LTCGVN (05.07.2014)
Hằng năm, vào mùa thi, anh em chúng tôi cố gắng tổ chức chương trình Tiếp Sức Mùa Thi, mọi sinh hoạt của Giáo Xứ đành xếp lại, tận dụng phòng ốc và nhân tài vật lực để giúp các thí sinh từ những miền quê xa xăm lên thành phố dự thi.
Có lắm khi nghe những thông tin của ngành giáo dục mà ngao ngán, nhưng biết làm sao hơn khi mùa thi còn đó, còn bao nhiêu bạn trẻ từ miền quê ngỡ ngàng giữa đô hội, không một người quen, không nơi nương tựa. Chuyện lùm xùm về đề án dạy học theo chương trình Anh ngữ rầm rộ mấy ngày nay trên báo chí. Ông Giám Đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo thành phố nói một đàng, ông Tổng Lãnh Sự Anh nói một nẻo, ngược hẳn nhau, ông nào nói đúng, ông nào nói sai ? Nói ông Tổng Lãnh Sự nói đúng, vọng ngoại chăng ? Nói ông Giám Đốc nói đúng, chẳng lẽ ông Tổng Lãnh Sự nói sai ? Toàn người lớn mà nói ngược nhau, tin ai ?
Chuyện chương trình học và sách giáo khoa, thay đổi liên tục. Việc ăn nói trước Quốc Hội mà như trò đùa, ông Thứ Trưởng thay mặt Bộ Trưởng nói 34.000 tỷ là kinh phí cải cách sách giáo khoa, Đại biểu phản ứng, ông Bộ Trưởng đi ngoại quốc về nói không có con số đó ! Cuối cùng, trước khi đi vào cõi thinh lặng, người ta bảo có người đưa con số đó cho ông Thứ Trưởng phát biểu ngay tại nghị trường, ông thứ trưởng cứ nói mà không biết mình nói gì, huề ! Hết ! Quốc Hội là cái gì mà ăn nói kiểu như vậy ? Bao nhiêu vụ như vậy rồi kết luận luôn là tại một ai đó vô danh, người đánh máy chẳng hạn, kỷ luật anh đánh máy. Hết !
Hệ thông đào tạo như thế, con người vận hành bộ máy đào tạo như thế, như những kịch sĩ múa rối vụng về thiếu lương tâm, hằng triệu bạn trẻ cuốn vào guồng máy đào tạo vô lý, hụt hẫng và què quặt, kéo theo hệ lụy bao nhiêu gia đình, bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu con người có tương quan, và chúng tôi những con người tình nguyện lao vao giòng xoáy vô hồn đó. ( Ảnh chụp Thánh Lễ dành riêng cho các thí sinh và tình nguyện viên TSMT chiều thứ năm 3.7.2014 ).
Hoàn toàn không kỳ vọng một tí gì về một thiết chế xã hội như vậy, nhưng không thể khoanh tay nhìn bao nhiêu bạn trẻ chịu sự thiệt thòi, chỉ vì khi vào giòng chảy đó, họ thiếu nhiều điều kiện để tham gia sòng phẳng với anh em khác. Họ nghèo, tham gia thi cử như là một lối thoát duy nhất ra khỏi kiếp vô cùng nghèo.
Trong bữa cơm trưa nay, các bạn trẻ tình nguyện “Tiếp Sứa Mùa Thi” của Nhà Thờ ngồi nói chuyện với nhau. Hôm nay đưa các thí sinh đi xem trường lớp. Có một anh tình nguyện viên kể lại rằng, sau khi đã đưa một thí sinh đến nơi sẽ thi ngày mai, cô bé liền rụt rè ngỏ lời xin được đi thăm thành phố: “Anh cho em đi thăm thành phố, em chưa biết thành phố bao giờ !” Phì cười trước sự chân thật của cô thí sinh, anh xe ôm tình nguyện chạy một vòng trong thành phố, bữa cơm trưa chàng kể lại với một vẻ tự hào vì đã làm một việc nghĩa. Chuyện lớn lao đối với cô bè chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ” đối với chàng.
Một giấc mơ nhỏ nhoi được đi thăm thành phố, bao nhiêu bạn trẻ đã ước mơ, một giấc mơ thật bình dị tầm thường nhưng khó thực hiện. Ngang trái và bất công, giấc mơ bé nhưng khó thực hiện, trong khi nhiều kẻ phung phí tiền bạc vào những chuyện vô bổ một cách dễ dàng không thương tiếc.
Trong Kinh Thánh có một câu chuyện cảnh giác mọi người tin, câu chuyện Ladarô nghèo và người phú hộ, cái đau khổ mà người phú hộ giàu có sẽ phải chịu do chính thái độ thờ ơ của ông trước cái nghèo cùng cực của người khác, Chúa là Thiên Chúa của sự công bằng sẽ có cách của Ngài để chia lại tài sản mà Chúa ban cho mọi người cùng chung hưởng, nếu còn có những ai “quần áo lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”.
Cách đây một tháng, có một cha đi về kể cho tôi nghe một đám “tạ ơn” của một Nữ Tu khấn trọn đời, tiệc hơn 50 bàn, ban nhạc chơi sôi nổi ầm ĩ…
Mùa “tạ ơn” đang nở rộ, Chúa nghĩ gì về những cuộc “tạ ơn” đó ? Và còn bao nhiêu những ước mơ nhỏ nhoi bình dị ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 3.7.2014
Theo EPHATA số 617
0 nhận xét:
Đăng nhận xét