hữu hướng về Mẹ Maria, Nữ Vương các thánh, và đặc biệt nghĩ đến Lộ Đức, bị lụt vì mưa lũ làm nước sông Gave dâng cao, ngập cả Hang Đá Đức Mẹ hiện ra. Đức Thánh Cha nói: “Đặc biệt hôm nay, chúng ta hãy phó thác cho sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Maria các thừa sai nam nữ, các linh mục, tu sĩ và giáo dân, đang gieo hãi hạt giống tốt lành của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục trong những tuần lễ này đang đương đầu với thách đố tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin.



Bằng nhiều thứ tiếng, Đức Thánh Cha cũng chào thăm các phái đoàn chính quyền và các tín hữu đến tham dự lễ phong thánh. Sau kinh truyền tin, Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho các tín hữu như mọi khi.



3. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới.



Trong phiên họp khoáng đại thứ 19 diễn ra vào sáng thứ Ba 23 tháng 10, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha và dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Laurent Monsengwo, Tổng Giám Mục Kinshasa Congo, Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng tường trình viên, và vị Tổng thư ký đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Pierre-Marie Carré, là Tổng Giám Mục Montpellier, đã trình bày danh sách duy nhất các đề nghị đã được đúc kết trong ngày hôm trước. Danh sách đó được phát cho các nghị phụ để nghiên cứu riêng và chuẩn bị những gì cần tu chính. Các vị có thể trình bày trong các phiên họp nhóm.



Tiếp đến, các vị tiến hành việc bầu cử vòng hai để chọn 12 thành viên của Hội đồng hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục. Cùng với 3 vị sẽ được Đức Thánh Cha bổ nhiệm, Hội đồng này có nhiệm vụ tiếp nối công việc sau đó của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13, trợ giúp Đức Thánh Cha soạn thảo Tông Huấn, cũng như chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 trong tương lai.



Sau công việc trên đây, các nghị phụ lại họp trong 12 nhóm nhỏ cho đến trưa và cả ban chiều để chuẩn bị sửa chữa các đề nghị.



Các đề nghị này sẽ được bỏ phiếu chung kết trong phiên khoáng đại thứ 22 sáng thứ Bẩy, 27 tháng 10 tới đây, để sau đó đệ trình lên Đức Thánh Cha, ngài sẽ dựa vào đó để soạn Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ này.



Sáng Chúa Nhật 28 tháng 10, Đức Thánh Cha sẽ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục. Chúng tôi sẽ có phóng sự đặc biệt về biến cố này, xin quý vị và anh chị em nhớ theo dõi.



4. Hoãn lại chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh tại Siria



Cũng trong phiên họp khoáng đại thứ 19 của Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra vào sáng thứ Ba 23 tháng 10, Đức Hồng Y Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, thông báo chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh và các nghị phụ tại Siria được hoãn lại đến sau Thượng Hội Đồng Giám Mục hiện nay.



Đức Hồng Y Bertone nói: 



Thứ Ba 16 tháng10 vừa qua, trước công nghị Giám Mục này, tôi đã thông báo quyết định của Đức Thánh Cha gửi một phái đoàn đến Damascus để bày tỏ tình liên đới của Ngài và của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng như của toàn thể Giáo Hội với dân chúng tại Siria từ lâu đang phải sống trong tình trạng đau khổ bi thảm, đồng thời bày tỏ sự gần gũi tinh thần của chúng ta với anh chị em tín hữu Kitô tại Siria, cũng như khích lệ những người đang dấn thân tìm kiếm một giải pháp tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả mọi người.



Sáng kiến này đã có tiếng vang lớn, không những tại Roma này hoặc tại Siria, nhưng cả trên cấp độ quốc tế, và nhận được sự hưởng ứng tích cực.



Trước tiên tôi muốn thông báo cho anh chị em rằng tiếp theo đó, vấn đề tiếp tục được nghiên cứu và chuẩn bị cho cuộc viếng thăm, mặc dù có những biến cố bi thảm xảy ra trong những ngày qua.



Như đã biết, có một ước muốn nồng nhiệt biểu lộ sự gần gũi của Tòa Thánh và Giáo Hội hoàn vũ qua một Phái đoàn đến Damascus trong thời gian và theo thể thức đã được loan báo trước, sau khi đã được xác định dưới ánh sáng những cuộc tiếp xúc và chuẩn bị đang được thực hiện. Xét vì tình trạng trầm trọng, nên cuộc viếng thăm sẽ được hoãn lại, có lẽ là sau khi Thượng Hội Đồng Giám Mục kết thúc, như thế sẽ có vài thay đổi trong thành phần của Phái đoàn, cũng vì công việc của các nghị phụ.



Số tiền do các nghị phụ đóng góp cùng với số tiền do Tòa Thánh tặng sẽ được gửi tới Siria, sau Thượng Hội Đồng Giám Mục này, như một cử chỉ huynh đệ liên đới với toàn thể dân chúng tại Siria.



Sự dấn thân cầu nguyện vẫn được tiếp tục, lời cầu nguyện luôn được Chúa lắng nghe và tôi mời gọi quí vị hiệp với chúng tôi trong niềm tín thác được đổi mới.



5. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 trao giải thưởng Ratzinger cho hai học giả nổi bật về các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.



Sáng 20 tháng 10, Đức Thánh Cha đã trao giải Ratzinger cho cha Brian E. Daley, 72 tuổi, dòng tên người Mỹ, chuyên gia về giáo phụ học và là giáo sư tại đại học Notre Dame, của dòng Thánh Giá, bang Indiana Hoa Kỳ; và ông Rémi Brague, người Pháp, giáo sư triết học các tôn giáo Âu Châu tại đại học Ludwig Maximilian ở Munich bên Đức. Kèm theo mỗi giải thưởng có ngân phiếu 50 ngàn Euro.



Việc chọn người trúng giải do một Ủy ban giám khảo do ĐHY Camillo Ruini làm chủ tịch. Ngài nguyên giám quản giáo phận Roma và Chủ tịch HĐGM Italia.



Lên tiếng trước khi trao giải thưởng, trước sự hiện diện của 400 người tại phòng Clementina trong dinh Tông Tòa, ĐTC đề cao sự nghiệp nghiên cứu của hai học giả, đặc biệt là việc phục vụ quí giá của hai vị trong ngành giáo dục. Ngài nói:



"Năm nay, hai người đoạt giải là những người xuất sắc và dấn thân sâu xa vào hai khía cạnh rất quan trọng đối với Giáo Hội ngày nay: đó là đại kết và mối quan hệ với các tôn giáo khác."



Đức Thánh Cha nhận xét rằng những nhân vật như cha Daley và Giáo sư Brague thật là gương mẫu trong việc thông truyền một kiến thức biết liên kết khoa học với sự khôn ngoan, nghiên cứu khoa học nghiêm túc và lòng say mê đối với con người, để có thể khám phá “nghệ thuật sống”. Đó chính là những người, nhờ đức tin được soi sáng và sống thực, họ làm cho Thiên Chúa trở nên gần gũi và đáng tin cậy nơi con người ngày nay, là điều mà chúng ta đang cần; họ là những người luôn ngắm nhìn Thiên Chúa và kín múc từ nguồn mạch ấy tình nhân đạo đích thực để giúp đỡ những người Chúa đặt trên con đường chúng ta, để họ hiểu rằng Chúa Kitô chính là con đường sự sống; các nhân vật ấy là những người có trí tuệ được ánh sáng của Thiên Chúa soi sáng để có thể nói với tâm trí của tha nhân”. 



Đức Thánh Cha nói tiếp:



"Chắc chắn sẽ rất thú vị, thưa cha và thưa giáo sư thân mến, khi được nghe những suy tư và kinh nghiệm của hai vị trong các lĩnh vực đóng một phần quan trọng trong cuộc đối thoại của Giáo Hội với thế giới đương đại."



6. Đức Tổng Giám Mục Gustavo Garcia-Siller: "Sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần là rất quan trọng cho Tân Phúc Âm Hóa"



Đức Tổng Giám Mục Gustavo Garcia-Siller, là Tổng Giám Mục San Antonio, Texas thừa nhận rằng những thách thức đối với Giáo hội đôi khi có vẻ như rất áp đảo. Nhưng ngài nói rằng, để làm sống lại đức tin trong thế giới phương Tây, không cần thiết phải có sự tái tạo Tin Mừng. Không cần phải có những chương trình mới hoặc những ý tưởng lạ, nhưng điều cần thiết là giao tiếp cùng một sự thật với thế giới hiện đại qua Chúa Thánh Thần.



Trong tiến trình Tân Phúc Âm Hóa, người Công giáo không thể đánh giá thấp giá trị của gia đình và sự hình thành đức tin nơi trẻ em ngay từ thời thơ ấu. Ngài nói rằng sự chuyển hóa bắt đầu từ trong gia đình và trong giáo xứ địa phương.



Đức Cha nói:



"Tất cả chúng ta, những người có vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội, do đó, các giám mục, tu sĩ và giáo dân, tất cả chúng ta đều cần phải có một sự đào tạo thích hợp. Và để điều đó xảy ra, đầu tiên chúng ta cần phải tăng cường phẩm chất dạy giáo lý".



Khi nói đến trào lưu tục hóa ở Mỹ, ngài nói rằng các mối đe dọa tự do tôn giáo ngày nay có thể cảm nhận rất rõ ràng tại Hoa Kỳ. 



Ngài nhấn mạnh



"Chúng tôi được bảo cho biết là ‘hãy sống đức tin của bạn trong phạm vi gia đình của bạn, trong Giáo Hội của bạn, trong con tim bạn mà thôi’. Tuy nhiên, với những giới hạn như thế, chúng ta không thể là những chứng nhân trung thành đích thực của Chúa Giêsu Kitô. "



7. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới



Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là trao đổi ý kiến, trình bày hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội tại các điạ phương và nêu ra những thách đố mà Giáo Hội phải đối phó. Giai đoạn này đã được hoàn thành. Giờ đây, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới bước qua giai đoạn tiếp theo với việc tìm kiếm các phương án cụ thể để đối phó với những thách thức mà Giáo Hội phải đối diện.



Sáng 19 tháng 10, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã nhóm phiên khoáng đại thứ 17, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha và 253 nghị phụ, để nghe đại diện của 12 nhóm tường trình kết quả các cuộc thảo luận trong hai phiên họp nhóm sáng và chiều thứ Năm 18 tháng 10. Những đề nghị cụ thể sau đã được đưa ra trong ngày thứ Năm:



a) Tăng cường đối thoại đại kết và liên tôn: đối thoại đại kết làm cho việc rao giảng Tin Mừng đáng tin cậy, đối thoại liên tôn, nhất là dự trên ý thức sâu xa về Kinh Thánh và các chứng tá cuộc sống sẽ giúp phổ biến Lời Chúa ngay tại các nước Hồi giáo.



b) Liên quan đến lãnh vực chính trị: các Giám Mục phải sống hợp với đức tin, và không thể có thái độ thỏa hiệp với các nhà cầm quyền đặc biệt là với các thể chế độc tài hay các chính quyền đang theo đuổi những chính sách công kích sự sống và các định chế hôn nhân và gia đình, trái lại cần để cho lương tâm ngay thẳng và những giá trị không thể thương lượng hướng dẫn. Trong bối cảnh đó, các nghị phụ đề nghị tái đẩy mạnh các hoạt động công lý và hòa bình, theo giáo huấn xã hội của Hội Thánh, và đứng hẳn về phía người nghèo, để việc rao giảng Tin Mừng đáng được tin cậy, cũng như kiến tạo những ốc đảo thực sự trong đó con người gặp gỡ Thiên Chúa.



c) Liên quan đến cuộc khủng hoảng sâu đậm của gia đình: gia đình là nòng cốt của việc rao giảng Tin Mừng, cần phải được nâng đỡ, khích lệ các bậc cha mẹ như những người đầu tiên giảng dạy giáo lý cho con cái. Các Giám Mục cũng tái khẳng định tầm quan trọng của bí tích hôn phối. Trong viễn tượng này, cần dành chỗ đứng cho cả các bậc cao niên trong gia đình; một số nghị phụ đề nghị thiết lập thừa tác vụ 'đọc sách' (lectorato) Kinh Thánh trong các thánh lễ. 



d) Các nghị phụ cũng đã thảo luận về các vấn đề khác như: các phương tiện truyền thông, duyệt lại việc huấn giáo và thực hành các bí tích khai tâm, suy tư về hiện tượng hoàn cầu hóa, các giáo xứ và các cộng đoàn nhỏ...



Trong phiên họp khoáng đại thứ 18 vào sáng thứ Bẩy 20 tháng 10, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã nghe trình bày dự thảo Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới gửi cộng đồng dân Chúa.



8. Sự hiệp nhất trong Giáo Hội



Một trong những vấn đề được đề cập tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới là vấn đề hiệp nhất trong nội bộ Giáo Hội. Sự thiếu hiệp nhất trong Giáo Hội là một trong những yếu tố gây ra những khó khăn trầm trọng. Chẳng hạn, có khác biệt sâu xa trong sự đáp trả của các Giám Mục, các chính trị gia và anh chị em tín hữu Công Giáo tại Hoa Kỳ trước những tấn kích liên tục của chính quyền Obama vào sự sống và những định chế của hôn nhân và gia đình. 



Đức Hồng Y Marc Ouellet của Canada nhấn mạnh đến sự hiệp nhất giữa các đấng bản quyền địa phương, các linh mục triều và các linh mục dòng.



Vị Tổng Trưởng của Thánh Bộ Giám Mục, cho biết thường có bất đồng giữa các giám mục và các linh mục dòng. 



Chủ tịch của Phong trào Focolare, Maria Voce, người đứng đầu một trong các phong trào lớn nhất, cổ vũ sự hiệp nhất giữa các tổ chức, phong trào và các hội đoàn Công Giáo và coi đó là điều cần thiết cho tiến trình Tân Phúc Âm Hóa.



Bà bày tỏ lạc quan về điều này:



"Tham gia trong Thượng Hội Đồng là một kinh nghiệm rất quan trọng đối với tôi. Chúng tôi đang nhìn thấy một cách rõ ràng hơn, các nghị phụ đánh giá cao các phong trào Giáo Hội và mục tiêu tinh thần của họ, đặc biệt là trong Tân Phúc Âm Hóa. Họ nhận ra những phong trào này như là ân sủng của Chúa Thánh Thần có thể làm sống lại các cộng đồng và các gia đình. "



9. Tóm lược của Đức Hồng Y Donald Wuerl 



Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục Washington, có một vai trò đặc biệt trong Thượng Hội Đồng. Ngài là Tổng Tường Trình Viên, tức là người chịu trách nhiệm tổng kết hơn 300 bài thuyết trình. Trong bản tóm tắt của mình, ngài nhấn mạnh ba điểm chính, đó là học cách giao tiếp với thế giới hiện đại, kêu gọi sống nên thánh và vai trò của các giáo xứ trong Tân Phúc Âm Hóa.



Đức Hồng Y Donald Wuerl nói rằng giao tiếp với thế giới tân tiến hôm nay đòi hỏi phải sử dụng ngôn ngữ hiện đại để đề cập với thế giới về Thiên Chúa. Chẳng hạn, Giáo Hội có thể tìm hiểu về điều này từ những người giao tiếp chuyên nghiệp trong ngành truyền thông.



Về ơn gọi nên thánh phổ quát, ngài nói tất cả các Kitô hữu phải truyền bá đức tin của họ ở bất cứ nơi nào họ đang hiện diện như công xưởng, trường học, trong lãnh vực chính trị, kinh doanh... Đó không chỉ giới hạn trong việc mời gọi người khác tiếp nhận đức tin, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải sống đức tin và nêu gương cho người khác qua hành động.



Các giáo xứ phải đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong việc quy tụ anh chị em giáo dân vào các hoạt động sống động của Tân Phúc Âm Hóa, khích lệ các sáng kiến và tạo điều kiện cho các phong trào Công Giáo hoạt động mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong lãnh vực củng cố đức tin trước những thách đố cụ thể của từng địa phương.



10. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 gởi điện văn chia buồn về vụ tấn công bằng bom tại Beirut



Chỉ một tháng sau chuyến viếng thăm Li Băng của Đức Thánh Cha, một vụ tấn công bằng bom đã diễn ra hôm thứ Sáu 19 tháng 10 làm rung chuyển khu Kitô Giáo của thủ đô Beirut, giết chết tướng Wissam al-Hassan, tư lệnh các lực lượng tình báo Li Băng, 2 người khác và làm 80 người bị thương nặng.



Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gởi điện chia buồn đến Đức Thượng Phụ Bechara Boutros Rai. Điện văn viết như sau:



Được tin về cuộc tấn công kinh hoàng tại Beirut, giết chết nhiều người, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 hiệp ý cầu nguyện trong nỗi đau của các gia đình tang quyến, và trong nỗi buồn của tất cả mọi người dân Li Băng. Ngài phó thác các nạn nhân cho Thiên Chúa, Đấng đầy lòng thương xót, xin Chúa thương đón nhận họ vào trong ánh vinh quang của Ngài. 



Đức Thánh Cha bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất với những người bị thương và gia đình họ, xin Chúa ban cho họ ơn phù trợ và sự an ủi trong lúc thử thách này. 



Như đã làm trong chuyến tông du của ngài tại Li Băng, Đức Thánh Cha một lần nữa lên án bạo lực tạo ra rất nhiều đau khổ và xin Chúa ban hòa bình và hòa giải cho Li Băng và toàn khu vực. 



Đức Thánh Cha chân thành khấn xin muôn ơn lành của Thiên Chúa tuôn đổ trên gia đình các nạn nhân và tất cả người dân Li Băng.



11. Đức Thượng Phụ Bechara Boutros Rai lên án cuộc tấn công bằng bom tại Li Băng



Đức Thượng Phụ Bechara Boutros Rai là Thượng Phụ thành Antioch của Công Giáo nghi lễ Maronites đã mạnh mẽ lên án cuộc tấn công bằng bom tại thủ đô Beirut hôm thứ Sáu 19 tháng 10.



Đức Thượng Phụ Bechara Boutros Rai hiện đang có mặt tại Rôma để tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới nói với thông tấn xã Fides rằng "cuộc tấn công tàn bạo nhằm giết chết người đứng đầu lực lượng an ninh Li Băng, cho thấy bóng tối của tội ác vẫn tiếp tục hoành hành và các thủ phạm chẳng sợ Thiên Chúa cũng như sự phán xét của lịch sử”



Đức Thượng Phụ nói rằng vụ tấn công này là một sự chà đạp hy vọng hòa bình vừa chớm nở từ chuyến tông du của Đức Thánh Cha trong tháng qua.



Cuộc tấn công hôm thứ Sáu 19 tháng 10 đã làm bùng lên những căng thẳng mới trong khu vực. Tướng Wissam al-Hassan là người có lập trường chống Syria nên trong những cuộc biểu tình vừa nổ ra sau cuộc khủng bố, người dân Li Băng đã mạnh mẽ lên án chế độ của tổng thống Bashar Assad tại Syria. Nhóm Hezbollah, là nhóm thân Syria bị nghi là đã thực hiện cuộc tấn công theo chỉ thị của Damascus. Trong khi đó, Iran là nước ủng hộ chế độ của tổng thống Bashar Assad tại Syria lại quy trách nhiệm vụ này cho tình báo Israel.



12. Đức Thánh Cha triệu tập các sứ thần và khâm sứ Tòa Thánh về Vatican



Trong bài nói chuyện hôm 18 tháng 10 tại Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết là Đức Thánh Cha sẽ triệu tập một buổi họp với các sứ thần và khâm sứ Tòa Thánh tại Rôma vào tháng Sáu năm 2013. 



Nhấn mạnh về sự đóng góp của các vị đại diện của Đức Thánh Cha tại các nước trong việc tân Phúc Âm Hoá, Đức Hồng Y Bertone nói rằng tự do của Giáo Hội là rất cần thiết cho sứ mệnh truyền giáo. Trích dẫn diễn từ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 dành cho ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh vào đầu năm nay, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng các vị đại diện của Đức Thánh Cha đóng một vai trò thiết yếu tại những nơi mà "trật tự về pháp lý và xã hội bị lèo lái bởi các hệ thống triết lý và chính trị kiểm xoát chặt chẽ hay độc đoán xã hội."



Ngài nói: “Trong bối cảnh này, hoạt động của các vị đại diện của Đức Thánh Cha, trong tiến trình đối thoại với các chính quyền dân sự, không nhắm mục đích tìm kiếm những đặc quyền lỗi thời, nhưng là để bảo đảm cho Giáo Hội, trong điều kiện tốt đẹp nhất, có được tự do trong việc cai quản nội bộ và thi hành sứ mệnh đã được Chúa ủy thác một cách chính đáng."



Đức Hồng Y Bertone cũng nói đến vai trò của các Quan Sát Viên và Đại Diện của Tòa Thánh tại các Tổ Chức Quốc Tế, như Liên Hiệp Quốc. 



Đức Hồng Y nói: “Trong khi bảo vệ các nhân quyền căn bản, họ cũng bảo vệ cho viễn ảnh Kitô giáo của nhân loại mà ngày nay đang bị lâm nguy vì các yếu tố quá khích của một thứ chủ nghĩa tương đối đang thống trị nhiều xã hội."



13. Sứ điệp nhân ngày lương thực thế giới



Trong sứ điệp nhân ngày lương thực thế giới, cử hành hôm 16 tháng 10, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đề cao vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới.



Trong sứ điệp gửi đến Ông José Graziano da Silva, Tổng giám đốc tổ chức lương nông quốc tế, Đức Thánh Cha đặc biệt bày tỏ sự hài lòng về đề tài được chọn cho Ngày lương thực thế giới năm nay là “Các hợp tác xã nông nghiệp nuôi dưỡng thế giới”. Ngài viết: “Vấn đề ở đây không phải chỉ là nâng đỡ các hợp tác xã như một hình thức tổ chức kinh tế và xã hội, nhưng còn coi chúng như một phương thế thực sự của hoạt động quốc tế. Kinh nghiệm tại nhiều nước chứng tỏ rằng các hợp tác xã, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động nông nghiệp, chúng còn là một phương thế giúp các nông dân và dân chúng ở nông thôn trong những thời điểm quyết định và đồng thời là một dụng cụ hữu hiệu để thực hiện sự phát triển toàn diện, trong đó con người là nền tảng và là mục đích”.



Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Nhờ dành ưu tiên cho chiều kích nhân bản, các hợp tác xã nông nghiệp có thể vượt lên trên khía cạnh hoàn toàn là kỹ năng canh tác, đặt chiều kích con người ở trung tâm các hoạt động kinh tế, nhờ đó giúp mang lại câu trả lời thích hợp cho các nhu cầu đích thực của địa phương. Đây là một quan điểm khác với quan điểm chịu ảnh hưởng của các biện pháp quốc nội và quốc tế chỉ nhắm mục tiêu duy nhất là chạy theo lợi nhuận, bảo vệ thị trường, dùng các nông phẩm ngoài mục tiêu lương thực, cũng như du nhập tràn lan những kỹ thuật sản xuất mới mà không có sự thận trọng cần thiết.”



14. Một Giám Mục Trung quốc gởi thư cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới



Sáng ngày 16 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Eterovic, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, đã đọc thư của Đức Cha Lucas Lý Kinh Phong, Giám Mục Giáo phận Phượng Tường thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.



Đức Cha Lý Kinh Phong năm nay 90 tuổi, được trả tự do năm 1979 sau 20 năm tù trong thời cách mạng văn hóa. Ngài sinh năm 1922, thụ phong linh mục năm 1947 và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị bổ nhiệm Giám Mục Phượng Tường vào năm 1980. Hai mươi bốn năm sau đó, nhà nước Trung quốc mới công nhận ngài là Giám Mục. 



Giáo phận Phượng Tường hiện có 20 ngàn tín hữu Công Giáo. 



Sau lời chào thăm các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Đức Cha bày tỏ đau buồn vì không có ai từ Hoa Lục được tham dự công nghị Giám Mục lần này. 



Đức Cha đã kể lại cuộc sống đức tin nhiệt thành của các tín hữu Công Giáo Trung Quốc dù trong hoàn cảnh bị bách hại thường xuyên và xin các nghị phụ cầu nguyện thêm cho Giáo Hội tại Hoa Lục.

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét